Liêm chính trong đội ngũ cán bộ cơ quan Thanh tra nhà nước

Thứ ba, 31/10/2023 15:40
(ThanhtraVietNam) - Có thể hiểu “liêm chính trong đội ngũ cán bộ các cơ quan thanh tra nhà nước là các hành vi ứng xử hoặc hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đó dựa trên các chuẩn mực đạo đức và tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ, bảo đảm sự trung thực, ngay thẳng và không vụ lợi”. Những chuẩn mực liêm chính mà công chức Thanh tra dù ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng phải tuân thủ, không có chuẩn mực liêm chính riêng của từng lĩnh vực hoạt động.

Trong hệ thống các cơ quan kiểm soát quyền lực nhà nước, Thanh tra nhà nước có một vị trí và vai trò vô cùng đặc biệt, khác hẳn với mọi cơ quan nhà nước khác. Thanh tra là một chức năng, một bộ phận của quản lý, thanh tra không giống như các hoạt động chuyên môn khác mà là hoạt động nhằm bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật, giữ vững kỷ cương trật tự trong quản lý. Chính vì có một vai trò đặc biệt như vậy nên những yêu cầu về sự liêm chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước đòi hỏi ngoài những chuẩn mực chung còn có những đặc thù riêng.

Chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước và nền công vụ nước ta coi là “cái nền”, “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công chức và được gói gọn trong 4 chữ “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, suy rộng ra là “nhân, nghĩa, liêm, trí, dũng, tín”.  Với việc ban hành Luật Cán bộ, công chức, chế định công chức và đạo đức công vụ đã có bước phát triển và hoàn thiện mới, góp phần xác lập các chuẩn mực đạo đức - pháp lý cho cán bộ, công chức Việt Nam trong tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh. Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức còn được thể hiện và được quy định cụ thể ở các văn bản pháp luật khác như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (nguồn: hanam.gov.vn)

Các chuẩn mực về đạo đức công vụ đã được Nhà nước ban hành dưới các hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Từ những nội dung cơ bản này, Chính phủ và chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện và quản lý sâu rộng hơn, cụ thể hơn trong các hoạt động của nền công vụ. Đó là các quy định pháp luật về xây dựng cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức một cách minh bạch; những quy định nhằm tăng cường tính minh bạch thông qua việc công khai và giám sát đối với tài sản và trách nhiệm cá nhân, hoặc các quy định nhằm nâng cao đạo đức công vụ, hạn chế tiêu cực như sách nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ... 

Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho hoạt động và quản lý nhà nước có hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi có những cơ chế, quy định pháp luật tốt hơn, phù hợp hơn để duy trì và phát huy cao nhất các giá trị cơ bản của nền công vụ - một nền công vụ vì dân. Việc hình thành nên các chuẩn mực về tư cách đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức là rất quan trọng.

Những điều cấm đối với công chức trong ngành Thanh tra: được quy định trong rất nhiều văn bản luật: Luật Cán bộ công chức, Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng; trong nhiều văn bản hướng dẫn Luật. Các văn bản này đã quy định tương đối cụ thể các chuẩn mực về liêm chính mà công chức thanh tra phải tuân thủ, ví dụ như các hành vi bị nghiêm cấm: tự ý tiếp xúc với đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến nội dung thanh tra khi chưa được giao nhiệm vụ; làm mất, hư hỏng, tiêu hủy hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra; sử dụng trái quy định hoặc biển thủ hồ sơ, tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc thanh tra; nhận tiền, quà, tài sản; tổ chức, tham gia giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức; sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc; có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu, phát ngôn thiếu chuẩn mực khi làm việc với đối tượng thanh tra; Sử dụng phương tiện, tài sản của đối tượng thanh tra vào việc riêng… Các quy định này đã thể hiện thái độ quyết liệt hơn của ngành Thanh tra trong việc bảo đảm liêm chính của công chức trong hoạt động thanh tra

Luật Thanh tra quy định một loạt những hành vi nghiêm cấm đối với công chức, viên chức làm công tác thanh tra như cấm: lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra; đưa, nhận, môi giới hối lộ…. những hành vi bị nghiêm cấm này chính là để đảm bảo tính liêm chính trong hoạt động thanh tra của cán bộ thanh tra.

Vai trò, ý nghĩa của giáo dục liêm chính cho công chức ngành Thanh tra

Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, có phẩm chất đạo đức trong sáng, không tham nhũng, tiêu cực, xây dựng ngành Thanh tra vững mạnh, nâng cao uy tín của ngành Thanh tra.

Đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra là một bộ phận quan trọng của nền hành chính Nhà nước nói chung và của ngành Thanh tra nói riêng. Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức có tính chất quyết định chất lượng của nền hành chính và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức của ngành theo yêu cầu của Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đội ngũ cán bộ vững vàng về bản lĩnh chính trị, nhận thức đúng đắn về đạo đức công vụ, giỏi về năng lực chuyên môn, sẵn sàng hội nhập quốc tế, chính quy và ngang tầm nhiệm vụ là để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.

Vì vậy, lãnh đạo TTCP qua các thời kỳ luôn quan tâm và có giải pháp kịp thời để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ của ngành Thanh tra. Sự quan tâm đó được thể hiện trên rất nhiều phương diện, từ việc kiện toàn tổ chức bảo đảm kinh phí hoạt động nghiên cứu đào tạo, bồi dưỡng cho đến lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp đối với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó phải kể đến công tác xây dựng và tổ chức và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra hàng năm được Tổng TTCP phê duyệt ban hành kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho Trường Cán bộ Thanh tra triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, chương trình, tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng đang được đổi mới theo hướng tích cực, tập trung bồi dưỡng kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tiễn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra.

Có thể nói, chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành đang ngày càng được cải thiện và ngành Thanh tra đã có được đội ngũ cán bộ, công chức đảm đương tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Toàn ngành Thanh tra đạt được nhiều kết quả tích cực về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước.

Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác của ngành Thanh tra.

Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung xây dựng các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu mà Ban Chấp hành Trung ương đặt ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ngành Thanh tra luôn xác định việc nâng cao chất lượng cán bộ cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và năng lực chuyên môn là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và liên tục.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Ban Cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo TTCP đã chủ động tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, sắp xếp, tổ chức lại các cục, vụ, đơn vị của TTCP nhằm tinh gọn đầu mối bên trong, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cục, vụ, đơn vị, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.

Đáng lưu ý, mới đây, Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua với 8 chương, 118 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Cùng với đó, TTCP ban hành Quyết định số 465/QĐ-TTCP về quy chế tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra, Quyết định 468/QĐ-TTCP về quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của TTCP với những nội dung quy định “siết chặt” và cụ thể về hoạt động đoàn thanh tra và công tác đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức của TTCP. Đây là cơ sở để xây dựng đề án vị trí việc làm, các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ tinh về chất lượng.

Ngành Thanh tra đang đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên của ngành phải không ngừng học tập, trau dồi cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và năng lực chuyên môn.

Trần Thị Tú Uyên
Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra