Liêm chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ năm, 29/02/2024 15:23
(ThanhtraVietnam) - Thời gian qua, tình trạng người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương “lười” tiếp công dân được các cơ quan thanh tra, cơ quan báo chí phản ánh, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định, hầu hết không bảo đảm theo quy định của Luật Tiếp công dân.

Trong kỳ giám sát suốt 18 tháng, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày, thậm chí có công bộc không tiếp dân ngày nào…(1). Điều đó cho thấy, việc vi phạm quy định về tiếp công dân, thiếu quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Thực trạng đó là dấu hiệu báo động của sự thiếu liêm chính trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, đòi hỏi cần có sự đầu tư nghiên cứu, để có thể đưa ra những giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo liêm chính trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời điểm hiện nay.

Một số biểu hiện bất liêm chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân

Liêm chính là “ngay thẳng và trong sạch(2). Đây là một yêu cầu chuẩn mực, phẩm chất đạo đức hàng đầu đối với cán bộ, công chức. Đối với những người làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, liêm chính càng phải được đề cao, bởi chính họ là những người thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân; là người được người dân tin tưởng, gửi gắm hy vọng vào sự công bằng, khách quan của pháp luật và là người bảo vệ trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Liêm chính đòi hỏi người tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực hiện đúng quy định của pháp luật; phải công tâm, thẳng thắn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; phải tận tụy, chu đáo, cởi mở khi tiếp công dân; biết lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với những bức xúc của người dân; biết tiếp thu, tiếp nhận giải quyết, hoặc chỉ đạo giải quyết kịp thời nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Thực hiện tốt liêm chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ góp phần đưa các quy định pháp luật vào thực tiễn đời sống; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời khắc phục, sửa chữa những sai phạm có thể xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, cho cơ quan, tổ chức, Nhà nước và góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn địa phương; củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Muốn đánh giá được mức độ liêm chính trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần nhìn nhận, đánh giá thông qua các biểu hiện không liêm chính, thiếu liêm chính trong thực thi công vụ, trong việc ứng xử với người dân của họ.

Hiện tượng bất liêm chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được thể hiện ở một số biểu hiện sau:

Một là, sự bảo thủ, không chủ động thừa nhận những thiếu sót, sai phạm và sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, sai phạm đó của một số cá nhân có thẩm quyền trong việc thực thi công vụ, trong hoạt động quản lý nhà nước, mặc dù những thiếu sót, sai phạm đã được công dân chỉ ra thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Điều này dẫn đến việc các khiếu nại, tố cáo không được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, hoặc có giải quyết nhưng không hiệu quả, hành vi, việc làm sai trái không được chủ động khắc phục, sửa chữa. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ việc trong một thời gian, mặc dù công dân nhiều lần gửi đơn, có nhiều văn bản chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên nhưng vụ việc không được giải quyết, hoặc giải quyết không đến nơi, đến chốn. Nguyên nhân chính là do trong vụ việc đó có sai phạm từ phía cơ quan nhà nước, nhưng do sự cố chấp, bảo thủ, không chịu sửa sai dẫn đến vụ việc kéo dài.

Hai là, không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ do pháp luật quy định đối với mỗi cá nhân, cơ quan nhà nước trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điều này đã làm cho các quy định không được thực thi một cách đầy đủ, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào sự công minh, đúng đắn của pháp luật. Chẳng hạn, một số đơn vị, địa phương viện dẫn lý do bận công tác, bận họp để không trực tiếp công dân, ủy quyền cho cấp phó của mình; hoặc một số địa phương, cơ quan viện dẫn thiếu người, nhiều việc mà không bố trí cán bộ, công chức thường trực tiếp công dân, hoặc bố trí người không phải là công chức thực hiện nhiệm vụ thường trực tiếp công dân.

Ba là, sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ, không nhìn thẳng vào bản chất sự việc, không dám chỉ ra những sai phạm, hoặc không kịp thời xử lý sai phạm. Điều này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, song phải kể đến đó là ngại khó, ngại va chạm, bao che cho hành vi sai phạm, đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, pháp luật. Vì thế, người đứng đầu cơ quan không đưa ra những quyết sách, biện pháp để chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt để chấn chỉnh, xử lý, giải quyết kịp thời nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, dẫn đến tình trạng để nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài, quá hạn không được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho Nhân dân. Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ việc phức tạp, đông người nhưng không được tiếp nhận giải quyết kịp thời, đùn đẩy, né tránh hoặc thụ lý giải quyết nhưng cố ý dây dưa kéo dài, công dân phải kiên trì đeo bám, khiếu kiện một cách gay gắt, vượt cấp. Nguyên nhân là do người giải quyết ngại va chạm, không đủ dũng cảm để chỉ ra và kết luận những sai phạm đó.

Bốn là, sự nhìn nhận khá tiêu cực của một bộ phận người tiếp công dân đối với người khiếu nại, tố cáo, từ đó có thái độ không đúng mực, thậm chí là thách thức người dân khiếu nại, tố cáo. Điều này dẫn đến một số trường hợp người dân vì bức xúc với lời nói, thái độ thách thức của người tiếp công dân, người có trách nhiệm giải quyết tố cáo mà đeo bám kéo dài với mục đích “chơi đến cùng” với người đã thách thức họ tố cáo.

Năm là, nhận hối lộ hoặc can thiệp trái luật vào hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che cho hành vi sai phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo qua loa, không công minh, trái pháp luật.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm liêm chính trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo kể trên, tựu chung lại có thể kể ra một số nguyên nhân chính cơ bản như: (1) Đạo đức và sự tu dưỡng đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ, công chức nói riêng chưa nghiêm túc; (2) Sự hạn chế về năng lực và bản lĩnh (chính trị, nghề nghiệp) cá nhân; (3) Pháp luật chưa được hoàn thiện, thiếu chặt chẽ; (4) Môi trường giáo dục, làm việc không tốt.

Giải pháp đảm bảo sự liêm chính trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Để đảm bảo sự liêm chính, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, hoàn thiện pháp luật tiếp công dân: Đổi mới phương thức tiếp công dân, chuyển dần từ phương thức tiếp công dân trực tiếp sang tiếp công dân trực tuyến: Tiếp công dân trực tuyến sẽ tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người dân với cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người đứng đầu cấp trên trực tiếp của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện. Tiếp công dân trực tuyến sẽ nâng cao chất lượng tiếp công dân, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của người có trách nhiệm giải quyết đơn thư với người đứng đầu cấp trên trực tiếp trước từng vụ việc cụ thể của công dân về tiến độ, kết quả vụ việc; gắn tiếp công dân với giải quyết hoặc chỉ đạo, đôn đốc việc giải quyết vụ việc cụ thể. Tiếp công dân trực tuyến sẽ góp phần hạn chế tình trạng “lười” tiếp dân hoặc tiếp công dân hình thức. Để việc tiếp công dân trực tuyến trở thành một phương thức tiếp công dân chính bên cạnh tiếp công dân trực tiếp, trong thời gian tới chúng ta cần nghiên cứu, xem xét để luật hóa quy định về tiếp công dân trực tuyến giữa cấp Trung ương với cấp tỉnh, giữa cấp tỉnh với cấp huyện.

Thống nhất cơ quan tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương. Quy định rõ số lượng công chức cho Ban tiếp công dân các cấp; chuẩn hóa quy định tiêu chuẩn tuyển dụng, bố trí, phân công cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân. Ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động tiếp công dân nói riêng và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung. Có chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.

Hai là, hoàn thiện quy định pháp luật khiếu nại, tố cáo: Bỏ qua khâu giải quyết khiếu nại lần đầu của người có quyết định hành chính, hành vi hành chính. Nếu công dân không nhất trí với quyết định hành chính, hành vi hành chính, cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đó xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì có thể khiếu nại lên thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện tại Tòa án. Bởi lẽ, khâu giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu không mấy hiệu quả do sự bảo thủ, không chủ động thừa nhận những thiếu sót, sai phạm và sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, sai phạm đó của một số cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước trong việc thực thi công vụ, trong hoạt động quản lý nhà nước như đã nói ở trên.

Không tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã; các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp xã do Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Bởi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã không mấy hiệu quả do sự am hiểu pháp luật, trình độ chuyên môn của cán bộ cấp xã còn rất hạn chế; việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại còn khá chủ quan, tùy tiện. Nếu duy trì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã cần có quy trình giải quyết giản đơn/rút gọn, do cấp xã không có khâu trung gian giữa cán bộ, công chức với Chủ tịch UBND nên không thể áp dụng quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo chung với cấp huyện, cấp tỉnh.

Ba là, đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo: Với cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính hiện nay, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính dễ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, thậm chí có sự bao che trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hơn thế nữa, do kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo của người giải quyết lại dựa trên cơ sở kết quả tham mưu, đề xuất của cơ quan thanh tra, hoặc cơ quan chuyên môn, mà không có cơ quan chuyên trách thực hiện việc này nên hiệu quả giải quyết không thực sự cao, do người giải quyết không có chuyên sâu, không có tính chuyên tâm, không chuyên nghiệp (người giải quyết còn phải làm các công việc khác). Ngoài ra, khi các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo được ban hành, đặc biệt là trường hợp khiếu nại chính đáng của người dân đã được thừa nhận, người vi phạm cần phải xử lý, trong nhiều trường hợp quyết định, kết luận này không được cơ quan hành chính thi hành nghiêm chỉnh gây nên tình trạng bức xúc cho người khiếu nại, tố cáo do họ phải bám đuổi kéo dài. Để khắc phục tình trạng nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính, cũng như có cơ chế kiểm soát tình trạng vô liêm, vô chính cần phải đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính theo hướng xây dựng mô hình cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyên trách, tương đối độc lập để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, hiệu quả và dễ kiểm soát sự tùy tiện trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.   

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kiểm soát sự vô liêm, vô chính trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó đặc biệt là công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu: Trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính được triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn mang tính hình thức; nội dung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm chưa đầy đủ; nhiều vụ việc mặc dù chỉ ra được những thiếu sót, sai phạm của các cá nhân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng kết luận không rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm, thiếu sót(3); không đưa ra được những kiến nghị để xử lý sai phạm. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại hành chính còn hạn chế. Ở một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính. Mặc dù tình hình khiếu nại hành chính vẫn diễn biến phức tạp nhưng một số địa phương chưa đề cao trách nhiệm giải quyết khiếu nại hành chính của công dân; chưa quan tâm hoặc có biểu hiện đùn đẩy, né tránh việc giải quyết khiếu nại hành chính; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, chậm thực hiện hoặc không thực hiện dứt điểm vụ việc dẫn đến công dân bức xúc, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, tuy nhiên việc kiến nghị xử lý trách nhiệm vẫn còn e dè, chưa có biện pháp xử lý đủ mạnh để các đơn vị phải nghiêm túc chấp hành(4). Việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tại một số đơn vị còn chưa nghiêm túc, chưa kịp thời chấn chỉnh các sai sót, hạn chế đã được chỉ ra qua thanh tra(5).

Năm là, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ trong mỗi cá nhân, những người có trách nhiệm trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thực tiễn cho thấy, một số địa phương, đơn vị, thủ trưởng cơ quan còn có thái độ kỳ thị đối với người khiếu nại, tố cáo; chưa nhận thức đầy đủ và toàn diện về ý nghĩa và vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến tình trạng có nơi, có lúc chưa thật sự coi trọng công tác này. Để nâng cao đạo đức liêm chính, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức nói chung và những người làm công tác tiếp công dân nói riêng cần phải tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, có ý thức trách nhiệm cao và tuân thủ nghiêm chỉnh các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực tiếp công dân, chuẩn mực thanh tra cũng như các bộ quy tắc ứng xử và hơn hết là phải tuân thủ đầy đủ những quy định pháp luật.

Sáu là, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Muốn nâng cao đạo đức liêm chính, hạn chế những sai phạm xảy ra trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải có những chế tài xử lý nghiêm minh đối với những hành vi sai phạm trong lĩnh vực này. Hiện tại, chúng ta chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không tốt việc tiếp công dân. Tuy đã có quy định khá cụ thể về các hình thức xử lý kỷ luật đối với những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm các quy định về khiếu nại, tố cáo, song các quy định này chưa được thực thi trên thực tế. Mặc dù biết có hành vi vi phạm xảy ra nhưng rất hiếm thấy người có đủ can đảm để kiến nghị, đề xuất, ra văn bản xử lý một hành vi vi phạm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Vì vậy, hình thức xử lý sai phạm trong lĩnh vực này phổ biến vẫn chỉ dừng lại ở việc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm./.

Chú thích:

(1) https://phaply.net.vn/de-chu-tich-tinh-khong-con-luoi-tiep-cong-dan-a253632.html

(2)  Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng, HN.2009, tr.727

(3) Nguyễn Hữu Thắng, “Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính”,http://www.issi.gov.vn/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-thanh-tra-kiem-tra-viec-thuc-hien-phap-luat-ve-giai-quyet-khieu-nai-hanh-chinh_t164c2715n3365tn.aspx?currentpage=3

(4); (5) Ths. Lê Đức Trung, “Nâng cao hiệu quả kiểm soát việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính”,  http://www.issi.gov.vn/nang-cao-hieu-qua-kiem-soat-viec-thuc-hien-phap-luat-ve-giai-quyet-khieu-nai-hanh-chinh_t104c2715n3254tn.aspx

Mai Văn Duẩn
Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra