Một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện 10 điều Quy định đạo đức người làm báo

Thứ tư, 29/11/2023 10:31
(ThanhtraVietNam) - Cùng với các quy định khác, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo góp phần quan trọng trong việc rèn luyện tư tưởng, chính trị của mỗi nhà báo, phóng viên. Song, vẫn có một bộ phận người làm báo vi phạm hoặc thực hiện chưa đúng 10 điều quy định này kéo theo những vi phạm đáng tiếc khác. Bởi vậy, nhiều ý kiến lãnh đạo cơ quan báo chí, Chi hội nhà báo các cấp đã đề xuất giải pháp để 10 điều Quy định đạo đức luôn đồng hành cùng người làm báo.

Thực trạng thực hiện 10 điều Quy định đạo đức người làm báo

Ngày 16/12/2016, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định số 483/QĐ-HNBVN ban hành quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo gồm 10 điều - có hiệu lực thi hành từ 01/01/2017. Đây là quy định chuẩn mực, cụ thể, thiết thực xác định trách nhiệm đạo đức của người làm báo trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Kể từ đó đến nay đã gần 6 năm trôi qua, cùng với quy định 10 điều về đạo đức nghề nghiệp - là Luật Báo chí cũng có hiệu lực thi hành từ 01/01/2017 và đến 8/4/2020, Chỉ thị 43CT/TW của Ban Bí thư về: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” tiếp tục ra đời. Đây chính là 3 văn bản quan trọng của Đảng - Nhà nước - Hội Nhà báo Việt Nam để hoạt động báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng thực hiện tốt vai trò tuyên tuyền.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực, làm được thì còn không ít hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cũng như các quy định về tác nghiệp báo chí. Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, thời gian qua đã có hàng chục trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm; trong đó, có trường hợp vi phạm pháp luật, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Bất cập, tồn tại, hạn chế trong thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo thực tế tại một số địa phương có thể kể đến: Ở Thái Nguyên, hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp; hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề không chỉ báo giới mà dư luận xã hội quan tâm, lo ngại. Trong khi đó, tại Phú Thọ, những năm gần đây, do mặt trái của cơ chế thị trường, một số nhà báo thiếu ý thức tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp vi phạm đạo đức cao quý của người làm báo, thiếu tự trọng, thậm chí không vượt khỏi những cám dỗ của đồng tiền, vi phạm pháp luật. Đây là thực trạng nhức nhối cần sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả. Tại Hà Giang, thực tế cũng còn không ít nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vun vén lợi ích cá nhân. Không ít người làm báo bị “bẻ cong” ngòi bút, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý…

Nhiều ý kiến lãnh đạo cơ quan báo chí, Chi hội Nhà báo các cấp cũng đồng quan điểm, các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thời gian gần đây tập trung vào: Vi phạm bản quyền tác giả; đạo tin, đạo báo; sa vào thương mại hóa báo chí, lợi dụng nghề nghiệp, dọa dẫm doanh nghiệp để trục lợi, nhận hối lộ... Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí hiện nay, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận nhà báo. Thiếu kiến thức cơ bản về báo chí và không nhận thức đúng vai trò, chức năng của báo chí với xã hội. Thậm chí có một bộ phận nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống, thậm chí làm giàu, ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức nhà báo.

Bên cạnh đó, có thể nhìn nhận những tiêu cực của một số nhà báo qua các vụ án gần đây cũng xuất phát từ nguyên nhân buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí, thể hiện ở việc thiếu sự quan tâm giáo dục bồi dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan báo chí, của cấp ủy, chi hội nhà báo. Không ít cơ quan báo chí, chi bộ hoạt động mang tính hình thức, ít quan tâm nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật và quy định đạo đức người làm báo; chi hội nhà báo hoạt động chiếu lệ… Cùng với đó, cũng có nguyên nhân do ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường trong điều kiện thu nhập của nhà báo còn thấp, không đủ sống, áp lực chạy quảng cáo, tài trợ... đã đẩy một số nhà báo dấn sâu vào con đường tiêu cực.

Theo ông Vũ Xuân Chường, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ, trước hết, cần khẳng định vi phạm pháp luật, đạo đức báo chí là một hiện tượng xã hội, đã và đang tồn tại trong thực tiễn hoạt động báo chí. Trong xã hội, mọi tổ chức, công dân đều chịu sự ràng buộc của các văn bản pháp luật quy định. Hiến pháp và các luật chuyên ngành cũng đều quy định quyền lợi, trách nhiệm và những hành vi bị cấm đối với mọi tổ chức, cá nhân, hội viên. Nhà báo hoạt động trong các cơ quan báo chí chịu sự quản lý, quy định của các văn bản pháp luật. Ngoài ra, mỗi cá nhân, công dân nếu là hội viên sinh hoạt trong các hội còn chịu sự quản lý, quy định riêng. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cũng không ngoại lệ, phải tuân thủ quy định đạo đức của người làm báo.

Vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí là một khái niệm kép chỉ những hành vi, vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí của  người làm báo. Nhà báo vi phạm pháp luật đồng nghĩa với vi phạm đạo đức người làm báo. Ngược lại, người làm báo vi phạm các quy tắc, chuẩn mực đạo đức người làm báo, về mặt nào đó những vi phạm này đều liên quan đến vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
 Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà báo có kinh nghiệm hiến kế để các nhà báo đẩy mạnh thực hiện 10 điều Quy định đạo đức người làm báo. Ảnh: Tràng An

“Cùng với tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Báo chí 2016, Luật An ninh mạng và các điều khoản Hiến pháp, các luật khác liên quan, ở nước ta, khi người làm báo tự nguyện tham gia Hội Nhà báo Việt Nam đồng nghĩa phải chấp hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam với 10 điều; phải chấp hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Cùng với đó, phóng viên, nhà báo với tư cách công dân, phải tuân thủ những khuôn mẫu đạo đức công dân, đạo đức xã hội. Với tư cách đảng viên, phải chịu sự tôi rèn trong chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản, tuân thủ Điều lệ Đảng, Cương lĩnh và các quy định của Đảng. Với tư cách là đoàn viên, hội viên khác, họ cũng phải chấp hành các điều lệ, quy định, đạo đức nghề nghiệp khi tham gia các tổ chức chính trị xã hội (Đoàn Thanh niên, Công đoàn...) hay hội viên (các hội nghề nghiệp khác)”, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ nhìn nhận.

Giải pháp để 10 điều đạo đức luôn đồng hành người làm báo

Nhiều ý kiến cho rằng, để giữ vững cái tâm cho người làm báo khi tác nghiệp thì yếu tố quan trọng, quyết định nhất chính là mỗi người làm báo phải có đủ tầm cho nhận thức của bản thân, đủ tầm cho tri thức của nghề làm báo - cái tầm ở đây cần được trau dồi, rèn luyện, nâng cao ở các nội dung cụ thể, đó là sự phấn đấu, rèn luyện, học tập để bản thân từng bước đạt đến cái chân - thiện - mỹ phải có của nghề làm báo - tạo nên bản lĩnh và phong cách riêng cần có của mỗi nhà báo, giúp chúng ta khai thác đến tận cùng của lợi thế, đồng thời biết chẽ nhỏ những thách thức, khó khăn, sẽ hiểu đúng bản chất và sự cần thiết của cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực cho cái hay, cái đúng, cái đẹp tồn tại và tôn vinh, tìm ra được những chi tiết đắt giá, cần thiết cho bài báo của mình được khẳng định. Có tầm sẽ giúp mỗi nhà báo tự tin, trân trọng không bị choáng ngợp, mất tự tin khi tiếp cận dòng chảy xô bồ của cuộc sống đang diễn ra theo nhiều chiều.

Trong khi đó, để xây dựng đội ngũ người làm báo Việt Nam luôn đáp ứng các tiêu chí “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và hạn chế tối đa những “con sâu làm rầu nồi canh”, trong thời gian tới các cơ quan báo chí cần tăng cường quản lý, bồi dưỡng, đào tạo phóng viên không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Quán triệt thường xuyên, đầy đủ Luật Báo chí; 10 điều Quy định Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành tới phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Đồng thời, có các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng chức năng nghề nghiệp để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh và công việc của đại đa số những người làm báo chân chính.

Một mặt, có sự nghiên cứu bài bản để xây dựng, đầu tư phát triển thương hiệu cho cơ quan/tập thể báo chí nói chung và các nhà báo trong các cơ quan báo chí nói riêng. Việc xây dựng, phát triển thương hiệu báo chí thành công sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng sa sút về đạo đức nghề báo, tạo dựng niềm tin của bạn đọc và khẳng định vị trí của cơ quan báo chí cũng như cá nhân nhà báo trong tâm trí, tình cảm của cộng đồng.

Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm luật pháp về báo chí; nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ kịp thời cho các cơ quan báo chí chính thống đang làm nhiệm vụ chính trị để đội ngũ những người làm báo chân chính yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tiếp đó, các cấp Hội Nhà báo cần tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt trao đổi về đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội và Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc ứng xử mạng xã hội của người làm báo ở các Chi hội, hội viên. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của Hội đồng xử lý vi phạm Quy đinh đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam trong việc phòng ngừa, xử lý sai phạm và có sự can thiệp kịp thời để bảo vệ quyền hành nghề của hội viên nhà báo.

“Mỗi nhà báo cần nêu cao tinh thần tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Xác định rõ nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội của người làm báo. Mỗi khi cầm bút người làm báo phải tự đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Để xứng đáng là “Những chiến sỹ trên mặt tư tưởng văn hóa của Đảng”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình Bùi Thúy Hằng nêu vấn đề.

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra