Theo ThS Hoàng Thị Lan Anh, Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, công tác PCTN được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm công tác nắm bắt, định hướng và xử lý DLXH trong đó tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng đạt được những kết quả tích cực; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tăng cường; một số vụ án tham nhũng và đặc biệt ngay cả các đại án cũng đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh; trong đó, vai trò, trách nhiệm của công tác nắm bắt DLXH trong PCTN từng bước được phát huy; tham nhũng bước đầu được kiềm chế, góp phần thiết thực giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Trong đó, vấn đề tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước và những người có chức quyền trong bộ máy đó, kịp thời phát hiện và chỉ ra những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, pháp luật đang là một đòi hỏi cấp thiết.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra điểm mới của Đại hội XIII của Đảng đó là xác định đấu tranh PCTN là sự nghiệp của toàn dân, do đó để thực hiện nhiệm vụ này một các hiệu quả trên thực tiễn cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình, các doanh nghiệp và nhân dân cùng tham tham gia. Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”; đồng thời có biện pháp nhằm động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng, cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập. Yêu cầu đặt ra đối với công tác đấu tranh PCTN trong thời gian tới được Đảng ta xác định là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”.
Bởi vậy, nghiên cứu, nắm bắt định hướng dư luận xã hội (DLXH) từ đó đề ra các giải pháp phát huy vai trò của DLXD trong đấu tranh PCTN,TC là hết sức cần thiết.
|
|
Hội thảo vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN do Tạp chí Thanh tra phối hợp tổ chức, trong đó có nhiều ý kiến tham luận về phát huy vai trò các tổ chức chính trị xã hội, quần chúng Nhân dân trong đấu tranh PCTN. Ảnh: PV&BT |
Quá trình nghiên cứu, ThS Hoàng Thị Lan Anh chỉ ra 3 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác định hướng DLXH đối với hoạt động PCTN hiện nay:
Thứ nhất, cần tạo cơ chế hợp lí trong việc nắm bắt kịp thời những thông tin mà DLXH phản ánh về những hành vi tham nhũng, tiêu cực
Trong tình hình thực tế xã hội hiện nay, dựa vào dân để chống tiêu cực, tham nhũng là một trong những định hướng chủ đạo được cả hệ thống chính trị nước ta đặc biệt coi trọng. Để chủ trương đó được đưa vào thực tiễn có hiệu quả cần việc tạo dựng môi trường xã hội dân chủ, mở đường cho việc phát huy sức mạnh của Nhân dân. Nếu không có những cơ chế để Nhân dân thể hiện quan điểm và ý kiến của họ đối với các đường lối, chính sách cụ thể có liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ thì khó có thể nắm bắt được hiệu quả của việc đưa các chủ trương, chính sách vào trong cuộc sống, vì xét cho cùng, chính quần chúng Nhân dân mới là những người trực tiếp thực hiện chúng. Các quan điểm, ý kiến, thái độ của Nhân dân thường thể hiện trong những luồng DLXH mà họ là chủ thể. Do đó, việc hình thành các cơ chế cho phép nắm bắt thông tin phản hồi từ DLXH đang là một trong những nhu cầu cấp bách đối với hoạt động quản lí và hoạch định chính sách của Nhà nước. Để phát huy vai trò của DLXH đối với công tác PCTN, việc đầu tiên phải tạo ra những cách thức hợp lí để nắm bắt kịp thời những thông tin mà DLXH phản ánh về những hành vi tiêu cực đó…
Thứ hai, cần xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm xử lí nghiêm minh những hành vi tiêu cực, tham nhũng và vi phạm pháp luật.
Sự quan tâm của DLXH không dừng lại ở việc phanh phui, phát hiện các hành vi tiêu cực, phạm pháp mà sự quan tâm lớn hơn lại là các cấp có thẩm quyền xử lí những sai phạm đó như thế nào…DLXH đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xử lí cương quyết, nghiêm minh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật theo đúng tính chất và mức độ của hành vi. Không một ai, bất kể người đó giữ cương vị gì, có thể đứng ngoài hay đứng trên các quy định của pháp luật. Trường hợp nào phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì dứt khoát phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không thể vì bất cứ lí do gì mà chuyển sang xử lí nội bộ. Ngoài việc xử lí kỉ luật còn phải tính đến việc cán bộ, công chức đó có nên tiếp tục giữ cương vị đang đảm trách. Đây là vấn đề khá nhạy cảm với DLXH nên cần phải dứt khoát. Nếu xét thấy cán bộ, công chức đó, do mức độ lỗi vi phạm, không thể tiếp tục giữ cương vị cũ thì nên thay chứ không nên chuyển công tác khác hoặc điều chuyển đi nơi khác. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong Nhân dân để xem dân còn đủ tín nhiệm với cán bộ, công chức đó không; tránh áp đặt theo kiểu mệnh lệnh hành chính trong công tác cán bộ.
Thứ ba, cần thông báo công khai, rộng rãi tới các tầng lớp Nhân dân kết quả đấu tranh chống tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Khi chúng ta đã huy động sức mạnh của DLXH vào công tác đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, chống các biểu hiện tiêu cực xảy ra trong đội ngũ cán bộ, công chức thì ngược lại, DLXH rất quan tâm đến kết quả của cuộc đấu tranh này. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cần thông báo kết quả đấu tranh chống tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức. Việc công khai, minh bạch thông tin về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng hết sức quan trọng.
Đồng tình với những giải pháp của ThS Hoàng Thị Lan Anh, ThS Phùng Văn Hải, Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhìn nhận, để phát huy vai trò của DLXH trong PCTN,TC cần thực hiện đông bộ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác điều tra, nắm bắt và định hướng DLXH, chủ động trong việc nắm bắt DLXH, giải quyết kịp thời những vấn đề mà DLXH quan tâm phản ánh, nhất là liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu Nắm bắt DLXH về PCTN,TC là một nhu cầu quan trọng trong xã hội hiện nay. Tham nhũng, tiêu gây ảnh hưởng không những đến kinh tế mà còn đến quyền lợi của người dân và sự tiến bộ của quốc gia. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều các vụ án, vụ việc tham ô, tham nhũng, tiêu cực được cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phát hiện thông qua việc chủ động nắm bắt DLXH. Do đó, trong thời gian tới các cấp uỷ Đảng cần phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt và định hướng DLXH gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Cụ thể hóa Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”.
Thứ hai, đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của Nhân dân. Để có thể đưa ra những ý kiến đánh giá, nhận xét, phản hồi có giá trị về thể thế về các hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, người dân cần được cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời…
Thực tế hiện nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định cụ thể về vấn đề này. Song, cần ban hành những quy định cụ thể hơn nữa nhằm cung cấp thông tin cho người dân và bảo đảm quyền tham gia của người dân vào hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm công tác PCTN,TC được công khai, minh bạch và hiệu quả. Bằng cách tiếp cận thông tin, người dân có thể góp phần thúc đẩy văn hóa liêm chính và chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, phát huy vai trò của báo chí và thông tin đại chúng. Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu của người dân về thông tin và quyền tự do ngôn luận sẽ tăng lên…Trong xã hội ngày nay, muốn phát huy quyền dân chủ của Nhân dân và vai trò của DLXH thì không thể không kể đến vai trò của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. DLXH có thể hình thành bằng nhiều con đường khác nhau nhưng không con đường nào, không có kênh nào mà DLXH được hình thành, lan tỏa nhanh, mạnh và hiệu quả bằng thông qua báo chí truyền thông. DLXH với báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng là mối quan hệ hai chiều. DLXH là nội dung, khởi nguồn là chất liệu của báo chí. Đến lượt mình báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trở thành con đường lan tỏa, phát triển của DLXH.
Vì vậy, cần phải phát huy vai trò và trách nhiệm của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN,TC; thông tin kịp thời, chính xác về các vụ tham nhũng được thanh tra, điều tra và xét xử; thông tin về kết quả đấu tranh PCTN của các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương. Đồng thời, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cần cung cấp cho Đảng, Nhà nước những ý kiến, nhận xét, đánh giá của công chúng về công tác PCTN,TC, để báo chí thực sự “là diễn đàn của Nhân dân”.
Bốn là, nâng cao trình độ dân trí cho người dân. Sống trong một xã hội mà trình độ dân trí của người dân được nâng cao thì khả năng tham gia của người dân vào các hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước nói chung, đấu tranh PCTN,TC cũng sẽ được nâng cao. Người dân cần có sự hiểu biết về các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN,TC để có thể đưa ra những phản hồi, nhận xét, đánh giá với quá trình soạn thảo, ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật; với quá trình tổ chức thực hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực... Vì vậy, cần tăng cường và đa dạng hóa các công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN tới người dân. Từ nhận thức đúng người dân sẽ có ý thức tham gia vào công tác này hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t. 2, tr146);
2. Quốc hội (2016), Luật Báo chí (Luật số 103/2016/QH13) ngày 5 tháng 4 năm 2016;
3. Quốc hội (2018), Luật phòng chống tham nhũng (Luật 36/2018/QH14) ngày 20/11/2018;
4. https://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/giai-phap-phat-huy-vai-tro-bao-chi-trong-kiem-soat-quyen-luc-nham-phong-chong-tham-nhung-o-viet-nam-205224.html
5. Học viện Báo chí và Tuyên truyền – Hội Nhà báo Việt Nam (2023), Hội thảo khoa học Báo chí, DLXH và cuộc đấu tranh, PCTN,TC ở Việt Nam hiện nay (TL: Vai trò của định hướng DLXH trong cuộc đấu tranh PCTN,TC ở Việt Nam hiện nay (ThS. Hoàng Thị Lan Anh); Phát huy vai trò của DLXH trong đấu tranh PCTN,TC ở Việt Nam hiện nay (ThS. Phùng Văn Hải)).