Thực trạng công tác giám sát ngân hàng ở Việt Nam
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, trong thời gian qua, hệ thống các TCTD cũng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và đa dạng về loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế. Đến nay, hệ thống các TCTD Việt Nam có 49 ngân hàng (bao gồm”: NHTM Nhà nước, NHTM cổ phần, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh…); 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 26 công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính; 04 tổ chức tài chính vi mô và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân. Vốn điều lệ toàn hệ thống vào khoảng trên 800 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 17 triệu tỷ đồng, dư nợ đạt khoảng 11 triệu tỷ đồng. Với quy mô về số lượng và hoạt động như nêu trên, việc giám sát an toàn đối với hệ thống các TCTD tại Việt Nam là rất cần thiết, đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo an toàn tài chính-tiền tệ quốc gia.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động giám sát ngân hàng là hoạt động của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong đó, giám sát ngân hàng được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua giám sát an toàn vĩ mô, giám sát an toàn vi mô. NHNN thực hiện giám sát hệ thống các TCTD thông qua hệ thống Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng (bao gồm Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - đóng vai trò là đầu mối tại trung ương và Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố - đóng vai trò là đơn vị thực thi đặt tại địa phương).
Thực tiễn công tác quản lý nhà nước và kết quả xét xử các vụ án kinh tế, dân sự, hình sự liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua cho thấy những vi phạm, sai phạm trong hoạt động ngân hàng đã được tích tụ từ nhiều năm trước và diễn ra tại nhiều TCTD; trong đó phổ biến như: (i) Vi phạm quy định về cấp tín dụng (bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cho ), cơ cấu nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng; (ii) Vi phạm về huy động vốn và gửi tiền; (iii) Vi phạm về quản trị điều hành kiểm tra, kiểm soát nội bộ; vi phạm quy định về tỷ lệ, giới hạn an toàn; vi phạm quy định về hạch toán kế toán, quản lý tài chính; (iv) Vi phạm về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; (v) Vi phạm về vốn điều lệ, cổ đông, cổ phần, cổ phiếu; (vi) Vi phạm về hoạt động an toàn kho quỹ và (vii) Vi phạm trong hoạt động thanh toán và công nghệ tin học...
Những vi phạm, sai phạm này do các nguyên nhân như sau: (i) Một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông lớn, người có liên quan thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng; (ii) Tình hình xã hội có nhiều diễn biến phức tạp nhưng trong đó rủi ro đạo đức về sự thoái hóa, biến chất, vi phạm và cố tình vi phạm của một số cán bộ lãnh đạo một số TCTD là rất nghiêm trọng; (iii) Ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ở tất cả các cấp trong TCTD chưa cao, văn hóa kiểm soát, quản lý rủi ro tại TCTD chưa được xây dựng, tuyên truyền, thực hiện đầy đủ; (iv) Năng lực quản trị, kiểm toán nội bộ của TCTD còn yếu không phát hiện được các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng; (v) TCTD chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng nóng, đầu tư, cho vay vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; thiếu thông tin, không công khai minh bạch; (vi) Các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, hoạt động nghiệp vụ của TCTD còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, sơ hở; (vii) thị trường trong nước và quốc tế nhiều biến động, nguy cơ tác động đến mức độ ổn định, an toàn, lành mạnh của các TCTD ở Việt Nam…
Tương tự như Nhật Bản trước đây, hoạt động giám sát ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu tập trung vào giám sát tuân thủ hơn là giám sát rủi ro. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang phát triển nhanh chóng, phức tạp cả về quy mô lẫn cấu trúc, môi trường kinh tế vĩ mô nhiều biến động, việc bỏ qua các rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng trước những bất ổn kinh tế vĩ mô và bỏ qua những dấu hiệu rủi ro của từng TCTD có thể khiến cho các cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành nhận định không chính xác về mức độ an toàn của từng TCTD và toàn hệ thống; từ đó có thể đưa ra các biện pháp can thiệp, xử lý kém hiệu quả hoặc không phù hợp. Do đó, công tác giám sát ngân hàng cần tiếp tục được đổi mới phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát ngân hàng; để từ đó tiếp tục phát hiện kịp thời những tồn tại, bất cập, rủi ro trong hoạt động của từng TCTD nói riêng và của hệ thống các TCTD nói chung và có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Đây phải được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài của ngành Ngân hàng.
|
|
Hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng gồm Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc 63 NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố. Ảnh: NT |
Định hướng đối với công tác giám sát ngân hàng ở Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu quan điểm về giám sát an toàn của Nhật Bản và thực tiễn triển khai công tác giám sát ngân hàng của Việt Nam thời gian qua, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát ngân hàng trong việc phân tích, đánh giá, phát hiện, cảnh báo sớm các rủi ro, vi phạm pháp luật trong hoạt động của từng TCTD cũng như của hệ thống các TCTD, trong thời gian tới, công tác giám sát ngân hàng có thể xem xét tập trung vào một số việc như sau:
(1) Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các chỉ đạo, định hướng điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và NHNN về việc “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển...” nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.
(2) Rà soát, đánh giá lại mô hình tổ chức, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Thanh tra, giám sát ngân hàng chi nhánh tỉnh, thành phố, nguồn nhân lực thực hiện giám sát để kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giám sát các TCTD.
(3) Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giám sát ngân hàng (ví dụ các quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng; quy định về xếp hạng ngân hàng...).
(4) Hoàn thiện thống giám sát an toàn vi mô theo phương pháp giám sát trên cơ sở rủi ro nhằm giám sát rủi ro đối với từng NHTM riêng lẻ, gồm: (1) Hệ thống đánh giá, xếp hạng các NHTM theo chuẩn CAMELS; (2) Hệ thống thông tin, báo cáo phục vụ giám sát an toàn vi mô; (3) Hệ thống quy trình và các kỹ năng phân tích tài chính và hoạt động; giám sát và cảnh báo các loại rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
(5) Hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn vĩ mô nhằm giám sát các rủi ro, nguy cơ đối với sự ổn định của hệ thống các NHTM từ góc độ toàn ngành Ngân hàng (giám sát rủi ro đối với sự ổn định thị trường tài chính) và nền kinh tế (các mối liên kết tài chính vĩ mô), gồm: (1) Hệ thống các chỉ tiêu phản ánh mức độ lành mạnh tài chính; (2) Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ phân tích và giám sát an toàn vĩ mô; (3) Hệ thống phương pháp và quy trình phân tích, giám sát, đặc biệt là cảnh báo sự ổn định, an toàn tài chính vĩ mô; (4) Báo cáo ổn định tài chính hàng năm.
(6) Đảm bảo kết hợp chặt chẽ giám sát an toàn vi mô và vĩ mô trong theo dõi, giám sát, cảnh báo rủi ro và đề xuất biệp pháp xử lý các yếu kém của từng TCTD nói riêng và của toàn hệ thống các TCTD nói chung, đảm bảo hoạt động giám sát ngân hàng là trung tâm của hoạt động thanh tra, cấp phép và xây dựng văn bản, chính sách.
(7) Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, bao gồm các chính sách, quy trình, thủ tục và giải pháp phát hiện, ngăn chặn và xử lý các rủi ro có tính hệ thống (khủng hoảng, mất thanh khoản và phá sản hàng loạt, rút tiền hàng loạt…). Theo đó, cần có kế hoạch hoặc chương trình dự phòng trong trường hợp khẩn cấp.
(8) Xây dựng quy trình kết hợp giám sát và thanh tra, đồng thời tăng cường sử dụng kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động) để hỗ trợ cho hoạt động thanh tra, giám sát.
(9) Hoàn thiện, ban hành, cập nhật thường xuyên Sổ tay Giám sát ngân hàng để hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ giám sát.
(10) Hoàn thiện hệ thống quy chế an toàn và các biện pháp thận trọng trong hoạt động ngân hàng. Theo đó: Rà soát và hoàn thiện quy định về an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp hơn với thông lệ tốt, chuẩn mực quốc tế và đảm bảo việc tuân thủ nghiêm túc các quy định này, đặc biệt là qui định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro…
(11) Tăng cường hợp tác quốc tế với các định chế tài chính nước ngoài để tiếp nhận sự hỗ trợ đào tạo và kỹ thuật cho cán bộ, công chức thanh tra, giám sát ngân hàng. Hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước (bao gồm các đơn vị/trung tâm đào tạo của các NHTM) để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ, công chức thanh tra, giám sát ngân hàng./.