Chỉ tính riêng trên lĩnh vực thanh tra hành chính, trong năm 2022, ngành Thanh tra tỉnh Bình Định đã tiến hành 95 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, an sinh xã hội. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế trên 18,6 tỷ đồng và 156 ha đất các loại; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước trên 12,4 tỷ đồng và 150 ha đất các loại; kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với 39 tập thể và 44 cá nhân; chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra 02 vụ có dấu hiệu tội phạm.
Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được chú trọng thực hiện thường xuyên. Kết quả xử lý thu hồi số tiền sai phạm về cho Nhà nước sau thanh tra vượt chỉ tiêu theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ (trên 75%).
Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh Bình Định trong những năm qua luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành Thanh tra tỉnh Bình Định.
Từ thực tiễn hoạt động thanh tra, Thanh tra tỉnh Bình Định đã rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra như sau:
Một là, tăng cường sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, chặt chẽ, kịp thời của người ra quyết định thanh tra, của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong suốt quá trình thực hiện một cuộc thanh tra, bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 05/2014/TT-TTCP và Thông tư 06/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Đồng thời, vận dụng linh hoạt, phù hợp với nội dung, quy mô, tính chất của từng cuộc thanh tra và các nguồn lực, nhất là chất lượng nguồn nhân lực của Thanh tra tỉnh.
Hầu hết các cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh Bình Định thực hiện trong thời gian qua đều do Chánh Thanh tra tỉnh ban hành quyết định thanh tra để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, thuận lợi trong việc phân công, bố trí lực lượng, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của Đoàn thanh tra và trong việc thực hiện Kế hoạch thanh tra đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hằng năm.
|
|
Hội nghị triển khai công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra tỉnh Bình Định. |
Hai là, việc lựa chọn Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra, đây là một trong những khâu rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của một cuộc thanh tra. Trong đó, phải xem xét, lựa chọn Trưởng Đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra đảm bảo phẩm chất, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với nội dung, tính chất của từng cuộc thanh tra.
Từ thực tiễn hoạt động những năm qua, Thanh tra tỉnh Bình Định đã lựa chọn, phân công Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng hoặc Thanh tra viên chính của các Phòng nghiệp vụ thuộc Thanh tra tỉnh làm Trưởng các Đoàn thanh tra. Một số cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng, nội dung phức tạp, thì phân công các đồng chí Phó Chánh Thanh tra tỉnh làm Trưởng đoàn. Lực lượng cán bộ tham gia làm thành viên các Đoàn thanh tra chủ yếu là công chức của Thanh tra tỉnh có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với nội dung từng cuộc thanh tra. Một số cuộc thanh tra có huy động cán bộ, công chức các ngành chức năng liên quan tham gia để tiến hành thanh tra những nội dung có tính chất quản lý chuyên ngành.
Để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ Thanh tra viên, những năm qua, Thanh tra tỉnh Bình Định đã chú trọng đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức theo hướng ưu tiên tuyển dụng công chức có trình độ chuyên môn về đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật. Mặt khác, có chế độ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho công chức đi học trên đại học và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Thanh tra Chính phủ tổ chức.
Ba là, về giám sát Đoàn thanh tra: Lựa chọn người giám sát Đoàn thanh tra phải bảo đảm phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm để giám sát Đoàn thanh tra hoạt động có chất lượng, hiệu quả, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
Thực tế trong những năm qua, tất cả các cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh Bình Định thực hiện đều cử người giám sát theo quy định. Người được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát đều bảo đảm phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm tương đương với Trưởng Đoàn thanh tra. Kết thúc giám sát, phải có báo cáo kết quả, đánh giá cụ thể, thực chất việc thực hiện các nội dung giám sát.
Bốn là, nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc, quy định của pháp luật và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; vận dụng linh hoạt, phù hợp và từng bước đổi mới một số khâu để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thực tế trong những năm qua, Thanh tra tỉnh Bình Định đã chú trọng chỉ đạo thực hiện thường xuyên, sát sao công tác khảo sát nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu liên quan để chuẩn bị cho việc thanh tra. Bên cạnh đó, phục vụ cho việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt Kế hoạch tiến hành thanh tra bảo đảm cụ thể, chi tiết về mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, phương pháp tiến hành thanh tra, tiến độ, trách nhiệm và quan hệ phối hợp của từng thành viên Đoàn thanh tra trong từng khâu công việc.
Năm là, trong việc thẩm định nội dung dự thảo kết luận thanh tra: Tất cả các dự thảo kết luận thanh tra đều được tập thể Lãnh đạo Thanh tra tỉnh tổ chức họp tham gia ý kiến trước khi được ban hành và đã được quy định cụ thể trong Quy chế làm việc của Thanh tra tỉnh, nhằm bảo đảm các kết luận thanh tra chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật, phù hợp thực tế, có tính khả thi. Đồng thời, Thanh tra tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định, văn bản chỉ đạo thực hiện các kết luận thanh tra nhằm nâng cao giá trị pháp lý, hiệu lực, hiệu quả của các kết luận thanh tra.
Sáu là, tất cả các Đoàn thanh tra sau khi kết thúc đều tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc; đồng thời, Thanh tra tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm theo chuyên đề về kết quả thanh tra trên các lĩnh vực cụ thể, như: Thanh tra về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính - ngân sách, quản lý, sử dụng đất đai…, nhất là kinh nghiệm chỉ đạo về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và các hình thức vi phạm phổ biến được phát hiện qua thanh tra để phổ biến, nhân rộng, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ công chức trong toàn Ngành.
Đáng chú ý, một trong những đổi mới của Thanh tra tỉnh Bình Định trong thời gian qua là đã chỉ đạo một số Đoàn thanh tra rút hồ sơ, tài liệu có liên quan về Trụ sở làm việc của Thanh tra tỉnh để tiến hành kiểm tra, xem xét nhằm rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị được thanh tra.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với phương châm “lấy phòng là chính, từ xa, từ sớm, từ cơ sở”; phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan có liên quan kịp thời nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp, nhất là trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra./.