Về việc điều chỉnh mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước theo cấp hành chính
Với mục tiêu sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước nhằm thu gọn đầu mối, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan thanh tra, Dự thảo Luật đã quy định cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh mà không có thanh tra huyện. Với việc quy định tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh sẽ giảm được 713 cơ quan thanh tra huyện cùng 1426 người giữ các chức danh chánh thanh tra và phó chánh thanh tra, góp phần tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước như kinh phí xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất; chi quỹ lương và phụ cấp chức vụ; chi phí hành chính và các khoản chi thường xuyên khác… từ đó tiết kiệm nguồn lực cho xã hội để đầu tư vào các nhu cầu thiết yếu khác.
Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật, nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình vì không phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước ở cấp huyện và không phù hợp với các quy định của một số Luật có liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân. Quá trình thẩm định dự thảo Luật, Bộ Tư pháp cũng không đồng tình với quy định này. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý theo hướng giữ nguyên quy định về thanh tra huyện như Luật hiện hành.
Ngoài ra, khi xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo có dự kiến sẽ đổi mới công tác tiếp dân về mặt tổ chức, cụ thể là đưa bộ phận tiếp dân (hiện nay đang thuộc văn phòng ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện) vào cơ cấu thanh tra tỉnh, thanh tra huyện (nếu theo phương án không tổ chức thanh tra huyện thì sẽ nhập thanh tra huyện và ban tiếp công dân huyện thành ban tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo). Mục đích của phương án này là gắn bó công tác tiếp dân với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương do thanh tra tỉnh, thanh tra huyện có trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho chủ tịch ủy ban nhân dân. Tuy nhiên quá trình soạn thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức tiếp dân thuộc văn phòng ủy ban nhân dân sẽ đề cao trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân và có nhiều thuận lợi trong việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như bảo đảm hiệu lực thi hành của các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết tố cáo. Vì vậy, Dự thảo Luật sửa đổi đã giữ nguyên tổ chức các ban tiếp công dân ở địa phương thuộc văn phòng ủy ban nhân dân như quy định của Luật Tiếp công dân hiện hành.
Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra các bộ, ngành; tổ chức cơ quan thanh tra phù hợp với đặc điểm của từng bộ, ngành; phân biệt giữa thanh tra theo lĩnh vực quản lý (thanh tra chuyên ngành) với thanh tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ (thanh tra hành chính); giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên
Nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra ngành, lĩnh vực mà cụ thể là lược bỏ các quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thanh tra bộ, ngành nhưng bảo đảm thu gọn đầu mối, phù hợp với tinh thần cải cách hành chính.
Dự thảo Luật Thanh tra quy định cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và thanh tra sở. Các quy định này về cơ bản kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, điểm mới là các quy định mới về thanh tra tổng cục, cục và thanh tra sở.
Về quy định thành lập cơ quan thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ
Luật hiện hành quy định mỗi bộ có một tổ chức thanh tra (thanh tra bộ), không có thanh tra tổng cục, thanh tra cục. Tuy nhiên, trên thực tế một số bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, quy định pháp luật chuyên ngành có hoạt động thanh tra chuyên ngành đặc thù đòi hỏi phải thành lập tổ chức thanh tra hoặc theo các điều ước quốc tế cần phải tổ chức thanh tra như thanh tra của Ủy ban Chứng khoán nhà nước… Để giải quyết vấn đề của thực tiễn và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật có quy định: Thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc bộ, giúp tổng cục trưởng, cục trưởng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định cơ quan thanh tra hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thanh tra tổng cục, cục chịu sự chỉ đạo, điều hành của tổng cục trưởng, cục trưởng và chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ công tác thanh tra của thanh tra bộ.
Việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ để thực hiện thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý của tổng cục trưởng, cục trưởng là cần thiết để khắc phục những bất cập trong việc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo tinh thần của Luật Thanh tra 2010 và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Nghị định số 07). Thực tế từ trước đến nay, một số tổng cục, cục vẫn có tổ chức và đội ngũ công chức làm thanh tra chuyên trách nhưng do Luật Thanh tra 2010 quy định không tổ chức thanh tra độc lập nên đã tổ chức thành các vụ, cục, phòng thanh tra và có thêm một vài nhiệm vụ khác (thường là thanh tra - pháp chế, thanh tra - kiểm tra…) và việc thực hiện hoạt động thanh tra gặp nhiều khó khăn do không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nhà nước.
Vì vậy, việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ theo Dự thảo Luật không làm phát sinh về tổ chức, biên chế. Bởi vì, các cơ quan thanh tra này đã và đang tồn tại trên thực tế và phù hợp với pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không làm phát sinh chi phí, nguồn lực khi triển khai thực hiện quy định này trên thực tế; phù hợp với tinh thần cải cách hành chính. Điểm khác với phương án ban đầu là không quy định cụ thể tổng cục, cục hoặc cơ quan nhà nước nào có tổ chức thanh tra mà sẽ được xác định tùy thuộc vào yêu cầu quản lý trong từng ngành, lĩnh vực.
Về quy định thành lập thanh tra sở
Kế thừa quy định hiện hành, Dự thảo Luật quy định thanh tra sở là cơ quan của sở, giúp giám đốc sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của giám đốc sở và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính của thanh tra tỉnh, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của thanh tra bộ.
Để đảm bảo phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương, Dự thảo Luật quy định việc thành lập thanh tra sở thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở căn cứ vào quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biên chế được giao tại địa phương.
Quy định này xuất phát từ đặc điểm và nhu cầu quản lý trong các lĩnh vực ở từng địa phương khác nhau, đồng thời để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương. Dự thảo Luật quy định việc thành lập thanh tra sở do ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập căn cứ vào yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biên chế được giao tại địa phương. Quy định này phù hợp với tinh thần Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
Luật Thanh tra hiện hành quy định cơ quan có chức năng thanh tra gồm:
- Các cơ quan thanh tra nhà nước gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra cấp tỉnh, thanh tra sở và thanh tra cấp huyện, trong đó thanh tra bộ và thanh tra sở vừa thực hiện thanh tra hành chính vừa thực hiện thanh tra chuyên ngành;
- Các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành.
Như vậy hoạt động thanh tra chuyên ngành hiện nay được thực hiện bởi thanh tra bộ, thanh tra sở và cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành.
Căn cứ Điều 29 của Luật Thanh tra 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07, trong đó quy định cụ thể các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ở cấp tổng cục, cục thuộc bộ, cấp cục thuộc tổng cục, chi cục thuộc sở, chi cục thuộc cục. Tuy nhiên sau đó, các nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành, lĩnh vực được ban hành đã bổ sung thêm các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành so với Nghị định số 07 gồm: Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng trực thuộc sở khoa học và công nghệ; chi cục đường thủy nội địa thuộc cục đường thủy nội địa, cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ngành Giao thông vận tải); Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục Điều tiết điện lực, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Cục Phòng vệ thương mại (ngành Công thương); bỏ chi cục quản lý thị trường thuộc sở công thương là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Cục An toàn lao động (ngành Lao động – Thương binh và Xã hội); Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (ngành Tư pháp); Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Thực tế hiện nay nhiều cơ quan được giao chức năng thanh tra ngoài khuôn khổ của Luật Thanh tra 2010 và Nghị định 07, được tổ chức hoạt động không thống nhất, có quá nhiều chủ thể tiến hành thanh tra, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi không quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chính là để khắc phục tình trạng nêu trên. Đây là một trong những nội dung đổi mới quan trọng nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước. Việc không quy định cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành vì những lý do sau đây:
Trên thực tế, thanh tra chuyên ngành có hai hoạt động hoàn toàn khác biệt về tính chất:
- Các cuộc thanh tra chuyên ngành do thanh tra bộ tiến hành được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thanh tra hành chính (ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, thời hạn tiến hành thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, ban hành và công bố kết luận thanh tra)…
- Cuộc thanh tra chuyên ngành do thanh tra sở và các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành ở cấp địa phương cơ sở thực chất là các cuộc kiểm tra tiến hành thường xuyên (Luật Thanh tra 2010 gọi là thanh tra thường xuyên), với mục đích chủ yếu là phát hiện và xử lý vi phạm hành chính(*).
Điều này làm lẫn lộn giữa công tác kiểm tra thường xuyên đòi hỏi sự nhanh chóng, kịp thời, thủ tục đơn giản với hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra chuyên nghiệp, trình tự, thủ tục chặt chẽ. Chính vì khác nhau căn bản như vậy nên nguyên tắc của hoạt động quy định trong Luật Thanh tra 2010 chỉ phù hợp với hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra nhà nước mà không phù hợp với “hoạt động thanh tra thường xuyên”. Chính vì vậy, cùng với việc bỏ hình thức thanh tra thường xuyên được quy định tại Luật Thanh tra 2010, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng không quy định giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan khác.
Việc không giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan quản lý sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên, phát hiện và xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật chuyên ngành.
Riêng đối với một số tổng cục, cục thuộc bộ và một số cơ quan khác của nhà nước, nếu thấy cần thiết thì sẽ thành lập cơ quan thanh tra chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành tương tự như của thanh tra bộ nhằm tăng cường quản lý trong ngành, lĩnh vực đó.
Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tại các văn bản pháp luật chuyên ngành (nội dung này được thể hiện cụ thể trong Báo cáo rà soát các quy định pháp luật gửi kèm Hồ sơ dự án Luật).
Một số quy định đổi mới hoạt động thanh tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn thanh tra, tránh chồng chéo
Về hoạt động thanh tra
Kế thừa những mặt tích cực của Luật Thanh tra hiện hành, luật hóa những quy định dưới luật đã được thực hiện có hiệu quả thời gian qua, Luật được sửa đổi theo hướng quy định các bước tiến hành thanh tra chặt chẽ nhưng đơn giản, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phân biệt với các hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý và hoạt động kiểm toán nhà nước. Dự thảo Luật quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra được áp dụng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp luật khác có quy định về hoạt động thanh tra khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó. Trong trường hợp cần thiết, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước khác có tổ chức cơ quan thanh tra có trách nhiệm hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
Việc xây dựng, ban hành định hướng thanh tra hằng năm, kế hoạch thanh tra đã được quy định cụ thể nhằm bảo đảm cho hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, giám sát. Dự thảo Luật đã quy định việc ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra phải là người có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt, không có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra và việc thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra khi cần thiết. Dự thảo Luật đã luật hóa quy định về chuẩn bị thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả của cuộc thanh tra, đồng thời bảo đảm nguyên tắc hoạt động thanh tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, vốn đang là vấn đề gây bức xúc hiện nay. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể việc tiến hành thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước thông qua hoạt động của đoàn thanh tra, cụ thể như việc công bố quyết định thanh tra; xác định địa điểm, thời gian làm việc của đoàn thanh tra; việc thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; việc xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra… Đặc biệt, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác thanh tra hiện nay như quy định về sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra; việc tạm dừng cuộc thanh tra; việc đình chỉ cuộc thanh tra…
Nhằm bảo đảm cho các cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra hoàn thành được nhiệm vụ thanh tra, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra; các quyền trong hoạt động thanh tra của trưởng đoàn thanh tra; thành viên đoàn thanh tra. Đồng thời, xác định nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật đã có những quy định để xử lý kịp thời các sai phạm trong quá trình thanh tra, như: Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm thì trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập biên bản về hành vi vi phạm đó để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập và cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi đó. Đây là quy định mới nhằm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong giai đoạn kết thúc cuộc thanh tra: Dự thảo Luật đã quy định việc xây dựng và ban hành kết luận thanh tra, trong đó quy định về thẩm định để bảo đảm chất lượng, tính chính xác, khách quan của các kết luận, kiến nghị trong kết luận thanh tra. Đặc biệt, Dự thảo Luật đã có quy định để vừa bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra và bảo đảm sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý trong quá trình ban hành kết luận thanh tra: Người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Nếu thấy vụ việc phức tạp hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp, người ra quyết định thanh tra báo cáo, xin ý kiến thủ trưởng cơ quan quản lý trước khi ký kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra phải được ký trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có ý kiến của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.
Để bảo đảm hoạt động của đoàn thanh tra đúng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra, Dự thảo Luật đã quy định một mục về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra trong chương về hoạt động thanh tra. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia đoàn thanh tra; nội dung giám sát hoạt động đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát; trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát; tổ chức việc giám sát, báo cáo giám sát;…
Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi đã thiết kế hoạt động thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, hoạt động thanh tra được thực hiện bởi cơ quan thanh tra với một trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra đã được chuẩn hóa. Quy định này nhằm đảm bảo kết luận thanh tra được chính xác, khách quan, hoạt động thanh tra được công khai, minh bạch. Các quy định về trình tự, thủ tục thanh tra không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cho đối tượng thanh tra, phù hợp với tinh thần cải cách hành chính, không làm phát sinh thêm chi phí tổ chức thực hiện trên thực tế.
Phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán
Dự thảo Luật đã xác định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện. Về chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra: Quy định mỗi bộ, tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra do bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, của tỉnh được xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ thực hiện nội dung thanh tra đó.
Về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán: Dự thảo Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết kết quả công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước, thực hiện nguyên tắc một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thực hiện chức năng thanh tra hoặc kiểm toán nhà nước.
Thủ trưởng cơ quan thanh tra và kiểm toán trưởng kiểm toán nhà nước khu vực và chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp trong hoạt động, trao đổi thường xuyên để tránh chồng chéo, trùng lặp khi tiến hành thanh tra, kiểm toán. Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thanh tra khác hoặc kiểm toán nhà nước, thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp không thống nhất được ý kiến thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, giải quyết.
Quy định về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra và kiểm toán nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng thanh tra, kiểm toán, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước./.
Chú thích:
(*) Cuộc thanh tra 33/36 đầu mối kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương tiến hành với thời gian là 70 ngày, trong khi đó Thanh tra Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra các cây xăng trên địa bàn để xử lý những trường hợp găm hàng chờ tăng giá chỉ thực hiện trong thời gian một buổi, thậm chí chỉ 1 đến 2 giờ.
TS. Đinh Văn Minh
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ