Một số nội dung dự kiến sửa đổi cơ bản của Luật Thanh tra

Thứ hai, 29/03/2021 14:56
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ xây dựng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 5 năm 2021.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được xây dựng theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thanh tra cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đều được thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả. Các hoạt động thanh tra sẽ được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước. Dự thảo Luật cũng cố gắng phân định thẩm quyền và xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra, giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý. Có thể khái quát một số nội dung lớn trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) như sau:

Về các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính

Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất của Chính phủ về các lĩnh vực thanh tra và thực hiện quyền thanh tra trong các lĩnh vực công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định trước đây, Dự thảo Luật nhấn mạnh quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và trong công tác tiếp công dân.

Ngoài các cục, vụ phụ trách các lĩnh vực công tác thanh tra, dự kiến sẽ thành lập Ủy ban Thanh tra trong cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ để giúp Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề về chính sách, pháp luật thanh tra, định hướng công tác thanh tra. Ủy ban Thanh tra của Thanh tra Chính phủ thảo luận các dự thảo kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, có yếu tố nước ngoài hoặc có ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và những vụ việc có sai phạm lớn hoặc liên quan đến trách nhiệm của các cán bộ, công chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Những vụ việc này cũng sẽ được xin ý kiến của lãnh đạo Chính phủ trước khi ban hành kết luận chính thức. Ủy ban Thanh tra của Thanh tra Chính phủ là một cơ chế hoạt động tập thể, không phải là một tổ chức hay đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ, nhằm bảo đảm nguyên tắc tập thể và sự cân nhắc toàn diện trong các vấn đề/nội dung đặc biệt quan trọng.

Đối với cơ quan thanh tra cấp tỉnh, tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan thanh tra sở, thanh tra huyện và thanh tra tỉnh theo hướng thu gọn đầu mối. Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra hành chính trong phạm vi toàn tỉnh và thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với những lĩnh vực không tổ chức thanh tra sở. Trên cơ sở sắp xếp lại biên chế thanh tra các huyện thuộc tỉnh, sẽ thành lập các phòng thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh để phụ trách công tác thanh tra theo địa bàn các huyện.

Không thành lập Thanh tra huyện trực thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện theo tinh thần chung về tinh giản bộ máy hành chính đã được thể hiện trong Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra và tiến hành thanh tra thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân huyện sẽ do Thanh tra tỉnh thực hiện. Nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền sẽ giao cho Ban Tiếp công dân huyện thực hiện.

Về tổ chức Ban Tiếp công dân, Luật Tiếp công dân hiện nay quy định Ban Tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ, Ban tiếp công dân ở cấp tỉnh, cấp huyện thuộc văn phòng ủy ban nhân dân cùng cấp, do một Phó Chánh văn phòng làm trưởng ban. Việc tổ chức như vậy làm cho công tác tiếp dân có phần tách rời với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để khắc phục tình trạng này, Luật Thanh tra sửa đổi dự kiến sẽ đưa ban tiếp công dân của tỉnh thuộc cơ cấu của thanh tra tỉnh do một phó chánh thanh tra tỉnh làm trưởng ban. Ở cấp huyện, sẽ lập ban tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để tham mưu giúp chủ tịch ủy ban nhân dân huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện. Các công chức thanh tra huyện một phần sẽ sắp xếp, chuyển biên chế về thanh tra tỉnh và một phần chuyển sang ban tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của huyện.

Việc tổ chức, sắp xếp lại thanh tra huyện cũng như thanh tra sở là phù hợp với tinh thần và quy định mới đây về các cơ quan chuyên môn ở địa phương tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Về cơ quan thanh tra theo ngành

Tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan thanh tra của các bộ theo hướng thanh tra bộ thực hiện thanh tra hành chính trong phạm vi quản lý của bộ trưởng và thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với những lĩnh vực quản lý không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các tổng cục, cục thuộc bộ.

Thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ để thực hiện thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý của tổng cục trưởng, cục trưởng. Việc tổ chức các cơ quan thanh tra này là cần thiết do những bất cập trong việc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo tinh thần của Luật Thanh tra và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Chỉ thành lập thanh tra sở là cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp (Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội). Những lĩnh vực quản lý Nhà nước không thành lập thanh tra sở thì chức năng thanh tra do thanh tra tỉnh thực hiện. Nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tối cáo và phòng, chống tham nhũng sẽ do giám đốc sở giao cho các đơn vị khác thuộc sở đảm nhận.

Nhiều hoạt động được quy định là thanh tra chuyên ngành hiện nay (thanh tra thường xuyên) thực chất là hoạt động kiểm tra sẽ không nằm trong hệ thống các cơ quan thanh tra, không hoạt động theo quy định của Luật Thanh tra. Các hoạt động này thực hiện theo các quy định về kiểm tra chuyên ngành với mục đích để giữ gìn trật tự, kỷ cương công cộng mà không cần thiết phải giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan này như hiện nay và cũng sẽ đổi tên cho phù hợp, như: Đội quản lý trật tự xây dựng, đội quản lý an toàn giao thông, ban vệ sinh an toàn thực phẩm… Điều này là phù hợp với thực tế yêu cầu quản lý cũng như tách bạch giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra mà hiện nay đang có sự lẫn lộn và gây ra sự phản ứng khi cho rằng có quá nhiều cơ quan tiến hành thanh tra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đề cao trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm, thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra của bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Quy định trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, cho ý kiến chỉ đạo đối với các dự thảo kết luận thanh tra, xử lý kịp thời kiến nghị thanh tra và trực tiếp chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật chuyên ngành, thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức hoạt động kiểm tra thường xuyên để xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, bảo đảm trật tự, hiệu quả của công tác quản lý trong lĩnh vực và địa bàn thuộc trách nhiệm của mình.

Bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức phối hợp hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý trong phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương mình quản lý, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các hoạt động thanh tra cơ bản chỉ thực hiện theo kế hoạch, các hoạt động kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán

Trong Dự thảo Luật đã xác định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện.

Về chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, quy định bộ, tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra do bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, của tỉnh được xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ thực hiện nội dung thanh tra đó.

Về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán, quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết kết quả công tác thanh tra, kiểm toán để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước, thực hiện nguyên tắc một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán. Khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện có sự chồng chéo, trùng lặp thì thủ trưởng cơ quan thanh tra và trưởng kiểm toán khu vực, chuyên ngành phải trao đổi, thống nhất để có giải pháp xử lý và bảo đảm tính kế thừa trong hoạt động giữa hai cơ quan, đơn vị.

Dự kiến Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi hoàn thiện sẽ được lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn thiện, sau đó làm các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ vào tháng 5 năm 2021 theo kế hoạch./.

TS. Đinh Văn Minh

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra