Một số suy nghĩ về triết lý “ Ở đời và làm người” trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 28/10/2022 13:54
(ThanhtraVietNam) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, trước khi đi xa đã để lại cho dân tộc ta, đất nước ta một di sản vô cùng quý giá - bản Di chúc. Triết lý nhân sinh “Ở đời và làm người” trong Di chúc với trung tâm là tình yêu thương con người, vì con người và tất cả cho mọi người ở Hồ Chí Minh, đã làm cho Người trở nên vĩ đại, có tầm ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà còn với tất cả nhân dân tiến bộ thế giới.
leftcenterrightdel
 

Nhân sinh trong triết lý “Ở đời và làm người”

Triết lý “ở đời và làm người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội hàm được thể hiện rõ qua hai luận điểm: “Ở đời” và “Làm người”. Với luận điểm “ở đời”, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói đến làm gì cho đời thể hiện quan hệ hướng ngoại của con người - đó chính là cách ứng xử với việc công, cộng đồng và trách nhiệm đối với xã hội. Còn luận điểm “làm người” là nói đến làm gì để thành người thể hiện quan hệ hướng nội của con người, là sự tự tu dưỡng, tự rèn luyện, hoàn thiện nhân cách của mình. Có thể nói, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ nhất, tập trung nhất và là minh chứng sinh động, hùng hồn nhất về triết lý “Ở đời và làm người” của chính Người. Như chúng ta biết, vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20, khi ở vào tuổi 70, sức khỏe của Người ngày càng suy nhược, "diện mạo bên ngoài giảm sút, sắc diện không được hồng hào"; mặc dù trí nhớ được cho là "vẫn rất minh mẫn". Người đã suy nghĩ về việc để lại cho những đảng viên và nhân dân những lời dặn dò trước khi mất. Bản Di chúc được thai nghén từ năm 1960 và Người đặt bút viết bản Di chúc ngày 10 tháng 5 năm 1965, sửa đi sửa lại và bổ sung thêm đến tháng 5 năm 1969 mới xong. Bốn năm để viết một di chúc với tổng số 7 trang viết tay và đánh máy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đúng vào dịp sinh nhật mình, bắt đầu từ sáng ngày 10 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5 hàng năm, mỗi ngày một giờ đồng hồ, chọn giờ đẹp nhất từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, để suy nghĩ, chỉnh sửa bản Di chúc - tài liệu đặc biệt bí mật - như cách Người gọi và viết về ngày ra đi của cá nhân mình[1].

Luận điểm “ở đời” trong Di chúc được thể hiện qua những nội dung cần làm gì cho đời như sau:

Một là, phải có chiến lược hành động và chính sách phát triển cho đời (cho đất nước)

Di chúc được xem như một tầm nhìn chiến lược hành động về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những nhận diện về công cuộc xây dựng đất nước; dự kiến về những chính sách cần áp dụng cho nông nghiệp và cho các nhóm xã hội có hoàn cảnh đặc biệt. Đối với việc xây dựng đất nước sau chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đó là “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi[2]. Với nông dân - lực lượng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn có đóng góp quan trọng cho cách mạng và chịu thiệt thòi, mất mát nhiều trong chiến tranh, Người chỉ ra chính sách kinh tế - xã hội cụ thể, thiết thực. Người “đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất[3]. Với cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong đã hy sinh một phần xương máu cho kháng chiến, Người nhắc nhở: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh[4], “việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét[5]

Hai là, phải xác định, xây dựng được lực lượng lãnh đạo và xây dựng đất nước

 Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, Di chúc đã chỉ dẫn những công việc cực kỳ hệ trọng có tính định hướng cho xây dựng và phát triển Đảng. “…Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi[1]

Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với sự quan tâm sâu sắc vấn đề “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”Người đề nghị: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên[2]; cần chọn một số thanh niên ưu tú, những chiến sĩ trẻ tuổi đã tham gia các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong “cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta[3].

Ba là, phải thấy và phát huy được động lực xây dựng và phát triển đất nước

Theo Di chúc, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát hiện và phát huy được khả năng sáng tạo của dân, xem đó là động to lớn của đất nước. “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân[4].

Bốn là, phải kết hợp được sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, phải có trách nhiệm với quốc tế

Cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng, của dân tộc còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Di chúc đã có chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, “về phong trào cộng sản thế giới” và đây chính là xác định luận điểm về nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”[1].

Nói tóm lại, luận điểm “Ở đời” - làm gì cho đời được đúc kết trong điều mong muốn cuối cùng trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[2].

Luận điểm “làm người” trong Di chúc được thể hiện qua những nội dung cần làm gì để thành người, là:

Phải dám và biết phấn đấu, hy sinh quên mình vì lợi ích chung. Di chúc thể hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Suốt đời tôi hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phụng vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phụng vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[3]

Phải biết động viên và tạo niềm tin cho con người. Tin tưởng vào sự tất thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Di chúc khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn[4]. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng thủy chung với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.

Phải biết khiêm tốn và tiết kiệm. Hồ Chí Minh đã để lại di nguyện trong Di chúc “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì gời và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn ruộng… Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn… Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm”[1]. Qua lời dặn dò về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, làm người phải biết khiêm tốn và sống tiết kiệm. Hơn thế nữa, ở đây, Người còn đề cập đến việc xây dựng một đời sống văn hoá mới; một lối sống tiết kiệm, không lãng phí; mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái.

Vận dụng sáng tạo trong sinh hoạt và hoạt động của của cán bộ, đảng viên

Thấm nhuần triết lý “ở đời và làm người” của Di chúc, Đảng ta đã tiếp thu, thể hiện và vận dụng nó trong sinh hoạt và hoạt động của của cán bộ, đảng viên. Điều này thể hiện nhất quán tại các chủ trương, các quy định trong Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các quy định nêu gương, như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Qua các văn kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ về trách nhiệm “ở đời” và trách nhiệm “làm người” cho cán bộ, đảng viên nói chung; cho cán bộ, đảng viên có cương vị và trọng trách cao, nói riêng.

Trách nhiệm “ở đời”

Một là, về trách nhiệm trong công tác: Phải nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm; Phải hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm".  

Hai là, về trách nhiệm trong quan hệ với nhân dân. Trước hết, cần nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền. 

Ba là, trách nhiệm trong ý thức tổ chức kỷ luật. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị. 

Bốn là, trách nhiệm đối với đoàn kết nội bộ, cần chú ý là: Hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương; công tâm với cán bộ dưới quyền; hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ. 

Trách nhiệm “làm người”

Để thực hiện trách nhiệm làm người thì đầu tiên, cần có tư tưởng chính trị đúng đắn: Phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Ðảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Cần có đạo đức, lối sống, tác phong trong sáng, phù hợp; Phải biết biết tự phê bình, phê bình, trong đó, người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa.

Biến triết lý nhân sinh thành hành động thiết thực, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã đấu tranh không mệt mỏi, cống hiến không ngừng cho sự nghiệp giành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Đạo đức Hồ Chí Minh tỏa sáng, sống mãi với non sông đất nước ta, như lời điếu văn truy điệu do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại Lễ tang Bác Hồ (Tháng 9/1969): “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người Anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”15.

TS. Phạm Thị Vui
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra