Một số vi phạm qua hoạt động thanh tra ngân hàng

Thứ tư, 26/10/2022 16:12
(ThanhtraVietNam) - Luật Các tổ chức tín dụng giải thích, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

Các tổ chức tín dụng hoạt động trên các lĩnh vực huy động vốn, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán, kinh doanh ngoại hối và một số hoạt động khác như góp vốn, cổ phần, kinh doanh vàng. Các hoạt động của ngân hàng thương mại gồm: Nhận tiền gửi; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn; cấp tín dụng; mở tài khoản thanh toán cho khách hàng; cung ứng các phương tiện thanh toán, các dịch vụ thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng và thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với tổ chức tín dụng.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng, khi hoạt động tác nghiệp đôi lúc xảy ra tình trạng nhân viên của tổ chức tín dụng có thể vì lợi ích cá nhân hoặc do non kém nghiệp vụ, lơ là trong công việc dẫn tới không tuân thủ theo quy định, quy trình nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, của Ngân hàng Nhà nước; không tuân thủ các quy định, quy trình của hệ thống hỗ trợ, hệ thống thanh toán, không hỗ trợ kịp thời hoặc hỗ trợ không hiệu quả, có hành động gây khó khăn cho bộ phận nghiệp vụ; có hành vi lừa đảo, cấu kết với đối tượng bên ngoài… gây thiệt hại cho các tổ chức tín dụng. Việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết. Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng là cơ quan thanh tra nhà nước, được tổ chức thành hệ thống gồm: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh giúp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quản lý nhà nước, tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố đối với các đối tượng quản lý, thanh tra và giám sát ngân hàng trên địa bàn.

Ngày 07/01/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển" thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

leftcenterrightdel

Việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết.

 

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Chỉ thị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị tại trụ sở chính tham mưu cho Thống đốc, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, trong đó tập trung vào hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và vàng; triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng…

Năm 2021, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc 63 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh thanh tra, giám sát và xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách góp phần bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Trong thời gian này, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã triển khai 1.067 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 1.137 tổ chức, cá nhân; đã ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 890 cuộc thanh tra, kiểm tra.

Nội dung thanh tra, kiểm tra chủ yếu gồm: Thanh tra hoạt động cấp tín dụng (bao gồm cho vay, bảo lãnh, L/C, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do tổ chức kinh tế trong nước phát hành); việc cho vay VND cầm cố thẻ tiết kiệm bằng ngoại tệ; phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; việc chấp hành quy định về giới hạn, hạn chế cấp tín dụng. Thanh tra việc huy động vốn và việc chấp hành các quy định của pháp luật về lãi suất huy động vốn. Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; việc triển khai các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng và tội phạm trong ngành Ngân hàng. Thanh tra việc phân phối lợi nhuận; công tác an toàn kho quỹ; tình hình tổ chức và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ…

Kết quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cho thấy, cơ bản các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và không phát sinh các vụ việc phức tạp, gây rủi ro an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã phát hiện ra một số vi phạm, tồn tại liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ và một số cá nhân, bộ phận chưa tuân thủ đầy đủ quy định trong thực hiện nhiệm vụ.

 Riêng quý I năm 2022, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã phát hiện 153 tổ chức và 04 cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh và hoạt động tác nghiệp. Số tiền vi phạm được phát hiện hơn 18 nghìn tỷ đồng; đã kiến nghị thu hồi về tổ chức, đơn vị hơn 5,6 nghìn tỷ đồng, xử lý khác gần 12,4 nghìn tỷ đồng; ban hành 34 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã phát hiện 672 tổ chức, 03 cá nhân vi phạm quy định pháp luật, quy định của ngành Ngân hàng, quy định nội bộ của tổ chức tín dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh và hoạt động tác nghiệp. Tổng số tiền vi phạm (gồm tiền và tài sản quy thành tiền) hơn 111.356 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về tổ chức, đơn vị hơn 4.623 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác hơn 89.944 tỷ đồng; đã ban hành 157 quyết định xử phạt hành chính với số tiền xử phạt hơn 12 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 04 vụ việc đối với 04 đối tượng.

Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chỉ ra một số nội dung vi phạm chủ yếu trong hoạt động, tác nghiệp tại các tổ chức tín dụng như sau:

Một là, vi phạm trong việc huy động vốn: Ban hành văn bản về huy động vốn chưa phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước; tính trả lãi cho khách hàng chưa phù hợp với quy định và thỏa thuận tại hợp đồng tiền gửi; áp dụng lãi suất huy động không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước; nhận tiền gửi với kỳ hạn không có trong quy định nội bộ; sổ tiết kiệm, thẻ tiết kiệm chưa đầy đủ các nội dung theo quy định; áp dụng lãi suất khách hàng rút tiền gửi trước hạn không đúng và vượt mức lãi suất tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Hai là, vi phạm trong hoạt động tín dụng: Thẩm định trước khi cho vay chưa sát thực tế, sơ sài, ghi chung chung, chưa phân tích cụ thể nội dung phương án của khách hàng vay, thẩm định nguồn trả nợ chưa đủ cơ sở chứng minh theo quy định tại Khoản 1, Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng; thời hạn cho vay vượt quá chu kỳ hoạt động kinh doanh, quá thời hạn thu hồi vốn, vượt khả năng trả nợ của khách hàng; nội dung thỏa thuận cho vay không đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN; chưa xem xét các khoản vay của khách hàng và người có liên quan tại các tổ chức tín dụng khác; cho vay khi khi khách hàng không đủ điều kiện vay vốn…

Hồ sơ vay vốn chưa lưu đầy đủ tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, thiếu chứng từ chứng minh nguồn thu nhập để trả nợ; hồ sơ pháp lý của khách hàng chưa đầy đủ, chưa phù hợp, hồ sơ vay vốn chưa đúng trình tự phát sinh nghiệp vụ, có nội dung chưa thống nhất; hồ sơ vay vốn thiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thiếu giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Hồ sơ tài sản bảo đảm chưa đầy đủ; chưa định giá lại tài sản bảo đảm theo quy định nội bộ, tài sản hết hạn bảo hiểm nhưng chưa mua mới; chưa thực hiện cam kết chuyển doanh thu về tài khoản, chưa thực hiện theo phê duyệt của hội đồng tín dụng…

Biên bản kiểm tra sau cho vay sơ sài, chưa cập nhật phân tích tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của khách hàng, công nợ phải thu, phải trả tại thời điểm kiểm tra, chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn; kiểm tra, giám sát định kỳ khách hàng chưa đúng…    

Ba là, vi phạm về công tác phòng, chống rửa tiền: Thông tin nhận biết khách hàng trên giấy đăng ký mở tài khoản chưa đầy đủ; chưa tiến hành kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo quy định…

Bốn là, vi phạm về phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro: Phân loại nhóm nợ không đúng quy định; trích lập dự phòng không chính xác…

Năm là, vi phạm về hạch toán kế toán, thu chi, tài chính: Mở sổ sách kế toán, theo dõi chưa đúng quy định; hạch toán nghiệp vụ kế toán chưa phù hợp tính chất tài khoản, chứng từ còn thiếu, chưa hợp lệ; dự thu, dự chi chưa đầy đủ; chưa xuất hóa đơn với các khoản quà tặng…

Sáu là, vi phạm về vốn điều lệ, cổ đông, cổ phần, cổ phiếu: Xác lập tư cách thành viên Quỹ tín dụng nhân dân chưa đúng điều lệ; vốn điều lệ không hình thành từ vốn góp của thành viên tham gia góp vốn; chi trả vốn góp trên mức tối thiểu không đúng quy định tại các Quỹ tín dụng nhân dân…

Bảy là, vi phạm về quản trị, điều hành; kiểm soát, kiểm toán nội bộ: Hội đồng quản trị chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và quy trình, quy định nội bộ của tổ chức tín dụng; quy định, quy chế nội bộ liên quan đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị còn chậm ban hành mới hoặc chậm sửa đổi, bổ sung; một số quy định, quy trình nội bộ về quản lý rủi ro tín dụng, chính sách quản lý rủi ro, quy trình cung cấp sản phẩm mới… còn có nội dung chưa rõ ràng, chưa được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ theo quy định; chưa ban hành đầy đủ quy định nội bộ…

Tám là, vi phạm về an toàn kho quỹ: Vi phạm quy định về các trường hợp mở hộp chìa khóa dự phòng, về niêm phong và gửi chìa khóa dự phòng cửa kho tiền; phương án canh gác, bảo vệ kho tiền chưa có sự phối hợp với lực lượng công an liên quan theo quy định; không thực hiện đúng quy định về trách nhiệm bảo mật chìa khóa cửa kho tiền; sổ theo dõi cửa ra vào kho tiền chưa đúng mẫu, không ghi đầy đủ nội dung…

Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng vi phạm về quản lý ngoại hối; vi phạm về bảo lãnh; vi phạm về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng như: Máy tính để bàn chưa kịp thời cập nhật các bản vá hệ điều hành, phòng máy chủ chưa được trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động…

Ngô Đăng Tân
Tạp chí Thanh tra
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra