Triển khai Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (Nghị định số 43/2023/NĐ-CP), ngày 09/5/2024, Bộ Tài chính có Công văn số 4746/BTC-HCSN về việc lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 73/2015/TTLT-BTC-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, cấp phát trang phục đối với thanh tra viên, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan thanh tra nhà nước (dự thảo Thông tư).
Sau khi nghiên cứu dự thảo Thông tư, tác giả xin tham gia một số ý kiến kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, khoản 1 Điều 61 Nghị định số 34 /2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “1. Căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành. Căn cứ ban hành văn bản bao gồm văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản đó và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản”. Vì vậy, dự thảo Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành nên căn cứ ban hành chỉ cần căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính và không căn cứ Nghị định số 81/2023/NĐ-CP ngày 27/11/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Thứ hai, khoản 2 Điều 13 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “2. Trang phục của Thanh tra viên là sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an”. Do đó, đề nghị bổ sung Điều 2 dự thảo Thông tư quy định đối tượng áp dụng như sau: “Thanh tra viên làm việc tại các cơ quan thanh tra, trừ trang phục của Thanh tra viên là sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an”.
|
|
Mẫu trang phục hiện tại của ngành Thanh tra. (Ảnh internet) |
Thứ ba, khoản 4, khoản 5 Điều 13 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
“4. Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ quy định cụ thể về chế độ cấp trang phục thanh tra cho Thanh tra viên thuộc các cơ quan thanh tra”.
“5. Tổng Thanh tra Chính phủ quy định mẫu trang phục, việc quản lý, sử dụng trang phục thanh tra của Thanh tra viên thuộc các cơ quan thanh tra”.
Như vậy, để có cơ sở ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 73/2015/TTLT-BTC-TTCP về trang phục thanh tra thì Bộ trưởng Bộ Tài chính phải thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ quy định cụ thể về chế độ cấp trang phục thanh tra cho Thanh tra viên thuộc các cơ quan thanh tra. Đồng thời, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư quy định mẫu trang phục, việc quản lý, sử dụng trang phục thanh tra của Thanh tra viên thuộc các cơ quan thanh tra trước khi bộ Bộ Tài chính ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 73/2015/TTLT-BTC-TTCP về trang phục thanh tra.
Thứ tư, khoản 2 Điều 4 dự thảo Thông tư quy định: “Trường hợp trang phục đã được cấp bị hư hỏng hoặc mất mát do nguyên nhân khách quan thì được cấp bổ sung. Trường hợp trang phục đã được cấp bị hư hỏng hoặc mất mát không do nguyên nhân khách quan thì cá nhân phải tự may sắm đảm bảo yêu cầu trang phục theo quy định”.
Đối với trang phục ngoài lý do bị hư hỏng hoặc mất mát thì trên thực tế trang phục có thể bị cũ, bị chật hoặc bị rộng... là do nguyên nhân khách quan thì phải được xem xét được cấp bổ sung. Bên cạnh đó, nếu trang phục đã được cấp bị hư hỏng hoặc mất mát không do nguyên nhân khách quan thì cá nhân phải tự bỏ chi phí để may sắm đảm bảo yêu cầu trang phục theo quy định nhằm làm rõ trách nhiệm các Thanh tra viên trong việc bảo quản, sử dụng trang phục theo đúng quy định.
Vì vậy, đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 4 dự thảo Thông tư cho đầy đủ như sau: “Trường hợp trang phục đã được cấp bị hư hỏng, mất mát, cũ hoặc lý do khác mà do nguyên nhân khách quan thì được cấp bổ sung. Trường hợp trang phục đã được cấp bị hư hỏng hoặc mất mát không do nguyên nhân khách quan thì cá nhân phải tự chịu chi phí may sắm đảm bảo yêu cầu trang phục theo quy định”.
Thứ năm, khoản 2 Điều 4 dự thảo Thông tư quy định: “5. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chủ quản của cơ quan thanh tra có thể xem xét quyết định may sắm trang phục cho thanh tra viên hoặc cấp tiền cho từng cá nhân tự may sắm theo đúng quy định về tiêu chuẩn, hình thức, mầu sắc, kiểu dáng trang phục”.
Quy định Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chủ quản của cơ quan thanh tra có thể xem xét quyết định may sắm trang phục cho thanh tra viên sẽ dẫn đến trường hợp cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chủ quản của cơ quan thanh tra lấy lý do không có kinh phí để may sắm trang phục cho Thanh tra viên, việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của Thanh tra viên; mặt khác, không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong lực lượng thanh tra.
Bên cạnh đó, Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chủ quản của cơ quan thanh tra cấp tiền cho từng cá nhân tự may sắm trang phục sẽ dẫn đến các cá nhân có thể lợi dụng việc này để lấy tiền nhưng không may sắm trang phục thanh tra, dẫn đến việc sử dụng kinh phí không đúng mục đích, không hiệu quả, thất thoát, lãng phí ngân sách.
Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 dự thảo Thông tư như sau: “5. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chủ quản của cơ quan thanh tra xem xét quyết định may sắm trang phục cho Thanh tra viên”.
Thứ sáu, khoản 1 Điều 5 dự thảo Thông tư quy định: “1. Nguồn kinh phí: Nguồn kinh phí may, sắm trang phục thanh tra, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, cầu vai, cấp hàm do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, được giao trong dự toán chi không thực hiện chế độ tự chủ của các cơ quan, đơn vị”.
Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “1. Thanh tra viên được cấp trang phục thanh tra, bao gồm: quần áo thu đông, áo măng tô, áo sơ mi dài tay, quần áo xuân hè, mũ, thắt lưng da, giầy da, dép quai hậu, bít tất, cà vạt, cặp tài liệu, mũ kêpi, biển hiệu, cầu vai, cấp hàm”.
Như vậy, khoản 1 Điều 5 dự thảo Thông tư quy định chưa đầy đủ, chưa chính xác, vì theo khoản 1 Điều 13 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì trang phục thanh tra không có cấp hiệu, phù hiệu; đồng thời, chỉ cần nêu trang phục thanh tra là đầy đủ, không cần thiết phải liệt kê cụ thể.
Do đó, đề nghị biên tập nội dung này như sau: “1. Nguồn kinh phí: Nguồn kinh phí may, sắm trang phục thanh tra do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, được giao trong dự toán chi không thực hiện chế độ tự chủ của các cơ quan, đơn vị”.
Thứ bảy, hiện dự thảo Thông tư sử dụng các cụm từ: “trang phục”, “trang phục thanh tra”, do đó đề nghị sử dụng cụm từ “trang phục thanh tra” trong dự thảo Thông tư cho thống nhất, đầy đủ.
Trên đây là một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 73/2015/TTLT-BTC-TTCP về trang phục thanh tra./.