Một số yếu tố ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng (tiếp theo và hết)

Thứ sáu, 29/12/2023 10:49
(ThanhtraVietNam) - Năng lực thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng có liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của các chủ thể, mối quan hệ giữa các chủ thể trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng và năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế. Cùng với đó, hệ thống thông tin quốc gia và hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính cũng có tác động trực tiếp đến công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.

Năng lực thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Năng lực thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng có liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của các chủ thể, mối quan hệ giữa các chủ thể trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng và năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế.

Trong tác phẩm “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Rõ ràng, con người là yếu tố trung tâm, quyết định đến sự thành hay bại của chính sách. Trong vấn đề phòng, chống tham nhũng, năng lực thực thi pháp luật và năng lực thực thi công vụ của từng cá nhân được phân công, giao phó thẩm quyền có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, trong đó có hiệu quả của hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm và đã có một số giải pháp bước đầu, nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng nói riêng còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, có sự thiếu hụt cán bộ có trình độ, kinh nghiệm cùng với chế độ đãi ngộ còn hạn chế, chưa tương xứng với những đóng góp cũng như trọng trách công việc được giao. Với năng lực thực thi pháp luật còn hạn chế, việc thực hiện một cách hệ thống, toàn diện các biện pháp, hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng cũng như hợp tác khu vực và quốc tế về chống tham nhũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. 

Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, một trong những nội dung hoạt động được tiến hành thường xuyên trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng là trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức. Để hoạt động hợp tác quốc tế này thực sự có chất lượng thì việc lựa chọn, cử cán bộ tham gia đào tạo, học hỏi kinh nghiệm cần được chú trọng. Công tác bồi dưỡng cán bộ trong nước cũng cần được nâng cao, đi vào thực chất, để cán bộ, công chức được trang bị đầy đủ những hiểu biết, kiến thức cần thiết về phòng, chống tham nhũng, từ đó có thể tham gia chủ động và tích cực hơn vào các chủ đề, nội dung được đào tạo, bồi dưỡng trong khuôn khổ hợp tác quốc tế.

Hệ thống thông tin quốc gia về phòng, chống tham nhũng

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng là việc xây dựng, hình thành hệ thống thông tin quốc gia nhằm thúc đẩy việc trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc kiểm soát và phòng, chống tham nhũng. Công tác này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn, mang tính chất xuyên quốc gia và trở thành một trong những cam kết được đề cập trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương.

Ví dụ, hợp tác trong chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ việc thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng quy định tại Điều 48, Điều 61 Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng yêu cầu các quốc gia thành viên sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau, trên cơ sở tuân thủ hệ thống pháp luật và hành chính nước mình, để tăng cường hiệu quả của hoạt động thực thi pháp luật nhằm đấu tranh chống các tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này. Đặc biệt, mỗi quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp hiệu quả:

- Để tăng cường và, khi cần thiết, thành lập các kênh thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, ban ngành có thẩm quyền của các bên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi an toàn và nhanh chóng thông tin về tất cả các mặt của tội phạm mà Công ước này điều chỉnh, kể cả mối liên hệ với các tội phạm khác nếu các quốc gia có liên quan cho là phù hợp;

- Để trao đổi với các quốc gia thành viên khác khi thích hợp thông tin về các phương tiện, thủ đoạn cụ thể được sử dụng trong quá trình thực hiện tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này, bao gồm cả việc sử dụng giấy tờ nhân thân giả, tài liệu giả bị làm, sửa chữa và các thủ đoạn che đậy khác;

- Trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện các biện pháp hành chính và các biện pháp khác khi phù hợp nhằm mục đích sớm nhận dạng được các tội phạm mà Công ước này quy định. (Điều 48)

- Các quốc gia thành viên xem xét phát triển và chia sẻ số liệu về tham nhũng, đội ngũ chuyên gia phân tích thông tin và tham nhũng (với nhau hay thông qua các tổ chức quốc tế và khu vực), nhằm mục đích phát triển trong chừng mực có thể những định nghĩa, chuẩn mực hay phương pháp luận chung đồng thời chia sẻ thông tin về những thực tiễn phòng chống tham nhũng tốt. (Điều 61)

leftcenterrightdel
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thanh tra Chính phủ Việt Nam và cơ quan Phòng, chống tham nhũng Cộng hòa Pháp diễn ra ngày 24/10/2023. (Ảnh: Minh Nguyệt) 

Để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng thì Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống thông tin quốc gia về phòng, chống tham nhũng, trước mắt và cơ bản nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ở góc độ chuyên môn liên quan trực tiếp hơn tới hoạt động phòng, chống tham nhũng là cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng. Ngày 15/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến lĩnh vực thanh tra, trong đó có nội dung “Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập;”.

Trước thời điểm trên, ngày 28/3/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”. Mục tiêu chung của Đề án là “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định khác liên quan để góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn với kết quả cuối cùng là sau năm 2025 thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài làm việc hoặc có hoạt động của Việt Nam, một mặt phải tôn trọng, bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, nhưng mặt khác cũng cần có cơ chế để kiểm soát thông tin, bao gồm cả thông tin cá nhân và các giao dịch được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, nhằm quản lý các rủi ro tiêu cực có thể đến từ các đối tượng này, trong đó có rủi ro về việc tẩu tán tài sản tham nhũng.

Một hệ thống thông tin thông suốt, minh bạch và được kiểm soát tốt bởi các cơ quan có chức năng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng cũng như hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính

Tương tự các yếu tố phân tích ở trên, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính cũng có tác động trực tiếp đến công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, trong các điều ước quốc tế đa phương, hạ tầng kỹ thuật và nguồn lực tài chính luôn được nêu ra như những yếu tố đảm bảo thực hiện cam kết quả các quốc gia thành viên. Đồng thời, các quốc gia phát triển cũng thường coi đây là một trong những nội dung hỗ trợ kỹ thuật quan trọng, trước tiên cho các quốc gia đang phát triển để tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế.

Ví dụ, tại khoản 2 Điều 62 Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng quy định các Quốc gia thành viên phải có những nỗ lực cụ thể, trong chừng mực có thể và trên cơ sở phối hợp với nhau, và với các tổ chức khu vực và quốc tế:

- Nhằm tăng cường trợ giúp vật chất và tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển phòng và chống tham nhũng hiệu quả và giúp họ thực hiện Công ước này thành công (điểm b);

- Nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, giúp họ đáp ứng được những yêu cầu về thực hiện Công ước này. Để đạt được mục đích này, các Quốc gia thành viên phải nỗ lực đóng góp tự nguyện đều đặn và thích đáng vào một tài khoản được lập đặc biệt cho mục đích này trong một cơ chế tài trợ của Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên cũng có thể, trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước mình và các điều khoản của Công ước này, đặc biệt cân nhắc việc đóng góp vào tài khoản đó một tỷ lệ phần trăm của số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội tương đương của tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản bị tịch thu theo quy định của Công ước này (điểm c);

- Nhằm khuyến khích và thuyết phục các Quốc gia và các tổ chức tài chính khác cùng tham gia những nỗ lực theo quy định của Điều này, cụ thể bằng việc cung cấp nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo và thiết bị hiện đại cho các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ các nước này đạt được những mục tiêu của Công ước này (điểm d).

Trên thực tế, quá trình đàm phán, ký kết và phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật của nhiều đối tác phát triển để xây dựng năng lực thực thi, bao gồm cả năng lực xây dựng thể chế, năng lực nghiên cứu, phân tích, dự báo, năng lực theo dõi, đánh giá, năng lực trao đổi, chia sẻ thông tin[9].


[9] Một số hoạt động trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng như: Nghiên cứu, biên soạn ấn phẩm “Việt Nam với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng” nằm trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ ban đầu dành cho Thanh tra Chính phủ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP); nghiên cứu và công bố Chuyên đề nghiên cứu “Nội dung và các nghĩa vụ đối với quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng”; “Báo cáo tổng quan đánh giá thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; “Báo cáo tổng quan đánh giá các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đối với việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam” do Thanh tra Chính phủ thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA)….

ThS. Nguyễn Tuấn Anh
Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ
ThS. Nguyễn Phương Vy
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra