Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội

Thứ sáu, 27/10/2023 15:24
(ThanhtraVietNam) - Hoạt động lập pháp là một trong những hoạt động quan trọng của Nhà nước pháp quyền, bởi vì chất lượng hoạt động lập pháp sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng hệ thống pháp luật và kết quả thực hiện pháp luật.

Hoạt động lập pháp của Quốc hội qua các nhiệm kỳ đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng, để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Trải qua gần 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, đổi mới hoạt động lập pháp, trong đó có những dấu ấn vượt bậc về kỹ thuật lập pháp qua từng giai đoạn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đạo luật, pháp lệnh, nghị quyết sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua. Tuy nhiên, yêu cầu phát triển của thời kỳ mới đang đặt ra những nhiệm vụ to lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn đối với hoạt động lập pháp của Quốc hội. Do đó, một trong những giải pháp cần chú trọng thực hiện đó là nâng cao năng lực lập pháp của đại biểu quốc hội (ĐBQH) - một thành phần cơ bản, quan trọng trong hệ thống tổ chức bộ máy của Quốc hội, là hạt nhân trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

leftcenterrightdel
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Hội thảo “Quốc hội Việt Nam - 80 năm đổi mới và phát triển về hoạt động lập hiến, lập pháp” . Ảnh: daibieunhandan.vn

Đổi mới và phát triển các quy định về kỹ thuật lập pháp

Từ nhiệm kỳ khóa I đến nhiệm kỳ khóa IV, Quốc hội tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách, kháng chiến kiến quốc, phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam, hoạt động lập pháp chưa được thực hiện thường xuyên, cũng chưa hình thành chương trình xây dựng pháp luật và quy trình làm luật toàn diện, đầy đủ. Đến cuối thập kỷ 80 của thời kỳ đổi mới, vai trò của hoạt động lập pháp càng được khẳng định trong việc tạo khung khổ pháp lý đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Sự ra đời của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), với 04 lần sửa đổi, bổ sung (2002; 2008; 2015; 2020) được xem như bước ngoặt quan trọng thể  hiện sự chuyên nghiệp, tính chuẩn mực trong quy trình lập pháp, kỹ thuật lập pháp của Quốc hội, UBTVQH theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với sự phát triển của hoạt động lập pháp trong giai đoạn mới, đáp ứng các yêu cầu và đỏi hỏi ngày càng cao của thực tiễn áp dụng pháp luật.

Theo Ths. Nguyễn Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sự ra đời của Luật Ban hành VBQPPL là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong tiến trình phát triển và đổi mới quy trình lập pháp cũng như kỹ thuật lập pháp của Quốc hội, UBTVQH. Cùng với một số nghị quyết của UBTVQH cụ thể hóa Luật Ban hành VBQPPL và pháp lệnh quy định về kỹ thuật trình bày dự thảo VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH đã tạo lập một hệ thống cơ sở pháp lý quan trọng, thống nhất về các nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp, có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH đặc biệt trong điều kiện hoạt động lập pháp diễn ra nhanh chóng và liên tục như hiện nay.

Về công tác hoàn thiện kỹ thuật văn bản, Ths. Nguyễn Phương Thảo cho biết, hiện nay công tác này được giao cho tất cả các cơ quan của Quốc hội khi chủ trì thẩm tra các dự án. Việc chỉnh lý về nội dung luôn phải đồng hành với việc đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật văn bản, tạo đầu mối thống nhất, theo dõi sát sao quá trình chỉnh lý, hoàn thiện văn bản. Hoạt động rà soát được tiến hành với sự tham gia của nhiều cơ quan có liên quan như: đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế của các bộ, ngành. Với cách thức như vậy, việc rà soát, chỉnh lý hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp trong thời gian qua đã được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc, đảm bảo thời gian và tiến độ công bố luật, pháp lệnh theo quy định.

Tuy nhiên, Ths. Nguyễn Phương Thảo cũng nêu lên một số vấn đề như: chưa có quy định cụ thể tạo cơ chế pháp lý cho việc giải quyết một số vấn đề phát sinh trong quá trình tiến hành rà soát, chỉnh lý hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản làm cho các chủ thể tiến hành hoạt động này gặp khó khăn, lúng túng; chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục rà soát; chất lượng, hiệu quả của hoạt động rà soát, chỉnh lý hoàn thiện về kỹ thuật văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết tuy đã được nâng cao nhưng còn thấp so với yêu cầu thực tiễn, đôi khi còn mang tính hình thức…

Từ thực tiễn đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đưa ra kiến nghị về việc tiếp tục nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn việc áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều VBQPPL theo hướng quy định rõ quy trinh; các tiêu chí, điều kiện cụ thể cho việc áp dụng kỹ thuật này. Đồng thời, hướng dẫn thống nhất về kỹ thuật thể hiện, tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng, ban hành áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật, tránh làm dụng khi chưa xem xét thấu đáo toàn bộ thệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, nghiên cứu thành lập một thiết chế độc lập để thực hiện hoạt động rà soát, bảo đảm hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp đối với dự án luật, pháp lệnh trước và sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thiết lập thiết chế này sẽ góp phần giải tỏa bớt gánh nặng công việc cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, giúp các cơ quan tập trung vào vai trò là cơ quan chuyên môn của Quốc hội, giúp Quốc hội nghiên cứu, thẩm tra một cách sâu sắc, toàn diện các chính sách pháp luật được trình.

Nâng cao năng lực lập pháp của ĐBQH góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp

Nói về vị thế của ĐBQH trong hoạt động lập pháp, PGS.TS Lê Thiên Hương nhận định, hiệu quả hoạt động của ĐBQH có tác động rất lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Trong quy trình lập pháp, hoạt động của ĐBQH trải dài qua các công đoạn khác nhau, từ khâu sáng kiến pháp luật, xem xét quyết định chương trình xây dựng pháp luật, soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện, xem xét thông qua… tùy thuộc vào vị trí, vai trò, trách nhiệm của ĐBQH.

Thực tiễn hoạt động lập pháp hiện nay của ĐBQH cho thấy, bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được, vẫn có khoảng cách nhất định so với yêu cầu thực tiễn, làm ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, để nâng cao năng lực lập pháp của ĐBQH phù hợp với xu thế xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, PGS.TS Lê Thiên Hương đưa ra 05 giải pháp quan trọng cần được ưu tiên thực hiện trong thời gian tới. Đó là: (1) Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động lập pháp của ĐBQH về quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, UBTVQH; (2) Đảm bảo hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng ĐBQH; (3) Nâng cao năng lực tư duy phản biện và đề cao tính trách nhiệm trong hoạt động lập pháp của ĐBQH; (4) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn ĐBQH phù hợp với yêu cầu thực tiễn; (5) Phát huy vai trò hạt nhân của ĐBQH trong hoạt động lập pháp.

leftcenterrightdel
Các đại biểu quốc hội bấm nút thông qua Dự án Luật Thanh tra năm 2022. Ảnh: nguồn internet

Lý giải cho những giải pháp nêu ra, PGS.TS Lê Thiên Hương cho biết, hiện nay, về cơ bản sáng kiến pháp luật bắt nguồn từ Chính phủ, qua thống kê, hiện nay có khoảng 90% các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, UBTVQH là do Chính phủ soạn thảo. So với các chủ thể có quyền trình dự án luật, pháp lệnh khác, ĐBQH có một vị thế hoàn toàn khác, trong đó, sự khác biệt cơ bản là ĐBQH không có nguồn lực hữu hiệu để hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện quyền này (nhân lực và nguồn kinh phí), cũng như không được đảm bảo một vị trí ưu tiên trong quá trình xác lập chương trình hoạt động của Quốc hội, Do đó, để thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quyền sáng kiến lập pháp của ĐBQH, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng quy trình soạn thảo, góp ý kiến, thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh do đại biểu trình. Đồng thời, cần kiện toàn cơ quan nghiên cứu chuyên môn, bộ máy giúp việc và cơ chế hỗ trợ về tài chính để có đủ năng lực giúp ĐBQH trong việc triển khai hoạt động có liên quan đến chuẩn bị dự án.

Đối với việc làm thế nào để hài hòa giữa chất lượng với cơ cấu đại biểu, PGS.TS Lê Thiên Hương cho rằng, Quốc hội cần phải bám sát và giải quyết ngay từ quá trình tiến hành hiệp thương bầu cử ĐBQH, bảo đảm cơ cấu với chất lượng người ứng cử dồi dào về số lượng, có cơ cấu hợp lý. Đặc biệt cần quan tâm đến ứng viên là người am hiểu pháp luật và phải bảo đảm được năng lực đại diện của họ tại Quốc hội.

Bên cạnh đó, ĐBQH cũng cần phải nâng cao năng lực tư duy phản biện và tinh thần trách nhiệm, bởi tính phản biện trong hoạt động lập pháp của ĐBQH sẽ góp phần bảo đảm để các quyết định của Quốc hội mang tính thực chất, kỹ lưỡng hơn, còn tính trách nhiệm sẽ giúp loại bỏ những biểu hiện ngại va chạm, nể nang, lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, hay lợi ích địa phương trong quá trình ĐBQH thực hiện hoạt động lập pháp.

Nâng cao năng lực lập pháp của ĐBQH là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội. Do đó, để nâng cao chất lượng lập pháp của ĐBQH, trước hết cần lựa chọn những đại biểu có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật, có điều kiện tham gia hoạt động lập pháp của Quốc hội. Mỗi ĐBQH cũng cần tự nâng cao kỹ năng hoạt động lập pháp của mình, phát huy tốt vai trò là hạt nhân trong hoạt động lập pháp./.

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra