Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý tình trạng “báo hóa”

Thứ sáu, 29/09/2023 14:03
(ThanhtraVietNam) - Với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan, tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử đã được xử lý, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội vẫn là một thách thức đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thời gian tới, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm.

Đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra trong xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử

9 bước - 1 khâu trong báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Xử phạt hành chính 100 trường hợp có dấu hiệu “báo hóa”

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ đã cấp 45 Giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp (giảm 41% với cùng kỳ năm ngoái); 28 Giấy phép thiết lập mạng xã hội (giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái).

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý nghiêm đối với các trường hợp trang thông tin điện tử tổng hợp có dấu hiệu “báo hóa”. Kết quả, đã xử phạt hành chính 100 trường hợp với tổng số tiền phạt là 1.592.000.000 đồng đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tước quyền sử dụng Giấy phép đối với 3 trường hợp; tạm dừng 70 tên miền, ngăn chặn hơn 45 trường hợp tên miền vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử.

Ngoài ra, Bộ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Cụ thể, đã rà soát, đánh giá, lập danh sách 77 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý. Mời 34 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và 43 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thuộc nhóm đối tượng có dấu hiệu “báo hóa” nêu trên đến làm việc.

Vẫn còn tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp

Từ kết quả kiểm tra, rà soát, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, vẫn còn tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp. Cụ thể, trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như báo chí gây nhầm lẫn cho độc giả, thể hiện từ hình thức, nội dung trang, đến việc tổ chức nhân lực, hoạt động nghề nghiệp. Nguyên nhân là do các quy định của pháp luật hiện hành chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ trong việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Từ đó dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”, tự sản xuất tin bài hoặc cung cấp nội dung gây nhầm lẫn như là cơ quan báo chí. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường hợp sai phạm nhiều lần, cần đình chỉ, thu hồi giấy phép.

Tình trạng vi phạm bản quyền báo chí trên các trang thông tin điện tử tổng hợp đã giảm so với trước nhưng vẫn còn do nhận thức và hiểu biết pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế. Vì vậy, việc hình thành các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan các nội dung thông tin số. Có trường hợp cố tình vi phạm.

leftcenterrightdel
Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhiều trang thông tin điện tử hoạt động như báo chí. (Ảnh minh họa, nguồn: vtv.vn) 

Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội kém, thậm chí cố tình vi phạm nhiều lần. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước khó xử lý, chưa thể rút giấy phép ngay vì vướng quy trình xử lý theo quy định; hơn nữa các quy định chưa đủ chặt chẽ, chế tài xử phạt còn thiếu, mức phạt thấp chưa đủ sức răn đe.

Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới song trong một số trường hợp khi xảy ra các vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, diễn biến nhanh, việc chủ động cung cấp thông tin, ứng dụng công nghệ còn hạn chế, làm chậm sự lan tỏa của các thông tin hấp dẫn, định hướng dư luận xã hội. Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời, vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, xu hướng “thương mại hóa” chậm được khắc phục.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Một trong những giải pháp được Chính phủ chỉ đạo triển khai trong thời gian tới nhằm khắc phục, chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về nội dung này. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó thể chế hóa khái niệm “báo hóa”, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang tin, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng, quản lý nền tảng xuyên biên giới...

Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát toàn bộ giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi cung cấp thông tin của từng trang, yêu cầu ghi rõ từng chuyên mục vào giấy phép. Đưa đầy đủ dữ liệu giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước lên trên trang mic.gov.vn. Tăng cường rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về “báo hóa” trang tin điện tử, mạng xã hội, về đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý báo chí, tăng cường thông tin kịp thời, khách quan, tích cực, hấp dẫn trên báo chí, phát huy tốt hơn nữa vai trò, hiệu quả tuyên truyền của báo chí trên không gian mạng. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, xác minh, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm quy định về nội dung thông tin.

Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Ứng dụng công nghệ để đánh giá, đo quét nội dung thông tin; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với các vi phạm rất nghiêm trọng, xem xét đình bản tạm thời và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí, các cá nhân liên quan. Chuyển hồ sơ, phối hợp, hướng dẫn các Sở Thông tin và Truyền thông nâng cao vai trò quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương, đẩy mạnh xử lý vi phạm theo thẩm quyền./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra