4. Xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo
Căn cứ quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì, chỉ đạo các thành viên xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo về nội dung thanh tra do mình phụ trách. Sau đó, trên cơ sở đề cương của các thành viên và hồ sơ, tài liệu do mình trực tiếp thu thập, Trưởng đoàn thanh tra xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.
Về nguyên tắc, khi xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo cần:
- Phải bám sát quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra đã được người ra quyết định thanh tra phê duyệt.
- Đề cương là tài liệu hướng dẫn đối tượng thanh tra báo cáo theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra về nội dung được thanh tra. Do vậy, đề cương yêu cầu báo cáo phải rõ ràng, dễ hiểu, hạn chế thấp nhất yêu cầu những số liệu, tài liệu mà đối tượng thanh tra phải đầu tư nhiều công sức vào việc tổng hợp. Nếu nội dung báo cáo có nhiều chuyên đề, có thể hướng dẫn tổng hợp thành các phụ lục hoặc xây dựng biểu mẫu tổng hợp.
- Không tiết lộ những thông tin về sai phạm của đối tượng thanh tra; không tiết lộ kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra, những trọng tâm, trọng điểm và phương pháp tiến hành thanh tra của đoàn thanh tra.
Về nội dung, đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Đặc điểm, tình hình:
+ Những đặc điểm và tình hình ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của đối tượng thanh tra về nội dung thanh tra trong thời kỳ được thanh tra;
+ Việc quản lý tổ chức, bộ máy, con người; việc phân cấp giữa đối tượng thanh tra và các đơn vị trực thuộc; việc phân cấp về tài chính; mối quan hệ giữa đơn vị là đối tượng thanh tra với các đơn vị cấp dưới, với đơn vị cấp trên; quy chế quản lý tài chính, tài sản, chi tiêu nội bộ;
+ Các đặc điểm khác có ảnh hưởng tới nội dung được thanh tra.
- Kết quả thực hiện các nội dung được thanh tra; ưu, khuyết điểm trong việc chỉ đạo, điều hành khi thực hiện nhiệm vụ là nội dung thanh tra; nguyên nhân khách quan, chủ quan của ưu, khuyết điểm.
- Những vướng mắc và kiến nghị của đối tượng thanh tra với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để giúp cho đối tượng thanh tra tránh được những khó khăn, vướng mắc khi xây dựng báo cáo, Trưởng đoàn thanh tra có thể trao đổi trước nội dung với đối tượng thanh tra về dự thảo đề cương. Trưởng đoàn thanh tra gửi đề cương yêu cầu báo cáo cùng với quyết định thanh tra cho đối tượng thanh tra và quy định cách báo cáo (bằng văn bản, bằng email), thời gian, địa chỉ nộp báo cáo về đoàn thanh tra.
Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận văn bản báo cáo của đối tượng thanh tra.
5. Thông báo việc công bố và công bố quyết định thanh tra
Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra; thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra trình người ra quyết định thanh tra ký văn bản thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.
Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc công bố quyết định thanh tra.
Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra hành chính chủ trì việc công bố quyết định thanh tra hoặc ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra thực hiện việc công bố quyết định thanh tra.
Với vai trò chủ trì, Trưởng đoàn thanh tra cần chủ động xây dựng nội dung, kịch bản công bố quyết định thanh tra, như:
- Quyết định thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra:
+ Đối với thanh tra hành chính, thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra, gồm: Đoàn thanh tra, người thực hiện giám sát, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị là cấp trên của đối tượng thanh tra và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan tham dự buổi công bố quyết định thanh tra;
+ Đối với thanh tra chuyên ngành, thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra, gồm: Đối tượng thanh tra; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan do người ra quyết định thanh tra quyết định trên cơ sở báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra.
Trong trường hợp đối tượng thanh tra cố tình vắng mặt thì Trưởng đoàn thanh tra lập biên bản có xác nhận của UBND cấp xã và tiếp tục thực hiện cuộc thanh tra theo kế hoạch.
Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì việc công bố quyết định thanh tra có thể được thực hiện sau khi lập biên bản vi phạm của đối tượng thanh tra.
- Tổ chức cuộc họp công bố quyết định thanh tra:
+ Yêu cầu các thành viên đoàn thanh tra đến dự cuộc họp công bố quyết định thanh tra đúng giờ; đồng thời, kiểm tra, đôn đốc thành viên của Đoàn thanh tra mặc trang phục theo quy định;
+ Xây dựng nội dung chương trình cuộc họp (bằng văn bản) để thông báo tại buổi công bố quyết định thanh tra;
+ Chủ động bố trí chỗ ngồi của người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra ở vị trí trang trọng; dễ thoát hiểm và bảo vệ tài liệu thanh tra trong sự cố không mong muốn (khi công bố quyết định thanh tra chuyên ngành, thanh tra giải quyết điểm nóng, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo mà đối tượng thanh tra có hành vi chống đối, gây rối, thậm chí hành hung, bắt, giữ trái pháp luật đoàn thanh tra);
+ Phân công thành viên của Đoàn thanh tra theo dõi danh sách người dự họp của đối tượng thanh tra để đưa vào biên bản công bố quyết định thanh tra và thuận lợi trong điều hành cuộc họp;
+ Cử người ghi biên bản cuộc họp.
- Nội dung cuộc họp công bố quyết định thanh tra:
+ Giới thiệu đại biểu dự họp; giới thiệu người thực hiện giám sát hoặc tổ giám sát, tổ trưởng tổ giám sát; giới thiệu thư ký ghi biên bản cuộc họp;
+ Trưởng đoàn thanh tra chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra; đọc toàn văn quyết định thanh tra; quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, thời hạn cuộc thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn thanh tra; quyền và trách nhiệm của đối tượng thanh tra; dự kiến kế hoạch làm việc của đoàn thanh tra; mối quan hệ công tác giữa đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra; các nội dung khác liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra;
+ Nghe thủ trưởng đơn vị là đối tượng thanh tra tiếp thu quyết định thanh tra và báo cáo trực tiếp về những nội dung thanh tra; thành viên đoàn thanh tra hỏi và trao đổi về nội dung báo cáo của đối tượng thanh tra (nếu xét thấy cần thiết vì việc này được kiểm tra, đánh giá trong quá trình thanh tra);
+ Đại diện cơ quan cấp trên của đối tượng thanh tra phát biểu ý kiến chỉ đạo đối tượng thanh tra thực hiện quyết định thanh tra;
+ Trưởng đoàn thanh tra công bố lịch làm việc của đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra; xác định cơ chế phối hợp giữa đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra về thời gian, địa điểm làm việc, phương pháp giao nhận tài liệu, việc phối hợp với người được thủ trưởng đơn vị là đối tượng thanh tra ủy quyền làm việc thường xuyên với đoàn thanh tra;
+ Người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền của người ra quyết định thanh tra chủ trì cuộc họp công bố quyết định giám sát, người thực hiện giám sát hoặc tổ giám sát, tổ trưởng tổ giám sát; phát biểu kết luận cuộc họp.
Quá trình cuộc họp, Trưởng đoàn thanh tra luôn giữ vị trí điều hành; giữ không khí làm việc nghiêm túc, thoải mái, tránh căng thẳng; không tranh luận, chất vấn giữa đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra đồng thời tạo tâm lý tin tưởng cho đối tượng thanh tra.
Thời gian công bố quyết định thanh tra cần ngắn gọn (nên từ 60-90 phút).
Việc công bố quyết định thanh tra phải lập thành biên bản, được ký giữa Trưởng đoàn thanh tra và thủ trưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
6. Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra
Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, bản chất là thu thập chứng cứ về nội dung thanh tra. Đây là việc quan trọng nhất của cuộc thanh tra, đòi hỏi Trưởng đoàn thanh tra phải tập trung chỉ đạo một cách khẩn trương, linh hoạt, năng động, sáng tạo; thu thập thông tin tài liệu tại đơn vị là đối tượng thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra và người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được sử dụng các quyền trong hoạt động thanh tra quy định tại Luật Thanh tra. Các quyền được đưa ra phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của đối tượng thanh tra, phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo tiến độ cuộc thanh tra.
Khi bắt đầu tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp các hồ sơ, tài liệu, báo cáo có tính tổng quan, như:
- Báo cáo theo đề cương của Đoàn thanh tra (bản báo cáo chính thức).
- Các báo cáo tổng kết năm, báo cáo tổng kết chuyên đề có liên quan đến nội dung thanh tra trong thời kỳ thanh tra.
- Sổ công văn đi, đến hàng năm trong thời kỳ được thanh tra.
- Quy chế nội bộ, quy chế tài chính, cơ chế phân cấp, phân quyền trong nội bộ đơn vị.
- Các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong thời kỳ thanh tra và kết quả thực hiện các kết luận đó.
- Nếu thanh tra doanh nghiệp cần yêu cầu cung cấp hồ sơ doanh nghiệp (đăng ký kinh doanh và các lần điều chỉnh, bổ sung đăng ký kinh doanh); báo cáo tài chính kèm báo cáo thuyết minh báo cáo tài chính (báo cáo hợp nhất và báo cáo công ty mẹ) đã được kiểm toán; các sổ sách kế toán tổng hợp, chi tiết các tài khoản trong thời kỳ được thanh tra (bằng bản giấy hoặc bản điện tử trên excel).
- Nếu thanh tra tại đơn vị sự nghiệp và đơn vị sự nghiệp có thu cần yêu cầu cung cấp quyết định thành lập đơn vị và văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị; báo cáo quyết toán tài chính; các sổ sách kế toán tổng hợp, chi tiết các tài khoản trong thời kỳ được thanh tra (bằng bản giấy hoặc bản điện tử trên excel).
Ngoài những tài liệu tổng quan do đối tượng thanh tra cung cấp bằng bản giấy theo yêu cầu, Trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo tiếp cận mạng nội bộ (nếu có); yêu cầu đối tượng thanh tra cấp quyền truy cập tối đa (trừ việc đăng, chỉnh sửa, gỡ thông tin trên mạng); cử người trong đoàn thanh tra hoặc trực tiếp Trưởng đoàn thanh tra thực hiện quyền truy cập trên mạng nhằm nghiên cứu, chiết xuất những thông tin, tài liệu có trên mạng liên quan đến nội dung thanh tra.
- Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra một cách kịp thời, đúng thời hạn quy định và theo dõi chặt chẽ việc cung cấp hồ sơ, tài liệu đó để đảm bảo việc nghiêm túc chấp hành quyết định thanh tra. Khi tiếp nhận thông tin, tài liệu và báo cáo, thành viên đoàn thanh tra phải kiểm tra thực trạng tài liệu, chất lượng hồ sơ tài liệu. Việc yêu cầu cung cấp và tiếp nhận thông tin, tài liệu, báo cáo phải được lập thành văn bản theo mẫu quy định của pháp luật thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra quy định phương pháp thực hiện để đảm bảo sự quản lý, theo dõi, sẵn sàng xử lý khi có tình huống phát sinh.
Mặt khác, quá trình thu thập hồ sơ tài liệu, Trưởng đoàn thanh tra cần quán triệt các thành viên đoàn thanh tra:
+ Thu thập hồ sơ, tài liệu phải là bản chính, chỉ photocopy hồ sơ, tài liệu khi thấy thật sự cần thiết (có xác nhận sao y bản chính hoặc đóng dấu treo của đơn vị là đối tượng thanh tra). Thực tiễn cho thấy, nhiều đoàn thanh tra photocopy hồ sơ, tài liệu tràn lan, kết thúc thanh tra phải tiêu hủy, gây lãng phí.
+ Tiếp nhận tất cả các hồ sơ, tài liệu mà đối tượng thanh tra cung cấp, kể cả những tài liệu không được yêu cầu; có thể tài liệu này hữu ích trong thời gian tới mà quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chưa lường hết.
Mặc dù pháp luật về thanh tra trang bị cho Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra được thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra, trong đó có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu là chứng cứ trong hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, quá trình thu thập hồ sơ, tài liệu, dù ít hay nhiều, đoàn thanh tra luôn gặp sự chống đối của đối tượng thanh tra, như: Lấy lý do khách quan hay chủ quan hoặc áp dụng các thủ đoạn khác nhằm kéo dài thời gian cung cấp hồ sơ, tài liệu; sửa chữa tài liệu hoặc đưa tài liệu giả; xóa hiện trường; hủy vật chứng, chứng cứ; giao chứng từ giả; cố ý thuyên chuyển, kỷ luật, điều động, trù dập, đe doạ người có liên quan đến nội dung thanh tra; hối lộ, mua chuộc, đe dọa, hành hung đoàn thanh tra...
Để hạn chế hành vi chống đối của đối tượng thanh tra, việc thu thập hồ sơ, tài liệu trong hoạt động thanh tra cần phải có nghệ thuật; có phương pháp; tài liệu nào thu thập trước, tài liệu nào thu thập sau; tài liệu là chứng cứ đắt giá có tính quyết định đến việc kết luận sai phạm của đối tượng thanh tra cần được suy nghĩ tính toán thu thập vào lúc nào phù hợp nhất, thuận lợi nhất, làm sao để đối tượng thanh tra không dự đoán được ý đồ của Trưởng đoàn thanh tra, của thành viên đoàn thanh tra, hoặc ít ra cũng hạn chế sự chống đối của đối tượng thanh tra.
Trong trường hợp đối tượng thanh tra cố tình chống đối, gây khó khăn hoặc không cung cấp hồ sơ tài liệu, Trưởng đoàn thanh tra cần phân tích, thuyết phục; lập biên bản việc vi phạm; làm việc với thủ trưởng đơn vị là đối tượng thanh tra; làm việc với cơ quan chủ quản của đối tượng thanh tra để xử lý. Nếu việc xử lý không có kết quả,T đoàn thanh tra cần báo cáo người ra quyết định thanh tra để có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn như niêm phong, kê biên, phong tỏa, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ chức vụ...
- Trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra cần quan tâm lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng và báo chí, tập trung vào những nội dung liên quan đến cuộc thanh tra và luôn có ý thức bảo vệ người phản ánh theo quy định của Luật Tố cáo. Thực tiễn cho thấy, nhiều vấn đề về nội dung thanh tra được quần chúng nắm tương đối chính xác nhưng vì nhiều lý do nên không muốn trực tiếp tố cáo. Vì vậy, Trưởng đoàn thanh tra cần công khai số điện thoại của mình hoặc thiết lập đường dây “nóng” để sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh về nội dung thanh tra.
Đối với những thông tin do báo chí nêu có liên quan đến nội dung thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra cần tổng hợp, lắng nghe và báo cáo người ra quyết định thanh tra; khi người ra quyết định thanh tra chỉ đạo, Trưởng đoàn thanh tra có thể tổ chức gặp gỡ, trao đổi làm rõ nguồn thông tin do báo chí nêu.
7. Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu
Song song với việc thu thập thông tin, tài liệu, việc kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu được tập trung vào một số công việc chủ yếu sau:
7.1. Đối với thông tin, tài liệu có tính tổng quan
Đối với thông tin, tài liệu có tính tổng quan cần tập trung kiểm tra để phát hiện những dấu hiệu sai phạm. Trước khi kiểm tra cần nắm chắc ý nghĩa của từng loại tài liệu để có phương pháp tiếp cận nhanh nhất, khai thác tài liệu có hiệu quả nhất:
- Báo cáo theo đề cương của đoàn thanh tra cho phép Trưởng đoàn thanh tra nhìn nhận một cách tổng hợp nhất về nội dung thanh tra trên góc độ đối tượng thanh tra tự báo cáo.
- Các báo cáo tổng kết năm, báo cáo tổng kết chuyên đề có liên quan đến nội dung thanh tra trong thời kỳ thanh tra giúp cho Trưởng đoàn thanh tra nhìn nhận quá trình có tính liên tục hàng năm về nội dung thanh tra do đối tượng thanh tra tự đánh giá những ưu, khuyết điểm và những vấn đề còn vướng mắc cần được xử lý.
- Ngoài những văn bản mang tính hành chính, sự vụ trong sổ theo dõi công văn đi, đến hàng năm, một phần trong số văn bản còn lại phản ánh một cách chính xác, liên tục những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra trong niên độ đó. Nếu số lượng đăng ký trên sổ công văn đi, đến không nhiều, đoàn thanh tra có thể nghiên cứu trực tiếp trên bản giấy và yêu cầu cung cấp những văn bản cần được quan tâm để kiểm tra, xem xét.
Tuy nhiên, nếu số lượng văn bản đi, đến nhiều (có đơn vị có hàng chục ngàn văn bản/năm) thì việc kiểm tra trực tiếp trên sổ là bản giấy không khả thi. Thông thường, các văn bản này được đơn vị là đối tượng thanh tra đăng ký, sao lưu và quản lý trên mạng nội bộ đồng thời phân quyền khai thác tùy theo chức vụ hoặc yêu cầu công tác của mỗi người trong đơn vị. Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra cần có giải pháp để chuyển danh sách văn bản đi, đến trên mạng nội bộ về dạng excel; sử dụng công cụ tìm kiếm trên excel để phân tổ những văn bản có liên quan đến nội dung thanh tra; khi đã có danh sách văn bản cần tìm kiếm sẽ quay lại mạng nội bộ để chiết xuất hoặc yêu cầu cung cấp (đối với văn bản đóng dấu “MẬT” hoặc ‘TUYỆT MẬT”) nội dung văn bản.
- Báo cáo tài chính trong doanh nghiệp phản ánh thực trạng tài chính doanh nghiệp trong một niên độ nhất định. Đọc báo cáo tài chính, Trưởng đoàn thanh tra phải xác định được trọng tâm, trọng điểm của nội dung thanh tra ở chỗ nào khi thanh tra kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Đây là vấn đề không đơn giản, nói thì “dễ”, nhưng bắt tay vào lại vô cùng khó.
Thí dụ, doanh nghiệp A là doanh nghiệp nhà nước có kết quả kinh doanh “lỗ” nhiều năm; quyết định thanh tra yêu cầu thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và kết quả sản xuất kinh doanh, làm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Khi nói đến kết quả sản xuất kinh doanh là doanh thu – chi phí = Lãi (lỗ); làm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước là việc nộp thuế, phí và các khoản thu khác theo quy định pháp luật. Kế hoạch tiến hành thanh tra phân công các thành viên phụ trách các nội dung thanh tra là quản lý, sử dụng vốn; doanh thu; chi phí và thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Nghiên cứu báo cáo tài chính thấy, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 5% nguồn vốn hoạt động, còn lại vốn vay chiếm gần 95%; lãi tiền vay 10%/năm trên số dư gốc được hạch toán vào chi phí và dự án công trình chưa hoàn thành; các công trình, dự án được đầu tư hầu hết đều chưa hoàn thành, nhiều dự án đã đầu tư hàng ngàn tỷ, để hoạt động được phải tiếp tục đầu tư hàng ngàn tỷ nữa; sản phẩm là hàng hóa bán ra bị nợ đọng; chi phí lớn, chủ yếu là khấu hao và trả lãi tiền vay...
Trước thực trạng như vậy, việc xác định trọng tâm, trọng điểm của cuộc thanh tra là hết sức cần thiết, phải tập trung vào những việc sau đây:
+ Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, vì vậy, cần phải tập trung thanh tra việc vay vốn, trọng tâm là thanh tra các hợp đồng tín dụng (trong và ngoài nước); việc trả lãi vay; việc thanh tra phải căn cứ vào Luật Tín dụng và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc vay nước ngoài (nếu có). Trong các hợp đồng tín dụng cần lựa chọn một số hợp đồng tín dụng nổi cộm là trọng điểm để thanh tra.
+ Thanh tra việc sử dụng vốn vay, trọng tâm là thanh tra các chương trình, dự án và việc thanh tra phải căn cứ vào Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu. Trong các chương trình, dự án cần lựa chọn một số chương trình, dự án nổi cộm (đã hoàn thành và chưa hoàn thành) là trọng điểm để thanh tra.
+ Thanh tra kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trọng tâm là các khoản phải thu; việc trích khấu hao; chi phí lãi vay và các khoản chi phí có tỷ trọng lớn; lưu ý phân tổ cơ cấu các khoản trên theo nhóm để lựa chọn trọng điểm thanh tra
Như vậy, sau khi xác định được trọng tâm, trọng điểm của cuộc thanh tra thì việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên phải thay đổi so với dự kiến phân công ban đầu.
7.2. Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra
Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra nghiên cứu, phân tích, đối chiếu, so sánh, xác minh, đánh giá thông tin, tài liệu đã thu thập được để phát hiện những bất cập, bất hợp lý, thiếu tính logic hoặc sai phạm để lập biên bản và yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra. Khi cần thiết phải kiểm tra, xác minh thực tế hoặc kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu tại cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; khi phát hiện vi phạm về kinh tế cần phải xử lý thu hồi ngay, thành viên đoàn thanh tra phải báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, xử lý.
- Để hạn chế tới mức thấp nhất về ý kiến khác nhau giữa thành viên đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra khi xây dựng báo cáo kết quả thanh tra sau này thì ngay từ giai đoạn này, Trưởng đoàn thanh tra phải thường xuyên kiểm tra, trao đổi, giám sát thành viên đoàn thanh tra lập biên bản với đối tượng thanh tra về các sai phạm phát hiện qua thanh tra, như:
+ Dự thảo biên bản thanh tra phải gửi Trưởng đoàn xem xét trước khi làm việc với đối tượng thanh tra (tối thiểu 2 ngày) để Trưởng đoàn có ý kiến chỉ đạo. Khi xem xét, Trưởng đoàn thanh tra cần cân nhắc căn cứ pháp luật mà thành viên đoàn thanh tra dự kiến áp dụng với nội dung hoặc diễn biến sự việc ghi trên biên bản; nếu Trưởng đoàn thanh tra thấy chưa phù hợp hoặc chưa có sự đồng ý của trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra phải xem xét, chuẩn bị lại.
+ Dự thảo biên bản thanh tra cần tuân thủ mẫu biên bản được quy định trong pháp luật thanh tra. Do quyền kết luận thuộc về thành viên đoàn thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra nên dự thảo biên bản không kết luận đúng, sai so với quy định của pháp luật; dự thảo biên bản chỉ mô tả nội dung, diễn biến của sự vật, hiện tượng phù hợp với các căn cứ của pháp luật dự kiến áp dụng.
Thực tiễn cho thấy, nhiều thành viên đoàn thanh tra kết luận sai phạm của đối tượng thanh tra ngay trong biên bản, đây là việc làm vội vàng vì khi giải trình, có thể có tình tiết mới; việc kết luận ngay sẽ làm cho đối tượng thanh tra có hành vi chống đối, không chịu ký biên bản, gây căng thẳng trong quá trình thanh tra.
Mặt khác, việc lập biên bản với người đứng đầu của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra cũng hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng không đơn giản, nhất là khi chức vụ, quyền hạn của họ cũng tương đương thủ trưởng cơ quan thanh tra là người ra quyết định thanh tra (họ sẽ không ký hoặc trì hoãn việc ký biên bản...). Thay vì chuẩn bị biên bản, Trưởng đoàn thanh tra nên tập hợp các vấn đề dự kiến trong biên bản để yêu cầu người đứng đầu của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra giải trình; việc giải trình còn có giá trị pháp lý hơn biên bản đồng thời tạo được niềm tin của đối tượng thanh tra với đoàn thanh tra.
- Khi cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra có thể tổ chức đối thoại hoặc chất vấn đối tượng thanh tra. Việc đối thoại, chất vấn phải ghi biên bản câu hỏi và trả lời hoặc giải trình của đối tượng thanh tra; có thể tổ chức ghi âm hoặc ghi hình. Biên bản đối thoại, chất vấn được đối tượng thanh tra ký tên xác nhận và lưu trong hồ sơ thanh tra làm căn cứ để kết luận thanh tra.
Để tổ chức đối thoại, chất vấn, Trưởng đoàn thanh tra phải chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra chuẩn bị nội dung chương trình; chuẩn bị những câu hỏi có trọng tâm, trọng điểm để yêu cầu đối tượng thanh tra trả lời. Trong đối thoại hoặc chất vấn, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra phải phát huy dân chủ, tránh áp đặt quan điểm hoặc gợi ý theo chủ quan của mình.
(Còn nữa)