Bài 2:

Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của trưởng đoàn thanh tra

Thứ năm, 13/10/2022 17:15
(ThanhtraVietNam) - Thông báo việc công bố và công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra là nhiệm vụ mang tính hành chính có tính áp đặt đơn phương giữa trưởng đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra.

3. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của trưởng đoàn thanh tra

3.5. Thông báo việc công bố và công bố quyết định thanh tra

 Thông báo việc công bố và công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra là nhiệm vụ mang tính hành chính có tính áp đặt đơn phương giữa trưởng đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra.

- Thông báo việc công bố quyết định thanh tra

Đối với thanh tra hành chính, để việc công bố quyết định thanh tra được thuận lợi, tránh sự căng thẳng không cần thiết, trưởng đoàn thanh tra nên có phương án trao đổi trước với đối tượng thanh tra về thời gian, không gian, địa điểm, thành phần tham dự của cơ quan thanh tra, thành phần tham dự của đối tượng thanh tra và những vấn đề khác có liên quan đến việc công bố quyết định thanh tra. Việc trao đổi này nhằm tạo sự đồng thuận, tăng tính chủ động cùng với sự phối hợp của đối tượng thanh tra; làm giảm tính “căng thẳng” không cần thiết khi công bố quyết định thanh tra.

Với vai trò chủ trì, trưởng đoàn thanh tra cần xác định nghi lễ, nội dung, chương trình làm việc, thời gian, không gian, địa điểm, thành phần tham dự, phân công cán bộ tổ chức điều hành, người ghi biên bản làm việc, dự kiến các tình huống phát sinh và phương án xử lý trong cuộc họp công bố quyết định thanh tra.

Trong các cuộc thanh tra, đặc biệt là cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra tại các điểm “nóng”, trưởng đoàn thanh tra cần dự tính các tình huống bất khả kháng, thiếu sự an toàn, như: Vắng mặt người đứng đầu cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, đối tượng thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi gây rối tại nơi công bố quyết định thanh tra... để từ đó xây dựng các phương án xử lý phù hợp.

 Đối với thanh tra chuyên ngành, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan của việc thu thập chứng cứ, thông báo việc công bố quyết định thanh tra cần được trưởng đoàn thanh tra cân nhắc, quyết định sau khi đã báo cáo người ra quyết định thanh tra.

- Công bố quyết định thanh tra

Trưởng đoàn thanh tra cần chủ động xây dựng nội dung, kịch bản công bố quyết định thanh tra. Quyết định thanh tra hành chính được công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra; quyết định thanh tra chuyên ngành được công bố cho đối tượng thanh tra ngay khi tiến hành thanh tra.

3.6.  Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra

Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra là bước quan trọng nhất của cuộc thanh tra, quyết định đến thành công hay thất bại của cuộc thanh tra. Trong bước này, trưởng đoàn thanh tra cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung công việc quan trọng sau đây:

a. Về phương pháp thanh tra

Sau khi công bố quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra hành chính cần suy nghĩ để lựa chọn phương pháp thanh tra.

Thanh tra tổng quan giúp cho người ra quyết định thanh tra và trưởng đoàn thanh tra nhìn nhận một cách tổng quát, toàn diện về nội dung thanh tra và đối tượng thanh tra. Nói khác hơn, thanh tra tổng quan là xác định quy mô nội dung thanh tra ở mức độ nào? Cần tập trung vào vấn đề gì; ở đâu; trách nhiệm thuộc về ai?

Thanh tra vào nội dung cụ thể, đối tượng cụ thể giúp cho trưởng đoàn thanh tra nhìn nhận trực tiếp đến sai phạm, yếu kém, khuyết điểm của đối tượng thanh tra.

Thanh tra tổng quan và thanh tra vào nội dung cụ thể có mối quan hệ biện chứng với nhau; mọi sự vật, hiện tượng, mọi sai phạm của đối tượng thanh tra đều có mối liên hệ mật thiết với nhau trong mối quan hệ thống nhất, trong một thời gian, không gian, địa điểm nhất định. Do đó, sử dụng phương pháp này có tác dụng thiết thực giúp trưởng đoàn thanh tra nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện; không bỏ sót các sai phạm của đối tượng thanh tra.

Nói một cách hình tượng, thanh tra tổng quan giúp trưởng đoàn thanh tra nhìn thấy “rừng”; nói khác hơn, thanh tra tổng quan giúp cho trưởng đoàn thanh tra không bỏ lọt, bỏ sót các sai phạm, yếu kém khuyết điểm của đối tượng thanh tra. Còn thanh tra vào nội dung cụ thể giúp trưởng đoàn thanh tra nhìn thấy “cây” trong “rừng” đó, từ đó xác định các sai phạm, yếu kém khuyết điểm của đối tượng thanh tra. Quá trình thanh tra, nếu chỉ tập trung vào thanh tra tổng quan, khi phát hiện những sai phạm khuyết điểm của đối tượng thanh tra thì thời gian thanh tra còn lại không còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thanh tra; nếu quá tập trung vào một vài sai phạm của đối tượng thanh tra sẽ cho tác dụng ngược: Chỉ nhìn thấy “cây” nhưng không thấy “rừng”, các sai phạm phát hiện sau sẽ không có thời gian củng cố.

Vậy vấn đề đặt ra để trưởng đoàn thanh tra suy nghĩ và đưa ra ý tưởng là thanh tra tổng quan song song với nội dung thanh tra cụ thể hay là thanh tra tổng quan trước xong mới thanh tra cụ thể? Việc lựa chọn này có ý nghĩa quyết định đến tiến độ thanh tra.

Việc thanh tra tổng quan song song với thanh tra nội dung cụ thể phù hợp với đoàn thanh tra có quy mô lớn, có nhiều thành viên; đoàn thanh tra có thời gian thanh tra ngắn, đòi hỏi của lãnh đạo phải có kết luận sớm; hoặc đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, đoàn thanh tra giải quyết điểm “nóng” hay đoàn thanh tra chuyên ngành... Việc thanh tra tổng quan trước xong mới thanh tra cụ thể phù hợp với đoàn thanh tra trách nhiệm; đoàn thanh tra có quy mô nhỏ, nội dung thanh tra đơn giản với số lượng thành viên đoàn thanh tra ít.

Đối với thanh tra chuyên ngành, trưởng đoàn thanh tra cần cân nhắc những yếu tố có ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan của cuộc thanh tra sau khi công bố quyết định thanh tra. Vì vậy, trưởng đoàn thanh tra cần có các phương án xử lý các yếu tố ảnh hưởng đến tính bí mật, bất ngờ đối với đối tượng thanh tra để xây dựng các phương án phù hợp, như: Rà soát để làm trong sạch nội bộ đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra; trình tự thanh tra; chủ động chuẩn bị mẫu biên bản và lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra; thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra như niêm phong, kê biên, phong tỏa, yêu cầu báo cáo, giải trình; lập biên bản thanh tra; sự phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để đảm bảo an toàn cho đoàn thanh tra tại nơi thanh tra...

Việc thu thập hồ sơ tài liệu, thực chất là thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật tại nơi được thanh tra. Đây cũng là vấn đề mang tính quyết định đến thành công hay thất bại của cuộc thanh tra. Với vai trò là lãnh đạo, trưởng đoàn thanh tra cần lường hết những khó khăn, phức tạp trong việc thu thập chứng cứ như: Thời gian thu thập nhanh hay chậm; việc thu thập chứng cứ là bản giấy thực hiện như thế nào; bản điện tử thì tính phức tạp ra sao...

 Ngày nay, thời đại kỹ thuật số, nhiều đơn vị là đối tượng thanh tra thực hiện việc điều hành, quản lý đơn vị trên mạng nội bộ, nếu thanh tra theo phương pháp truyền thống, yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp bản giấy sẽ mất rất nhiều thời gian, gây tốn kém không cần thiết, tính hiệu quả không cao. Thực tế cho thấy, một báo cáo in ra cũng hết vài gram giấy A3 và cán bộ thanh tra đọc, nghiên cứu cũng mất nhiều thời gian, trong khi đó, thời gian thanh tra có hạn. Muốn đọc được báo cáo đó nhanh nhất, chính xác nhất nhưng không cần phải in ra thì cách tốt nhất, cán bộ thanh tra phải sử dụng công nghệ thông tin.

Vậy vấn đề đặt ra đối với trưởng đoàn thanh tra là phương án xử lý việc này thế nào? Cách tiếp cận mạng nội bộ ra sao? Yêu cầu đối tượng thanh tra cấp quyền truy cập đến phạm vi nào? Thành viên nào trong đoàn có quyền truy cập và khai thác tài liệu, dữ liệu trên mạng nội bộ và biến thành chứng cứ là vấn đề không đơn giản. Ngoài ra, nhiều hợp đồng liên doanh, liên kết, dự án đầu tư... có số lượng tài liệu rất lớn, nhiều tài liệu bằng tiếng nước ngoài... Đây là vấn đề mới đối với thành viên đoàn thanh tra trong bối cảnh trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế, song lại là những khó khăn rất lớn khi triển khai cuộc thanh tra, trưởng đoàn thanh tra cần lường trước để có phương án xử lý.

Ngoài ra, quá trình thu thập chứng cứ, trưởng đoàn thanh tra cần có phương án: Kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của từng thành viên đoàn thanh tra một cách thường xuyên;  bảo đảm bí mật tài liệu, hạn chế sự chống đối của đối tượng thanh tra.

b. Về thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra

Khi hoạt động thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thanh tra đó là: Tổ chức, chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra; quyền yêu cầu; quyền quyết định; quyền kiến nghị; quyền báo cáo.

Ngoài ra, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành còn có thêm quyền lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra; xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên đây, trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Thực tiễn cho thấy, quyền được áp dụng nhiều nhất, có hiệu quả nhất, quyết định đến sự thành công của cuộc thanh tra là quyền yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra.

Để thực hiện quyền yêu cầu một cách hiệu quả nhất, trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra nắm vững một số nguyên tắc sau đây:

- Bản chất của cuộc thanh tra chính là một cuộc kiểm tra, thanh tra về mặt nghiệp vụ mà thước đo là các quy định của pháp luật, trong đó trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra đều là những cán bộ nghiệp vụ, chỉ khác nhau một điều: Một bên là người kiểm tra, thanh tra, một bên là người bị kiểm tra, bị thanh tra.

- Do cùng là cán bộ nghiệp vụ, trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra là làm tốt công tác chính trị tư tưởng để đối tượng thanh tra hiểu và chấp hành tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, hợp tác tốt với đoàn thanh tra. Hay nói khác hơn, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra làm công tác “dân vận”  với đối tượng thanh tra để họ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra một cách tự nguyện khi được yêu cầu.

- Luôn luôn lắng nghe ý kiến từ phía đối tượng thanh tra; hàng ngày theo dõi những diễn biến có ảnh hưởng đến cuộc thanh tra để kịp thời xử lý.

c. Việc quản lý hồ sơ, tài liệu

Trong quá trình thanh tra, trưởng đoàn thanh tra phải chỉ đạo trực tiếp việc quản lý hồ sơ tài liệu; tuyệt đối không được để thất lạc, làm hư hỏng cũng như tiết lộ các thông tin tài liệu của đơn vị được thanh tra; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

Để làm tốt những nội dung trên đây, trong chỉ đạo, điều hành, trưởng đoàn thanh tra cần chú ý một số phương pháp sau:

- Duy trì nghiêm túc lịch giao ban, hội ý, báo cáo tiến độ công việc hàng ngày, qua đó phát hiện kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, uốn nắn những nhận thức, việc làm chưa đúng với yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra; chỉ đạo, hướng dẫn các thành viên, những việc phải tiến hành thanh tra tiếp theo;

- Trực tiếp kiểm tra, xem xét và hướng dẫn thành viên gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp cần thiết, đối với nội dung quan trọng, khó khăn, phức tạp, trưởng đoàn thanh tra phải trực tiếp cùng các thành viên trong đoàn tập trung xem xét, xác minh làm rõ để kết luận chính xác, khách quan, kịp thời;

- Quá trình thanh tra, nếu có thành viên nào đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công, trưởng đoàn có thể quyết định để thành viên đó không tham gia tiếp cuộc thanh tra, khi cần thiết có thể triệu tập trở lại hoặc chuyển sang thực hiện nhiệm vụ cùng với bộ phận khác. Đây là sự linh hoạt trong chỉ đạo, vừa làm cho đoàn thanh tra được gọn nhẹ, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu của cuộc thanh tra.

leftcenterrightdel
Một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trưởng đoàn thanh tra do Trường Cán bộ Thanh tra tổ chức 

3.7.  Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu

Trong quá trình thanh tra, trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra:

- Tiếp nhận hồ sơ tài liệu do đối tượng thanh tra cung cấp; đối chiếu với phiếu yêu cầu xem hồ sơ tài liệu được cung cấp có đúng yêu cầu không? Hồ sơ tài liệu nào còn thiếu cần định thời gian cung cấp bổ sung;

- Tập trung nghiên cứu, xem xét tài liệu đã thu thập được để phát hiện những bất cập, bất hợp lý; nếu phát hiện sai phạm phải lập biên bản với đối tượng thanh tra. Việc lập biên bản phải mô tả sự vật, hiện tượng sai phạm trong thời gian, không gian, địa điểm cụ thể, xác định rõ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nguyên nhân vi phạm, yêu cầu đối tượng thanh tra ký biên bản.

- Xác minh kịp thời những vấn đề nghi vấn khác (nếu có).

- Khi phát hiện những sai phạm về kinh tế cần phải thu hồi hoặc phong tỏa, kê biên để đảm bảo thu hồi tài sản thì thành viên đoàn thanh tra báo cáo trưởng đoàn thanh tra xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

- Yêu cầu người có trách nhiệm, người có liên quan giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra còn chưa rõ; trường hợp cần làm việc trực tiếp với người đứng đầu đơn vị là đối tượng thanh tra và người có liên quan thì thành viên đoàn thanh tra báo cáo trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.

- Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra;

- Trong trường hợp cần kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu hoặc làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra tại các cơ quan có liên quan thì thành viên đoàn thanh tra báo cáo trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.

Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, trong trường hợp cần kiểm tra, xác minh sự việc hoặc làm rõ những vấn đề liên quan đến sự việc đã và đang xảy ra thì trưởng đoàn thanh tra có thể mời thêm đại diện ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc hoặc người làm chứng khác sau khi báo cáo và người ra quyết định thanh tra có ý kiến chỉ đạo.

- Tổ chức nghe ý kiến phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tin nhắn, hộp thư điện tử, zalo... của quần chúng trong phạm vi đơn vị là đối tượng thanh tra, tập trung vào những nội dung liên quan đến cuộc thanh tra và luôn có ý thức bảo vệ người phản ánh theo quy định của Luật Tố cáo.

- Lắng nghe ý kiến phản ánh của báo chí có liên quan đến nội dung thanh tra; khi cần thiết, trưởng đoàn thanh tra tổ chức gặp gỡ, trao đổi làm rõ nguồn thông tin; những căn cứ để chứng minh vấn đề báo chí đã nêu.

- Khi cần thiết, trưởng đoàn thanh tra tổ chức đối thoại, chất vấn đối tượng thanh tra

Mục đích của đối thoại, chất vấn giữa đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra nhằm làm rõ những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của đối tượng thanh tra.

Đối thoại giữa đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra là hình thức tổ chức cuộc họp để trao đổi, tranh luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cách hiểu khác nhau, chủ yếu là những vấn đề về cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành...

Chất vấn giữa đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra là hình thức tổ chức cuộc họp để trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra đưa ra những câu hỏi về một số vấn đề cần làm rõ trong quá trình thanh tra và bắt buộc đối tượng thanh tra phải trả lời. Chất vấn là một cơ hội tốt để đối tượng thanh tra giải trình về những vấn đề nào đó mà đoàn thanh tra yêu cầu hoặc quan tâm.

3.8.  Xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra

Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm thì trưởng đoàn thanh tra phải kịp thời chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra:

- Lập biên bản về việc sai phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với những hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải xử phạt vi phạm hành chính thì trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra để chấm dứt hành vi vi phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Trong trường hợp sai phạm của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì trưởng đoàn thanh tra kiến nghị người ra quyết định thanh tra hoặc thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý.

- Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc chuyển và bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra phải được lập thành văn bản.

3.9.  Sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra

Trong quá trình thanh tra, việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra được đặt ra trong các trường hợp:

- Người ra quyết định thanh tra thấy cần phải sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra thì người ra quyết định thanh tra có văn bản yêu cầu trưởng đoàn thanh tra thực hiện.

- Trưởng đoàn thanh tra thấy cần phải sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra thì tổ chức họp đoàn để thảo luận về đề nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong kế hoạch tiến hành thanh tra; kết quả cuộc họp được lập thành biên bản kèm theo các ý kiến khác nhau để lấy ý kiến của thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định; trưởng đoàn thanh tra có văn bản đề nghị người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra; văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra phải nêu rõ lý do, nội dung sửa đổi, bổ sung và những nội dung khác có liên quan.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra không được vượt quá phạm vi thanh tra đã được xác định trong quyết định thanh tra.

Khi người ra quyết định thanh tra có văn bản chỉ đạo cần phải sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc văn bản phê duyệt việc đề nghị của trưởng đoàn thanh tra về việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo nội dung sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra và phân công bổ sung nhiệm vụ cho các thành viên đoàn thanh tra thực hiện.

3.10. Gia hạn thời hạn thanh tra

Trong quá trình thanh tra, trưởng đoàn thanh tra phải luôn luôn theo dõi tiến độ thực hiện cuộc thanh tra với thời hạn thanh tra còn lại mà quyết định thanh tra cho phép. Khi cần thiết phải gia hạn thời hạn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra bằng văn bản nêu rõ lý do, thời gian gia hạn, kèm theo dự thảo quyết định gia hạn thời hạn thanh tra.

Quyết định gia hạn thời hạn thanh tra được gửi cho Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

3.11. Thực hiện chế độ báo cáo, ghi sổ nhật ký đoàn thanh tra

Căn cứ kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra, trưởng đoàn thanh tra lãnh đạo và quản lý việc thực hiện chế độ báo cáo, ghi sổ nhật ký đoàn thanh tra.

- Chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra báo cáo tiến độ kiểm tra, xác minh với trưởng đoàn thanh tra theo kế hoạch thanh tra hoặc theo yêu cầu đột xuất của trưởng đoàn thanh tra; trưởng đoàn thanh tra kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo trực tiếp về báo cáo tiến độ của các thành viên đoàn thanh tra.

- Chỉ đạo và theo dõi thành viên đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ trong thời hạn được giao và báo cáo trưởng đoàn thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao ngay sau khi hoàn thành. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh ngoài nhiệm vụ được giao hoặc cần phải được xử lý ngay thì thành viên đoàn thanh tra phải báo cáo với trưởng đoàn thanh tra để xem xét, quyết định.

- Nhật ký đoàn thanh tra là sổ ghi chép những hoạt động của đoàn thanh tra diễn ra từ khi có quyết định thanh tra đến khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đồng ý với kết luận thanh tra và hồ sơ thanh tra được bàn giao cho cơ quan quản lý trưởng đoàn thanh tra. Bản chất của ghi sổ nhật ký đoàn thanh tra là việc “chụp ảnh” hoạt động của đoàn thanh tra trong thời gian thanh tra đồng thời là “công cụ” theo dõi, giám sát của người ra quyết định thanh tra, của trưởng đoàn thanh tra với thành viên đoàn thanh tra. Bởi vậy, trưởng đoàn thanh tra phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho một thành viên đoàn thanh tra quản lý, lưu trữ và ghi sổ nhật ký đoàn thanh tra một cách chính xác, khách quan, trung thực được diễn ra trong suốt quá trình thanh tra.

3.12.  Kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra

- Chuẩn bị kết thúc việc thanh trực tiếp, trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp đoàn thanh tra để kiểm tra kết quả thực hiện nội dung thanh tra; cho ý kiến về các nội dung công việc cần tiếp tục thực hiện cho đến ngày dự kiến kết thúc thanh tra trực tiếp với đối tượng thanh tra.

- Trưởng đoàn thanh tra báo cáo với người ra quyết định thanh tra về dự kiến kết thúc việc thanh tra trực tiếp. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra tổ chức buổi làm việc với đối tượng thanh tra để thông báo việc kết thúc thanh tra trực tiếp. Buổi làm việc giữa đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra có các nội dung: Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, ưu điểm, tồn tại, thái độ chấp hành của đối tượng thanh tra đối với việc thực hiện quyết định thanh tra; những việc đang còn dở dang tiếp tục được đoàn thanh tra hoàn thiện tiếp; việc tiếp tục cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo giải trình của đối tượng thanh tra khi được yêu cầu... Kết quả cuộc họp được lập thành biên bản giữa thủ trưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra với trưởng đoàn thanh tra và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

3.13.  Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên đoàn thanh tra

Theo quy định của pháp luật thanh tra, trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra:

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra phải có báo cáo bằng văn bản với trưởng đoàn thanh tra về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao;

- Thành viên đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, trung thực về nội dung của báo cáo.

- Trong trường hợp nhận thấy báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên đoàn thanh tra chưa rõ nội dung, chưa đầy đủ thì trưởng đoàn thanh tra yêu cầu thành viên đoàn thanh tra bổ sung, hoàn thiện lại báo cáo.

3.14.  Báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra

Căn cứ kết quả thu thập hồ sơ, tài liệu của mình và báo cáo kết quả thanh tra của thành viên đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra trực tiếp hoặc giao cho một thành viên đoàn thanh tra giúp trưởng đoàn thanh tra xây dựng báo cáo kết quả thanh tra.

- Trong trường hợp cần thiết, trưởng đoàn thanh tra có thể tổ chức đối thoại, chất vấn với đối tượng thanh tra về những nội dung cần kết luận trong báo cáo kết quả thanh tra; khi cần thiết có thể trưng cầu giám định để đảm bảo cho việc kết luận, kiến nghị xử lý được khách quan,.

- Trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp đoàn thanh tra để thảo luận báo cáo kết quả thanh tra; lấy ý kiến tham gia kèm theo bút tích của các thành viên đoàn thanh tra trên dự thảo báo cáo kết quả thanh tra và tổ chức tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo kết quả thanh tra.

Khi thành viên đoàn thanh tra có ý kiến khác với nội dung của dự thảo báo cáo kết quả thanh tra thì trưởng đoàn thanh tra tổng hợp, báo cáo với người ra quyết định thanh tra; trưởng đoàn thanh tra đưa ra quyết định hoặc chính kiến của mình cùng với những căn cứ đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra về quyết định hoặc chính kiến của mình.

- Khi xây dựng báo cáo kết quả thanh tra hoặc trong trường hợp đề xuất chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, trưởng đoàn thanh tra phải tổ chức họp đoàn để đánh giá chứng cứ có phù hợp với các yếu tố cấu thành tội phạm hay không? Kết quả cuộc họp phải được lập thành biên bản kèm theo hồ sơ và các tài liệu là chứng cứ (bản chính), vật chứng trình người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra trong quá trình xem xét báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra, cụ thể là:

- Chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra làm rõ hoặc bổ sung thêm nội dung trong báo cáo kết quả thanh tra khi có yêu cầu của người ra quyết định thanh tra;

- Tổ chức họp đoàn thanh tra để người ra quyết định thanh tra trực tiếp nghe báo cáo kết quả thanh tra;

- Xây dựng báo cáo bổ sung, làm rõ thêm báo cáo kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra kèm theo những ý kiến khác nhau của thành viên đoàn thanh tra (nếu có).

Trong quá trình xem xét báo cáo kết quả thanh tra, trường hợp cần thiết người ra quyết định thanh tra có thể ký quyết định thanh tra bổ sung, trưởng đoàn thanh tra phải khẩn trương tổ chức chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra và yêu cầu đối tượng thanh tra nghiêm túc thực hiện.

3.15.  Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra

Căn cứ chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra giúp người ra quyết định thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.

- Trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên đoàn thanh tra báo cáo; yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra;

- Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra giao cho đoàn thanh tra tiến hành thanh tra bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung theo yêu cầu, trưởng đoàn thanh tra phải khẩn trương tổ chức thực hiện; kết quả thanh tra bổ sung được báo cáo bằng văn bản, làm cơ sở cho việc ra kết luận thanh tra.

- Trường hợp người ra quyết định thanh tra gửi dự thảo kết luận thanh tra hoặc một phần dự thảo kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra hoặc cho cơ quan có liên quan giải trình, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức thực hiện gửi dự thảo; theo dõi việc giải trình; tiếp nhận văn bản giải trình kèm theo các chứng cứ để chứng minh cho ý kiến giải trình; tiếp thu ý kiến giải trình và nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra hoặc giải trình của cơ quan có liên quan.

3.16. Ban hành và công khai kết luận thanh tra

Trưởng đoàn thanh tra giúp người ra quyết định thanh tra ban hành và công khai kết luận thanh tra đồng thời chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về kết luận, kiến nghị trong kết luận thanh tra:

- Xây dựng bản kết luận thanh tra gồm các nội dung: Khái quát chung về những đặc điểm, tình hình có liên quan đến nội dung trong kết luận thanh tra; kết quả kiểm tra, xác minh, kết luận về nội dung được thanh tra; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã áp dụng (nếu có); kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và các biện pháp xử lý về hành chính kinh tế, chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý (nếu có).

- Ban hành nhiều kết luận thanh tra trong một cuộc thanh tra để phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước khi người ra quyết định thanh tra yêu cầu.

- Ban hành kết luận bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ kết luận thanh tra khi có căn cứ cho thấy kết luận thanh tra không bảo đảm đầy đủ, chính xác, khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 - Gửi kết luận thanh tra hành chính cho đối tượng thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên, đối tượng thanh tra. Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là người ra quyết định thanh tra thì kết luận thanh tra còn phải được gửi cho thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Gửi kết luận thanh tra chuyên ngành cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ.

- Xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với kết luận thanh tra có nội dung bí mật nhà nước.

- Báo cáo, giải trình và khi được người ra quyết định thanh tra cho phép, trực tiếp báo cáo, giải trình với thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trước khi thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ban hành văn bản đồng ý với kết luận thanh tra.

- Công khai toàn văn kết luận thanh tra theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP (đối với thanh tra hành chính); khoản 3 Điều 27 Nghị định 07/2012/NĐ-CP (đối với thanh tra chuyên ngành), trừ nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Việc lựa chọn hình thức công khai kết luận thanh tra được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

3.17.  Kết thúc hoạt động của đoàn thanh tra

Sau khi kết luận thanh tra được ký và ban hành công khai, trưởng đoàn thanh tra kết thúc việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Trước khi kết thúc nhiệm vụ, trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo một số việc sau đây:

- Chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra giao trả hồ sơ, tài liệu không phải là chứng cứ cho đối tượng thanh tra; việc giao trả hồ sơ, tài liệu phải được lập thành biên bản giao nhận giữa đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức họp đoàn để tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động của đoàn thanh tra; đề nghị người có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân của đoàn thanh tra.

Kết quả tổng kết hoạt động của đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra.

- Lập, bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan trực tiếp quản lý trưởng đoàn thanh tra theo quy định tại Điều 59 Luật Thanh tra; việc bàn giao hồ sơ thanh tra phải được lập thành biên bản./.


TTVCC Đặng Văn Bình Nguyên Phó vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra