Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong hoạt động tiếp công dân

Thứ tư, 24/01/2024 12:28
(ThanhtraVietnam) - Tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa quyền dân chủ của công dân, phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC cũng giúp Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
leftcenterrightdel
 Một buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền. Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; theo đó, việc tiếp công dân của các cơ quan nhà nước và đặc biệt là việc tiếp dân của người đứng đầu tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho Nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước là người có vai trò lãnh đạo, chỉ huy, gánh vác các trách nhiệm, tổ chức thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ của cơ quan theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan là trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Nhà nước giao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì trong đó có trách nhiệm tiếp công dân đã được cụ thể hóa trong Luật Tiếp công dân năm 2013 và những văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị luôn nêu cao trách nhiệm, thực hiện tốt tiếp công dân định kỳ, đột xuất, quá trình tiếp công dân luôn cầu thị, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để kịp thời điều chỉnh các chủ trương, chính sách hoặc chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát vụ việc thì từ đó sẽ tạo dựng niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương, giảm bớt được tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp lên cơ quan Trung ương.

Có thể nói, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Điển hình như việc tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác này.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động còn phân công công chức phụ trách tiếp công dân, xử lý đơn có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu chính sách pháp luật; bố trí cơ sở vật chất, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách bồi dưỡng cho đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn đảm bảo đúng theo luật định.

Lãnh đạo các cấp, các ngành đã chỉ đạo thẩm tra, xác minh, giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền phát sinh ngay từ cơ sở, hạn chế khiếu nại vượt cấp. Bên cạnh đó, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn gắn với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giúp người dân ổn định cuộc sống thông qua việc hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan Trung ương, địa phương nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong giải quyết từng vụ việc cụ thể, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội trên phạm vi cả nước.

Theo Báo cáo tổng kết của ngành Thanh tra năm 2023 thì có 362.883 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với tổng số người được tiếp là 396.590 người (tăng 3,7% so với năm 2022) về 300.297 vụ việc (tăng 5,4% so với năm 2022), có 3.532 đoàn đông người (tăng 16,5% so với năm 2022). Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 95.384 lượt với 106.006 người được tiếp về 74.048 vụ việc, có 1.336 đoàn đông người. Trong đó Thủ trưởng trực tiếp 81.245 lượt (chiếm 85,2% tổng số lượt tiếp), ủy quyền tiếp 14.139 lượt (chiếm 14,8% tổng số lượt tiếp. Các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ Thủ trưởng tiếp công dân trực tiếp cao: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội, Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Tây Ninh,…

Qua số liệu trên cho thấy, việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã có những chuyển biến tích cực, dần mang lại niềm tin cho người dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu ở một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định; kết quả buổi tiếp dân định kỳ chưa thật sự có chất lượng, còn hời hợt, qua loa, hình thức…

Từ những thực tế trên, để nâng cao hiệu quả trong việc tiếp công dân thì vai trò của người đứng đầu trong việc tiếp công dân vẫn luôn được đề cao. Trong thời gian tới, để nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân các cấp chính quyền cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo duy trì công tác tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân; phải trực tiếp đối thoại với công dân ngay khi phát sinh vụ việc, chủ động rà soát, giải quyết kịp thời đúng quy định pháp luật các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế tối đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.

Hai là, quá trình giải quyết khiếu nại, phải thực hiện nghiêm việc tổ chức đối thoại với công dân trước khi ban hành quyết định giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại; tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, không để tồn đọng, kéo dài mà không có lý do chính đáng, gây bức xúc trong Nhân dân…

Các cơ quan chức năng có thẩm quyền hằng năm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị, bộ phận trực thuộc. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức thuộc quyền quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, chất lượng phục vụ Nhân dân; xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, các ngành, tiếp tục rà soát lại các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, làm rõ nguyên nhân và có hướng giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường hoạt động giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung giám sát những địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều đơn thư, vụ việc nổi cộm, phức tạp kéo dài và được dư luận xã hội quan tâm.

Ba là, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn phải trực tiếp tiếp công dân định kỳ theo quy định, không kể việc tiếp công dân theo yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất. Trong trường hợp có lý do chính đáng thì phân công cấp phó tiếp và phải thông báo công khai cho công dân biết. Không được cử người không có thẩm quyền giải quyết công việc làm nhiệm vụ tiếp công dân thay mình. Sau khi tiếp công dân phải trả lời kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Theo dõi, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo tại địa phương, đơn vị mình; tập trung lực lượng giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh. Thực hiện tốt công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, có biện pháp phòng ngừa các vụ việc phức tạp có thể xảy ra, hạn chế tối đa công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên tỉnh và lên Trung ương.

Bốn là, khi phát sinh đơn thuộc thẩm quyền phải kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn thẩm tra xác minh; nghe cơ quan chuyên môn báo cáo tổng hợp vụ việc trước khi tổ chức đối thoại với công dân để có thể dự liệu được các tình huống, định hướng giải quyết vụ việc hoặc kịp thời chỉ đạo xác minh bổ sung khi xét thấy cần thiết.

Phải tổ chức gặp gỡ đối thoại với công dân trước khi ban hành quyết định giải quyết. Đây là việc làm hết sức quan trọng, là điều kiện tốt nhất để người lãnh đạo thẩm định lại nội dung báo cáo, kiến nghị của cơ quan tham mưu được giao nhiệm vụ thẩm tra xác minh trước sự phản biện của người khiếu nại, từ đó có kết luận giải quyết đúng đắn, khách quan và tính khả thi cao. Về thành phần đối thoại, vận động phải có sự phối hợp, tham gia của người đứng đầu các cơ quan tham mưu. Người chủ trì phải kiên trì phân tích, giải thích thấu tình, đạt lý để người dân hiểu và tự giác thực hiện, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của người dân, nhất là những người cao niên tuổi Đảng, có sức ảnh hưởng ở địa phương. Phương châm giải quyết là phải giải quyết đến cùng, triệt để vụ việc để đảm bảo yên lòng dân chứ không phải chỉ là giải quyết hết thẩm quyền.

Làm được điều này, người đi khiếu nại sẽ thấy được trách nhiệm, sự quan tâm của người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho mình, từ đó góp phần tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Còn người đứng đầu sẽ nâng lên trách nhiệm của mình, quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

Kim Nhung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra