Bài 2:

Nâng cao vai trò, vị thế của báo chí trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 26/04/2024 14:28
(ThanhtraVietNam) - Tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí. Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại gắn với nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, những người làm báo…

Báo chí, nhân tố quan trọng trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng tiêu cực

Đảm bảo tính chính trị; thông tin công khai, minh bạch, kịp thời

Báo chí cách mạng đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc phát hiện các vi phạm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên. Đặc biệt từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả. Nhiều vấn đề sai phạm được báo chí phát hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền... góp phần loại bỏ những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất ra khỏi hệ thống chính trị.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công trong công tác này là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có cơ quan báo chí và một số nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý. Một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin.

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhiều khi còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, có lúc có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Một số vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được phản ánh đến cùng, “rõ người”, “rõ việc”, “rõ địa chỉ”, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí. Nhà báo tham gia tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn, nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ.

leftcenterrightdel
Phát huy, cổ vũ, lan tỏa những mặt tích cực của báo chí, truyền thông. Ảnh minh họa/internet

Bên cạnh đó, là việc phản ánh chưa kịp thời, chưa đầy đủ, đối với các vụ việc, hiện tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin. Trong một số trường hợp, thông tin từ báo chí thiếu khách quan, áp đặt, gây dư luận không lành mạnh, làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Mặt khác, với quy định hiện hành thì cơ chế bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chưa đủ mạnh nên cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến một số người làm báo chưa thực sự dám dấn thân, quyết liệt đến cùng, sợ phải gánh chịu những rủi ro cho bản thân và gia đình. Đáng chú ý, có một số ít người làm báo vì bản lĩnh chính trị không vững vàng, bị lợi ích vật chất cám dỗ, nên trong quá trình tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có biểu hiện bao che, đồng lõa với các sai phạm để hưởng lợi.

Yếu tố con người, nguồn nhân lực cần đặt ở vị trí trung tâm

Tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, qua đó nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí của báo chí trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí. Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Đồng thời, kiên quyết “xử lý nghiêm theo quy định Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

Tiếp đến, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Báo chí khi thông tin cần phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, phản ánh đúng bản chất vấn đề, không tô hồng mà cũng không bôi đen.

Tiếp tục phát huy, cổ vũ, lan tỏa những mặt tích cực của báo chí, truyền thông trong đưa tin, bài về tham nhũng. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: tăng cường thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo chí cần thực hiện tốt các nhiệm vụ: chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục.

Thực tế chứng minh phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra