Ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong tình hình mới

Thứ ba, 20/09/2022 17:12
(ThanhtraVietNam) - Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cải cách về thể chế và thủ tục hành chính (TTHC), nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, sửa đổi bổ sung như: Luật Quản lý thuế năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2020…Cụ thể, giai đoạn năm từ 2019 đến năm 2021 Chính phủ đã ban hành các nghị quyết về cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, chuyển đổi số và hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng tích cực, hiện đại.

Bên cạnh đó, các nghị quyết ban hành các chương trình hành động thể hiện sự chỉ đạo cụ thể và quyết liệt của Chính phủ về các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, cấp phép xây dựng, đầu tư… tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và hội nhập, tạo sức bật mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội…(1). Do đó, việc nhận diện hành vi “nhũng nhiễu” của người có chức vụ, quyền hạn góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam trong tình hình mới theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (Chỉ thị số 10/CT-TW) là rất cần thiết.

1. Nhận diện về hành vi “nhũng nhiễu” của người có chức vụ, quyền hạn

Theo khoản 6 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, “nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. Biểu hiện của hành vi nhũng nhiễu khá đa dạng và phong phú, thông thường hành vi này xảy ra ở cơ quan cung cấp dịch vụ công, nơi thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc cho doanh nghiệp, người dân. Biểu hiện của hành vi nhũng nhiễu rất gần với “tham nhũng vặt”, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh phục vụ của cơ quan nhà nước, tích tụ lâu ngày thành thói quen, văn hóa xấu trong ứng xử của cán bộ, công chức, gây ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, kinh doanh.

Hành vi “nhũng nhiễu” thường xảy ra trong hoạt động của một số cơ quan công quyền, nhất là tại các cơ quan hành chính, nơi trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Đặc điểm nhận dạng đó là: Một số cán bộ, công chức hoặc người có chức vụ quyền hạn(2) không thực hiện trách nhiệm với thái độ công tâm và tinh thần phục vụ mà ngược lại, thường tìm cách lợi dụng những sơ hở hoặc không rõ ràng của các thủ tục, thậm chí tự ý đặt ra các điều kiện gây thêm khó khăn cho công dân và doanh nghiệp, để buộc người dân và doanh nghiệp phải biếu xén quà cáp cho mình.

Từ góc nhìn Luật học: “Nhũng nhiễu” vì vụ lợi là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm đòi hỏi, ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải nộp những khoản chi phí ngoài quy định hoặc phải thực hiện hành vi khác vì lợi ích của người có hành vi nhũng nhiều. Thực chất của hành vi “nhũng nhiễu” là sự ép buộc đưa hối lộ được che đậy dưới hình thức tinh vi rất khó có căn cứ để xử lý. Cũng có thể coi hành vi nhũng nhiễu là hành vi “đòi hối lộ” một cách gián tiếp hoặc ở mức độ chưa thật nghiêm trọng và có thể dùng biện pháp xử lý hành chính.

Vấn nạn “nhũng nhiễu” được thực hiện thông qua việc sách nhiễu, cố ý gây phiền hà cho người dân, biến việc đơn giản thành phức tạp, lợi dụng những quy định rườm rà, hình thức của thủ tục hành chính để dây dưa, trì hoãn giải quyết các việc hành chính - dân sự với mục đích buộc người dân phải mất tiền hoặc thứ khác có giá trị nếu muốn được việc. Có thể có nhiều nguyên nhân làm cho tình trạng “nhũng nhiễu” vẫn còn tồn tại nhưng nổi bật có thể kể đến đó là: Việc ứng dụng công nghệ thông tin những năm qua còn thiếu đồng bộ nên các dịch vụ công được giải quyết trực tuyến còn ít, người dân, doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, chưa tin tưởng khi tiến hành các thủ tục trên môi trường mạng. Nhận thức của người dân và cán bộ, công chức chưa tốt. Tinh thần phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, quan liêu, cửa quyền, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cố ý làm trái quy định để vụ lợi hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. Một số đơn vị, người đứng đầu chưa đề cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu trong công tác và quản lý cán bộ, công chức của mình.

Để khắc phục nạn “nhũng nhiễu” của người có chức vụ, quyền hạn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp (Chỉ thị số 26/CT-TTg) và Chỉ thị số 10/CT-TTg. Đặc biệt, Chỉ thị số 10/CT-TTg còn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức đường dây nóng và hộp thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn hạn chế nhất định, là do: Người dân và doanh nghiệp còn e ngại không kiến nghị, phản ánh. Thậm chí, còn tồn tại tư tưởng cùng có lợi, muốn được giải quyết công việc của mình nên chấp nhận tiêu cực, sẵn sàng đưa tiền “bôi trơn” nên việc loại trừ hành vi này không phải điều dễ dàng. Nguồn thông tin cung cấp qua đường dây nóng thường không kèm theo hoặc không đầy đủ chứng cứ, không để lại đầu mối để liên lạc, khai thác thêm. Công tác xác minh, xử lý ở một số nơi đôi khi chưa kịp thời, không đầy đủ so với yêu cầu đặt ra. Nhiều vụ việc liên quan đến quy trình nghiệp vụ giải quyết các thủ tục hành chính phức tạp đòi hỏi phải xác minh cụ thể nên kéo dài thời gian thụ lý giải quyết. Một số trường hợp người dân phản ánh thông tin không chính xác, chưa đúng với sự việc xảy ra, có trường hợp lợi dụng đường dây nóng để phản ánh thông tin giả mạo, gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh những lý do nêu trên, có thể kể đến một số nguyên nhân làm cho tình trạng “nhũng nhiễu”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc của người có chức vụ, quyền hạn tồn tại trong thời gian qua, đó là:

Thứ nhất, vẫn còn trường hợp lãnh đạo ở một số nơi xem nhẹ hành vi nhũng nhiễu, còn suy nghĩ, thậm chí tư tưởng cho rằng bồi dưỡng ít tiền để anh em làm việc thuận lợi hơn, có động lực hơn; việc phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chưa kịp thời và khi xử lý còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế để thu hút nhân tài; những người được tuyển dụng, đề bạt do lo lót thường có tâm lý khi vào được vị trí công tác, phải bằng mọi cách, mọi thủ đoạn để nhũng nhiễu, vơ vét của Nhà nước và Nhân dân.

Thứ hai, việc xác định, xây dựng và triển khai thực hiện vị trí việc làm để khắc phục ngay những sơ hở, bất cập, thiếu sót đối với những vị trí việc làm mà công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp có cơ hội vụ lợi đã không được nhiều cơ quan thực hiện nghiêm túc và khoa học. Rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không được bố trí đúng vị trí công tác để phát huy sở trường. Bên cạnh đó, vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức nhưng không bị thay thế, lại đảm nhận những vị trí liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm sẽ rất dễ phạm phải sai lầm dẫn đến nhũng nhiễu.

Thứ ba, do việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát không nghiêm, mang tính hình thức nên không ngăn ngừa, hạn chế được tệ “nhũng nhiễu”. Mặt khác, biểu hiện dễ dãi, được chăng hay chớ vẫn đang tồn tại. Một số cán bộ, đảng viên, từ trong suy nghĩ cho rằng dù kém về năng lực, vi phạm quy định, đạo đức chưa chắc đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí vẫn thăng tiến đều, nếu có “ô dù” che chắn, nâng đỡ.

leftcenterrightdel

Tinh gọn thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước góp phần ngăn chặn tình trạng “nhũng nhiễu”

 

2. Thực trạng về hành vi “nhũng nhiễu” của người có chức vụ, quyền hạn hiện nay

Theo báo cáo tháng 10/2020 của Chính phủ gửi Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá: “Nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng ‘tham nhũng vặt’, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”. Những năm gần đây, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi cũng chưa khi nào vắng bóng tại báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, tại báo cáo thẩm tra ngày 08/9/2021 của Ủy ban Tư pháp - Quốc Hội đã nêu rõ, qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm. Tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Đáng lưu ý là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhằm mục đích vụ lợi; hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… đã xảy ra nhiều năm, đến nay chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2020) của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, thì chỉ số SIPAS 2020 (Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020) đã đánh giá: Tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu xảy ra ở 57/63 tỉnh, thành phố; 48/63 tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí (tăng 2 tỉnh so với năm 2019). Tỷ lệ người dân đi lại một lần mà giải quyết xong thủ tục hành chính chỉ đạt 29,69%, đi lại 2 lần là 55,71%, đi lại 3 lần là 9,64%... Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI 2020) cho thấy: Tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu trong năm 2020 còn tương đối phổ biến; hiện tượng “lót tay” để có việc làm trong cơ quan nhà nước, “lót tay” khi làm giấy phép xây dựng còn khá phổ biến.

Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp là 14,3%. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 đã phản ánh gần 45% doanh nghiệp cho biết vẫn phải trả các chi phí không chính thức, 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn, 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện. Ngày 23/12/2019, tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ ba, Thủ tướng (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) đã từng nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu liên tiếp về cải thiện môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, ông nhận được “nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên cũng nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài”.

Một số vụ việc liên quan đến nạn “nhũng nhiễu” của người có chức vụ, quyền hạn gây nên bức xúc cho người dân và bị dư luận lên án như:

Vụ việc thứ nhất, diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn

Theo Báo Thanh niên (ngày 28/02/2022): Vào tháng 01/2022, Công an tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện khởi tố 6 bị can (trong đó có 2 cán bộ huyện Cao Lộc, 1 cán bộ Hải quan, 1 cựu Công an) cùng 2 đối tượng “cò mồi” về hành vi đưa nhận hối lộ. Đây là các đối tượng có liên quan đến những sai phạm làm luật, mua bán lốt xe container nông sản trong thời gian xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Theo phản ánh của các tài xế, tình trạng làm luật với “giá trên trời” lại tiếp tục tái diễn. Mỗi xe container nông sản qua cửa khẩu phải chịu số tiền luật từ 20 đến 30 triệu đồng nếu muốn thông quan, xuất hàng nông sản qua biên giới. Vụ việc đã được các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý theo quy định pháp luật.

Vụ việc thứ hai, diễn ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài thuộc Cục Hải quan Thành phố Hà Nội

Vào tháng 10/2020, từ phản ánh của bài viết: "ĐỘC QUYỀN: Những 'tờ xanh' kẹp trong hồ sơ ở Hải quan Hà Nội", phóng viên Báo Tiền phong đã tiếp cận với nghề khai thuê hải quan (thường quen gọi là “chạy lệnh” hoặc “forwarder”) tại Hà Nội. Cụ thể: Thông thường để thông quan một lô hàng, sau khi doanh nghiệp cung cấp bộ chứng từ hàng hóa (đủ các giấy tờ cần thiết gồm: Hợp đồng thương mại, bộ vận tải đơn, hóa đơn thương mại, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ…), nhân viên giao nhận, hay còn gọi là nhân viên “chạy lệnh” sẽ tiến hành khai báo hải quan trên hệ thống khai báo điện tử của Tổng cục hải quan và đợi phân “luồng”. Sau khi trải qua các bước trên, nếu lô hàng luồng xanh, nhân viên chạy lệnh sẽ tiếp tục qua hải quan giám sát làm những thủ tục cuối cùng để thông quan. Đối với những lô hàng bị phân luồng đỏ, hồ sơ sẽ được chuyển qua bộ phận hải quan kiểm hóa. Ở đây, forwarder tiếp tục phải “lót tay” với phí “bôi trơn” từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/tờ khai tuỳ mặt hàng. Tiền này sẽ kẹp vào bộ hồ sơ, đưa trực tiếp cho cán bộ hải quan phụ trách kiểm tra lô hàng. Chỉ riêng một buổi chiều, có đến hàng trăm lượt vào ra của các nhân viên chạy lệnh, cứ mỗi lượt vào ra là mở ví “xì tiền”… “sau khoảng 16 giờ 30 phút, mức phí cho mỗi tờ khai tăng lên gấp đôi vì “ngoài giờ hành chính”. Nghĩa là mỗi tờ khai sẽ phải kẹp thêm tiền bôi trơn là 60.000 đồng cho lô hàng dưới 1 tấn và 120.000 đồng cho lô hàng trên 1 tấn”. Khi vụ việc được phản ánh Cục Hải quan Thành phố Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với 4 công chức thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài để xử lý theo quy định pháp luật.

Vụ việc thứ ba, diễn ra tại Chi cục Thuế thành phố Long Xuyên thuộc Cục Thuế tỉnh An Giang.

Cụ thể, vào tháng 4/2019, Đoàn kiểm tra thuế của Chi cục Thuế thành phố Long Xuyên do ông Đặng Ngọc Chinh, Phó Đội trưởng Đội tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế - trước bạ - thu khác, làm trưởng đoàn đã đến cơ sở kinh doanh vận tải thủy Trần Thị Huệ (phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên) do bà Trần Thị Huệ làm chủ để kiểm tra hóa đơn, các chứng từ liên quan của cơ sở này. Dù không phát hiện sai phạm nhưng ông Đặng Ngọc Chinh 6 lần liên tục mời bà Huệ lên làm việc để "hạch sách" đủ điều. Cuối cùng, ông Chinh yêu cầu bà Huệ ký tên vào biên bản vi phạm và thông báo xử phạt cơ sở 70 triệu đồng vì “cơ sở của bà Huệ thuê một số ghe để chở thức ăn cho Công ty Cổ phần Nam Việt nhưng không có hợp đồng bằng văn bản, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, lập khống hóa đơn bán hàng cung ứng dịch vụ”. Thấy mình không có sai phạm nên bà Huệ không nộp phạt. Sau đó, ông Chinh đã giảm mức phạt xuống còn 35 triệu đồng, rồi 17,5 triệu đồng. Do bị mời lên nhiều lần, sợ bị cán bộ thuế làm khó nên bà Huệ đã đóng phạt 17,5 triệu đồng. Không những thế, sau khi bà Huệ đóng phạt thì ông Chinh còn nhắn tin cho bà Huệ vay 5 triệu đồng để đóng tiền học phí lớp cao học và hứa 10 ngày sau trả, nhưng cuối cùng không trả. Sau đó, Công ty Cổ phần Nam Việt mời bà Huệ lên xem thông báo của Chi cục Thuế thành phố Long Xuyên thì bà Huệ mới biết mình bị xử phạt về hành vi “sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, lập khống hóa đơn khi bán hàng, cung ứng dịch vụ” cho Công ty Cổ phần Nam Việt tổng số 31 hóa đơn, trị giá thành tiền trên 7,3 tỷ đồng. Quá bức xúc, bà Huệ đã viết đơn gửi lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các ngành chức năng để cầu cứu. Sau đó, ông Chinh đến nhà bà Huệ nhiều lần để gửi trả lại số tiền đã vay và yêu cầu bà Huệ rút đơn nhưng gia đình bà không đồng ý. Sau khi nắm được sự việc, Cục Thuế tỉnh An Giang đã chỉ đạo Chi cục Thuế thành phố Long Xuyên ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh vận tải thủy Trần Thị Huệ, đồng thời đình chỉ công tác ông Chinh để xử lý theo quy định pháp luật.

Trên đây, chỉ mới là một số vụ việc điển hình liên quan đến nạn “nhũng nhiễu” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn. Thực tế trong đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội, rất cần có giải pháp nhằm nhận diện và xử lý đối với hành vi “nhũng nhiễu” ở Việt Nam hiện nay.

3. Một số giải pháp nhằm nhận diện và xử lý đối với hành vi “nhũng nhiễu” ở Việt Nam hiện nay

Nhằm nhận diện tình trạng “nhũng nhiễu” của người có chức vụ, quyền hạn đạt hiệu quả cao, các bộ, ngành địa phương cần phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-TTg; đồng thời, khắc phục những thiếu sót, sơ hở của quy định pháp luật để người có chức vụ, quyền hạn không thể lợi dụng, nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp. Có thể tham khảo một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tinh gọn thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động thông qua việc tăng cường sự kết nối, liên thông trong ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến bảo đảm an toàn, nhanh chóng, hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức. Đặc biệt là, người đứng đầu cơ quan nhà nước phải gương mẫu, thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, nêu cao đạo đức công vụ. 

Thứ hai, phải thường xuyên giáo dục tư tưởng, chính trị, đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt là nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc với người dân về tính “liêm chính”, hình thành “văn hóa nêu gương”, “nói đi đôi với làm”; văn hóa “trọng liêm sỉ, danh dự” và văn hóa “căm ghét tham nhũng” trong đại bộ phận người có chức vụ, quyền hạn và quần chúng nhân dân. Thường xuyên mở các hội nghị, hội thảo khoa học, lớp tập huấn và phát động các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tạo ra một khí thế mới, một “khao khát mới”, sục sôi và quyết liệt hơn trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong thời kỳ đổi mới.

Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; đẩy mạnh phòng ngừa, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện hành vi vi phạm; kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý các hành vi “nhũng nhiễu”, tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng chức năng, người có chức vụ, quyền hạn và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi pháp luật… Cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với các lĩnh vực như thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường, thanh tra, kiểm toán, điều tra… phải đảm bảo ngăn chặn  tình trạng sách nhiễu, “vòi vĩnh”, đòi “chung chi” để phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

Thứ tư, phải phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan nhà nước ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn và cán bộ, công chức, viên chức gắn việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân để giải quyết thực chất, dứt điểm công việc; tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân; có lỗi thì phải công khai xin lỗi, khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm; chú trọng sự hài lòng của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính, tổ chức cung cấp dịch vụ công, tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật… phấn đấu để tiến đến toàn xã hội có phong trào rộng khắp lên án hành vi “nhũng nhiễu” với sự vào cuộc của toàn dân, dư luận xã hội, gắn với các phong trào thiết thực đang thực hiện ở cấp cơ sở như dân chủ cơ sở, nếp sống văn hoá, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, giám sát, lên án và từng bước loại bỏ tình trạng “nhũng nhiễu” tại Việt Nam hiện nay./.

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.2, tr.223;

(2) Theo khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (người có chức vụ, quyền hạn gồm: “a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.

Tài liệu tham khảo:

(1). Luật gia-Ths. Lê Quang Kiệm: Một số giải pháp xử lý đối với hành vi “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” từ thực tiễn tại tỉnh Đồng Nai, Tạp chí Thanh tra - Thanh tra Chính phủ;

(2). Ngô Mạnh Hùng: Thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan Thanh tra Nhà nước, kiến nghị giải pháp khắc phục, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra – Thanh tra Chính phủ;

(3). TS. Nguyễn Thị Thu Nga: Một số vấn đề về ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra – Thanh tra Chính phủ.

Luật gia - Ths. Lê Quang Kiệm
Ths. Nguyễn Minh Đức
Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra