Nghệ An: Tình hình tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp

Thứ tư, 17/07/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Tại Nghệ An, mặc dù các cấp, các ngành đã tăng cường thực thi pháp luật, cụ thể hóa nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nhưng tình hình tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp.

Thu hồi gần 80% tài sản tham nhũng

Liên quan đến kết quả điều tra các vụ tham nhũng, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã thụ lý điều tra 24 vụ/ 113 bị can (trong đó, số cũ 15 vụ/ 88 bị can; số vụ mới thụ lý là 08 vụ/ 23 bị can; trả hồ sơ điều tra bổ sung 01 vụ/02 bị can); tạm đình chỉ điều tra: 01 vụ/01 bị can (Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc).

Đã kết thúc điều tra 11 vụ/ 82 bị can; trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 vụ/02 bị can, đang điều tra 11 vụ/29 bị can.

Kết quả truy tố các vụ tham nhũng cho thấy, tổng số vụ tham nhũng được Viện kiểm sát hai cấp thụ lý là 21 vụ/128 bị can (trong đó, số cũ là 05 vụ/23 bị can; phục hồi vụ án đối với 01 vụ/07 bị can; số mới là 15 vụ/98 bị can); đã truy tố chuyển Tòa án 18 vụ/115 bị can; trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với 02 vụ/12 bị can; đang trong thời gian truy tố 01 vụ/01 bị can.

Tổng số vụ tham nhũng được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý là 16 vụ/88 bị cáo, trong đó, đã xét xử 07 vụ/15 bị cáo; trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 vụ/ 01 bị cáo; đang trong thời gian xét xử 08 vụ/72 bị cáo.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Công an tỉnh Nghệ An, thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra trong 06 tháng đầu năm là hơn 20 tỷ đồng; hiện đã thu hồi được hơn 16 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 79,9%). Ngoài ra, trong vụ án liên quan đến hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư giai đoạn từ tháng 01/2020 đến tháng 6/2023 trên địa bàn thị xã Cửa Lò, đối tượng đã tự nguyện khắc phục hậu quả, giao nộp một phần số tiền tham nhũng thất thoát cho cơ quan cảnh sát điều tra 6,8 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung. Ảnh: Báo Nghệ An

Đánh giá về tình hình tham nhũng, tiêu cực tại địa phương thời gian qua, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

UBND tỉnh đã cụ thể hóa nhiều giải pháp quyết liệt như: Qua công tác thanh tra nếu phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì kiên quyết chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra mà không chờ đến khi ban hành kết luận thanh tra; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ và hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ; công tác cải cách hành chính được đề cao, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

Theo đó, trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiểm chế, đặc biệt là tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tăng cường thanh tra trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên; phát hiện và xử lý được nhiều vụ việc tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử; việc xử lý tham nhũng đã được các cấp, các ngành xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội.

Hạn chế còn tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Mặc dù có nhiều nỗ lực song công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương tồn tại hạn chế do việc xác minh tài sản, thu nhập còn nhiều khó khăn vì nhiều loại tài sản không thể xác minh; do cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước (như ngân hàng, doanh nghiệp có liên quan...) chưa chặt chẽ, chưa có quy định rõ ràng.

Bên cạnh đó, các cơ quan kiểm soát tải sản thu nhập chưa được đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về công tác xác minh tài sản, thu nhập nên khi thực hiện xác minh tài sản, thu nhập còn nhiều lúng túng, biểu mẫu kê khai tài sản, thu nhập không phân biệt được tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng và con, nên gây khó khăn cho việc xác minh tính trung thực.

Trong khi đó, một số vụ án, vụ việc quá trình giám định, định giá tài sản kéo dài, kết luận chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến cơ quan điều tra không đủ căn cứ để kết luận vụ án, vụ việc.

Một số vụ án, vụ việc xảy ra đã lâu, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cá nhân nên quá trình thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc gặp một số khó khăn nhất định như: Một số cơ quan, đơn vị, cá nhân mất nhiều thời gian để kiểm tra, rà soát tài liệu để cung cấp; có trường hợp không tìm thấy tài liệu lưu trữ; có người đã chết; một số người liên quan không nhớ được các chi tiết vụ việc; một số loại tài sản liên quan đã thay đổi, tháo dỡ, giải phóng..., giá trị tài sản có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến việc xác minh, thời gian định giá tài sản.

Công tác tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được chú trọng, tuy nhiên các hình thức tuyên truyền, phổ biến chưa đa dạng, chủ yếu là các hình thức truyền thống.

Một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng chưa mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Việc chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài nhà nước chưa được quan tâm đúng mức; công tác chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản, thu nhập hiện nay chưa mang lại hiệu quả thiết thực; việc thực hiện Chỉ thị số 10/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng những nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp ở một số lĩnh vực đã được chú trọng thực hiện nhưng hiện nay chưa có trường hợp nào bị phát hiện và xử lý kỷ luật bởi các cơ quan hành chính, mà chủ yếu được phát hiện và xử lý qua công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Đặc biệt, chưa phát hiện các vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp huyện, cấp sở chưa được hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn, thường xuyên thay đổi nên có lúc còn lúng túng trong việc hướng dẫn, tổng hợp công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường sẽ tác động tới một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng việc am hiểu pháp luật đối với các lĩnh vực được phân công phụ trách, lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện những hành vi tham nhũng, vụ lợi cho bản thân, cho lợi ích nhóm gây ảnh hưởng tới uy tín của bộ máy nhà nước. Đặc biệt, vấn đề tham nhũng vặt đang diễn biến len lỏi tại các cơ quan, đơn vị gây bức xúc, bất bình cho Nhân dân, tập trung xảy ra trên một số lĩnh vực nhạy cảm như: đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính, đầu tư mua sắm công, ngân hàng, y tế... Nhóm hành vi tham nhũng dễ xảy ra, cần phải tập trung các giải pháp để phòng, ngừa và đấu tranh đó là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng

Để khắc phục những khó khăn nói trên, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian tới, Nghệ An sẽ:

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, tác phong, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín (như: quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ...). Đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng và nhất là tự giám sát của các cơ quan, đơn vị.

Từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, Nghệ An kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ bổ sung quy định pháp luật về hình thức xử lý chi tiết hơn đối với các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không đúng: Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định chung một hình thức xử lý đối với tất cả các trường hợp kê khai không trung thực (kê khai sai, thiếu do cách hiểu về mẫu biểu, nội dung kê khai và kê khai sai do cố ý không kê khai hoặc kê khai quá tài sản thực có mà không giải trình hợp lý) là chưa phù hợp, chưa quy định cụ thể về cơ chế thu hồi phần tài sản kê khai không trung thực.

Kiến nghị Thanh tra Chính phủ tăng cường tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết, học tập kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng; Tổ chức tập huấn phần mềm hệ thống báo cáo của ngành Thanh tra theo Thông tư 01/2024/TT-TTCP, ngày 02/01/2024 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quy định về kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ cho các địa phương , đơn vị.

Đề nghị Thanh tra Chính phủ nhanh chóng xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước để thuận tiện cho việc tổng hợp, quản lý, đối chiếu, kiểm tra xác minh biến động tài sản, thu nhập của cá nhân trong thời gian dài.

Kiến nghị HĐND, Ủy ban MTTQ và các cơ quan chức năng tăng cường việc giám sát, nhất là các cơ quan, đơn vị tự giám sát khi thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó tập trung giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trên một số lĩnh vực trọng điểm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: đất đai, đầu tư công, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, dịch vụ công; giám sát minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đôn đốc các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ phúc đáp, trả lời, kết luận các nội dung mà cơ quan điều tra đề nghị trả lời, trưng cầu giám định, định giá tài sản,… để phục vụ kịp thời công tác điều tra, xử lý.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra