Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu

Thứ tư, 04/05/2022 17:30
(ThanhtraVietNam) - Đại hội XIII của Đảng đã diễn ra thành công tốt đẹp, đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và dân tộc, được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần tô đậm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần này, ngoài các khía cạnh về kinh tế, văn hóa, y tế, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế… thì môi trường cũng là nội dung được Đại hội XIII đặc biệt quan tâm, có nhiều quan điểm, chủ trương mới và cụ thể.

Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội đều đã giành nhiều sự quan tâm hơn so với các Đại hội Đảng trước đây về vấn đề bảo vệ môi trường, từ nội dung đánh giá tình hình, kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 10 năm thực hiện Chiến lược 2011 - 2020 đến mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước trong kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm tới. Theo đó, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, hệ thống các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên đã từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn; công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm; hoạt động xử lý nước thải, chất thải rắn đã được tăng cường thực hiện và giám sát; hoàn thành xử lý chất độc da cam sân bay Đà Nẵng và tiếp tục ở khu vực Biên Hòa; chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Một số chỉ tiêu môi trường đạt và vượt kế hoạch: Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đến năm 2020 đạt khoảng 90%, dân số nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh, ước đạt 90,2%, tăng mạnh so với năm 2015 (86,2%); tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2020 là 90%; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 khoảng 42%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra…

Tuy nhiên, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Đại hội XIII của Đảng cho rằng “ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp” (1); “Các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm. Ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường, tái chế chất thải, xử lý rác chậm phát triển, còn lạc hậu. Tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu không đạt chuẩn về môi trường chậm được khắc phục” (2). Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do “chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường”. (3)

leftcenterrightdel
 Môi trường sống là vấn đề cấp thiết cần được các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực và địa phương tập trung xử lý. Ảnh: PVBT

Có thể khẳng định, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và được Đảng ta xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định quan điểm tăng trưởng kinh tế luôn gắn kết với bảo vệ môi trường trong từng bước và từng chính sách phát triển. Cùng với đó, Văn kiện cũng đề cập đến giải pháp, định hướng bảo vệ môi trường ở một số lĩnh vực, nội dung cụ thể như: Bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn, xử lý theo pháp luật tình trạng gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường... Trong đó nhấn mạnh: "Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” (4). Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng ngày càng lớn của vấn đề bảo vệ môi trường đối với sự phát triển đất nước, bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân hiện nay và cho các thế hệ mai sau, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Đại hội XIII của Đảng bổ sung thêm nội dung mới là “bảo vệ môi trường” để trở thành “quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” (5). Đây là điểm mới của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng so với Nghị quyết của các nhiệm kỳ trước.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, Nghị quyết XIII của Đảng đề ra các chỉ tiêu về môi trường đến năm 2030: Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Nghị quyết cũng đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu trong thời kỳ 5 năm (2021 - 2025) như: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%. Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ quyết tâm phấn đấu đạt các chỉ tiêu cao nhất, chuẩn bị các phương án để chủ động thích ứng với những biến động của tình hình.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, Nghị quyết cũng đưa ra một số giải pháp trọng yếu. Đó là: Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược; kiểm soát an toàn, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh; tăng cường giám sát, công khai đầy đủ, kịp thời thông tin và nâng cao chất lượng môi trường không khí, có biện pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, xử lý rác thải ở các đô thị, khu vực đông dân cư; xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát tốt các tác động đến môi trường của các dự án khai thác tài nguyên, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt quan tâm đến những dự án lớn, công nghệ phức tạp và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao). Cùng với đó, tăng cường và thực thi nghiêm chế tài xử phạt vi phạm về môi trường. Trong đó, thực hiện nguyên tắc: Đối tượng gây ô nhiễm môi trường phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; đối tượng được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là “tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%”. (6) Những nhiệm vụ, giải pháp này của Đảng thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, góc độ tiếp cận mới, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường hiện nay.

Từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 đã lan rộng trên toàn cầu, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và được xác định là thách thức lớn nhất của nhân loại sau Chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay. Đại dịch cũng được xác định liên quan đến vấn đề môi trường. Điều này cho thấy mục tiêu phát triển bền vững ở các quốc gia đang bị thách thức, môi trường sinh thái đang bị tổn thương. Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam là điểm sáng nổi lên trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, với chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan mà cần tiếp tục nâng cao nhận thức, có chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để khắc phục khó khăn nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới. Tin tưởng rằng, thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ là tiền đề, cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, mọi người được sống trong môi trường trong lành.

Chú thích:

(1), (2), (4), (5), (6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 86; trang 87; trang 117; trang 119; trang 276;

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, trang 78.

TS. Phạm Thị Vui
Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra