Nghĩa vụ Thuế của các bên liên quan trong quan hệ hợp tác kinh doanh: Hiểu thế nào cho đúng?

Thứ ba, 15/12/2020 10:45
(ThanhtraVietnam) - Về vấn đề chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế GTGT đối với phần doanh thu của các cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức trong những ngày qua đã và đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo công luận, dư luận với cuộc tranh luận giữa Grab, đối tác tài xế và Tổng cục Thuế khi thực hiện Nghị định 126. Vậy phải hiểu như thế nào cho đúng về nghĩa vụ thuế của các bên liên quan trong mối quan hệ hợp tác kinh doanh?

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126 quy định: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh […].” Tổng cục Thuế giải thích quy định là các tổ chức (ví dụ như Grab, Be, Baemin) phải khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với thuế suất thuế GTGT là 10% trên tổng giá trị doanh thu của hoạt động hợp tác, còn cá nhân (như các tài xế xe ôm, giao hàng) hợp tác với Grab, Be không phải nộp thuế GTGT cho phần doanh thu được chia.

Quan điểm, góc nhìn của TS Long thì sự giải thích của Tổng cục Thuế đang có sự lẫn lộn về mối quan hệ giữa 2 chủ thể tổ chức và cá nhân, trong đó, hai bên độc lập đồng ý hợp tác với nhau thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ví dụ, trong trường hợp của Grab, doanh nghiệp và người lái xe hai bánh là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau, với nghĩa vụ thuế riêng biệt đối với phần doanh thu được chia của mình. Chính Tổng cục Thuế cũng đã công nhận sự tách biệt này khi đưa ra các quy định về mức thuế GTGT áp dụng riêng với cá nhân hợp tác với tổ chức trong Thông tư 92/2015/TT-BTC và Công văn 384/TCT-TNCN năm 2017, trong đó quy định: “Cá nhân kinh doanh vận tải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Grab Taxi hoặc với tổ chức kinh doanh vận tải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % trên doanh thu theo hợp đồng”. Vì vậy, việc Tổng cục Thuế giải thích tổ chức phải gánh toàn bộ mức thuế GTGT, kể cả phần thuế đối với phần doanh thu họ không được hưởng, là bất hợp lý, bất công đối với tổ chức khai hộ, nộp hộ.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Ngoài ra, theo điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng đã quy định: “Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng […]”. Theo đó, đối tượng kinh doanh dịch vụ phải là Người nộp thuế và có nghĩa vụ đối với thuế GTGT đối với doanh thu của mình. Việc Tổng cục Thuế giải thích rằng cá nhân kinh doanh, vốn là một chủ thể hoàn toàn độc lập trong mối quan hệ kinh doanh này và thực hiện công đoạn chính trong dịch vụ vận tải, không phải đóng thuế GTGT và yêu cầu các công ty công nghệ phải chịu nghĩa vụ thuế thay cho tài xế xe ôm là không đúng với quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Lý lẽ của Tổng cục Thuế cho cách giải thích như trên là coi các công ty công nghệ kết nối dịch vụ xe ôm là hoạt động kinh doanh vận tải. Dù đúng là Luật Giao Thông Đường bộ (GTĐB) quy định rằng hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhưng cả Luật và Nghị định 10 không đưa ra điều kiện đối với việc kinh doanh vận tải bằng xe hai bánh, mà chỉ nói rằng việc sử dụng xe hai bánh để vận chuyển hành khách, hàng hóa phải theo đúng quy định về trật tự, an toàn giao thông (Điều 80 Luật GTĐB). Các phần mềm hỗ trợ kết nối đã giúp các cá nhân tài xế xe ôm, vốn là những đối tượng nghèo có thu nhập thấp, khó khăn trong xã hội, có thêm nhiều cuốc xe và tăng thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống được tốt hơn; đồng thời, lần đầu tiên, giúp cơ quan nhà nước có thể quản lý thu nhập của các đối tượng này. Việc thay đổi phương pháp tính thuế dẫn đến việc tăng thuế, dù đối với cá nhân hay hành khách đi chăng nữa, đã thể hiện sự tận thu, không biết nuôi dưỡng nguồn thu của Tổng cục Thuế.

Ngoài ra, việc coi các tài xế xe ôm là đối tượng có hoạt động kinh doanh để đánh thuế GTGT cũng cần xem lại nghiêm túc. Luật Doanh nghiệp cho rằng đã là hoạt động kinh doanh thì phải có sự tham gia vào một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Người lái xe ôm là thực ra là người bỏ sức lao động để kiếm sống, chứ không phải người kinh doanh. Do đó, tôi cho rằng, Chính phủ cần phải xác định lại đối tượng này để đánh thuế GTGT cho đúng.

Tôi rất băn khoăn, quan ngại với cách giải thích không đúng về Luật thuế GTGT của Tổng cục Thuế. Điều này vừa gây ra ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đầu tư, vừa là nguyên nhân gây nên phản ứng của các tài xế xe ôm công nghệ trong những ngày gần đây. Tôi đề nghị cơ quan Thuế đưa ra những lời giải thích rõ ràng và phù hợp với Luật Thuế GTGT để đảm bảo sự công bằng, nhất quán và khả thi trong thực thi chính sách - PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra