Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ hai, 13/11/2023 16:52
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức họp phê duyệt Thuyết minh đề tài khoa học cấp bộ “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến - Thực trạng và giải pháp”. Theo TS. Trần Đăng Vinh, Chủ tịch Hội đồng phê duyệt Thuyết minh đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài cần đánh giá hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và lợi ích mang lại cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến

Theo Viện CL&KHTT, triển khai thực hiện Kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2024 của Thanh tra Chính phủ, mới đây, đơn vị này đã tổ chức họp phê duyệt Thuyết minh đề tài khoa học cấp bộ “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến - Thực trạng và giải pháp” do TS. Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT đăng ký làm Chủ nhiệm. TS. Trần Đăng Vinh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng phê duyệt Thuyết minh đề tài chủ trì buổi họp.

Tại Hội nghị, TS. Cung Phi Hùng báo cáo, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến là một phần trong nội dung chuyển đổi số quốc gia. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về ứng dụng công nghệ thông tin; Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về lĩnh vực này, cụ thể như: Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Bên cạnh đó, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến là một trong những chương trình chuyển đổi số của Thanh tra Chính phủ, đồng thời là một trong chương trình bắt buộc chuyển đổi số quốc gia

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi báo cáo của Chủ nhiệm Đề tài. Ảnh: L.A

Đề tài hướng tới mục tiêu đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng trực tuyến; đề xuất các giải pháp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến ở Việt Nam hiện nay. Để làm rõ mục tiêu đề ra, Đề tài dự kiến nghiên cứu một số vấn đề về cơ sở lý luận, thực trạng pháp luật và hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đề xuất các giải pháp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến.

Tại buổi báo cáo, cho ý kiến nhận xét về Thuyết minh đề tài, ThS. Trần Quốc Dũng - Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương - Ủy viên phản biện 1 đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay.

Ông Dũng đánh giá, để hoàn thiện Thuyết minh, Đề tài cần bổ sung nội dung Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7/10/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này; làm rõ thêm mục tiêu tiếp công dân trực tuyến có thể giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các chủ thể có liên quan; bổ sung kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm địa phương đã tổ chức mô hình này…

Thống nhất phê duyệt Thuyết minh Đề tài để triển khai nghiên cứu trong năm 2024

Còn ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Phó Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ - Ủy viên phản biện 2, chia sẻ những băn khoăn về tên đề tài. Theo đó, tên đề tài phù hợp với công tác tiếp công dân trực tuyến, tuy nhiên, vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn do có nhiều trình tự, thủ tục phức tạp có liên quan, do vậy, cần cân nhắc đổi tên đề tài cho phù hợp hơn và đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn…

Cũng tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Thu Nga - Viện CL&KHTT cho rằng, trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số như hiện nay, đòi hỏi mức độ số hóa ở hầu hết các lĩnh vực, thì vấn đề tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến là vấn đề đặt ra và cần được nghiên cứu.

Bà Nga cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi sự kết nối thông tin trên môi trường mạng ở nhiều ngành, lĩnh vực. Trong bối cảnh hiện nay, sự kết nối thông tin trên môi trường mạng chưa đảm bảo thì vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn. Do đó, Đề tài cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và kiến nghị đề ra phương án, giải pháp chính sách để thực hiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả trên thực tiễn…

ThS. Lê Đức Trung - Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CL&KHTT, ủy viên thư ký cho rằng, về nội dung nghiên cứu, cần làm nổi bật đặc điểm, ưu điểm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến so với tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tiếp; bổ sung thêm thực trạng ứng dụng hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước; về giải pháp, cần bổ sung nhóm giải pháp tổ chức thực hiện, như giải pháp nhận thức, phối hợp thực hiện, đào tạo, bồi dưỡng, số hóa cơ sở dữ liệu...

leftcenterrightdel
 TS. Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: L.A

Kết luận về các nội dung của Đề tài, Chủ tịch Hội đồng TS. Trần Đăng Vinh đánh giá, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết, đây là vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực như áp dụng pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong điều kiện hiện nay; tên đề tài sẽ được giữ nguyên như Thuyết minh, tuy nhiên, Ban chủ nhiệm đề tài cần làm rõ hơn nội hàm, phạm vi nghiên cứu để làm rõ mục tiêu đề ra.

TS Vinh nhấn mạnh, bên cạnh việc nghiên cứu, làm rõ các nội dung có liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần có sự đánh giá việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo và so sánh nội dung nghiên cứu đề tài để tránh sự trùng lặp; đánh giá đến hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và lợi ích mang lại cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài ra, để làm rõ cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp của Đề tài, cần bổ sung đội ngũ tham gia nghiên cứu là những cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và lĩnh vực công nghệ thông tin…

Trên cơ sở nội dung báo cáo của Chủ nhiệm Đề tài, cùng các ý kiến nhận xét, đóng góp của các Thành viên Hội đồng, kết thúc buổi họp, Hội đồng đã thống nhất phê duyệt Thuyết minh Đề tài “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến - Thực trạng và giải pháp” để triển khai nghiên cứu trong năm 2024./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra