Nhìn lại kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh

Thứ năm, 04/04/2024 12:00
(ThanhtraVietNam) - Sự quan tâm của các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ từ kết quả đánh giá các mặt công tác này tại các tỉnh, thành phố (cấp tỉnh).

Ban hành “Bộ Chỉ số đánh giá và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2023”

Hiện nay, việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh tiếp tục được tổ chức thực hiện theo quy định tại Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

leftcenterrightdel
 

Trong khi chưa có kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2023 (PACA INDEX 2023), chúng ta hãy cùng nhìn lại kết quả đánh giá công tác này năm 2022 để thấy được sự quan tâm của các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTN và hiệu quả của các mặt công tác này ra sao.

Điểm đánh giá công tác PCTN năm 2022 tăng hơn so với các năm trước đây

Nhìn chung, điểm đánh giá công tác PCTN năm 2022 tăng hơn so với các năm trước đây. Điểm trung bình công tác PCTN cấp tỉnh đạt 66.06 điểm, cao hơn 3.94 điểm so với năm 2021 (62.12 điểm), là điểm trung bình cao nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Điều này cũng tương đồng với Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham những (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố, Việt Nam là 1 trong số 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội.

Năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100, tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87/180 (năm 2021) lên 77/180 (năm 2022), cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ và hiệu quả thực tế trong phòng, chống tham những năm qua.

Bên cạnh đó, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN năm 2022, cơ bản các địa phương cả nước đã triển khai tốt. Do đó, nội dung này tiếp tục đạt điểm cao nhất trong công tác PCTN, thể hiện sự quan tâm sát sao, kịp thời của lãnh đạo các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN.

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong khu vực nhà nước vẫn được các địa phương thực hiện tốt hơn so với khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, các địa phương vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả các biện pháp phòng ngừa về (1) Công khai minh bạch, (2) Cải cách hành chính, (3) Thực hiện chế độ định mức, tiêu chuẩn, (4) Chuyển đổi vị trí công tác và (5) Việc thực hiện thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Nhiều chỉ số chưa đạt kết quả như kỳ vọng

Tuy nhiên, chỉ số phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng nhìn chung chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, mặc dù điểm đánh giá nội dung này có tăng nhẹ so với năm trước, nhưng mới đạt 49,77% yêu cầu đặt ra. Điều này cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong năm qua chưa có tiến triển rõ rệt.

Việc xử lý hành vi tham nhũng đạt kết quả khả quan hơn (đạt 65,13% yêu cầu), cho thấy quyết tâm cao của các địa phương trong việc kiên quyết xử lý đối với hành vi tham nhũng.

So với các năm 2020, 2021, công tác thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022 tại địa phương đạt hiệu quả thấp hơn (đạt 53,30% yêu cầu). Điều này cũng khẳng định các biện pháp thu hồi tiền, tài sản tham nhũng của nhiều địa phương vẫn chưa thực sự tiến triển trong nhiều năm qua.

Một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác đánh giá PCTN

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên, các chuyên gia đầu ngành của Thanh tra Chính phủ cho rằng, một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác đánh giá PCTN của địa phương mình; vẫn còn tình trạng triển khai, tổ chức đánh giá công tác PCTN mang tính đối phó, chưa đi vào thực chất.

Không ít địa phương thường giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì thực hiện, dẫn đến khi triển khai, gặp nhiều khó khăn trong việc các sở, ban ngành, quận, huyện phối hợp cung cấp số liệu, tài liệu minh chứng để Thanh tra tỉnh tổng hợp, tự chấm điểm, làm chậm báo cáo tự đánh giá của địa phương theo kế hoạch.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ đánh giá chung của cả nước (trong đó, Thành phố Hà Nội là địa phương nhiều năm chậm nộp báo cáo tự đánh giá công tác PCTN).

Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc một số địa phương có điểm đánh giá đạt thấp, chưa phản ánh đúng thực tế công tác PCTN do thiếu số liệu, tài liệu minh chứng phục vụ đánh giá.

Mặt khác, một số địa phương điểm đánh giá luôn nằm trong nhóm có thứ hạng thấp, phản ánh việc tổ chức thực hiện công tác PCTN của các địa phương này chưa có sự tiến triển đáng kể (ví dụ như các tỉnh: Phú Yên, Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu).

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN còn một số địa phương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, có sự thiếu đồng đều giữa các địa phương. Việc tổ chức tiếp công dân tuy kết quả chung có cải thiện hơn nhưng nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa thực hiện đầy đủ theo quy định.

Hiệu quả từ các biện pháp phòng ngừa qua giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm tra nội bộ chưa được cải thiện đáng kể

Đặc biệt, trong công tác thực hiện các giải pháp phòng ngừa, việc xử lý xung đột lợi ích, xử lý vi phạm theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chân có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, chưa được các địa phương quan tâm, thực hiện quyết liệt. Việc phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước nhiều địa phương còn lúng túng, chưa thực sự quan tâm sâu sát triển khai thực hiện.

Đáng chú ý, việc phát hiện tham nhũng vẫn chủ yếu qua công tác điều tra, truy tố và xét xử. Hiệu quả từ các biện pháp phòng ngừa qua giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm tra nội bộ chưa được cải thiện đáng kể. Việc xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN vẫn là khâu yếu của các địa phương.

Giải pháp cải thiện kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh

Để cải thiện kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN.

Cụ thể, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác PCTN tại địa phương mình, tập trung vào những nội dung như: Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc, xử lý xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý, ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt”; triển khai công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; phát hiện và xử lý tham nhũng.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị các địa phương:

Bám sát, kết hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) triển khai các nhiệm vụ về PCTN nói chung, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, phát huy vai trò của xã hội và người dân; nâng cao vai trò giám sát và chất lượng các cuộc giám sát trong việc phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.

Công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện hành vi tham nhũng, cần tiếp tục thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Các địa phương cần chấn chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện hành vi tham nhũng qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra, kiểm tra. Đồng thời cũng cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, phát huy cơ chế khen thưởng người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng để khuyến khích người dân, xã hội, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp cùng chung tay với nhà nước trong công tác PCTN.

Đối với việc xử lý hành vi tham nhũng, địa phương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiên quyết chuyển cơ quan chức năng xem xét để xử lý hình sự đối với cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan đơn vị khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Bên cạnh các biện pháp xử lý nghiêm minh và kịp thời, các địa phương cũng cần sự phối hợp giữa các biện pháp hành chính và các biện pháp tư pháp để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng qua các biện pháp thi hành án; triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Thông qua kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022 (PACA INDEX 2022), các địa phương cần đặc biệt tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực sự quan tâm đối với đánh giá công tác PCTN của địa phương mình; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm từ đó khuyến khích, phát huy những nội dung có kết quả tích cực, những nội dung còn hạn chế cần có giải pháp khắc phục để năm sau đạt kết quả tốt hơn. Đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp, tương xứng để nâng cao hiệu quả công tác đánh giá công tác PCTN tại địa phương.

Tăng cường phối kết hợp với Thanh tra Chính phủ (qua Cục PCTNTC) trong việc trao đổi thông tin, tháo gỡ vướng mắc, chủ động tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đánh giá tại địa phương để có thể nắm vững cách thức đánh giá, qua đó nâng cao hiệu quả công tác đánh giá PCTN tại địa phương mình.

Chúng ta cùng chờ đợi kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2023 (PACA INDEX 2023) và kỳ vọng nhiều khởi sắc của các tỉnh, nhất là trong việc phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng. Qua đó thấy rõ trách nhiệm của lãnh đạo cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc; thấy được hiệu quả công tác xử lý xung đột lợi ích, kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý, ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt”, phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cũng như hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng tại các địa phương trong thời gian qua./.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra