Những chuẩn mực đạo đức trong hoạt động công vụ cần có của người làm công tác thanh tra hiện nay

Thứ ba, 17/10/2023 10:21
(ThanhtraVietNam) - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Đó là những tư tưởng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra. Tư tưởng đó soi sáng mọi hoạt động của Ban Thanh tra Đặc biệt, đồng thời đặt cơ sở, nền móng cho việc xây dựng hệ thống tư tưởng, tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra sau này.

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và bền vững đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn và phức tạp hơn. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.

Trong những năm qua, các cơ quan Thanh tra đã tích cực triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành đã có nhiều cố gắng tổ chức, thực hiện tốt cuộc vận động và các quy định của Đảng, Nhà nước, của ngành; thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm của công chức, viên chức với Nhà nước, với nhân dân; thực hiện các quy định về văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra khi thi hành công vụ; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí đã có những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức người cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kết quả, thành tích công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị từng cơ quan, đơn vị và toàn ngành, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, việc thực hiện các quy định về văn hóa công sở và các quy chế trong hoạt động thanh tra của một bộ phận công chức, viên chức còn yếu; hiệu quả công tác, tinh thần phục vụ nhân dân chưa cao; tình trạng cục bộ chọn việc dễ, tránh việc khó vẫn còn; tinh thần đoàn kết thống nhất, cộng đồng trách nhiệm trong một bộ phận trách nhiệm công chức, viên chức (kể cả một số cá nhân là lãnh đạo, cấp ủy viên của một số đơn vị) còn chưa cao, có lúc có nơi có biểu hiện mất đoàn kết; cá biệt có người vi phạm về phẩm chất đạo đức lối sống, phát ngôn thiếu văn hóa, hạch sách gây phiền hà cho các đối tượng thanh tra để vụ lợi… đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra, đến uy tín của ngành Thanh tra.

leftcenterrightdel

Công chức Thanh tra tỉnh Cà Mau học tập chuyên đề Văn hóa Hồ Chí Minh về học tập, lao động và làm việc. (Ảnh: Ngọc Xinh)

Vì vậy công tác cán bộ đặc biết là trong ngành Thanh tra cần phải đặt ra một chuẩn mực và quy tắc chung để cán bộ, công chức thực thi và áp dụng vào lĩnh vực công tác đó là đạo đức công vụ và những chuẩn mực cần tuân thủ trong ngành.

Đầu tiên phải  xác định hoạt động công vụ của công tác thanh tra là gì? Có thể nói một cách khái quát: “Hoạt động công vụ trong ngành Thanh tra là việc cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan có chức năng thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao để tiến hành các hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền”.

Có thể thấy rằng, hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan có chức năng thanh tra, được quy định bởi pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, so với các lĩnh vực khác, hoạt động công vụ trong ngành Thanh tra có những điểm đặc thù.

Thứ nhất, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng luôn gắn liền với việc xem xét, đánh giá tính đúng, sai và xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên đối với hoạt động công vụ của người làm công tác thanh tra là phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Thứ hai, luôn đòi hỏi phải được đặt trong cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Vì sao phải đặt hoạt động công vụ của ngành vào cơ chế giám sát chặt chẽ. Về bản chất, hoạt động công vụ trong lĩnh vực thanh tra là việc thực thi công vụ hành chính, tuy nhiên, tính chất đặc thù về thẩm quyền, chức trách và nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, gắn liền với việc thực thi quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước để đưa ra các quyết định nhằm đánh giá và xử lý đối với việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ tư, có tính độc lập tương đối, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thứ năm, gắn liền với quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, có liên quan và tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Do đó công tác thanh tra dễ xảy ra tình trạng lạm quyền, bỏ lọt hoặc bao che cho những vi phạm, là môi trường dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm tra giám sát hoạt động công vụ của ngành Thanh tra: Bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương và vai trò, thẩm quyền giám sát của các chủ thể bên trong, bên ngoài bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn công tác hiện nay, cần phải có những quy tắc, quy định bằng văn bản quy định về đạo đức công vụ và những chuẩn mực của ngành Thanh tra mà những cán bộ, công chức trong ngành phải tuân thủ nhằm hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào ngành.

Những đặc thù trong công tác ảnh hưởng đến tính chất riêng của đạo đức công vụ và chuẩn mực của người làm công tác Thanh tra như:

Do phạm vi công tác rộng hơn, một số hoạt động công vụ có những đòi hỏi cao hơn về tiêu chuẩn so với chuẩn mực chung của đạo đức công vụ được pháp luật quy định đối với cán bộ, công chức. Người làm công tác thanh tra phải đáp ứng các chuẩn mực chung của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính bên cạnh đó phương pháp làm việc, phong cách, ứng xử của người làm công tác thanh tra cũng có những điểm khác so với phương pháp làm việc, phong cách, ứng xử của người làm trong các cơ quan bảo vệ pháp luật khác và có những đặc trưng riêng trong hệ thống phương pháp làm việc, phong cách ứng xử của công chức hành chính nói chung.

Gắn liền với những nguyên tắc trong hoạt động, gắn liền với quyền và nghĩa vụ của người làm công tác thanh tra khi tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Do đó chuẩn mực đạo đức của người làm công tác thanh tra không chỉ tuân thủ các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức mà còn phải dựa trên các quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quyền, nghĩa vụ của người làm công tác thanh tra, những việc phải làm, nên làm và không được làm trong thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

Với những đặc thù về hoạt động công vụ như thế, ngày 11 tháng 3 năm 2021 Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân. Nội dung thông tư đã thể hiện được những chuẩn mực đặc thù về đạo đức công vụ của người làm công tác thanh tra.

Vậy để tuân thủ đạo đức công vụ và những chuẩn mực của ngành Thanh tra, người làm công tác thanh tra cần phải đáp ứng các yêu cầu sau: (1) Tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật trong thực thi công vụ vì hầu hết các chuẩn mực đạo đức công vụ đều dựa trên các quy định của pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm đạo đức công vụ, người làm công tác thanh tra cần phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. (2) Phải có đạo đức cách mạng, có thái độ ứng xử giao tiếp văn minh, lịch sự; sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, không có thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu. Việc thực hiện các hành vi công vụ phụ thuộc rất nhiều vào lương tâm, nhận thức, ý thức trách nhiệm và thái độ của người làm công tác thanh tra thể hiện  thông qua các hành vi cụ thể trong trong hoạt động công vụ từ đó  mọi người có thể cảm nhận được sự hiện diện của đạo đức công vụ trong hoạt động công vụ. (3) Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh và uy tín trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tóm lại đạo đức công vụ và những chuẩn mực của người làm công tác thanh tra không chỉ hiện diện thông qua việc thực thi những nhiệm vụ cụ thể được giao mà còn phải đặt trong bối cảnh chung, trong xây dựng văn hóa công vụ, văn hóa thanh tra của ngành Thanh tra. Vì vậy, cùng với trách nhiệm phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật trong thực thi nhiệm vụ công vụ, người làm công tác thanh tra còn phải chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra./.

Ngọc Xinh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra