Thanh tra tỉnh Bắc Ninh:

Những sai sót thường gặp trong việc kê khai tài sản, thu nhập

Thứ sáu, 26/05/2023 14:39
(ThanhtraVietNam) - Căn cứ Kế hoạch số 22/KH-TTr.NV4 ngày 19/7/2022 về việc xác minh tài sản, thu nhập (TSTN) năm 2022 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 690/QĐ-UBND ngày 19/7/2022, Thanh tra tỉnh đã tiến hành xác minh TSTN theo Kế hoạch năm 2022 tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có thể thấy được những tồn tại, hạn chế trong việc kê khai TSTN, để từ đó đưa ra một số giải pháp để khắc phục các vấn đề này.

Qua công tác xác minh, kiểm tra bản kê khai, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã chỉ ra việc kê khai TSTN còn một số lỗi thường gặp như: Người có nghĩa vụ kê khai không kê khai TSTN và biến động về TSTN của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên. Người có nghĩa vụ kê khai không chứng minh được nguồn gốc TSTN tăng thêm theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 130/2020/NĐ-CP: “Giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm là việc người có nghĩa vụ kê khai tự giải thích, chứng minh về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai liền trước đó”.

Không thực hiện theo Mẫu bản kê khai và không đọc kỹ các chú thích Hướng dẫn việc kê khai tại Phụ lục I, Phụ lục II được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ gồm: Sai tiêu đề bản kê khai; Bản kê khai phô tô là không đúng quy định; Không ký nhận bản kê khai, người ký nhận không ghi rõ họ tên, chức vụ, chức danh; không kiểm tra tính đầy đủ các nội dung phải kê khai; Không kê khai rõ ràng tài sản đứng tên hộ người khác; Kê khai không đầy đủ về tiền…     

Việc triển khai kê khai lần đầu, kê khai phục vụ công tác cán bộ không đúng quy định: Người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật PCTN năm 2018 phải kê khai lần đầu. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập phục công tác cán bộ khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.  

leftcenterrightdel
 Còn nhiều sai sót trong việc kê khai TSTN. Ảnh minh hoạ

Có đơn vị chưa hiểu đầy đủ việc xác định người có nghĩa vụ kê khai hằng năm gồm: Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; Nếu chưa phải là Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên, thì người có nghĩa vụ kê khai chỉ phải kê khai hằng năm nếu có quyết định bổ nhiệm vào các ngạch công chức (ví dụ: Thanh tra viên 04.025, Kế toán viên 06.031…), quyết định bổ nhiệm vào các chức danh theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.  

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai TSTN có vi phạm về thời gian bàn giao bản kê khai lần đầu, kê khai phục vụ công tác cán bộ; người được giao nhiệm vụ tiếp nhận không kiểm soát hình thức, tính đầy đủ của bản kê khai so với Mẫu. Người không thuộc đối tượng kê khai hằng năm không phải kê khai TSTN hằng năm; tuy nhiên nên thống kê thu nhập của mình thường xuyên hằng năm, phục vụ việc kê khai thu nhập phục vụ công tác cán bộ có thể sau một số năm.  

Có thể thấy rằng, qua việc kê khai TSTN ở Bắc Ninh, người có nghĩa vụ và quyền đối với việc kê khai vẫn còn vô tình hoặc hữu ý sai sót khi tiến hành kê khai. Tuy nhiên, đối với những sai sót này, luật cũng đã có những quy định về xử lý vi phạm trong kê khai TSTN như sau:

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức theo Điều 21 Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.

Điều 51 Luật PCTN năm 2018 quy định: Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai TSTN không trung thực, giải trình nguồn gốc của TSTN tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.   

Do đó, để hạn chế các tồn tại, sai phạm trong công tác kiểm soát TSTN, các cấp các ngành cần quyết liệt triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên quán triệt Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát TSTN. Tổ chức hội nghị chuyên đề phổ biến lại các nội dung về kê khai TSTN được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ tới toàn thể những người có nghĩa vụ kê khai TSTN trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, bao gồm cả người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Hai là, chỉ đạo, giao bộ phận chuyên môn của cơ quan, đơn vị tự kiểm tra, rà soát lại nội dung, hình thức các bản kê khai từ bản kê khai lần đầu đến nay, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có).

Ba là, kiểm điểm, nhắc nhở, chấn chỉnh công khai các cá nhân có sai sót, tồn tại, hạn chế trong việc kê khai TSTN. Quán triệt và yêu cầu những người có nghĩa vụ kê khai TSTN của cơ quan, đơn vị nếu sau lần này người kê khai TSTN tiếp tục có các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định hiện hành./.  

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra