Những vấn đề cần đặt ra trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện nay

Thứ năm, 10/06/2021 14:00
(ThanhtraVietNam) - Hiểu theo nghĩa chung nhất, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) là sự tác động thường xuyên, liên tục của chủ thể quản lý (Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao quyền) lên đối tượng quản lý thông qua các quy định, quy tắc có tính chất bắt buộc, nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị xã hội và các mục đích khác đề ra.

Trong hàng nghìn năm qua, sự ra đời, tồn tại và phát triển của VK luôn gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của xã hội loài người. Ban đầu con người chế tạo, sử dụng VK thô sơ như cung, tên, lao... để săn bắn, tự vệ; đến nay con người đã chế tạo nhiều loại VK, VLN, CCHT ngày càng tinh vi hơn có tác dụng sát thương, sức phá hủy, trấn áp ngày càng lớn hơn, được sử dụng với các mục đích khác nhau trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh hay kinh tế, dân sự... Việc quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, nhất là VK hủy diệt hàng loạt có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, đòi hỏi có sự thống nhất, tham gia của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, như Hiệp ước cấm sử dụng VK hạt nhân, Hiệp ước kiểm soát VK tiến công chiến lược, Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng VK hóa học…  nhưng việc quản lý, sử dụng VK VLN, CCHT của từng quốc gia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của chủ thể quản lý, trong đó Nhà nước là chủ thể quản lý cơ bản, quan trọng nhất.

Pháp luật quản lý, sử dụng VK ở Việt Nam và các quốc gia Âu, Mỹ có các quy định khác nhau, điển hình, như tại Mỹ, Hiến pháp Hoa Kỳ (Tu chính số 02) đã nêu “quyền của người dân được sở hữu và trang bị VK, không thể bị xâm phạm". Nhiều nước phương Tây cũng có các quy định cho công dân được mua, sử dụng VK sau khi đã được kiểm tra về lý lịch, tâm lý, sức khỏe; cơ quan quản lý cấp giấy phép sử dụng súng có thời hạn cho công dân với mục đích săn bắn, tự vệ, thể thao. Pháp luật của Liên Bang Nga phân VK thành nhiều loại (VK dân sự, VK công vụ và VK chiến đấu), trong đó lực lượng vũ trang của Nhà nước được quyền sử dụng cả ba nhóm vũ khí nêu trên, nhưng pháp nhân và thể nhân ngoài lực lượng vũ trang thì chỉ được quyền sở hữu vũ khí dân dụng và công vụ, nếu có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Theo báo cáo được công bố của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc, nước Mỹ, tỷ lệ sở hữu súng cá nhân cao nhất thế giới (chiếm đến 89%), tương đương với 270 triệu người Mỹ có súng ở trong nhà. Trung bình mỗi năm nước Mỹ có khoảng 30.000 người chết liên quan đến súng, đỉnh điểm là năm 2007 số người chết vì súng lên đến con số 34.000 người, trong đó có nhiều vụ xả súng đẩm máu ở trường học, siêu thị gây thiệt hại 229 tỉ đôla, chiếm 1,4% GDP của nước này. Tình hình hoạt động tội phạm, khủng bố, sử dụng VK, VLN trái phép ở một số nước Châu Âu xảy ra khá phổ biến, nhiều vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phản ứng với tình hình trên, ngay trong lòng nước Mỹ đã xuất hiện nhiều phong trào chống bạo lực súng, đạn thu hút hàng triệu người tham gia, yêu cầu chính phủ Mỹ siết chặt việc quản lý, sử dụng súng, đạn.

Ở nước ta, ngay từ thời kỳ phong kiến, đã thực hiện quản lý chặt chẽ các loại VK. Quốc triều hình luật hay còn gọi là Luật hình triều Lê (1428-1788) đã quy định hình phạt rất nặng cho việc chế tạo, sử dụng VK trái phép(1). Sau khi giành được độc lập, Nhà nước ta đã từng bước ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử, từ các nghị định, pháp lệnh(2), đến Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2017, sau đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2019. Hệ thống pháp luật về quản lý VK, VLN, CCHT hiện hành của nước ta quy định khá chi tiết, cụ thể về công tác quản  lý, sử dụng VK, VLN, tiền chất nổ, CCHT, trong đó quy định chỉ một số đối tượng nhất định mới được trang bị VK, CCHT; trình tự thủ tục mua, trang bị, cấp giấy phép sử dụng, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa VK, VLN, CCHT; các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy VK, VLN, CCHT và quản lý Nhà nước về VK, VLN, CCHT. Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương và UBND các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện quản lý chặt chẽ VK, VLN, CCHT và sử dụng đúng quy định, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên trong thời gian qua tình hình vi phạm quy định về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT có diễn biến phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ án đối tượng sử dụng VK “nóng” gây án giết người, trả thù cá nhân, săn bắn nhầm, làm chết và bị thương một số người, nhiều vụ đối tượng thực hiện hành vi công khai, trắng trợn, thể hiện sự liều lĩnh, coi thường pháp luật gây hoang mang trong dư luận. Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 Công an các địa phương đã phát hiện 3.381 vụ (tăng 1.073% so với cùng kỳ năm 2019), 5.452 đối tượng (tăng 1.086%) liên quan đến VK, VLN, CCHT; đã khởi tố 598 vụ, 129 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 1.746 vụ, 2.236 đối tượng; thu giữ 1.223 khẩu súng các loại,  95 lưu đạn, bom mìn, 7.745, 85 kg thuốc nổ, 38,6 kg tiền chất thuốc nổ… Một số vụ điển hình như: Hồi 21h ngày 13/01/2020 trên địa bàn xã Phú xá, Cao Lộc, Lạng Sơn đối tượng Lý Văn Sắn đã sử dụng súng AK bắn làm 02 người chết, 05 người bị thương; ngày 21/01/2020 đối tượng Lê Quốc Tuấn dùng súng AK bắn chết 04 người, bị thương 01 người tại ấp 5 xã Tân Thạnh Đông huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình chạy trốn đã cướp 02 xe máy, bắn chết 01 người, làm bị thương 01; đặc biệt là vụ phạm tội có tổ chức mua sắm, sử dụng VK, CCHT chống trả quyết liệt lực lượng chức năng xảy ra ngày 09/01/2020 tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội làm 03 cán bộ hy sinh. Công tác vận động nhân dân giao nộp VK, VLN, CCHT còn gặp nhiều khó khăn, đến nay vẫn còn một số VK, bom, đạn từ thời chiến tranh còn để lại ngoài xã hội, hoặc cài đặt rải rác trên đất nước ta chưa được thu hồi, rà, phá nổ, ngoài ra có người dân tự ý đào bới, thu gom, cất giữ trái phép; một số đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ tập tục, truyền thống tự chế các loại súng để săn bắn, bảo vệ mùa màng và thực hiện các nghi lễ, tín ngưỡng lạc hậu, chưa được thu hồi triệt để, ẩn họa khôn lường.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về VK, VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT theo quy định của pháp luật, Bộ Công an đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác này, gần đây đã chỉ đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành một số cuộc kiểm tra về công tác quản lý VK,VLN, CCHT đối một số đơn vị, công an địa phương và cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, quản lý, sử dụng VK, CCHT. Thực hiện Kế hoạch số 105/KH-BCA-C06 ngày 13/3/2020 của Bộ Công an tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT, đã phát hiện sơ hở trong quản lý, một số cơ quan, đơn vị để mất, thất lạc VK, VLN, CCHT và giấy phép sử dụng; kho, nơi cất giữ bảo quản không đảm bảo an toàn theo quy định; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp VK, VLN, CCHT của một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả thu hồi thấp; việc đấu tranh với tội phạm lợi dụng không gian mạng, dịch vụ bưu chính để mua bán trái phép VK, VLN, CCHT chưa đạt hiệu quả mong muốn, tương xứng với tình hình vi phạm xảy ra, số các trang web, tài khoản mạng xã hội rao bán, hướng dẫn chế tạo VK, VLN, CCHT còn nhiều; công tác phát hiện, xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe; công tác trao đồi thông tin, phối hợp giữa lực lượng Công an, quân đội và các lực lượng có liên quan đến công tác tiếp nhận, thu gom còn hạn chế. Kết thúc kiểm tra Bộ Công an đã ban hành văn bản gửi Công an đơn vị, địa phương chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót, vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra.

Để nhìn nhận, đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT của UBND cấp tỉnh, từ đó chỉ rõ những việc làm tốt, có hiệu quả để đề nghị tiếp tục phát huy đồng thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót, sơ hở, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục phù hợp, kịp thời, đảm bảo việc tổ chức, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan, cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác này. Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 490/KH-BCA-X05 ngày 25/11/2020 về công tác thanh tra năm 2021 của lực lượng CAND, trong đó Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Công thương tiến hành thanh tra chuyên ngành lĩnh vực chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT đối với UBND một số tỉnh.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp sẽ có tác động công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp và các sự kiện chính trị, xã hội sắp tới, tác giả đề xuất các giải pháp sau:

Một là, lực lượng Công an các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và huy động các ngành, các cấp các đoàn thể chính trị, xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT gắn với công tác bảo đảm an ninh, trật tự và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT một cách thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các tầng lớp Nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong chấp hành pháp luật; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác quản lý, bảo quản, sử dụng cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang được giao nhiệm vụ có liên quan đến công tác này.

Hai là, thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm côn đồ hung hãn, sử dụng VK gây án; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phát hiện, xử lý thích đáng, gỡ bỏ, hạn chế tác động của các trang thông tin, bài viết, clip lợi dụng không gian mạng, dịch vụ bưu chính để hướng dẫn chế tạo, vận chuyển, giao dịch, mua bán trái phép VK, VLN, CCHT. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đưa ra xét xử công khai để tạo sự răn đe; sử dụng dư luận xã hội lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT gây hậu quả nghiêm trọng.

Ba là, đẩy mạnh công tác vận động Nhân dân giao nộp VK, VLN, CCHT, trong đó nghiên cứu, sử dụng các biện pháp kinh tế - xã hội tác động đến các nhóm đối tượng tàng trữ, sử dụng VK ngoài xã hội; săn bắn trái phép, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng lạc hậu; đối tượng cất giữ VK, CCHT như là kỷ vật chiến tranh, lập bảo tàng cá nhân; đối tượng trước đây được trang bị, cấp phép sử dụng nay không thuộc đối tượng trang bị.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, theo trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công an, trong đó cần phải phối hợp với Bộ Công thương thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định trong quản lý hoạt động VLN công nghiệp, tiền chất nổ, từ đó giúp Chính phủ đánh giá tổng thể việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về quản lý VK, VLN, CCHT trong thời gian qua, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong chấp hành pháp luật và cơ chế quản lý về lĩnh vực này để chấn chỉnh, khắc phục, xử lý theo quy định và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đáp ứng kịp thời công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới./.

Thượng tá, Ths.Vũ Hồng Thanh

TTVCC, Phó trưởng Phòng 5 Thanh tra Bộ Công an

 

Chú thích

(1) Tại Điều 29 Chương Vệ cấm

(2) Nghị định 246/CP ngày 17/5/1958; Nghị định 175/CP ngày 11/12/1964, Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12; Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 ngày 12/7/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT.

 

 

           

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra