Phân định hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra theo Luật Thanh tra sửa đổi

Thứ năm, 09/05/2024 09:24
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra, kiểm tra luôn là khái niệm đi liền nhau, để chỉ một phương thức hay một giai đoạn của quản lý với ý nghĩa quan trọng là nhằm chấn chỉnh hoạt động quản lý, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, trong cơ chế hoạt động của mình, các cơ quan nhà nước phải thường xuyên tự kiểm tra hoạt động, bên cạnh đó còn phải chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan khác trong, ngoài hệ thống và sự giám sát của Nhân dân. Tuy nhiên, thanh tra và kiểm tra là hai hoạt động khác nhau, Luật Thanh tra sửa đổi 2022 (sau đây gọi tắt là Luật Thanh tra 2022) đã có những thay đổi góp phần phân biệt hai hoạt động này.

Kiểm tra là công việc thường xuyên, không thể thiếu trong một chu trình quản lý, kiểm tra để xem công việc được thực hiện như thế nào, qua đó, đôn đốc, nhắc nhở hoặc hướng dẫn mọi người thực hiện cho đúng, cho tốt. Kiểm tra cũng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những bất cập để điều chỉnh cho phù hợp, thấy được khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trường hợp có vi phạm rõ ràng thì tiến hành xử lý ngay để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Nếu vụ việc phức tạp hoặc vi phạm lớn, người kiểm tra không đủ thẩm quyền hay điều kiện để làm rõ và xử lý thì có thể đề nghị tiến hành thanh tra.

Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hiện nay đối với hoạt động thanh tra đã có Luật Thanh tra điều chỉnh, nhưng chưa có luật nào điều chỉnh về hoạt động kiểm tra. Bên cạnh đó, trên cả phương diện lý luận và thực tế, hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra cần có sự phân định để làm rõ nội hàm hai khái niệm này, qua đó xử lý chồng chéo, xác định yêu cầu, mục đích và điều kiện áp dụng. Đối với hoạt động kiểm tra, tuy không được điều chỉnh bởi một văn bản luật như thanh tra, nhưng trong một số lĩnh vực chuyên ngành, xuất phát từ yêu cầu của công tác quản lý, tính đặc thù và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, các cơ quan, tổ chức đơn vị đã ban hành các văn bản quy định về công tác kiểm tra trong ngành, lĩnh vực hoạt động của mình. 

Luật Thanh tra 2022 đã có những điều chỉnh, bổ sung, nhằm từng bước phân định giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cụ thể:

Thứ nhất, Luật Thanh tra 2022 quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Khoản 1 Điều 6 Luật Thanh tra 2022 quy định:“Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước”.

Đây là quy định có nhiều điểm mới với tính chất định hướng trong sự phân định từng bước giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra. Từ phương diện lý luận đến thực tế, thanh tra, kiểm tra từ trước đến nay luôn được coi là một khâu trong chu trình quản lý, gồm ban hành quyết định, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra giúp cho cơ quan quản lý nắm được tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật, các biện pháp, giải pháp nhằm đạt được mục đích quản lý. Thanh tra, kiểm tra cũng là công cụ để phòng ngừa phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm của cả đối tượng quản lý và người thực thi nhiệm vụ, công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức. Thanh tra, kiểm tra cũng cho phép cơ quan quản lý đánh giá tính đúng đắn, phù hợp trong các chủ trương, quyết định của mình để có sự điều chỉnh kịp thời nhằm đạt được mục tiêu của quản lý, không có gì khác hơn là một sự ổn định trật tự trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội và sự phát triển mọi mặt đất nước. Tuy nhiên việc tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra sao cho hiệu quả, vừa bảo đảm được mục đích vừa không gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, đến các cơ quan, tổ chức trong xã hội là vấn đề không đơn giản. Luật Thanh tra 2022 đã cơ bản phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra, coi đó như những phương thức khác nhau nhưng cùng mục đích và đối tượng để làm cơ sở cho việc quy định phù hợp với từng phương thức.

Thứ hai, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, công tác kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên để phục vụ công tác quản lý.

Hoạt động kiểm tra là công việc được thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đơn vị thực hiện thường xuyên để đảm bảo cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình được thông suốt. Trong khi đó thường thì hoạt động thanh tra, do tính chất đặc biệt là hướng vào việc phát hiện bất cập trong cơ chế chính sách, pháp luật; phát hiện, làm rõ và xử lý các vi phạm pháp luật, chỉ được tiến hành khi có các căn cứ phát sinh chặt chẽ, bài bản và có tính chuyên nghiệp hơn.

Khoản 2 Điều 6 Luật Thanh tra 2022 quy định: Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Quy định trên của Luật khẳng định kiểm tra là công việc thường xuyên của tất cả những người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí là của mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đối với công việc do mình phụ trách. Trong khi đó, hoạt động thanh tra chỉ được tiến hành khi có các căn cứ do pháp luật quy định nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đó là sự khác biệt giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì một buổi công bố quyết định thanh tra. Ảnh PV

Thứ ba, Luật Thanh tra 2022 cũng quy định trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Với quy định này, Luật cho phép phân biệt dù chỉ là hết sức tương đối giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra. Nếu như hoạt động kiểm tra là đương nhiên đối với mọi chủ thể quản lý thì hoạt động thanh tra được thực hiện khi cần thiết. Quá trình kiểm tra nếu có vi phạm thì người tiến hành kiểm tra có thể xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý ngay nếu thấy hành vi vi phạm là rõ ràng, trách nhiệm của người có hành vi vi phạm được xác định cụ thể. Tuy nhiên nếu thấy vấn đề phức tạp, cần phải được xác minh, làm rõ hơn, với thời gian nhiều hơn, thậm chí phải có quyền hạn để áp dụng những biện pháp cần thiết, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ sâu hơn, quy trình chặt chẽ hơn được thực hiện bởi cơ quan có chức năng thanh tra thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định tiến hành thanh tra.

Thứ tư, Luật Thanh tra 2022 điều chỉnh các hình thức thực hiện hoạt động thanh tra, trong đó bỏ hình thức thanh tra thường xuyên.

Luật Thanh tra 2010 quy định ba hình thức tiến hành thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất và thanh tra thường xuyên. Tuy nhiên, Luật Thanh tra 2022 chỉ giữ lại hình thức thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Sự điều chỉnh này thể hiện yêu cầu từng bước chuyên nghiệp hoạt động thanh tra, phân biệt với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý. Phần lớn các hoạt động thanh tra chuyên ngành về bản chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên (Luật Thanh tra 2010 gọi đó là thanh tra thường xuyên) một điều không phù hợp với nhiều hoạt động của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành hiện nay, chủ yếu là nhằm phát hiện và xử lý vi phạm với đối tượng là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội để bảo đảm trật tự quản lý. Không ít hoạt động thanh tra chuyên ngành hiện nay thực chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên đã bị “thanh tra hóa”. 

Có thể nói, thanh tra là hoạt động đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, trình tự thủ tục chặt chẽ hơn nên được quy định trong một đạo luật là Luật Thanh tra. Trong khi đó hoạt động kiểm tra rất đa dạng, được coi như một công việc thường xuyên của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức đơn vị. Tuy không có Luật điều chỉnh về hoạt động kiểm tra, nhưng hiện nay, trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như trong các văn bản dưới luật và quy định nội bộ của cơ quan, tổ chức đơn vị, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có thể ban hành các quy định về hoạt động kiểm tra để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý thuộc trách nhiệm của mình. Chẳng hạn, Quyết định số 2692/QĐ-BGDĐT ngày 26/7/2018 về việc quy định về quy trình kiểm tra của Bộ GDĐT, Thông tư số 27/2020/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường…

Tóm lại, phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra cũng như sắp xếp lại tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đã phần nào được làm rõ hơn trong Luật Thanh tra 2022, đây sẽ là một cơ sở quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hiệu lực của hai hoạt động này trong thời gian tới, nhất quán theo hướng: Kiểm tra là thường xuyên, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm./.

TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy
Trưởng Khoa Nghiệp vụ giải quyết KNTC &PCTN
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra