Quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú - Kiến nghị và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí

Thứ tư, 08/11/2023 11:12
(ThanhtraVietNam) - Quản lý báo chí là tạo điều kiện cho hoạt động báo chí phát triển lành, mạnh, đúng quy định pháp luật. Với quan điểm đó, những năm qua Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An (STT&TT NA) đã thực hiện công tác quản lý Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú (VPĐD, PVTT) các cơ quan báo chí trên địa bàn hoạt động đúng quy định của pháp luật và ngày càng hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 35 cơ quan báo chí được chấp thuận đặt VPĐD, 43 cơ quan báo chí cử PVTT, nhóm PVTT với tổng số 110 phóng viên, biên tập viên, chưa kể cộng tác viên (CTV). Nghệ An là một trong số ít tỉnh có số lượng VPĐD, PVTT nhiều, hoạt động báo chí khá sôi nổi và phong phú. Vì vậy, công tác quản lý VPĐD, PVTT cũng rất “phong phú” và “sôi nổi”.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Trước hết, cần ghi nhận rằng, đóng góp của các VPĐD, PVTT trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tại địa phương rất kịp thời và khá toàn diện. VPĐD, PVTT nhiều cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực, bám sát địa bàn, nắm bắt, thông tin kịp thời các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương. VPĐD, PVTT của các cơ quan báo chí đã thành lập nên các Câu lạc bộ mục đích trao đổi nghiệp vụ, giao lưu thể thao, hoạt động từ thiện tạo nên sự gắn kết giữa cơ quan quản lý và các đồng nghiệp với nhau. Hoạt động từ thiện, nhân ái được các VPĐD, PVTT quan tâm thực hiện, góp phần bảo vệ, củng cố uy tín của báo chí, tạo sự gắn kết với địa phương, nhân dân. Nhiều VPĐD, PVTT của các cơ quan báo chí hoạt động rất hiệu quả như: Thông tấn xã VN, VTV8, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Vietnamnet, Lao động, Tiền phong, Tuổi trẻ, Tạp chí Môi trường và Đô thị, Dân trí…

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một số VPĐD, PVTT đã để xảy ra sai sót, gây ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của báo chí tại địa phương. Có thể nêu lên một số hiện tượng còn bất cập hiện nay như tổ chức, mô hình hoạt động của một số VPĐD còn nhiều bất cập; việc cấp giấy giới thiệu, giấy chứng nhận cho phóng viên thường trú còn có nhiều thiếu sót, không đúng quy định; còn hiện tượng cơ quan báo chí khoán trắng hoạt động cho các VPĐD dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh; hoạt động của một số VPĐD có lúc không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; việc tuyển chọn phóng viên thường trú, cộng tác viên một số cơ quan báo chí quá dễ dãi, không có nghiệp vụ vẫn còn xảy ra…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại đó, có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan từ các cơ quan báo chí. Một trong những nguyên nhân khách quan đó là Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn còn có những bất cập so với thực tiễn hoạt động báo chí. Một số vấn đề chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh, một số khái niệm được quy định trong Luật Báo chí năm 2016, có chế tài xử phạt nhưng không thực hiện được.

Thứ nhất, về mô hình tổ chức của VPĐD cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện hoạt động của Văn phòng đại diện, cụ thể:

- Theo điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật Báo chí “Trưởng văn phòng đại diện phải có thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí có văn phòng đại diện…”. Do vậy, một số cơ quan báo chí  có Trưởng VPĐD không hoạt động tại địa phương mà chỉ “đứng danh” để hợp lý về hồ sơ, thủ tục đặt văn phòng đại diện.

- Tại điểm d Khoản 3 Điều 22 Luật Báo chí quy định hồ sơ đặt VPĐD tại địa phương phải có “Danh sách nhân sự văn phòng đại diện”, tuy nhiên không quy định cụ thể có các bộ phận của VPĐD và Văn phòng tối thiểu phải có bao nhiêu người nên có VPĐD chỉ 01 người.

- Tại điểm e Khoản 3 Điều 22 quy định hồ sơ đặt VPĐD phải có “Văn bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của văn phòng đại diện”. Tuy nhiên, có Văn phòng có quy chế quy định rất rõ ràng, cụ thể về tổ chức và hoạt động nhưng có Văn phòng ban hành Quy chế chỉ để “hợp lý hóa” thủ tục đặt VPĐD.

Do vậy, cần quy định mẫu Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng đại diện hoặc quy định về tổ chức, hoạt động của VPĐD để thống nhất trên toàn quốc, trong đó cần nêu rõ bộ máy tổ chức tối thiểu bao nhiêu người, kinh phí hoạt động, cách thức tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn hoạt động như thế nào… tránh tình trạng Văn phòng đại diện chỉ có 01 người, hoặc có Văn phòng, cơ quan chủ quản không cấp lương và điều kiện hoạt động khác cho VPĐD nhưng lại khoán thu; hoặc có VPĐD, PVTT chưa ý thức được tôn chỉ, mục đích của báo mình nên mặc dù tin, bài về địa phương có lúc nhiều nhưng tin, bài đúng tôn chỉ, mục đích lại rất ít.…

Cũng phải nói thêm rằng, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần xem kỹ năng lực, nhu cầu thực tế, khả năng tài chính trong việc duy trì, mở thêm văn phòng đại diện. Hiện nay, sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí ở một số cơ quan báo chí hiện chưa sâu nên chưa kiểm soát hết hoạt động của phóng viên, văn phòng đại diện.

Thứ hai, về vấn đề tôn chỉ, mục đích. Khoản 7 Điều 22 Luật Báo chí quy địnhHoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm do cơ quan báo chí giao và tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Có ý kiến cho rằng, cần theo dõi cả quá trình xem tờ báo/tạp chí đó có nhiều tin, bài sai tôn chỉ, mục đích thì mới xử lý. Tuy nhiên, đơn thư tố cáo của công dân về 1 bài viết sai tôn chỉ, mục đích có đủ để xử lý không? Nếu không xử lý thì căn cứ để trả lời công dân là như thế nào? 01 bài sai tôn chỉ mục đích có được xem là sai tôn chỉ mục đích không, hay có bao nhiêu % tin, bài trong 1 tháng, 1 quý, 1 năm sai tôn chỉ mục đích mới được xem là sai tôn chỉ mục đích? Cơ quan báo chí, ngoài các tin, bài phù hợp với tôn chỉ, mục đích thì có bao nhiêu % tin, bài về các vấn đề kinh tế - xã hội khác là phù hợp? Và trong số % tin, bài thuộc lĩnh vực khác tôn chỉ mục đích thì có được làm điều tra, phóng sự dài kỳ hay không hay chỉ nên đưa thông tin phản ánh? Do vậy, cần thống nhất, cụ thể hóa vấn đề này bằng văn bản phù hợp.

Thứ ba, về việc cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên cũng cần được đưa vào trong Luật hoặc văn bản dưới Luật: Hiện nay, việc cấp giấy giới thiệu tác nghiệp chỉ mới được điều chỉnh bằng văn bản hành chính của Cục Báo chí (trước đây) và Công văn 4854/BTTTT-CBC của Bộ TTTT ngày 26/11/2021 chứ chưa có văn bản mang tính pháp quy quy định. Trong các văn bản “chấn chỉnh hoạt động báo chí” đó chỉ đưa ra yêu cầu đối với Người đứng đầu cơ quan báo chí khi cấp giấy giới thiệu cho PV, CTV chứ không nêu rõ ai là người có quyền cấp Giấy giới thiệu. Có cơ quan báo chí giấy giới thiệu là do Tổng Biên tập ký, nhưng có VPĐD vẫn cấp Giấy giới thiệu cho PV, CTV vì họ được ủy quyền của cơ quan báo chí. Trong Nghị định 119/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 14/2002/NĐ-CP, tại điểm d và điểm g Khoản 1 Điều 6 có quy định chế tài xử phạt về Người đứng đầu cơ quan báo chí cử hoặc giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Như vậy, theo Nghị định 119 thì được hiểu là Trưởng VPĐD nếu được Tổng Biên tập ủy quyền thì vẫn được cấp giấy giới thiệu tác nghiệp.

Nghị định 119/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 14/2002/NĐ-CP cũng chỉ có chế tài xử lý về việc cấp giấy giới thiệu không đúng tôn chỉ, mục đích. Vậy, Giấy giới thiệu ghi nội dung đúng tôn chỉ mục đích được gửi cho tất cả các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thì được hiểu là sai nhưng lại không có quy định cụ thể, chế tài cụ thể.

Hoạt động báo chí có tính chất đặc thù, phóng viên, nhà báo được pháp luật cho phép có những quyền được tác nghiệp riêng, vì vậy việc cấp giấy giới thiệu là rất quan trọng, cần có quy định cụ thể.

Thứ tư, về vai trò quản lý báo chí tại địa phương, Khoản 4 Điều 7 Luật Báo chí quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương”. UBND tỉnh cũng đã ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý báo chí, trong đó phân quyền công tác quản lý báo chí cho Sở thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, để đầy đủ và rõ ràng về nhiệm vụ của Sở thông tin và Truyền thông cần bổ sung tại khoản này nội dung “Sở Thông tin và Truyền thông giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về báo chí tại địa phương”.

Thứ năm, về một số hành vi được quy định trong Luật Báo chí, có chế tài xử phạt nhưng không khả thi. Trong quá trình xử lý các vụ việc trên địa bàn địa phương, chúng tôi thấy nổi lên mấy vấn đề sau:

- Về nội dung “Đưa thông tin đời tư, thông tin cá nhân lên báo khi chưa có sự đồng ý của chủ thể”:

Qua nghiên cứu các văn bản pháp quy có liên quan, Sở Thông tin và truyền thông Nghệ An nhận thấy: Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, Khoản 5 Điều 9 Luật Báo chí 2016, Điều 16 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Khoản 2 Điều 46 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đều đề cập đến việc bảo vệ quyền bí mật đời tư, bí mật thông tin cá nhân. Nghị định 119 cũng có chế tài xử phạt về vấn đề này. Tuy nhiên, như thế nào gọi là “bí mật đời tư” “thông tin cá nhân”? Những khái niệm này chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí nên không thể xử lý.

- Về quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 và các luật có liên quan như Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2017… đã có quy định, chế tài hành chính hoặc hình sự đối với việc sử dụng hình ảnh của cá nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân thân, danh dự, uy tín, tinh thần của người khác. Nghị định 119/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản có các chế tài cụ thể về các hành vi vi phạm về hình ảnh của cá nhân trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cũng phải thụ lý đơn của công dân kiện phóng viên và cơ quan báo chí, một trong những nội dung Đơn của công dân là tố cáo sử dụng hình ảnh cá nhân không xin phép. Quá trình xử lý đơn thư cho thấy quy định về sử dụng hình ảnh cá nhân vẫn chưa cụ thể trong một số trường hợp.

- Thứ nhất, Luật Báo chí chưa có quy định về việc sử dụng hình ảnh cá nhân. Trong Luật Báo chí cũng đã nêu các tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, khi vận dụng luật liên quan, cụ thể là Luật Dân sự hiện hành cho phép báo chí sử dụng hình ảnh cá nhân trong các hoạt động công cộng (hội nghị, hội thảo…) không cần phải xin phép. Nhưng luật cũng nhấn mạnh “không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân có hình ảnh”. Nhưng như thế nào là tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân? Người tố cáo cho rằng sử dụng ảnh trong hội nghị hội thảo nhưng đặt trong bài viết “tiêu cực” là bôi nhọ họ, là làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Tuy nhiên người viết bài lại cho rằng, ảnh đó trong cuộc hội nghị, được sử dụng nên không cần xin phép và không làm tổn hại danh dự, nhân phẩm cá nhân. Như vậy khái niệm này cần được làm rõ.

Thứ hai, phóng viên có được sử dụng hình ảnh của các bị cáo, bị can, người phạm tội tại phiên tòa trong bài viết của mình không? Do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc có cần sự đồng ý, cho phép của người đó hay không nên dẫn đến 2 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, bị can, bị cáo, người phạm tội trong các vụ án hình sự chỉ bị chế tài bởi Bộ luật Hình sự về tội danh mà họ phạm tội và tội danh đó phải được tuyên bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc này người phạm tội mới mất đi một số quyền nhất định như: Bầu cử, ứng cử, tự do đi lại, xuất cảnh… Riêng quyền hình ảnh của họ vẫn không bị mất,  được pháp luật bảo vệ nên khi sử dụng cần phải xin phép. Cụ thể, Khoản 1 Điều 27 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 quy định, phạm nhân có quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm. Do đó, có thể hiểu bị can, bị cáo, người phạm tội vẫn được pháp luật bảo hộ quyền hình ảnh.

Quan điểm thứ hai căn cứ vào Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì có thể hiểu việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp này vì mục đích công cộng, công tác  đấu tranh phòng chống tội phạm thì không cần phải xin phép hay được sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh phải đảm bảo không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Vì những lý do đó, thiết nghĩ cần xây dựng những quy định cụ thể về việc sử dụng hình ảnh cá nhân khi xây dựng dự thảo Luật Báo chí mới./.

Nguyễn Nữ Lan Oanh
Q. Chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Nghệ An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra