Quy định về chuyển đội vị trí công tác trong lĩnh vực xây dựng

Thứ hai, 23/10/2023 16:02
(ThanhtraVietNam) - Bộ Xây dựng mới đây đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BXD quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trong lĩnh vực xây dựng là từ đủ 3-5 năm. Thông tư quy định, danh mục vị trí công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng phải thực hiện định kỳ chuyển đổi bao gồm:

1- Cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng:

a) Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

b) Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;

c) Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;

d) Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc;

đ) Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

e) Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

g) Kiểm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp xây dựng;

h) Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho các tổ chức thực hiện kiểm định đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng;

i) Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ kiểm định viên cho các cá nhân thực hiện kiểm định đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng.

2- Thẩm định dự án xây dựng:

a) Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh;

b) Thẩm định, thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

3- Quản lý quy hoạch xây dựng:

a) Thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng;

b) Thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng.

4- Quản lý, giám sát chất lượng các công trình xây dựng:

a) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng;

b) Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình xây dựng; cho ý kiến về các công trình hết thời hạn sử dụng nhưng có nhu cầu sử dụng tiếp.

Thông tư cũng quy định, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trong lĩnh vực xây dựng là từ đủ 3-5 năm.

Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm cấp có thẩm quyền ban hành văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 20/11/2023.

leftcenterrightdel
 Bộ Xây dựng mới đây đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BXD quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng. 

Trước đó, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, có những quy định mới về việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác chỉ thực hiện đối với cán bộ, công chức không giữa chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo và không làm thay đổi tính chất công việc của cán bộ, công chức, viên chức; chỉ chuyển đổi từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.

Theo quy định của Luật PCTN năm 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.

Điều 25 của Luật PCTN năm 2018 quy định “Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác”. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Căn cứ vào quy định này, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN đã quy định các vị trí công tác cụ thể phải chuyển đổi trong 18 ngành, lĩnh vực tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định. Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện.

Điều 24 của Luật PCTN năm 2018 quy định việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức. Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo trình tự thủ tục như sau:

Định kỳ hằng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện. Khi thực hiện việc chuyển đổi, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật

Quy trình luân chuyển theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ

Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.

Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.

Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.

Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra