1. Sự cần thiết quy định về thanh tra nhân dân trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của Nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Đó là biểu hiện sinh động phương thức thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân ở cơ sở, là sự thể hiện sâu sắc, cụ thể về quan điểm lấy dân làm gốc, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Ý nghĩa, tầm quan trọng của Ban Thanh tra nhân dân được xác định trong nhiều văn kiện của Đảng, tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, nhất là ở xã, phường, thị trấn ngày càng thực chất và có hiệu quả, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thanh tra nhân dân lần đầu tiên được quy định tại Quyết định số 25-TTg ngày 09/01/1976 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị cơ sở chính quyền, kinh tế, sự nghiệp. Sau đó Nghị quyết số 26/HĐBT ngày 15/02/1984 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường tổ chức và nâng cao hiệu lực thanh tra, trong đó có quy định tổ chức thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân. Thanh tra nhân dân được coi là “chân rết” của các cơ quan thanh tra nhà nước ở cơ sở, gắn với sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra nhân dân vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân.
Tại Pháp lệnh Thanh tra ngày 01/4/1990, có một Chương quy định về thanh tra nhân dân, theo đó thanh tra nhân là tổ chức quần chúng của Nhân dân và hoạt động mang tính nhân dân. Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra. Năm 2004, thanh tra nhân dân được ghi nhận tại Luật Thanh tra. Sau đó tiếp tục kế thừa được quy định thành một chương tại Luật Thanh tra năm 2010 và được hướng dẫn ở các nghị định của Chính phủ (nhất là Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (Nghị định 159) và nhiều văn bản dưới đó). Thanh tra nhân dân được thành lập dưới hình thức Ban Thanh tra nhân dân, là hình thức giám sát của Nhân dân ở cơ sở. Tổ chức và hoạt động mang tính quần chúng. Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở đó hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo hoạt động. Còn Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước do ban chấp hành công đoàn cơ sở hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo hoạt động.
Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát và kiểm tra. Nhiệm vụ giám sát hoạt động mang tính quần chúng, nhưng hoạt động kiểm tra có dáng dấp như của cơ quan thanh tra nhà nước. Hoạt động kiểm tra hầu như không có hiệu quả trên thực tiễn. Bên cạnh đó tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong khu vực công (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước) mang tính hình thức và không hiệu quả.
Giữa thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân có sự khác nhau rất cơ bản về vị trí, chức năng, tổ chức, phương thức hoạt động... nên trong quá trình xây dựng Luật Thanh tra năm 2004 và 2010, Chính phủ đã đề nghị đưa nội dung thanh tra nhân dân ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra, để xây dựng một văn bản quy định riêng về vấn đề này hoặc xây dựng Luật Giám sát của Nhân dân, theo đó thanh tra nhân dân được xác định là một trong các hình thức giám sát của Nhân dân. Tuy nhiên sau khi thảo luận, Quốc hội có chủ trương giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng văn bản này. Song, do những điều kiện khách quan và chủ quan nên Dự luật chưa được triển khai.
Hiện nay Luật Thanh tra sửa đổi năm 2022 đã đưa thanh tra nhân dân ra khỏi phạm vi điều chỉnh. Nội dung này được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp đầu năm 2022.
Việc đặt nội dung thanh tra nhân dân vào trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tuy có sự khiên cưỡng nhất định, vì vấn đề giám sát của Nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân chưa thật sát với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên xét về nghĩa rộng, giám sát của Nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân cũng là biểu hiện của việc thực hiện dân chủ của Nhân dân ở cơ sở. Trong điều kiện hiện nay, khi chưa xây dựng được một đạo luật riêng điều chỉnh về giám sát của Nhân dân thì đặt nội dung thanh tra nhân dân trong Dự thảo này là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
2. Những góp ý cụ thể về quy định thanh tra nhân dân trong Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
- Việc quy định về thanh tra nhân dân trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở phải được thể hiện trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp trong Luật Thanh tra, đồng thời lựa chọn một số nội dung quan trọng trong Nghị định 159 đã phát huy trên thực tiễn để thể hiện trong Dự luật. Bên cạnh đó, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn tình hình tổ chức, hoạt động của Ban Thanh nhân dân, nhất là ở xã, phường, thị trấn cũng cần có nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
- Trong Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được tổ chức lấy ý kiến phản biện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tháng 4/2022 đã giành một chương riêng, Chương IV quy định về thanh tra nhân dân, gồm 3 mục, 6 điều, từ Điều 57 đến Điều 63. Trong đó Mục 1 quy định chung về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân, Mục 2 quy định về tổ chức, hoạt động Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, Mục 3 quy định về tổ chức, hoạt động Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Các nội dung quy định trong Dự thảo được trình bày cô đọng, mang tính khái quát cao, trên cơ sở kế thừa quy định về thanh tra nhân dân mà Luật Thanh tra năm 2010 điều chỉnh. Tuy vậy các nội dung trong Dự thảo vẫn còn thiếu so với Luật Thanh tra hiện hành, chưa đủ cơ sở để Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục quy định cụ thể. Vì vậy trong Dự thảo này cần bổ sung các quy định để bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện hơn. Đó là các nội dung sau:
Thứ nhất, về nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân, cần bổ sung nội dung giám sát việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, việc giải quyết vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Vì đây là những vấn đề hết sức quan trọng mà Ban Thanh tra nhân dân phải giám sát. Theo đó, Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, cần bổ sung quy định về cơ chế thực hiện kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở đối với những vi phạm được thanh tra nhân dân phát hiện cần được cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở cơ sở xử lý, sửa chữa, khắc phục, nhất là xử lý (người có trách nhiệm) trong trường hợp kiến nghị không được thực hiện, thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc.
Thứ ba, bổ sung 01 điều về trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp xã, của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đối với tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn (trong Mục 2); bổ sung 01 điều về trách nhiệm của người đứng đầu quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, của ban chấp hành công đoàn cơ sở đối với tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (trong Mục 3).
Bên cạnh đó cần bổ sung quy định về nhiệm kỳ, số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (trong điều quy định về tổ chức Ban Thanh tra nhân dân).
3. Về sự cần thiết quy định thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước
Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động kém hiệu quả, rất hình thức. Sở dĩ có tình trạng như vậy, vì có những vấn đề mâu thuẫn, xung đột trong quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện trong quan hệ giữa chủ thể thực hiện quyền giám sát và đối tượng chịu sự giám sát.
Theo quy định, Ban Thanh tra nhân dân có quyền giám sát đối với những người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phạm vi, nội dung giám sát rất rộng, hầu hết các hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong khi đó, người tham gia Ban Thanh tra nhân dân, nhất là trưởng ban thanh tra là những người có chức vụ, quyền hạn (người có trách nhiệm). Họ cũng chính là đối tượng bị giám sát. Bên cạnh đó trong mối quan hệ giữa một bên là trưởng ban, thành viên Ban Thanh tra nhân dân - chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát là thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp - là người có quyền quyết định, chi phối nhiều vấn đề liên quan đời sống, sinh mạng chính trị của công chức, viên chức, người lao động trong đó có thành viên Ban Thanh tra nhân dân. Quan hệ đó được điều chỉnh bởi pháp luật quản lý, lao động theo nguyên tắc mệnh lệnh, áp đặt và chấp hành, phục tùng hoặc hợp đồng, thỏa thuận. Vì vậy hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân gần như không có hiệu quả, rất hình thức. Có nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định về thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên đây là vấn đề rất lớn, phức tạp cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền./.
TS. Nguyễn Văn Kim
Nguyên Q. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP