Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị
Có thể thấy, ở các địa phương mà nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng một số cơ quan hành chính về công tác thanh tra, tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) được chú trọng, Sở, ngành chủ động nắm bắt diễn biến tình hình để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng đơn vị, chủ động xây dựng được cơ chế, kế hoạch, chiến lược cụ thể về công tác TCD, giải quyết KNTC tổ chức thanh tra nhà nước, nhất là thanh tra cấp huyện, thanh tra sở, ngành thì ở đó hiệu quả của các công tác này được rõ nét, tình hình an ninh trật tự ổn định, hạn chế được khiếu kiện vượt cấp và các vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.
Tại Hưng Yên, công tác TCD, giải quyết KNTC luôn được lãnh đạo địa phương chú trọng. Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên quán triệt, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt, có hiệu quả của công tác này.
Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp Nhân dân hiểu rõ và làm theo Hiến pháp, pháp luật. Coi trọng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia vào các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở và tăng cường hoạt động của các tổ chức thanh tra nhân dân. Tiếp tục xác định công tác TCD, giải quyết KNTC là nhiệm vụ trọng tâm; tổ chức thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác TCD, giải quyết KNTC, đặc biệt là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KNTC của công dân.
Cùng với việc duy trì nền nếp công tác TCD, đặc biệt là trách nhiệm TCD của người đứng đầu, đảm bảo số ngày TCD theo quy định của pháp luật về TCD. Các cơ quan thông tin đại chúng nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Tổ chức niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử thông tin về các vụ việc không thụ lý, giải quyết đối với những vụ việc đã có văn bản, quyết định giải quyết đúng pháp luật, các vụ việc đã có thông báo chấm dứt giải quyết, để các cơ quan đơn vị không chuyển đơn, tránh trường hợp đơn thư vòng vo và người dân lợi dụng để khiếu nại kéo dài.
Thường xuyên chỉ đạo, quán triệt các quy định của pháp luật về TCD, giải quyết KNTC, PCTN, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp, ngành. Chú trọng, nâng cao hiểu biết, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chỉ đạo, chấn chỉnh, chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
|
|
Thành phố Hưng Yên. Ảnh Internet |
Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra
Đáng chú ý, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thành phố và các Sở, ngành cần quan tâm hơn nữa đối với công tác thanh tra, TCD, giải quyết KNTC. Hàng năm phải có sơ kết, tổng kết đánh giá trên các mặt công tác, xác định những tồn tại, yếu kém, để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh tra, KNTC; triển khai, kiện toàn bộ máy TCD từ tỉnh đến cấp cơ sở.
Mặt khác, địa phương cũng chú trọng công tác hướng dẫn, tổ chức tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ sung cán bộ, đảm bảo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng làm công tác thanh tra, TCD, giải quyết KNTC; tập trung kế hoạch ứng dụng phần mềm tin học trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư KNTC, phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp.
Cụ thể, theo chức năng nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của từng Sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chủ động theo dõi, đôn đốc các địa phương trong giải quyết các vụ việc; thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra thường xuyên; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước thông qua thanh tra trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp không thực hiện việc giải quyết KNTC của công dân hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật, tập trung vào những địa phương, cơ quan, đơn vị xảy ra nhiều vụ việc KNTC hoặc chất lượng, hiệu quả giải quyết KNTC thấp.
Đẩy mạnh phối hợp giữa Ban TCD và cơ quan chức năng trong tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong giải quyết các vụ việc, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài; vụ việc liên quan đến chính sách pháp luật về đất đai của một số địa phương cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo thiết lập hệ thống thông tin quản lý KNTC nhằm giúp việc theo dõi, xử lý đơn thư của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, dễ dàng, hiệu quả và chính xác.
Sở Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường công tác quản lý đất đai, tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bảo đảm đúng trình tự, quy định, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham mưu UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê nhưng không đúng đối tượng, không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vị phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng đô thị nhằm hạn chế khiếu kiện.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định, kết luận đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn, nhất là đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Tăng cường chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện hoạt động theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tiếp dân, giải quyết KNTC của UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn của của huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm tình hình nhằm kịp thời phát hiện và tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc ngay tại cơ sở.