Ngày 19/3/2021, Viện CL&KHTT đã tổ chức Tọa đàm khoa học về việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị định số 120/NĐ-CP ngày 07/10/2020 (Nghị định 120) của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Tham gia buổi tọa đàm có đại diện một số cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ; đại diện một số bộ, ngành liên quan và toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức Viện CL&KHTT. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT chủ trì buổi tọa đàm.
TS. Nguyễn Quốc Văn cho biết, mục đích của buổi tọa đàm nhằm giới thiệu, hướng dẫn, chia sẻ các vấn đề liên quan đến sắp xếp, kiện toàn bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 120. Nghị định sẽ điều chỉnh đối với số lượng rất lớn các đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi cả nước. Tại Thanh tra Chính phủ cũng có 5 đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Viện CL&KHTT, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra và Trung tâm Thông tin.
Mặt khác, đây là vấn đề mới, lần đầu tiên thực hiện, phạm vi, đối tượng, nội dung điều chỉnh của Nghị định có tác động khá lớn đến tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được hướng dẫn, trao đổi, bình luận, chia sẻ để làm rõ hơn.
Tại buổi tọa đàm, phát biểu ý kiến thảo luận, ông Vũ Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120 về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2020. Theo đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị sự nghiệp cần xây dựng bộ máy tinh gọn hơn, hiệu quả hơn, chú trọng vào vấn đề tổ chức bộ máy bên trong.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: L.A
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế cũng trao đổi thêm một số nội dung chính của Nghị định 120. Cụ thể, về điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định này nêu ra 5 điều kiện thành lập, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, thì khi thành lập số viên chức tối thiểu được xác định theo Đề án thành lập. Tùy vào từng loại đơn vị sự nghiệp được quy định tại Nghị định này để xác định số viên chức, số người làm việc chuyên môn theo Hợp đồng, ngoài ra các đơn vị này cần đảm bảo trang thiết bị cần thiết ban đầu, nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
Về điều kiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, gồm 3 nội dung: Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập; không đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; việc tổ chức lại các đơn vị đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị.
Một số nội dung về điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; quy định số lượng tối đa cấp phó trên một đơn vị; thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập...cũng được vị đại diện Bộ Nội vụ đưa ra để có cơ sở tọa đàm.
Bên cạnh đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập trước ngày 01/12/2020, các đơn vị không đáp ứng điều kiện về số lượng người làm việc tối thiểu phải tổ chức lại trước ngày 31/3/2021. Các đơn vị có số lượng cấp phó nhiều hơn số lượng cấp phó theo quy định thì trong thời hạn 12 tháng phải sắp xếp số lượng cấp phó của đơn vị theo đúng quy định của Nghị định 120.
Trả lời câu hỏi về khả năng thành lập Trung tâm dịch vụ công tại Viện CL&KHTT và thành lập Hội đồng quản lý tại Viện CL&KHTT, ông Vũ Hải Nam cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 7 của Nghị định 120, Viện CL&KHTT thuộc nhóm 4 theo quy định tại Nghị định, nên sẽ không thuộc đối tượng được thành lập.
Cũng theo ông Vũ Hải Nam, trong trường hợp sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập làm tăng số lượng cấp phó của đơn vị so với quy định thì trong thời hạn tối đa 03 năm kể từ ngày thực hiện sắp xếp, cơ quan trực tiếp quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm sắp xếp, bố trí để giảm số lượng cấp phó, bảo đảm phù hợp với quy định, chỉ được bổ sung khi số lượng cấp phó thấp hơn quy định, ông Nam nêu ý kiến thảo luận.
Toàn cảnh toạ đàm. Ảnh: L.A
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thanh tra nhấn mạnh, Viện CL&KHTT đã tổ chức toạ đàm rất kịp thời, sát thực trong giai đoạn các đơn vị triển khai Nghị định 120. "Mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc thực hiện Nghị định 120 đã nêu rất rõ, cập nhật đầy đủ quá trình quản lý, tới thời điểm này là khá phù hợp về số lượng cấp phó, cấp phòng… góp phần kiện toàn về tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng", ông Đỗ Mạnh Hùng khẳng định.
Có ý kiến nêu một số vướng mắc trong quá trình triển khai như: khi triển khai Nghị định 120/NĐ-CP, số lượng lãnh đạo cấp phòng sẽ bị dôi dư sau khi sáp nhập. Mặt khác, Đề án vị trí việc làm chưa được cơ quan chủ quản phê duyệt. Do vậy, việc triển khai Nghị định có đơn vị gặp khó khăn như thay đổi về chức danh lãnh đạo, thay đổi tự chủ tài chính... Do vậy, để triển khai Nghị định 120 thuận lợi, cũng như công tác tổ chức, thực hiện đi vào bài bản và tốt hơn thì đề án vị trí việc làm cho các đơn vị cần sớm được phê duyệt.
Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời ông cho rằng, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, đặc trưng của mỗi đơn vị sự nghiệp công lập và đối chiếu với quy định tại Nghị định 120/NĐ-CP, mỗi đơn vị sẽ có cách làm phù hợp, đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, tinh gọn trong việc tổ chức, sắp xếp, kiện toàn bộ máy./.
Lan Anh