Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước(*)

Thứ hai, 21/11/2022 17:17
(ThanhtraVietNam) - Xuyên suốt trong hệ thống chính trị của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm, là chủ thể, mọi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước là để phục vụ người dân, phải đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Xem đây là thước đo cho hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh Thái Nguyên thường xuyên quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Chỉ thị số 35), Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (Quy định số 11) và các quy định pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Qua đó, đã tạo chuyển biến sâu sắc về ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trong việc thực hiện. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được người đứng đầu tiếp, đối thoại, lắng nghe để chỉ đạo giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC được nâng cao, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phóng viên Tạp chí Thanh tra đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên về kết quả, quá trình thực hiện cũng như những bài học kinh nghiệm của địa phương đối với công tác quan trọng này.

PV: Xin đồng chí cho biết việc triển khai các văn bản, chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị về công tác TCD, giải quyết KNTC được tỉnh Thái Nguyên thực hiện như thế nào?

Đồng chí Trịnh Việt Hùng: Xác định công tác TCD, giải quyết KNTC là hoạt động rất quan trọng, trong những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp  trong công tác này. Cùng với đó, tỉnh chú trọng tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của các cấp uỷ Đảng đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tăng cường, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác TCD, giải quyết KNTC, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35 và Quy định số 11, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục quán triệt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Cụ thể: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 04/3/2019 và tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Quy định số 11 cho khoảng 100 đồng chí là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; ban hành Quy chế số 08-QC/TU ngày 26/6/2019 về “Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; Quyết định thành lập, bổ sung, kiện toàn Tổ công tác giúp việc Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân; Quyết định số 2853-QĐ/TU ngày 30/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế “Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 11/3/2016 về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên". Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 28/6/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”.

Về phía chính quyền, UBND tỉnh cũng đã ban hành 14 kế hoạch, 09 quyết định và nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành trên 100 văn bản để tổ chức thực hiện công tác TCD, giải quyết KNTC tại cơ quan, đơn vị, địa phương

Trong quá trình thực hiện, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện để ghi nhận những thành tích, kết quả tích cực; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận những mặt, những điểm chưa tốt, chưa hiệu quả, qua đó tập trung rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra những giải pháp, biện pháp để chấn chỉnh, uốn nắn.

Không những vậy, địa phương thường xuyên gắn việc thực hiện với công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót. Việc xử lý những hành vi vi phạm trong công tác TCD, giải quyết KNTC đã được xem xét và thực hiện một cách nghiêm túc. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong tiếp dân, giải quyết KNTC được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời và có hiệu quả hơn.

Ảnh mleftcenterrightdel
Ảnh minh họa, nguồn: internet 

PV: Đồng chí có thể cho biết một vài kết quả nổi bật của tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện các văn bản, chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị và quy định của pháp luật về công tác TCD, giải quyết KNTC giai đoạn vừa qua?

Đồng chí Trịnh Việt Hùng: Giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, tuy số lượt công dân đến các cơ quan hành chính có tăng, nhưng số lượt đoàn đông người giảm và số đơn tiếp nhận giảm so với cùng kỳ, cụ thể: Tổng số lượt TCD của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh là 27.595 lượt người, tăng 53,8% so với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2015; có 360 lượt đoàn đông người, giảm 26,1% so với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2015. Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận 15.902 đơn. Số đơn KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính: 810 đơn, giảm 46,6% so với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2015.

Địa phương thường xuyên quán triệt và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ trong công tác TCD, giải quyết KNTC, đặc biệt là việc việc tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết các vụ việc ngay từ nơi phát sinh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng sở, ngành, và Chủ tịch UBND cấp huyện phải giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, tập trung giải quyết hết nội dung vụ việc thay vì giải quyết hết thẩm quyền. Chúng tôi đã giải quyết 470 vụ việc trong tổng số 481 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt 97,7%. Qua đó, đã trả lại quyền lợi cho công dân 3.382,2 triệu đồng, khôi phục chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến cho 01 người với số tiền trợ cấp 1.799.000 đồng/tháng, kiến nghị trả lại quyền lợi cho công dân 140m2 đất... Đồng thời, đã giải quyết 344 vụ việc trong tổng số 355 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 96,9%. Kết quả giải quyết tố cáo đã thu hồi về ngân sách nhà nước 3.402,7 triệu đồng và 379 m2 đất, trả lại quyền lợi cho công dân 345,1 triệu đồng; kiểm điểm, xử lý nghiêm túc các cá nhân vi phạm.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy rất quan tâm đến việc quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đối với người đứng đầu các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện Quy định 11 về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân. Từ năm 2019, trên cương vị người đứng đầu, đồng chí Bí thư đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Quy định số 11 về tiếp dân, được đảng viên, cử tri và quần chúng nhân dân ghi nhận, qua đó lan tỏa trách nhiệm đến toàn bộ hệ thống chính trị tại địa phương.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức tiếp dân được 22 ngày/43 công dân/22 vụ việc, đảm bảo tối thiểu 01 ngày/tháng. Nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng (19 vụ chiếm 86,4%), chế độ chính sách (03 vụ chiếm 13,6%). Sau buổi tiếp dân, ban hành Thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi TCD để các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả giải quyết với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Đến nay, 15/22 vụ việc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổ chức tiếp dân đã được giải quyết dứt điểm, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Tại cơ sở, các đồng chí Bí thư cấp ủy cấp huyện thực hiện tiếp dân định kỳ ít nhất 01 ngày/tháng; Bí thư cấp ủy cấp xã thực hiện tiếp dân định kỳ ít nhất 02 ngày/tháng. Tuy nhiên có một số tháng, các địa phương không có công dân đến đăng ký gặp đồng chí Bí thư; có một số tháng Bí thư cấp ủy không tổ chức tiếp dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng toàn bộ hệ thống, chúng tôi luôn duy trì điều kiện để tiếp nhận, ghi nhận các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của đảng viên, của người dân được tốt nhất.

Xuyên suốt trong hệ thống chính trị của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm, là chủ thể, mọi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước là để phục vụ người dân, phải đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, xem đây là thước đo cho hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Nhìn chung, trong việc thực hiện Chỉ thị số 35, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc việc phân công trách nhiệm trong tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đối với công tác TCD, giải quyết KNTC. Công tác tiếp dân định kỳ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được chấn chỉnh kịp thời và dần đi vào nền nếp; ban hành nhiều văn bản xử lý, giải quyết KNTC theo quy định của pháp luật, góp phần hạn chế KNTC kéo dài, vượt cấp.

Còn đối với Quy định số 11, chúng tôi nhìn nhận sau 03 năm triển khai thực hiện quy định này, cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực, dần đi vào nề nếp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các văn bản quán triệt, triển khai và hướng dẫn thực hiện Quy định số 11. Ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh được nâng lên rõ rệt. Công tác TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC được tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả, chất lượng giải quyết được nâng cao.

Đáng chú ý, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, nhưng với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của các cấp, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, chúng tôi tâm niệm xem người dân là trung tâm, là chủ thể, “hết lòng phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”, các cấp, các ngành từ tỉnh xuống cơ sở luôn quan tâm đến công tác đặc biệt quan trọng này.

PV: Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 363/KH-TTCP, Kế hoạch 1910/KH-TTCP để rà soát các vụ việc đông người, phức tạp và các kế hoạch phối hợp, vận động công dân trở về địa phương khi có các sự kiện chính trị quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thực hiện các kế hoạch này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Việt Hùng: Thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch, thành lập Tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng, có sự tham gia của lãnh đạo Thanh tra tỉnh và các sở, ban, ngành tại địa phương. Tổ công tác đã lập danh sách các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài tại địa phương, cùng với các vụ việc Thanh tra Chính phủ chuyển về để rà soát theo Văn bản 107/TTCP-BTCDTW. Trong quá trình triển khai địa phương thực hiện nghiêm theo các bước của Kế hoạch 363 như tiến hành kiểm tra, rà soát, đề xuất phương án giải quyết; thống nhất phương án giải quyết vụ việc cấp lãnh đạo tỉnh; tổ chức đối thoại với người KNTC; trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phương án giải quyết và tổ chức thực hiện, công khai kết quả, phương án giải quyết.

Đối với các vụ việc theo Kế hoạch số 1910/KH-TTCP, để rà soát các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên cũng đã khẩn trương, nghiêm túc cử đầu mối phối hợp với Cục địa bàn của Thanh tra Chính phủ để thực hiện rà soát; đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát các vụ việc có nguy cơ để tập trung giải quyết, xử lý, tránh phát sinh thêm các vụ việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài tại Thủ đô Hà Nội.

Chúng tôi thấy rằng, thời gian qua địa phương luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của cơ quan Thanh tra Chính phủ trong công tác TCD, giải quyết KNTC đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp. Trong quá trình giải quyết, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tham vấn, xin ý kiến của Thanh tra Chính phủ như vụ việc của bà Vy Thị Hồng Loan, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên; vụ việc của ông Phạm Văn Tuấn, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên …

Về công tác phối hợp trong việc tiếp, đối thoại, vận động công dân trở về địa phương trước, trong và sau các sự kiện chính trị quan trọng như các kỳ họp của của Trung ương khoá XIV, Quốc hội khoá XV và các ngày lễ, tết của đất nước, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tốt với Trụ sở TCD Trung ương, thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi về các vụ việc, các đoàn công dân có khả năng kéo về Thủ đô Hà Nội để khiếu kiện.

Mới đây, để phục vụ cho Kỳ họp của Trung ương, Quốc hội và Seagame 31, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các văn bản phân công 01 đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách; giao Ban TCD tỉnh làm đầu mối, giữ liên lạc với Trụ sở TCD Trung ương; yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường dự báo tình hình, thực hiện TCD, giải quyết đơn thư đúng quy định. Khi có công dân tỉnh Thái Nguyên khiếu kiện, lưu trú tại Thủ đô Hà Nội, tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác tiếp, đối thoại, vận động công dân trở về địa phương.

PV: Từ thực tiễn công tác TCD, giải quyết KNTC xin đồng chí chia sẻ bài học kinh nghiệm của Thái Nguyên để nâng cao hiệu quả công tác này?

Đồng chí Trịnh Việt Hùng:  Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải xác định công tác TCD, giải quyết KNTC phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị với kết quả việc TCD, giải quyết KNTC. Thực hiện nghiêm túc quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, phản ánh của nhân dân.

Cùng với đó, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình KNTC, để kịp thời đề ra các biện pháp xử lý, giải quyết KNTC, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần ngăn ngừa các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp. Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc KNTC, kiến nghị phản ánh. Thường xuyên kiện toàn tổ chức, đảm bảo đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn phù hợp, có trách nhiệm cao trong công tác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân, đặc biệt là đối với các dự án bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Một mặt tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về TCD, giải quyết KNTC; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Chú trọng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; Uỷ ban Mặt trận tổ quốc các cấp đối với công tác TCD, giải quyết KNTC.

Mặt khác, chỉ đạo các ngành, các cấp thường xuyên kiểm tra, rà soát các vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan, đơn vị. Đối với các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh thành lập tổ công tác nhằm theo dõi, chỉ đạo từng vụ việc; định kỳ nghe báo cáo tiến độ giải quyết, những khó khăn, vướng mắc và hướng khắc phục, tháo gỡ; trường hợp vụ việc đã được tỉnh rà soát, giải quyết nhiều lần nhưng công dân vẫn chưa đồng thuận thì chủ động báo cáo xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để thống nhất giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, giải thích hướng dẫn các quy định pháp luật cho người dân hiểu, tự giác chấp hành.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, xin gửi lời cảm ơn đến Thanh tra Chính phủ, Tạp chí Thanh tra đã quan tâm tuyên truyền về công tác TCD, giải quyết KNTC của địa phương, công việc tuy còn nhiều vất vả và khó khăn nhưng chúng tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác này, chúng tôi xác định TCD là cây cầu nối giữa nhân dân với Đảng, với Nhà nước và sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hy vọng, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục dành cho tỉnh Thái Nguyên nhiều sự quan tâm hơn nữa về công tác quan trọng này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(*) Tiêu đề do Tòa soạn đặt.


Lam Anh (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra