Kiên quyết, mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng là cơ sở chính trị để cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.
|
|
Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Nguồn: https://quangnam.dcs.vn/ |
Thời gian qua, tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong toàn Đảng bộ, tập trung là Nghị quyết số 23-NQ/TU, ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Dưới đây là một số giải pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm tra; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác thanh tra phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam:
Thứ nhất, cấp ủy phân công tổ chức, bộ phận trực thuộc nghiên cứu sâu những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Thanh tra năm 2022; các quy định pháp luật khác liên quan đến hoạt động thanh tra và những chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 23-NQ/TU, ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, rút ra những nội dung trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế, phạm vi, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Trên cơ sở đó, lồng ghép các nội dung liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền pháp luật về thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng. Đồng thời chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến Chi bộ Đảng.
|
|
Quang cảnh Hội nghị công bố quyết định, triển khai kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng tại Đảng bộ huyện Bắc Trà My. Nguồn ảnh: https://quangnam.dcs.vn/ |
Nội dung lồng ghép tuyên truyền:
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp ủy đảng, theo phân cấp, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý thì sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, phân công lãnh đạo cấp ủy, cấp ủy viên theo dõi, đôn đốc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật; tăng cường ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Định kỳ hàng quý, lãnh đạo cấp ủy, cấp ủy viên được phân công theo dõi, đôn đốc làm việc với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra để nghe báo cáo tình hình, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và thực hiện nhiệm vụ trong thời gian đến.
Thứ ba, đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vụ việc tham nhũng, tiêu cực:
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Tập trung thẩm tra, xác minh làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo đơn tố cáo, phản ánh của công dân với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương, làm rõ sai phạm đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng, tiêu cực là ai, kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Những vụ việc chưa đến mức phải chuyển Cơ quan Điều tra để xử lý hình sự thì phải xử lý hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra
Để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực cần phải tăng cưởng lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý sau thanh tra, thực hiện nghiêm kết luận thanh tra, kiểm tra.
Các cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và văn bản chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.
Hình thức, nội dung theo dõi, đôn đốc thực hiện theo quy định tại Điều 52, Điều 53; kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra thực hiện nghiêm theo các quy định tại các Điều 55 đến Điều 59 Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ.
Trong đó, cần chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về xử lý kết quả kểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, cụ thể:
Căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra, người ra quyết định thanh tra xử lý kết quả kiểm tra như sau:
- Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm;
- Áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các sai phạm về kinh tế;
- Áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính;
- Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng khi không áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để buộc đối tượng thực hiện nghiêm chỉnh kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;
- Kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại việc kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; chuyển tin báo tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố vụ án hình sự sang cơ quan điều tra nếu quá trình kiểm tra phát hiện dấu hiệu tội phạm của các cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Trường hợp kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra không có khả năng để thực hiện thì báo cáo xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước xem xét, quyết định.
Như vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng, tiêu cực góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; góp phần từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua đó, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.
Cụ thể: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Kịp thời giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục những hạn chế, sơ hở trong công tác quản lý trên các lĩnh vực. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đưa công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ngày càng đi vào nề nếp, chuyên nghiệp. Đồng thời, hạn chế những tồn tại, hạn chế trong thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao hiệu quả việc thu hồi tiền, tài sản sai phạm phát hiện qua thanh tra.