Tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ sáu, 24/05/2024 12:54
(ThanhtraVietNam) - Trong những năm qua, thông qua những tác phẩm báo chí được xuất bản, phát sóng, báo chí đã giúp độc giả và công chúng hiểu rõ ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực và những hậu quả, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện cả nước có 816 cơ quan báo chí in và điện tử, trong đó có 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 114 báo và 116 tạp chí có cả hai loại hình (báo chí in và báo điện tử); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, trong đó có 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài kỹ thuật số, 64 đài địa phương. Về đội ngũ những người làm báo, cả nước có khoảng 40.000 người hoạt động trong cơ quan báo chí, trong đó có 17.161 người được cấp thẻ Nhà báo(1). Với vị thế là cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn và tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo đã ý thức được trách nhiệm của mình, đóng vai trò tích cực, quan trọng thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền, phản ánh trên tất cả các lĩnh vực tích cực tham gia công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong những năm qua, thông  qua những tác phẩm báo chí được xuất bản, phát sóng, báo chí đã giúp độc giả và công chúng hiểu rõ ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực và những hậu quả, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước; ý thức về tầm quan trọng cũng như sự khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố và tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhất là việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã tạo sức mạnh thật sự của bộ máy trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta cả trong và ngoài nước…

Các cơ quan báo đài lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Nhân dân, Thanh niên, Tiền phong, Vietnamnet... đã chủ động tổ chức xây dựng các chuyên đề, những cuộc tọa đàm, phỏng vấn chuyên sâu, mở các chuyên trang, chuyên mục “thư bạn đọc”, "ý kiến bạn đọc", các đường dây nóng… được công chúng cả nước quan tâm và qua đơn thư phản ánh của các tầng lớp nhân dân, Ban Biên tập các cơ quan báo chí đã cử phóng viên thực hiện điều tra thông qua nghiệp vụ báo chí theo luật định và đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí giúp các cơ quan chức năng điều tra, xử lý  đối với các hành vi vi phạm pháp luật; phơi bày nhiều vấn đề khuất tất, thiếu minh bạch, quan liêu, tham nhũng, ức hiếp quần chúng nhân dân của một số bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo dư luận xã hội để các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, xác minh các thông tin báo chí đã đăng tải.

Do vậy, nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện trong những năm gần đây không phải do tổ chức Đảng, chi bộ đảng hay Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng phát hiện mà do việc điều tra, đưa tin của các cơ quan báo chí đã “chỉ mặt, đặt tên”, tạo dư luận, áp lực xã hội như: Vụ Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai) tham gia quản lý điều hành Công ty Cường Hưng; vụ Lã Thị Kim Oanh; vụ Tân Trường Sanh, vụ Điện kế Điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh; vụ Tổng Công ty Mobifone trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông mua 95% cổ phần của Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG), khi bị phát giác chúng đã dùng quyền lực để ngăn cản sự tác nghiệp của báo chí bằng việc đóng dấu mật vào các hợp đồng kinh tế đã ký kết…

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Các cơ quan báo chí cũng đi đầu trong việc lên tiếng nhiều vụ “bổ nhiệm thần tốc” gây bức xúc dư luận ở một số ngành, địa phương và nhiều “ung nhọt” trong một số cơ quan công quyền, thông qua những phát hiện của báo chí, không ít trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy dự án, chạy bằng cấp… đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời như: Trường hợp Dương Chí Dũng từ một cán bộ quản lý kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn cho doanh nghiệp nhưng vẫn cứ được cất nhắc lên cao, bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Vụ Trịnh Xuân Thanh bị phanh phui từ “mắt xích” đầu tiên là do báo chí phát hiện đối tượng đi xe ô tô cá nhân gắn biển số xanh trái quy định, sau đó đã giúp cho các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh, xử lý nhiều vụ việc, nhiều đối tượng trong đó có ông Đinh La Thăng theo đúng quy định pháp luật. Từ vụ án này đã chứng minh việc tin đồn  lâu nay trong xã hội về hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển là hiện tượng có thật vì Trịnh Xuân Thanh từ  một cán bộ quản lý kinh doanh có nhiều khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng, thậm chí phạm pháp nhưng lại được tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, được khen thưởng những danh hiệu cao quý và đã tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của Nhân dân.

Các cơ quan báo chí đã điều tra, đưa tin nhiều vấn đền liên quan đến “Vũ Nhôm”, “Út Trọc” sau đó được các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố liên quan đến nhiều lãnh đạo cao cấp trong các cơ quan nhà nước “vô lò”. Nếu không được báo chí tích cực vào cuộc, nếu không huy động được “sức nóng” của dư luận xã hội thì những kẻ bất chấp luân thường, đạo lý liệu có bị phơi bày ra ánh sáng không?  Trong những năm gần đây, các cơ quan báo chí đã điều tra, phanh phui nhiều dự án đầu tư cả nghìn tỷ đồng gây lãng phí, thất thoát rất lớn tài sản công như: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Nhà máy đạm Ninh Bình; 3 dự án nhà máy sản xuất ethanol Tam Nông, Bình Phước, Dung Quất; Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng)…

Một số dẫn chứng vụ án cụ thể nêu trên đã minh chứng cho vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và trong Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện phòng, chống tham nhũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới, nhất là phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội và cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; có nhiều tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta(2).

Ý thức được sức mạnh “quyền lực” của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo, nhằm động viên, cổ vũ, tôn vinh các cơ quan báo chí và đội ngũ các nhà báo có thành tích đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, Đảng, Nhà nước đã tổ chức nhiều giải báo chí quốc gia như: Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa liềm vàng), giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức… đã đem lại sự tin tưởng cho độc giả, công chúng trong và ngoài nước về vai trò của các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan báo chí và một số nhà báo gặp phải không ít khó khăn trong quá trình tác nghiệp để được tiếp cận đầy đủ, chính thống với nguồn thông tin đáng tin cậy từ các cơ quan, tổ chức trong quá trình đưa các vụ việc khuất tất, phạm pháp ra ánh sáng. Các nhà báo và cơ quan báo chí thiếu kinh phí hỗ trợ trong quá trình điều tra các vụ việc phức tạp, đòi hỏi công sức, kinh phí không nhỏ mà bản thân nhà báo, cơ quan báo chí không thể “đảm đương” được và khi tác nghiệp bị các đối tượng có hành vi tham nhũng đe dọa, trù dập nhưng chưa có cơ chế bảo vệ một cách kịp thời, chính đáng. Một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà Nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực còn nóng vội, chủ quan, võ đoán; chưa điều tra kỹ lưỡng đã đưa tin làm rối nhiễu dư luận xã hội, gây khó cho công tác xác minh, điều tra của các cơ quan chức năng. Thậm chí một số Ban Biên tập cơ quan báo chí đã thông qua hợp đồng bảo trợ truyền thông nên đã bảo trợ cái xấu đánh đổi bằng sự im lặng, không đưa thông tin để phanh phui sự việc vì bạn đọc, vì công chúng, gây bức xúc cho các phóng viên điều tra. Một số nhà báo chưa đủ kiến thức, trình độ, bản lĩnh nên khi thông tin về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực còn bộc lộ sự non kém, hời hợt, thiếu tính thuyết phục. Số ít nhà báo lợi dụng danh nghĩa, vị trí công tác, vị thế cơ quan báo chí để có động cơ, hành vi vụ lợi trong thông tin, tuyên truyền về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã mắc phải những sai phạm nghề nghiệp, thậm chí gây hậu quả lớn, khiến chính bản thân các nhà báo phải vướng vòng lao lý, cơ quan báo chí bị liên lụy, ảnh hưởng đến uy tín...

Để các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo tích cực đồng hành trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, cần hoàn thiện thể chế để các cơ quan báo chí, các nhà báo chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như:

Thứ nhất, công cuộc phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng của đất nước, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, của Đảng, đến niềm tin của Nhân dân vào các cơ quan công quyền nên cần xây dựng cơ chế để các cơ quan bảo vệ pháp luật cung cấp thông tin cho báo chí trong điều kiện cho phép được tiếp cận nguồn thông tin đầy đủ, chính thống đáng tin cậy.

Các cơ quan có trách nhiệm, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực; các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành cần chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí để trao đổi, đánh giá kết quả báo chí đấu tranh chống tham nhũng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông qua giám sát, phản biện Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt, các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cần thiết lập đường dây để người dân có thể cung cấp thông tin về tham nhũng cho các cơ quan và phóng viên báo chí.

Thứ hai, trên cơ sở phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển của báo chí hiện nay, các cơ quan báo chí cần xây dựng những địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin như các số điện thoại đường dây nóng, tiếp nhận qua thư điện tử và các phương thức giao tiếp trực tuyến thực sự là “tai, mắt” tiếp sức cho các cơ quan báo chí và các nhà báo, nhất là khi hiệu quả đấu tranh của các cơ quan chức năng còn những hạn chế nhất định, thông qua phương thức thuận lợi này, người dân có thể nhanh chóng cung cấp cho báo chí những thông tin liên quan đến các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực của đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật.

Thứ ba, Hội nhà báo và các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo. Đặc biệt chú trọng các kỹ năng về tìm hiểu thông tin, viết bài điều tra vì nếu không có kỹ năng, trình độ, hạn chế về hiểu biết toàn diện các mặt của đời sống xã hội sẽ rất dễ gặp sơ suất trong nghề nghiệp, có thể gặp nguy hiểm. Những thông tin về các vụ việc tham nhũng, lãng phí khi báo chí vào cuộc thường là trước cả các cơ quan điều tra, vậy nên chỉ cần không cẩn trọng, đưa ra những đánh giá, phân tích không chuẩn xác thì không những chỉ gây khó khăn cho công tác điều tra, làm bất an dư luận mà còn có thể gây bất lợi đối với nghề nghiệp, làm mất uy tín nhà báo và cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cần tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời, minh bạch như lời dạy của Lênin: “Tính công khai như thanh bảo kiếm, nó phanh phui cắt bỏ những ung nhọt, đồng thời làm lành vết thương của chúng ta”.

Thứ tư, Hội nhà báo, các Chi hội nhà báo và các Ban Biên tập của các cơ quan báo chí  cần xây dựng đội ngũ người làm báo chân chính, đủ đức, đủ tài với tinh thần “bút sắc, lòng trong” giữ được mình, không đánh mất mình thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, Hội nhà báo, các Chi hội nhà báo và các Ban Biên tập của các cơ quan báo chí cần     phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật có các biện pháp bảo vệ các nhà báo chân chính khi thực hiện điều tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị các đối tượng cực đoan thực hiện các hành động vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến sức khỏe và bị đe dọa tính mạng./.

Chú thích:

(1) Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021;

(2) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện phòng, chống tham nhũng.

Nguyễn Mạnh Quang
Phó Trưởng ban, Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra