Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng. Nghị định này thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở và Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (sau đây viết tắt là Nghị định 16, Nghị định 139 và Nghị định 121)
|
|
Tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng của Chủ tịch UBND cấp huyện |
Nghị định 16 có rất nhiều điểm mới, chi tiết hơn so với Nghị định 139 và khắc phục được những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật khi xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng. Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 như lược bỏ quy định về tái phạm tại điểm b, khoản 2, về thời hiệu xử phạt đối với tổ chức, cá nhân do cơ quan có thẩm quyền chuyển đến và thời điểm tính thời hiệu đối với hành vi vi phạm cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt của cơ quan có thẩm quyền tại điểm c, khoản 3, khoản 4 Điều 5, về thẩm quyền xử phạt hành chính quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 70; thay thế cụm từ “tháo dỡ” bằng cụm từ “phá dỡ” đảm bảo phù hợp Khoản 73 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Quy định rõ hơn, cụ thể về đối tượng xử phạt là tổ chức, cá nhân theo Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Cùng với đó là tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản lên 1 tỷ đồng (áp dụng đối với tổ chức) đảm bảo phù hợp với khoản 10 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020. Do đó, mức phạt tiền của từng chức danh trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại chương thẩm quyền được điều chỉnh cho phù hợp với mức phạt này; bổ sung hình phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào phần quy định chung và chương thẩm quyền. Tăng thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện lên đến 200.000.000 đồng (áp dụng đối với tổ chức) để phù hợp với Điểm b khoản 73 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020.
Cụ thể, tại Điều 79 Nghị định 16 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện
1. Cảnh cáo.
2. Phạt tiền đến 200.000.000 đồng.
3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
Như vậy, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng của Chủ tịch UBND cấp huyện lên gấp hai lần so với Nghị định 139.
Đỗ Đức Hậu - TT Bộ Xây Dựng