Thanh tra, kiểm tra trong hoạt động thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ tư, 22/02/2023 16:58
(ThanhtraVietNam) - Thoái vốn nhà nước là hình thức Nhà nước rút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn nhà nước thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chuyển nhượng vốn nhà nước đang nắm giữ tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn cho chủ thể khác. Nguồn vốn thu được sau thoái vốn nhà nước sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn thu cho ngân sách.

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thoái vốn là hoạt động nhằm giảm bớt vốn đầu tư tại một doanh nghiệp hoặc giảm bớt vốn đầu tư vào một mục đích nhất định. Trong đầu tư, thoái vốn là một hình thức rất phổ biến biểu hiện là các nhà đầu tư rút vốn đầu tư của mình tại một doanh nghiệp. Tương tự như thoái vốn nói chung, thoái vốn nhà nước là hình thức Nhà nước rút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn nhà nước thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chuyển nhượng vốn nhà nước đang nắm giữ tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn cho chủ thể khác. Nguồn vốn thu được sau thoái vốn nhà nước sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn thu cho ngân sách.

Việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nhiều mục tiêu: Thứ nhất, thoái vốn nhà nước là một cách thức để Nhà nước rút vốn đầu tư tại các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn để tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp, lĩnh vực then chốt cần có sự đầu tư của Nhà nước. Thứ hai, nguồn vốn thu được thông qua thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp cũng giúp Chính phủ có thêm vốn để đầu tư công, từ đó thúc đầy nền kinh tế phát triển và tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Thứ ba, đối với doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn sẽ đa dạng hóa cổ đông, thu hút cổ đông chiến lược có năng lực, giúp doanh nghiệp có thêm các lợi ích về vốn, kỹ thuật, công khai, minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.

Việc thoái vốn nhà nước được thực hiện theo các hình thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp như: Chuyển nhượng cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán đối với công ty niêm yết; đấu giá công khai đối với vốn tại công ty cổ phần chưa niêm yết; nếu không đấu giá công khai được thì thực hiện chào hàng cạnh tranh; nếu chào hàng cạnh tranh không được thì thực hiện chuyển nhượng vốn qua thỏa thuận. Việc thoái vốn nhà nước phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại khoản 15, Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Hiện nay, nguồn vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có giá trị rất lớn. Theo báo cáo số 399/BC-CP ngày 12/10/2021 của Chính phủ về hoạt động đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc thì tổng tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là 3.674.627 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.717.379 tỷ đồng. Với nguồn vốn, tài sản lớn như vậy thì việc thoái vốn nhà nước cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc thoái vốn nhà nước phải đảm bảo các yêu cầu: (1) Đảm bảo lợi ích của Nhà nước khi thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Tiền thu được từ việc thoái vốn phải thu nộp ngân sách theo đúng giá trị; (2) Đảm bảo sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; (3) Đảm bảo đúng định hướng đầu tư của Nhà nước gắn với phát triển kinh tế, xã hội.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thanh tra, kiểm tra là chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, là công cụ của người lãnh đạo, người quản lý. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong đó có quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thoái vốn tại các doanh nghiệp qua đó giúp phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Thứ nhất, thanh tra, kiểm tra kịp thời các trường hợp thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền.

Trong công tác quản lý nhà nước nói chung hay quản lý vốn nhà nước nói riêng thì không thể thiếu hoạt động thanh tra, kiểm tra, nó là một khâu quan trọng để đánh giá, kiểm chứng hiệu lực của công tác quản lý. Nếu không thanh tra, kiểm tra thì Nhà nước không nắm được tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của cơ quan, doanh nghiệp trong công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như hoạt động thoái vốn có được thực hiện đúng, có hiệu quả hay không. Đặc biệt đối với thanh tra, kiểm tra hoạt động thoái vốn nhà nước hết sức phức tạp. Nếu các chủ thể không thực hiện đúng có thể gây hậu quả tới vốn nhà nước, doanh nghiệp. Việc thanh tra, kiểm tra nhằm trả lời câu hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác thoái vốn nhà nước đã tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh chưa? Còn có những tồn tại, thiếu sót gì? Nguyên nhân tại đâu? Trách nhiệm thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân nào? Nguyên nhân do khách quan hay chủ quan đưa lại, do cơ chế, chính sách, pháp luật hay do chỉ đạo điều hành? Từ đó đề xuất những biện pháp xử lý các sai phạm, khắc phục những tồn tại, yếu kém; kiến nghị sửa đổi, bổ sung những văn bản, các quy định không còn phù hợp với thực tế...

Thứ hai, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan phải kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong thoái vốn nhà nước, giúp đảm bảo lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

Với giá trị nguồn vốn đặc biệt lớn của Nhà nước tại các doanh nghiệp, hoạt động thoái vốn nhà nước có tác động không chỉ tới nguồn thu của ngân sách nhà nước mà còn tác động tới doanh nghiệp. Hành vi vi phạm trong thoái vốn nhà nước vừa gây hậu quả thất thoát vốn nhà nước, ảnh hưởng tới mục tiêu kinh tế - xã hội trong thoái vốn nhà nước, đồng thời gây cho doanh nghiệp những khó khăn, tổn thất. Do vậy, trong công tác thanh tra cần phát hiện kịp thời các vấn đề của doanh nghiệp trong việc thực hiện thoái vốn nhà nước. Những hành vi vi phạm cần được phát hiện và ngăn chặn kịp thời để những hậu quả nghiêm trọng không xảy ra.

Thứ ba, công tác thanh tra cần đánh giá và phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách khi thực hiện thoái vốn nhà nước để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi kịp thời.

Các cơ quan thanh tra, qua quá trình thanh tra phát hiện những sơ hở trong quy định của pháp luật và kịp thời kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện sẽ giúp cho việc quản lý vốn nhà nước, thực hiện thoái vốn nhà nước được thực hiện có hiệu quả, hạn chế được những hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Việc thoái vốn với các công ty có vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chỉ tuân theo Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty có thể bị lợi dụng, dẫn đến thất thoát trong quá trình thoái vốn. Đặc biệt trường hợp công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước chuyển giao cho công ty con quyền sử dụng đất ở vị trí đắc địa, sau đó quyền sử dụng đất được mang đi góp vốn, rồi lợi dụng việc thoái vốn để chuyển quyền sử dụng đất vào tay tư nhân. Một số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn không thực hiện qua sở giao dịch chứng khoán, mà lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp. Vì nếu đấu giá thông qua tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp thành phần tham gia cũng như địa điểm đấu giá thường bị hạn chế sẽ dễ chi phối. Việc pháp luật trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn mà thiếu sự kiểm tra, giám sát đã dẫn đến những lỗ hổng trong thẩm định giá khi thoái vốn. Đây là lỗ hổng thể hiện rõ trong vụ án xảy ra tại Sabeco. Trên cơ sở thẩm định giá, Bộ Công Thương phê duyệt giá khởi điểm khi thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, khu đất 6.080 m2 tại địa chỉ 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, TP.HCM do Sabeco mang đi liên doanh góp vốn có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh, Đông Du.

Những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách về thoái vốn nhà nước nếu được phát hiện và kiến nghị hoàn thiện kịp thời qua công tác thanh tra, kiểm tra thì sẽ giúp cho công tác thoái vốn được thực hiện có hiệu quả, ngăn chặn những hành vi trục lợi nảy nở.

Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thanh tra, kiểm tra thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được hiểu là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ hoặc đột xuất nhằm xem xét, đánh giá, kết luận và xử lý đối với việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu vốn nhà nước trong việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thanh tra, kiểm tra việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một phần nội dung quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động sau đây:

- Việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

- Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu;

- Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Nghị định số 49/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu (Nghị định số 49) thì thẩm quyền thanh tra doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:

- Thanh tra Chính phủ thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp cấp 1 do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các doanh nghiệp cấp 2.

- Thanh tra bộ quản lý ngành có thẩm quyền: Thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp cấp 1 do bộ trưởng quyết định thành lập hoặc được chuyển đổi từ các doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ hoặc được giao cho bộ quản lý và các doanh nghiệp cấp 2. Đối với các doanh nghiệp cấp 1 do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mà bộ quản lý ngành được giao là cấp trên trực tiếp của hội đồng thành viên, thì thanh tra bộ tiến hành thanh tra sau khi đã báo cáo và thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ; thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ đối với các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thanh tra.

- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp cấp 1 do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được chuyển đổi từ các doanh nghiệp nhà nước thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp cấp 2; thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 49 khi được chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao. Trường hợp thanh tra tỉnh không đáp ứng các yêu cầu cần thiết để tiến hành thanh tra thì có trách nhiệm báo cáo Thanh tra Chính phủ để xem xét, xử lý.

- Thanh tra sở thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của sở đối với doanh nghiệp cấp 1 do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được chuyển đổi từ các doanh nghiệp nhà nước thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc chấp hành pháp luật chuyên ngành của các doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 49 khi được chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

Ngoài quy định trên, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, ngoài công tác kiểm tra, thanh tra của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương còn có hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Phải thực hiện theo đúng quy định, báo cáo, kiến nghị với các cơ quan quản lý kịp thời.

Như vậy, trên nguyên tắc hiện nay có nhiều cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nội dung thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước, tránh tình trạng nhiều cơ quan có thẩm quyền nhưng chồng chéo, hiệu quả thấp, không xác định rõ được trách nhiệm, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, pháp luật cần có quy định phân định rõ thẩm quyền gắn với trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Điều này sẽ hạn chế sự trùng lắp về nội dung, đối tượng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, khi xảy ra vấn đề bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật sẽ có cơ sở để xác định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra.

Thứ hai, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra để đạt hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước. Bởi đây là cơ quan được giao chức năng chính trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ ba, qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm nhưng phải có cơ chế xử lý nghiêm minh, nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt ngoài xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hay xử lý hình sự đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì cần có cơ chế hữu hiệu trong xử lý trách nhiệm bồi thường, hoàn trả.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước vi phạm gây thiệt hại cho Nhà nước. Vậy cơ chế nào để buộc người đại diện bồi thường kịp thời thiệt hại cho Nhà nước, cho doanh nghiệp. Đương nhiên, Nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước có thể thực hiện cơ chế khởi kiện tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu thực hiện cơ chế đó sẽ mất rất nhiều thời gian mà người vi phạm có thể đã kịp thời tẩu tán tài sản. Như một số các vụ đại án vừa qua, mặc dù người nắm giữ các chức vụ quản lý trong doanh nghiệp nhà nước bị tòa án tuyên phạm tội và phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước nhưng số tiền cưỡng chế thu hồi được đạt tỷ lệ khiêm tốn so với số thiệt hại được xác định.

Hiện nay, ngoài những vụ việc bị xử lý hình sự và tòa áp dụng trách nhiệm bồi thường cùng bản án hình sự đối với người phạm tội thì đối với những trường hợp hành vi vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, chưa có cơ chế để áp dụng trách nhiệm bồi thường, hoàn trả đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do vậy, cần thiết phải đưa vào quy định của pháp luật cơ chế áp dụng trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước trong đó có nội dung về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động quản lý vốn nhà nước. Nếu hoạt động thanh tra, kiểm tra có hiệu quả sẽ giúp cho việc ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, cần xây dựng cơ chế đồng bộ trong thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra, xử lý hành vi vi phạm, đặc biệt là cơ chế thu hồi tiền, tài sản nhà nước thất thoát, xử lý kịp thời trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của người có hành vi vi phạm giúp cho thiệt hại của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước được kịp thời khắc phục, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp./.

TS. Phạm Tuấn Anh
Trường Cán bộ Thanh tra - Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra