Bên cạnh những kết quả tích cực đó, vi phạm pháp luật về lao động ở nước ta vẫn còn nhiều. Chính vì vậy, hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động là vấn đề đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp…
Nội dung thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động ở Việt Nam tập trung vào: (1) Việc chấp hành pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); (2) Việc chấp hành pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (3) Việc chấp hành pháp luật về dạy nghề; (4) Việc chấp hành pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng; (5) Việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)); (6) Việc chấp hành pháp luật về giảm nghèo và trợ giúp xã hội…
Thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động hiện nay là nhiệm vụ chuyên trách của các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), trọng tâm là Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH; Thanh tra Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian qua, công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng.
Nhiều năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, cả nước mới có khoảng 6% số doanh nghiệp báo cáo về công tác bảo đảm ATVSLĐ. Riêng năm 2017, cả nước xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm 9.173 người bị nạn, trong đó có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. Tai nạn lao động xảy ra nhiều ở những địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, hầm mỏ như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai. Trên thực tế, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp có thể lớn hơn nhiều con số được công bố vì nhiều doanh nghiệp, địa phương chưa chủ động báo cáo hoặc cố tình che giấu thông tin về tai nạn lao động.
Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động thực hiện “Chiến dịch thanh tra lao động”. Chiến dịch này đã được thực hiện thành công trong lĩnh vực may mặc, xây dựng và điện tử. Thông qua kết quả thanh tra năm 2016 cho thấy số vụ tai nạn lao động lĩnh vực xây dựng giảm 30% so với năm 2015 và giảm 30% số người chết.
Ngành điện tử là một trong những ngành tạo việc làm lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2014, toàn ngành có 441.000 lao động, tăng gấp 7 lần so với năm 2005. Đây cũng là ngành xuất khẩu lớn nhất của đất nước, vượt qua cả ngành may mặc. Khoảng 80% người lao động ở phân khúc dưới của ngành công nghiệp này là lao động nữ làm việc trong các dây chuyền lắp ráp vốn không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm. Phụ nữ cũng hầu như không giữ các vị trí kỹ thuật hay quản lý. Các vị trí quản lý cấp cao trong ngành đều do người nước ngoài nắm giữ. Nhận thức rõ vấn đề này trong bối cảnh xu thế hiện nay, cơ quan chức năng đã chủ động định hướng tập trung thanh tra lao động ngành sản xuất điện tử.
Theo khảo sát được thực hiện trong năm 2016, làm thêm giờ quá nhiều là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động tại các doanh nghiệp điện tử. Các nguyên nhân khác bao gồm: Thiếu đào tạo về an toàn và sức khỏe lao động, không đủ trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân và người sử dụng lao động không áp dụng các giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc. Ngoài ra, còn có những vi phạm pháp luật lao động về tiền lương, tiền làm thêm giờ, đóng góp BH và phụ cấp làm việc trong ngày nghỉ lễ. Chiến dịch thanh tra lao động diễn ra từ tháng 4 đến tháng 12/2017 đã tập trung vào các vấn đề liên quan tới hợp đồng lao động, đối thoại và thương lượng tập thể, làm thêm giờ, tiền lương, BHXH và an toàn vệ sinh lao động. Qua đó góp phần đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng đặt ra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Là một trong số những thị trường ngành dệt may lớn trong khu vực cũng như trên thế giới, để bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các công ty sản xuất dệt may. Những năm vừa qua, cơ quan chức năng đã chủ động thanh tra ngành dệt may. Từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 9/2015, chiến dịch do Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Tổng cộng 150 nhà máy dệt may tại 12 tỉnh, thành trên cả nước được thanh tra ở các nội dung trọng tâm bao gồm thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, phương tiện bảo hộ cá nhân, phòng chống cháy nổ, môi trường lao động, lập kế hoạch và huấn luyện về vệ sinh an toàn lao động. Chiến dịch cũng tập trung nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động, công đoàn và người lao động và trang bị cho họ những kiến thức cần thiết để tuân thủ chính sách, pháp luật lao động.
Về xử lý vi phạm ATVSLĐ, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan quản lý mới nhận được 202 biên bản điều tra trên tổng số gần 8.000 vụ tai nạn lao động xảy ra từ đầu năm 2016 đến nay, trong đó hơn 40% vụ có trách nhiệm của người sử dụng lao động. Cũng theo thống kê này, có hơn 90% doanh nghiệp không thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động. Vi phạm ATVSLĐ diễn ra phổ biến nhưng mới chỉ có hơn 1.300 quyết định xử phạt trong lĩnh vực này được ban hành (từ năm 2013 đến 5/2017); trung bình mỗi năm chỉ có 0,22% doanh nghiệp trên cả nước được thanh tra pháp luật về ATVSLĐ… Những con số này cho thấy công tác bảo đảm ATVSLĐ đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Về xử phạt vi phạm hành chính trong đóng BHXH, BHTN của doanh nghiệp, qua thanh tra nhận định đa phần các doanh nghiệp đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật BH, bảo vệ quyền được đóng BH của người lao động. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp đóng chậm hoặc không đóng BH cho người lao động.
Đơn cử đầu năm 2018, BHXH tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT) đối với Xí nghiệp Gạch Tuynel Đô Lương. Theo đó, xí nghiệp này không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 10 người lao động thuộc diện bắt buộc, vi phạm vào Điểm c, Khoản 2, Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH (gọi tắt là Nghị định số 95/2013/NĐ-CP); vi phạm Khoản 2, Điều 57, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (gọi tắt là Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
Đặc biệt, đơn vị này còn chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động với số tiền nợ lên tới 464.997.884 đồng, chưa bao gồm tiền lãi phát sinh. Hành vi này vi phạm vào Điểm a, Khoản 2, Điều 26, Nghị định số số 95/2013/NĐ-CP; Khoản 4, Điều 57 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
Đơn vị này đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động không đúng mức quy định. Hành vi trên đã vi phạm vào Điểm b, Khoản 2, Điều 26, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP; vi phạm Khoản 4, Điều 57 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
Với những hành vi vi phạm trên, đơn vị này bị xử phạt với hình thức phạt chính là phạt tiền với mức 75.000.000 đồng. Ngoài ra, phải truy nộp số tiền 464.997.884 đồng do chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; phải đóng số tiền lãi 271.827.354 đồng và phải truy nộp số tiền truy thu đóng BHXH, BHYT, BHTN không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia với số tiền 129.406.100 đồng.
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cơ quan thanh tra đã kịp thời phát hiện và xử phạt một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
Vào năm 2017, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tiến hành 44 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, trực tiếp thanh tra định kỳ tại 27 doanh nghiệp và kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 16 doanh nghiệp với số tiền 2,6 tỷ đồng, thu hồi giấy phép 5 doanh nghiệp, đình chỉ từ 6 - 9 tháng đối với 3 doanh nghiệp.
Tháng 3/2018, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật và xuất nhập khẩu. Công ty này bị xử phạt vi phạm hành chính do thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo quy định, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hình thức xử phạt bằng tiền với mức 65 triệu đồng. Ngoài ra, công ty này đã thực hiện thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 33 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, hình thức xử phạt bằng tiền với mức 90 triệu đồng.
Như vậy, về cơ bản những năm qua hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số hạn chế như: (1) Tuyên truyền, phổ biến các quy định định về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, nơi người lao động làm việc còn mang tính hình thức, chưa kịp thời, phù hợp đối với người lao động; (2) Chưa thực sự thay đổi tư duy, nhận thức của người sử dụng lao động, để họ có ý thức, trách nhiệm, tự giác tuân thủ đúng pháp luật về lao động; (3) Công tác tự kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định ATVSLĐ của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực còn thiếu và yếu; (4) Một số quy định về chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lao động chưa mang tính răn đe đối với người sử dụng lao động…
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, tác giả đề xuất một số biện pháp tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động như sau:
1. Phân bổ hợp lý hơn nữa nguồn kinh phí dành cho việc quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp của các địa phương.
2. Nâng cao nhận thức của người lao động về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp; chủ động làm việc với người sử dụng lao động để nhắc nhở họ nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động; không khai báo khi xảy ra tai nạn lao động…
3. Thiết lập quy định xử phạt mang tính răn đe nhiều hơn nữa đối với vi phạm trong lĩnh vực lao động. Kịp thời khắc phục về: mức xử phạt thấp, không tương xứng với mức độ vi phạm cũng như không đủ sức răn đe; thời hạn ngắn, gây khó khăn cho đối tượng vi phạm khắc phục và thực hiện giải trình; trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu, chưa đủ tính thuyết phục trong việc chỉ ra lỗi cho doanh nghiệp; khó vận động người làm chứng khi đối tượng vi phạm không chịu ký biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt của thanh tra sở quá thấp (dưới 37,5 triệu đồng)…
4. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn chính sách; đồng thời xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về ATVSLĐ một cách kịp thời, đầy đủ; bổ sung các chế tài với hành vi vi phạm mới nhằm bảo đảm tính tuân thủ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường biên chế cho hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm ATVSLĐ; tăng thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền so với quy định hiện hành...
5. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu có những hình thức khuyến khích các doanh nghiệp chủ động bảo đảm ATVSLĐ; xây dựng chiến lược phòng ngừa hiệu quả tai nạn lao động, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động./.
TS. Phạm Văn Phong
Ths. Hà Thị Việt Thúy
Tài liệu tham khảo:
1. Phát động chiến dịch thanh tra lao động năm 2018, http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=27743
2. Thanh tra lao động tập trung vào ngành điện tử trong năm 2017, http://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_550912/lang--vi/index.htm
3. Xử lý vi phạm ATVSLĐ: Chế tài phải đủ mạnh, https://baomoi.com/xu-ly-vi-pham-an-toan-ve-sinh-lao-dong-che-tai-phai-du-manh/c/22332466.epi
4. Bị xử phạt 75 triệu đồng vì vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, http://laodongnghean.vn/doi-song-lao-dong/bi-xu-phat-75-trieu-dong-vi-vi-pham-hanh-chinh-ve-dong-bhxh-bhyt-23749.html
5. Xử phạt một doanh nghiệp xuất khẩu lao động 155 triệu đồng, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-03-01/xu-phat-mot-doanh-nghiep-xuat-khau-lao-dong-155-trieu-dong-54327.aspx