Thực hiện thẩm quyền trong hoạt động của các cơ quan Thanh tra nhà nước​

Thứ hai, 17/06/2024 14:52
(ThanhtraVietNam) - Trên cơ sở vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Thanh tra, các văn bản quy phạm pháp luật, các hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước đã thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiến hành các cuộc thanh tra theo thẩm quyền.

Từ năm 2013-2022, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành 71.934 cuộc thanh tra hành chính và 2.251.030 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 894.562 tỷ đồng, 126.084 ha đất; trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 377.863 tỷ đồng và 22.377 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 516.699 tỷ đồng, 103.707 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với nhiều tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 1.573 vụ, 1.404 đối tượng.

Trong công tác thanh tra, toàn Ngành triển khai thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực, hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19; hoàn thành những cuộc thanh tra phức tạp, có vi phạm nghiêm trọng như: Thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nghìn Toàn Cầu, công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; thanh tra toàn diện Dự án mở rộng và cải tạo sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy và số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng cho tập đoàn Công nghiệp tàu thủy thực hiện tái cơ cấu; thanh tra về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh...; chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất. Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật, trong đó, việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực, trong đó, đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn (người đứng) phát biểu tại buổi công bố Kết luận Thanh tra số 896/KL-TTCP tại Ủy ban Dân tộc, sáng ngày 09/11/2/23. Ảnh: K.Dung   

Qua thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật. Việc thu hồi tài sản vi phạm phát hiện qua các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành trong thời gian vừa qua đã có những tiến bộ, vượt mục tiêu đề ra (85%). Ngành cũng đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan có liên quan khắc phục và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, nhất là tại doanh nghiệp. Ngành Thanh tra thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại doanh nghiệp; một số địa phương, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý có hiệu quả chồng chéo trong xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra như Thanh tra tỉnh Đồng Tháp, Thanh tra thành phố Hải Phòng, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh.

Kết quả xử lý chồng chéo trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra từ năm 2016-2021 cho thấy: Thanh tra Chính phủ đã chủ động, sớm xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra. Hằng năm, căn cứ vào quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ có công văn gửi thanh tra các bộ, ngành, địa phương đề xuất định hướng chương trình thanh tra năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, cùng với việc nắm tình hình của Thanh tra Chính phủ, kết quả làm việc, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tiến hành xây dựng Dự thảo Định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. (i) Xử lý chồng chéo trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ với thanh tra một số bộ, ngành, địa phương. (ii) Xử lý chồng chéo trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thanh tra một số bộ, ngành, địa phương. Đồng thời hướng dẫn, trả lời về xử lý chồng chéo của một số cơ quan, tổ chức như: UBND tỉnh Đồng Nai; Hiệp hội chế biến xuất khẩu Thủy sản (VASEP); Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam... (iii) Ngoài ra, việc xử lý chồng chéo trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kế hoạch kiểm toán cũng là vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thanh tra của toàn Ngành, do vậy ngay từ khi xây dựng dự thảo định hướng và kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Kiểm toán Nhà nước xử lý chồng chéo trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; sau khi phối hợp ở cấp độ các đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch, lãnh đạo hai cơ quan họp thống nhất và có văn bản xin ý kiến vào dự thảo kế hoạch của hai cơ quan. Về cơ bản những năm gần đây đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa Thanh tra Chính phủ với Kiểm toán Nhà nước trong khâu xây dựng, ban hành kế hoạch của hai cơ quan.

Mặt khác, để chuẩn bị cho công tác thanh tra hằng năm, trên cơ sở chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tiễn, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã phối hợp xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm, trình cấp có thẩm quyền ban hành để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch theo dõi, nắm bắt tình hình các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 07/3/2022 của Chính phủ và theo chỉ đạo của Chính phủ. Chỉ đạo tiếp tục thực hiện và sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; làm việc với Kiểm toán Nhà nước để xử lý chồng chéo trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán năm 2019 và đánh giá, tổng kết và sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa 02 ngành; rà soát chồng chéo trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ với thanh tra các bộ, ngành, địa phương và điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2019 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đánh giá kết quả đạt được cho thấy, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã bám sát định hướng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời căn cứ tình hình thực tế và khả năng thực hiện nhiệm vụ để xây dựng và triển khai các đoàn thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất. Định hướng nội dung thanh tra bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình; bám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành, đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương. Chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Công tác thanh tra đã có nhiều tiến bộ, hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra nhà nước được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực; tập trung hoàn thiện, ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc nhưng chậm ban hành kết luận; việc công khai kết luận thanh tra được thực hiện đầy đủ, đúng quy định; chất lượng các kết luận thanh tra ngày càng được nâng lên. Qua thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm pháp luật; chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật. Việc thu hồi tài sản vi phạm phát hiện qua các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành trong thời gian vừa qua đã có những tiến bộ đáng kể. Các cấp, các ngành đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan có liên quan khắc phục và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, nhất là tại doanh nghiệp. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Thanh tra được quan tâm hơn. Kết quả công tác thanh tra tiếp tục góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng.

Trong những năm gần đây (từ năm 2017-2022), việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, đã được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao theo các quy định hiện hành, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và thủ trưởng các bộ, ban, ngành và địa phương nhìn chung các cơ quan thanh tra đã chủ động rà soát, phối hợp kịp thời phân định thẩm quyền, xử lý chồng chéo được phát hiện qua xây dựng kế hoạch thanh tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm; do vậy đã hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu phiền hà cho đối tượng thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thanh tra hoạt động bình thường, tập trung sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số hạn chế, vướng mắc như: Tổ chức thanh tra chưa phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng bộ, ngành, địa phương, chưa thể hiện thanh tra là công cụ đắc lực của cơ quan quản lý và tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và sự tự chủ của các cơ quan quản lý trong việc tổ chức cơ quan thanh tra. Các bộ đa ngành, đa lĩnh vực có phạm vi quản lý và nhu cầu thanh tra rất lớn nhưng quy định hiện hành mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra, các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Trên thực tế tại nhiều tổng cục, cục vẫn có tổ chức làm công tác thanh tra chuyên trách nhưng phải ghép với đơn vị khác và chỉ có chức năng tham mưu. Việc thực hiện chức năng nhiệm vụ thanh tra gặp nhiều khó khăn. Thanh tra sở được tổ chức giống nhau ở tất cả các tỉnh mà không căn cứ vào nhu cầu quản lý cũng như khả năng bố trí biên chế của từng địa phương; không ít thanh tra sở chỉ có 1-2 biên chế, theo quy định hiện hành thì không thể tổ chức thành một đơn vị riêng,... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước.

Công tác xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, mặc dù đã đem lại hiệu quả bước đầu nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán và hiệu quả trong toàn ngành Thanh tra; giữa cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm toán do đó dẫn đến vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các ngành, cơ quan. Trong ngành Thanh tra, việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của một số đơn vị chưa có sự liên thông với nhau; trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, còn tình trạng cơ quan thanh tra không gửi hoặc chậm gửi kế hoạch thanh tra cho đơn vị đầu mối được giao rà soát, hướng dẫn, xử lý dẫn tới tình trạng còn chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Một số bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra còn bị động, xác định nội dung, đối tượng thanh tra, đề xuất kế hoạch thanh tra còn hiện tượng chồng chéo; nhất là trùng lặp, chồng chéo trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra với kế hoạch kiểm toán, việc triển khai hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán.

Sự phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, chưa phân biệt rõ giữa thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý; giữa Thanh tra Chính phủ với Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh; giữa Thanh tra bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở; giữa Thanh tra tỉnh với Thanh tra huyện và Thanh tra sở; giữa Thanh tra bộ, ngành với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành... Điều này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra hoặc tình trạng né tránh, bỏ trống, buông lỏng; việc phân công, giao nhiệm vụ còn một số cuộc thanh tra chưa thực hiện đúng phân cấp, phân quyền, chưa đúng chức năng, nhiệm vụ, làm giảm trách nhiệm của các ngành trong chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, là sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước hiện nay khá phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thanh tra trong toàn Ngành. Các cố gắng phối hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch cũng như thực tiễn hoạt động chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp tạm thời cho vấn đề này. Do vậy, cần phân định rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan thanh tra nhà nước và của ngành Thanh tra với Kiểm toán Nhà nước, tạo cơ chế xử lý chồng chéo triệt để hơn nữa giữa hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước và của các cơ quan thanh tra nhà nước với Kiểm toán Nhà nước.

Cũng từ thực trạng thực hiện thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra cho thấy, những hạn chế, vướng mắc nêu trên xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Một là, việc xây dựng định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp, các ngành được quy định rất chặt chẽ về quy trình và thời gian. Tuy nhiên trên thực tế, thời điểm quyết định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thường chậm nên ảnh hưởng đến kế hoạch chung và kế hoạch cụ thể của từng cơ quan thanh tra. Có sự chồng chéo trong kế hoạch thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, do sự chồng chéo trong phạm vi quản lý giữa các cơ quản quản lý nhà nước theo cấp và theo ngành, lĩnh vực. Việc quy định xử lý chồng chéo trong kế hoạch, hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra chưa mang tính khoa học, chưa xuất phát từ việc phân định phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.

Hai là, quy định pháp luật về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra vẫn còn bất cập, chưa phân định một cách rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền thanh tra trong một số trường hợp; sự phân công giữa các bộ, ngành ở Trung ương và sự phân cấp, ủy quyền giữa các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương chưa rõ ràng; sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Một số cuộc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra chủ yếu chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra dẫn đến những cuộc thanh tra khó đi vào thực chất, gây lãng phí nguồn nhân lực, gây phiền hà đối với cơ quan, đơn vị được thanh tra, nguyên nhân là do kế hoạch thanh tra không xác định được cụ thể các đơn vị sẽ được thanh tra cũng như thời gian thanh tra. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, điều kiện hỗ trợ cho các cơ quan thanh tra còn thiếu; các cơ quan thanh tra cũng chưa có một kênh thông tin thống nhất để tiếp cận về hệ thống quản lý kế hoạch thanh tra; cơ sở dữ liệu thông tin về doanh nghiệp còn chưa được cập nhật thường xuyên dẫn đến công tác phối hợp thanh tra cũng gặp khó khăn.

Ba là, ngoài việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, thực tế doanh nghiệp nhà nước còn là đối tượng phải tiếp nhận các cuộc kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, cần thanh tra, kiểm tra bất ngờ để xử lý các vi phạm (kinh doanh nhà hàng, vũ trường, an toàn thực phẩm, xả thải môi trường...) nên càng làm cho tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra khó kiểm soát, khó xử lý; một trong những nguyên nhân là hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc kiểm tra của cơ quan nhà nước (quy trình kiểm tra, thủ tục kiểm tra, đối tượng kiểm tra…), dẫn đến tình trạng một doanh nghiệp là đối tượng của nhiều cơ quan khác nhau mà chưa có giải pháp nào xử lý hữu hiệu và triệt để.

 Một số văn bản quy phạm pháp luật có sự mâu thuẫn, quy định thiếu hoặc quy định chưa đầy đủ cũng dẫn đến việc thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Việc hiểu đúng thế nào là chồng chéo, trùng lặp còn hạn chế dẫn đến việc áp dụng và các quy định còn máy móc, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg“khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp” dẫn đến nhiều vi phạm của các doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 01 lần trong năm không được kịp thời xử lý do e ngại chồng chéo, trùng lặp, làm phát sinh tình trạng buông lỏng quản lý, tạo khoảng trống để doanh nghiệp vi phạm. Ngoài ra, trong hệ thống các cơ quan thanh tra có việc đùn đẩy, né tránh các vụ việc khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành khi các văn bản quy phạm pháp luật có sự mâu thuẫn, chưa phân định rõ ràng về thẩm quyền cũng tạo ra những khoảng trống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm nhưng không bị xử lý./.

Ths. Nguyễn Thị Hồng Thắm

Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Ths. Phạm Thị Thu Hiền

Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra