Qua công tác thanh tra cổ phần hóa DNNN cho thấy thực trạng công tác cổ phần hóa DNNNN còn có những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
1. Thực trạng công tác cổ phần hóa DNNN thành công ty cổ phần
Cổ phần hóa DNNN về bản chất là quá trình chuyển đổi những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu để huy động vốn và giảm bớt tỷ lệ vốn nhà nước không cần nắm giữ, để minh bạch hóa tài chính, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Công tác cổ phần hóa DNNN ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập và cần có những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn.
Tính từ năm 2011 đến nay, tổng số doanh nghiệp đã được cổ phần hóa là 631 doanh nghiệp, với tổng giá trị doanh nghiệp thực tế 1.040.244 tỷ đồng, vốn nhà nước thực tế 317.739 tỷ đồng. Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ, đồng bộ, cụ thể: Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, Nghị định 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013, Nghị định 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015, Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 05/9/2014, Thông tư số 21/2019/TT-BTC ngày 11/4/2019, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/01/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP. Việc ban hành các nghị định mới và hoàn thiện sửa đổi, bổ sung đã tạo hành lang pháp lý cho công tác cổ phần hóa DNNN.
Về số lượng DNNN đã giảm mạnh, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước định hướng điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô. Hiệu quả hoạt động của DNNN và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên: Các DNNN sau khi cổ phần hóa đều có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần thông qua hoạt động cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán, tạo bước đổi mới trong nhận thức, tư duy, về quan hệ sản xuất và vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội. Tuy nhiên ngoài những mặt đạt được trong công tác cổ phần hóa còn có những hạn chế nhất định, cụ thể:
- Theo báo cáo của Bộ Tài chính, so với kế hoạch đặt ra cả cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đều chậm, tỷ lệ đạt theo kế hoạch thấp: Theo danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 128 doanh nghiệp, nhưng đến tháng 3 năm 2020 còn 92 doanh nghiệp (Thành phố Hà Nội 13 doanh nghiệp, chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 6 doanh nghiệp; Bộ Công Thương 4 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng 2 tổng công ty); theo danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 403 doanh nghiệp, trong khi đó số lượng doanh nghiệp đã thoái vốn thuộc danh mục nêu trên tính đến nay mới chỉ đạt 21,8% kế hoạch đề ra; về tình hình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước còn 30 doanh nghiệp với giá trị chuyển giao là 630 tỷ đồng (chiếm 5%).
- Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần công tác điều hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn là “bình mới, rượu cũ”, thiếu tính đột phá: Tại một số đơn vị trực thuộc vẫn theo tư duy cũ, nặng tính bao cấp, hành chính; quyết định của bộ máy lãnh đạo công ty, người đại diện phần vốn nhà nước còn phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước, còn nặng nề cơ chế xin - cho, ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không bắt kịp xu hướng công nghệ
- Nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả từ trước khi cổ phần hóa nhưng sau cổ phần hóa không có cải thiện về hiệu quả hoạt động: Trong 12 DNNN thua lỗ thuộc ngành công thương quản lý (còn 4 dự án đang thua lỗ; 2 dự án vẫn dừng sản xuất; 3 dự án xây dựng dở dang); có 4/19 tập đoàn chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị thua lỗ; nếu không xử lý triệt để tồn tại tài chính trước khi cổ phần hóa, DNNN sẽ gặp nhiều khó khăn sau cổ phần hóa như giải quyết tranh chấp về tài sản, đất đai, lao động, trợ cấp, công nợ…
- Khung pháp lý cho các doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa và hậu cổ phần hóa còn có những bất cập, hạn chế: Chính sách thu hút cổ đông chiến lược còn nhiều ràng buộc về mặt chính sách (thời hạn quy định lựa chọn cổ đông chiến lược ngắn so với các trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp lớn và có cơ cấu tài sản phức tạp); vẫn phát sinh những bất cập làm cho quá trình định giá, đặc biệt là giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa và tiềm năng phát triển trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa DNNN; thiếu chế tài đối với lãnh đạo, quản lý trong các DNNN hoạt động thua lỗ; nhiều doanh nghiệp trước và trong quá trình cổ phần hóa thiếu công khai, minh bạch về thông tin, số liệu (đặc biệt là những doanh nghiệp có vấn đề về tài chính hoặc đang được hưởng các lợi thế đặc biệt trong kinh doanh).
|
|
ảnh minh họa, nguồn: Internet |
2. Tồn tại trong công tác cổ phần hóa tại DNNN chuyển thành công ty cổ phần
a. Về môi trường pháp lý
- Các quy định, hướng dẫn trong các nghị định, thông tư hướng dẫn về phương pháp định giá còn có những hạn chế nên gặp khó khăn khi áp dụng, cụ thể thiếu/không có hướng dẫn cụ thể đối với việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa như: Giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền thuê đất, giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế kinh doanh, giá trị lịch sử, văn hóa,... Đây chính là một trong những bất cập lớn trong thực tiễn công tác thẩm định giá xác định giá khởi điểm dẫn đến các đơn vị tư vấn thẩm định giá khó thống nhất trong tiếp cận, định giá các loại tài sản vô hình này.
- Hiện nay theo quy định hiện hành của Nhà nước thì có một số phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, đó là: Phương pháp tài sản; phương pháp chiết khấu dòng tiền; phương pháp lợi nhuận và phương pháp hiện tại hóa lợi tức cổ phần. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có doanh nghiệp nào xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp lợi nhuận và phương pháp hiện tại hóa lợi tức cổ phần.
- Qua thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng phương pháp tài sản và phương pháp chiết khấu dòng tiền để xác định giá trị doanh nghiệp. Đối với phương pháp chiết khấu dòng tiền để xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường, dòng tiền tại doanh nghiệp thiếu tính chính xác, để dự báo dựa vào nhiều giả định độ chính xác không cao, khó có thể xác định được tỷ lệ chiết khấu (do thiếu dữ liệu thống kê các doanh nghiệp có cùng quy mô, ngành nghề để xác định chỉ số bình quân của ngành: EPS, P/E, P/B) dẫn đến kết quả chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp.
- Đối với phương pháp tài sản được coi là đánh giá toàn diện hơn về giá trị nội tại của doanh nghiệp, tuy nhiên để xác định giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp chưa có tiêu chuẩn cụ thể để định giá nên chưa tính được hết giá trị tương lai cũng như tiềm năng của doanh nghiệp; chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc định giá các tài sản vô hình (như uy tín trên thị trường, nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ,...), do đó việc định giá tài sản vô hình sẽ phụ thuộc nhiều vào ý kiến của người định giá dẫn đến việc giá trị của chúng có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị hợp lý.
b. Việc xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Chỉ ra một số tồn tại, sai phạm điển hình khi định giá và xử lý các vấn đề tài chính của DNNN cổ phần hóa như: Không xác định, phân loại và tập hợp đúng, đầy đủ chi phí thương hiệu, tiềm năng phát triển dẫn đến xác định thiếu lợi thế kinh doanh của đơn vị, các tài sản đưa vào định giá tập hợp thừa/thiếu tài sản cố định khi tiến hành cổ phần hóa; không xác định giá trị thị trường đối với hàng hóa, vật tư công cụ và nguyên vật liệu tồn kho; xác định sai nguyên giá của tài sản cố định; đánh giá sai giá trị còn lại của tài sản máy móc của doanh nghiệp cổ phần hóa; xác định giá trị một số khoản công nợ, đầu tư tài chính không đúng quy định. Dẫn đến việc quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa chính xác.
c. Việc xác định giá trị sử dụng đất đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa có nhiều bất cập
- Một trong những vướng mắc tồn tại lớn nhất liên quan đến khâu rà soát phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất và xác định giá trị quyền sử dụng đất: Việc xác định phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian; rất khó để tính được lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất doanh nghiệp đang thuê của Nhà nước; khó xác định giá trị quyền sử dụng đất đúng với giá thị trường (do ở Việt Nam chưa có thị trường và thông tin giao dịch chính xác để tham khảo, giá đất ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: diện tích, cơ sở hạ tầng, hướng mặt tiền,…); các thông tin chỉ mang tính chất tham khảo để định giá, khi có vướng mắc liên quan đến vấn đề xử lý đất đai thì tâm lý chung ngại trách nhiệm, không dám quyết định, đùn đẩy trách nhiệm, mất nhiều thời gian xin ý kiến dẫn đến cổ phần hóa tại DNNN bị chậm.
- Trong công tác quản lý sử dụng đất khi cổ phần hóa còn tồn tại một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa, xây dựng phương án sử dụng đất chưa đầy đủ, thiếu tính pháp lý và giấy tờ để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, một số ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chưa có ý kiến hoặc ý kiến chưa đầy đủ về phương án sử dụng cơ sở đất.
- Việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cũng có những bất cập, nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần của DNNN chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khi đã nắm được doanh nghiệp là tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng nhà ở để bán lại quyền lợi cho nhà đầu tư, không tập trung vào đầu tư phát triển doanh nghiệp theo hoạt động sản xuất kinh doanh chính.
- Về quản lý vốn tại các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước không chi phối khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt hoặc có cổ đông lớn thiếu hợp tác. Dẫn đến quyền cổ đông nhà nước gặp khó khăn trong công tác quản trị đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Một số doanh nghiệp sau cổ phần có hiệu quả kinh doanh không cao, không có nhiều thay đổi khi tỷ lệ vốn nhà nước còn cao: Dù đã cổ phần hóa nhưng cổ đông nhà nước vẫn nắm quyền quyết định chi phối nên thực chất không có nhiều đổi mới, sự cạnh tranh có sự bất lợi hơn so với các doanh nghiệp tư nhân (người chủ doanh nghiệp toàn quyền quyết định), nên hoạt động kinh doanh sau cổ phần hóa ngày càng đi xuống (Tổng công ty cổ phần lương thực Miền Nam lỗ 1.488 tỷ, Tổng công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng 387 tỷ,…).
- Về vấn đề công khai hóa tài chính và hệ thống báo cáo tài chính các doanh nghiệp khi cổ phần hóa: Một số doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, hoạt động của Ban điều hành, các báo cáo thông tin tài chính doanh nghiệp này nói chung chất lượng còn thấp, đối với những thông tin phi tài chính như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý của Ban điều hành… ít được quan tâm thực hiện với nhiều lý do khác nhau như điều lệ công ty không quy định hoặc không muốn bộc lộ những yếu kém về năng lực quản lý, sợ mất quyền lãnh đạo doanh nghiệp… Trong tình trạng thông tin không cân xứng, giữa các cá nhân và các tổ chức có liên quan sẽ nảy sinh những bất đồng về lợi ích. Lý do doanh nghiệp không muốn công khai là để giữ bí mật kinh doanh, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp hoặc có biểu hiện công khai sai sự thật để né tránh trách nhiệm hoặc để đánh lạc hướng đầu tư của các cổ đông thiếu hiểu biết nhằm trục lợi. Từ chất lượng thông tin thấp đã ảnh hưởng đến nhà đầu tư và từ đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong quá trình thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
3. Cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa DNNN
Từ những thực trạng trên, để tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình của Chính phủ đề ra, cần có một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần hoàn thiện các hướng dẫn về công tác xác định giá trị doanh nghiệp nhằm khắc phục các tồn tại để có thể đưa ra phương pháp định giá doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay; bổ sung cụ thể hướng dẫn khi xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy đổi giá trị các khoản nợ phải trả có nguồn gốc ngoại tệ; giá trị tiềm năng phát triển; giá trị lợi thế quyền thuê đất; định giá các tài sản vô hình (như danh tiếng, uy tín trên thị trường, thương hiệu,…); các khoản đầu tư tài chính phải tính đến các khoản lợi ích chưa được chia (thuộc giai đoạn trước cổ phần hóa).
Thứ hai, tăng cường tính minh bạch trên thị trường thông qua các chế tài được quy định rõ trong các văn bản quy định doanh nghiệp phải công khai thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động, các tồn đọng tài chính, cũng như lợi ích sẽ được hưởng từ các khoản đầu tư nhưng chưa chia, tình hình đất đai, phương án xử lý, sắp xếp đất đai khi cổ phần hóa.
Thứ ba, Chính phủ xem xét, tổ chức tổng kết công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục tồn tại yếu kém, đồng thời có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đặc biệt doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đối với các DNNN chưa cổ phần hóa nhưng làm ăn có hiệu quả cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình để phát triển.
Thứ tư, phải quy định cơ chế rõ ràng, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, để khắc phục tình trạng một bộ phận lãnh đạo đại diện chủ sở hữu DNNN có tâm lý e ngại khi cổ phần hóa sẽ mất vai trò lãnh đạo, quyền lợi tại doanh nghiệp.
Thứ năm, cần có chính sách quản lý chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa bảo đảm đúng mục đích sử dụng đất. Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cơ sở kinh doanh sang các dự án nhà ở để bán; nếu người sử dụng không có nhu cầu sử dụng theo mục đích thì thu hồi, chuyển giao cho người khác hoặc tổ chức đấu giá để điều tiết lợi ích cho Nhà nước; nghiên cứu giải pháp phù hợp xác định tiền sử dụng đất đối với cơ sở kinh doanh vào giá trị doanh nghiệp chưa qua đấu giá nếu sau khi cổ phần hóa chuyển mục đích sang các dự án nhà ở để bán phải điều tiết lợi ích cho Nhà nước; các trường hợp sử dụng sai mục đích cần có chế tài xử lý mạnh để cổ phần hóa đi vào thực chất.
Thứ sáu, cần có quy định cụ thể trách nhiệm của người đại diện vốn trong việc thực hiện quyền đại diện vốn trong công ty cổ phần, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, các biện pháp khi các đơn vị không thực hiện; quyền giám sát để phát hiện những bất cập, tồn tại về tài chính, những nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh để báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, các biện pháp hỗ trợ để tránh gây thất thoát cho Nhà nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013, Nghị định 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Thông tư số 36/2021/TT-BTC ngày 26/5/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018; Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09/10/2020 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ;
2. Kỷ yếu Tọa đàm “Kỹ năng kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề tài chính và tư vấn định giá trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa”;
3. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-giai-doan-2016-2020-thuc-trang-va-mot-so-khuyen-nghi;
4. Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN.
TS. Phạm Thị Hương
Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội