Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức Thanh tra sở để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra

Thứ năm, 01/02/2024 17:06
(Thanhtravietnam) - Triển khai Luật Thanh tra năm 2022 (Luật Thanh tra), ngày 11/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2024. Thực tế hiện nay cho thấy, tổ chức Thanh tra sở cần tiếp tục được quan tâm, củng cố, kiện toàn để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Thanh tra sở. Theo đó, Điều 17 quy định: Thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra bao gồm: Thanh tra Sở: Công Thương; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Xây dựng; Y tế. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này thì UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương và biên chế được giao. Trường hợp Thanh tra sở được luật quy định thì thực hiện theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở, Điều 18 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở, Chánh Thanh tra sở và tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc thành lập Thanh tra sở phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí như thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có thể khẳng định, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ sẽ góp phần quan trong trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức Thanh tra sở và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Thực tế hiện nay, tổ chức Thanh tra sở của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là biên chế giao cho tổ chức Thanh tra sở còn nhiều hạn chế, số công chức giữ ngạch thanh tra viên (thanh tra viên, thanh tra viên chính) còn ít. Ngoài ra, tổ chức Thanh tra sở còn được giao rất nhiều nhiệm vụ khác nhau, như: Công tác xử lý vi phạm hành chính, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác pháp chế, công tác tổ chức, công tác hành chính - tổng hợp, công tác văn phòng và các nhiệm vụ chuyên môn khác.

Để góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức Thanh tra sở và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, theo tác giả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thành lập Thanh tra sở phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí như thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Theo quy định Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó, có quy định biên chế công chức tối thiểu để thành lập phòng thuộc sở (Tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở, như sau: Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở; Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí: Tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III). Do đó, Thanh tra sở cần phải bố trí đủ biên chế tiêu chí thành lập chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở để củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra.

leftcenterrightdel
Lực lượng thanh tra giao thông tỉnh Kon Tum làm nhiệm vụ. (Ảnh minh họa, internet) 

Thứ hai, khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra quy định: “1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra”. Như vậy, đối với Thanh tra sở thì Chánh Thanh tra sở là người ban hành quyết định thanh tra, do đó, đối với các tổ chức Thanh tra Sở hiện chưa có Chánh Thanh tra sở cần phải sớm kiện toàn chức vụ này để triển khai công tác thanh tra.

Thứ ba, khoản 2 Điều 60 Luật Thanh tra quy định: ...Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có) phải là người đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên”. Thực tế hiện nay, một số tổ chức Thanh tra sở có công chức giữ ngạch thanh tra viên nhưng không phải công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (các Phó Chánh Thanh tra sở) và ngược lại, Phó Chánh Thanh tra sở nhưng chưa được bổ nghiệm vào ngạch thanh tra viên, do đó việc bố trí Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn thanh tra còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp, để triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch, Chánh Thanh tra sở ban hành quyết định thanh tra, trong đó công chức giữ ngạch thanh tra viên là Trưởng đoàn thanh tra, Phó Chánh Thanh tra sở (chưa giữ ngạch thanh tra viên) làm thành viên đoàn thanh tra nên gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động thanh tra và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các cuộc thanh tra. Do đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cần sớm xây dựng Đề án vị trí việc làm tại đơn vị. Trong đó, cần phải xây dựng các vị trí việc làm của tổ chức Thanh tra sở theo hướng tăng cường vị trí ngạch thanh tra viên để kịp thời bổ nhiệm các công chức đủ điều kiện vào ngạch thanh tra viên đủ điều kiện làm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra.

Thứ tư, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở được quy định tại Điều 27 Luật Thanh tra. Tuy nhiên, hiện nay tổ chức Thanh tra sở còn đảm đương rất nhiều nhiệm vụ chuyên môn được Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh giao, vì vậy công chức Thanh tra sở được phân công thực hiện nhiệm vụ khác nhau. Có công chức hiện đang công tác tại Thanh tra sở nhưng chưa từng tham gia các cuộc thanh tra, do đó, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác thanh tra sẽ bị hạn chế nên khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ thanh tra khi được giao. Chính vì vậy, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác thanh tra, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cần hạn chế việc giao nhiệm vụ khác không liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho tổ chức Thanh tra sở.

Thứ năm, để đảm bảo tính ổn định của các công chức Thanh tra Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cần thường xuyên cử công chức Thanh tra sở đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; công tác quy hoạch, luân chuyển, bố trí và sử dụng công chức thanh tra phải phù hợp với pháp luật về thanh tra, nhất là phải đảm bảo tính kế thừa. Việc luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý hoặc công chức giữ ngạch thanh tra viên phải khoa học, hợp lý và có căn cứ theo quy định. Công chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ được luân chuyển đến công tác tại tổ chức Thanh tra sở phải đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh viên để thực hiện ngay nhiệm vụ mà không phải trải qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn của ngạch thanh tra viên.

Thứ sáu, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Trường Cán bộ thanh tra và Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các công chức thuộc tổ chức Thanh tra sở; thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các lớp đào tạo, bồi dưỡng các ngạch thanh tra viên để các công chức thuộc tổ chức Thanh tra sở hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Triển khai Luật Thanh tra, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan, việc kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức thanh tra nói chung và tổ chức Thanh tra sở nói riêng là rất quan trọng và cấp thiết, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Do đó, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cần quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức Thanh tra sở để tổ chức Thanh tra sở sớm ổn định, hoạt động có hiệu quả./.

Đỗ Văn Nhân
Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra