Tiếp cận dựa trên quyền con người (HRBA)(1) là phương pháp tiếp cận lấy các tiêu chuẩn về quyền con người làm cơ sở để xác định kết quả mong đợi và lấy các nguyên tắc về quyền con người làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình đạt được kết quả đó(2). Sử dụng các tiêu chuẩn và nguyên tắc về quyền con người làm cơ sở và mục tiêu cho hoạt động là đích mà cách tiếp cận dựa trên quyền con người hướng tới. Khác với cách tiếp cận khác, tiếp cận dựa trên quyền con người không chỉ quan tâm tới việc đạt được mục tiêu mà còn quan tâm thích đáng tới quy trình, cách thức được lựa chọn để đạt được những mục tiêu đó với mục đích hỗ trợ người dân tham gia tích cực vào phát triển, không phải chỉ là người hưởng lợi thụ động từ các chính sách của nhà nước.
Quan niệm về quyền của nhóm dễ bị tổn thương
Các nhóm dễ bị tổn thương (vulnerable groups) là “khái niệm dùng để chỉ các cộng đồng, nhóm người có vị thế về chính trị, kinh tế hoặc xã hội thấp hơn đa số, khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm quyền. Bởi vậy, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác”(3). Theo luật quốc tế về quyền con người, nhóm người dễ bị tổn thương gồm có: Người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người sống chung với HIV, người di tản, người không có quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số, nạn nhân chiến tranh, những người bị tước tự do(4).
Cụ thể hoá các quy định trên, ở nước ta, Khoản 4 Điều 3 Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 quy định, “đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo”. Như vậy, mặc dù không có định nghĩa chính thức chung nào được đưa ra về các nhóm người dễ bị tổn thương, tuy nhiên, từ các nguồn tài liệu và thực tiễn về quyền con người, có thể hiểu rằng: Nhóm dễ bị tổn thương là khái niệm chung chỉ những nhóm, cộng đồng có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn những người bình thường khác, khiến họ có nguy cơ bị bỏ quên hay bị vi phạm các quyền con người cao hơn,do đó, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác.
Trong các nội dung của HRBA, việc quan tâm đến nhóm dễ bị tổn thương - nhóm người bị thiệt thòi nhất và dễ bị loại ra khỏi quá trình phát triển là một nội dung đặc biệt quan trọng. Do vậy, trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách phải “làm hết sức mình để bảo đảm các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa cho những người bị thiệt thòi nhất và đảm bảo sự tham gia của họ trong quá trình ra quyết định”(5).
Thực trạng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương
Cùng với những thành tựu của quá trình Đổi mới, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) vào tháng 2/1990. Ngay sau khi tham gia Công ước, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục Trẻ em năm 1991 (được sửa đổi năm 2004 và sau đó được thay thế bằng Luật Trẻ em năm 2016).
Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực hơn trong việc đảm nhiệm các vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016; tham gia nghiêm túc vào quá trình xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về quyền con người, đóng vai trò tích cực trong các Uỷ ban ASEAN về phụ nữ và trẻ em, về lao động di cư… Cùng với quá trình hội nhập quốc tế về quyền con người, Việt Nam lần lượt trở thành thành viên của 7/9 công ước quốc tế chủ chốt về quyền của nhóm yếu thế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia nhiều điều ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế. Có thể nói, đây là nỗ lực, đồng thời thể hiện trách nhiệm, mức độ cam kết rất cao của Việt Nam trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Quyền của nhóm dễ bị tổn thương là điều khoản hiến định trong Hiến pháp. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, Nhà nước ta từng bước ghi nhận ngày càng đầy đủ hơn bằng các thể chế về các quyền dân sự, chính trị, văn hoá, xã hội của nhóm người dễ bị tổn thương, tăng cường tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền công dân trong hoạt động xây dựng pháp luật. Cụ thể:
Đối với phụ nữ, trên cơ sở kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới(6). “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”(7). Đồng thời, Quốc hội đã ban hành mới, sửa đổi nhiều Bộ luật, luật quy định về quyền của phụ nữ. Có thể nói, hệ thống pháp luật hiện hành về quyền của phụ nữ ở Việt Nam tương đối đầy đủ và toàn diện.
Bên cạnh quy định rõ về chủ thể quyền là phụ nữ - nhóm xã hội dễ bị tổn thương, pháp luật Việt Nam còn ghi nhận trách nhiệm của chủ thể bảo đảm quyền trên thực tế. Phụ nữ Việt Nam tham gia chính trị có tỷ lệ khá cao trên thế giới. Điển hình, quán triệt tinh thần Đại hội XII của Đảng: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”(8) thì tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn được duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người phụ nữ đã và đang chịu nhiều trở ngại, áp lực hơn so với nam giới. Tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng.
Vấn đề quyền con người đã trở thành vấn đề phổ quát toàn cầu
Đối với trẻ em, việc bảo đảm các quyền trẻ em - nhóm xã hội dễ bị tổn thương, việc xây dựng và thực thi pháp luật về trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, bảo đảm, nâng cao cơ hội tham gia của trẻ vào các hoạt động liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”(9). Về cơ bản, pháp luật hiện hành đã bao quát được những vấn đề lớn, quan trọng nhất về quyền trẻ em theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; đã quy định về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và bảo đảm thực hiện 10 nhóm quyền cơ bản của trẻ đối với gia đình, người chăm sóc, chính quyền địa phương cơ sở và của các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật. Cụ thể, định nghĩa về trẻ em theo quy định của Luật vẫn có sự giới hạn công dân Việt Nam và tuổi dưới 16. Trong khi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam đã phát triển ở mức nhất định, có khả năng áp dụng các quy định về quyền trẻ em đối với nhóm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, song lại không có cơ sở pháp lý để triển khai. Tình trạng đăng ký khai sinh cho trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn chậm so với quy định, nhiều trẻ khi đi học mới làm thủ tục khai sinh. Hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em bước đầu được xây dựng nhưng chưa được thực hành rộng rãi...Những hạn chế này đã phần nào cản trở việc thực hiện quyền của trẻ em trong bối cảnh mới hiện nay.
Đối với người khuyết tật, những năm gần đây, người khuyết tật là nhóm đối tượng yếu thế nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Mới đây, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 159 của ILO về Tái thích ứng Nghề nghiệp và Việc làm cho người khuyết tật. Công ước đưa ra các yêu cầu về phục hồi khả năng lao động và việc làm cho người khuyết tật, quy định về việc điều chỉnh và đánh giá các tài liệu hướng dẫn nghề nghiệp, dạy nghề, bố trí việc làm và dịch vụ thất nghiệp cho người khuyết tật. Việc phê chuẩn Công ước là bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam nhằm hỗ trợ người khuyết tật.
Nhằm bảo đảm sự bình đẳng về quyền tiếp cận việc làm cho người khuyết tật cùng với Luật Người khuyết tật, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận, bảo đảm quyền lao động và việc làm của người khuyết tật. Cùng với đó, Nhà nước cũng đã triển khai những đề án, kế hoạch nhằm trợ giúp người khuyết tật trong tiếp cận việc làm. Tuy nhiên, dù đã có nhiều tiến bộ nhưng do những nguyên nhân khác nhau mà tình trạng người khuyết tật không có việc làm vẫn còn phổ biến. Đáng chú ý, tình trạng phân biệt đối xử với lao động là người khuyết tật vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
Một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạt động xây dựng, thực hiện pháp luật về quyền của nhóm dễ bị tổn thương
Một là,việc nghiên cứu và phổ biến rộng rãi về phương pháp này cũng như các kiến thức về quyền con người ở Việt Nam là một điều cần thiết thực hiện ngay, nhất là đối với các cán bộ công chức, viên chức nhà nước - chủ thể có nghĩa vụ thực hiện. Mục tiêu hướng tới đó là bảo đảm các tiêu chuẩn về quyền con người không chỉ là nền tảng, cơ sở cho việc xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật mà còn trở thành những giá trị mang đạo đức, pháp lý trong các hoạt động của nhà nước cũng như của xã hội.
Hai là, đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, tích cực thúc đẩy sự tham gia của các nhóm yếu thế vào quá trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cần thường xuyên đánh giá kết quả, tác động của việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cuộc sống của người dân để chỉ ra được những điểm tích cực, hạn chế, từ đó đề xuất những hướng sửa đổi trong chính sách và pháp luật. Công việc này cần được tiến hành thường xuyên, khách quan bằng việc sử dụng các bộ chỉ số đánh giá và có thể với sự hỗ trợ kỹ thuật của bên thứ ba trung lập hoặc từ phía các đối tác hỗ trợ của dự án.
Ba là, cần tiếp tục thúc đẩy và xây dựng một nền văn hoá pháp luật tôn trọng quyền con người cả từ phía các chủ thể Nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội, đặc biệt là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương để các chủ thể này nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình.
Bốn là, đối với từng nhóm xã hội dễ bị tổn thương, Nhà nước cần có chính sách cụ thể nhằm phát huy tối đa vai trò của họ, đồng thời, nâng cao ý thức của cá nhân họ đối với công việc chung. Theo đó, đối với phụ nữ, cần tiếp tục mở rộng quyền của phụ nữ theo hướng phù hợp với pháp luật quốc tế. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người phụ nữ hiểu và nắm được quyền của mình, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Cần lựa chọn những chương trình ưu tiên, loại bỏ sự phân biệt về giới, quan niệm “trọng nam khinh nữ” khi đánh giá về vai trò, năng lực của phụ nữ.
Đối với trẻ em, Quốc hội sớm tiến hành xem xét, sửa đổi Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016 để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên mức tương thích với quy định tại Điều 1 của CRC; Rà soát sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để tương thích với độ tuổi pháp lý mới nâng lên của trẻ em, cụ thể như các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật Trẻ em; Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về sự cần thiết, ý nghĩa và các quy định pháp luật cần áp dụng khi độ tuổi pháp lý của trẻ em được nâng lên đến mức dưới 18; Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để làm việc với những trẻ em ở độ tuổi 16 - 17.
Đối với người khuyết tật, Nhà nước cần có các quy định rõ về các chế tài xử phạt, đặc biệt là các hành vi ngược đãi, phân biệt đối xử với người khuyết tật, vấn đề kì thị xã hội đối với người khuyết tật, hoặc không thực hiện những vấn đề được quy định trong luật liên quan đến nhu cầu và quyền của người khuyết tật về vấn đề giải quyết việc làm. Nhà nước cần quy định chặt chẽ về tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật. Thời gian học nghề cần phải linh hoạt, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức tự lực, cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật.
Có thể khẳng định, mục tiêu của phương pháp tiếp cận dựa trên quyền là bảo đảm các quyền nhiều hơn cho mọi người. Đó cũng là yêu cầu của tiến bộ và công bằng xã hội. Vì vậy, lẽ tự nhiên nó phải hướng đến nhóm người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi nhiều nhất trong đời sống xã hội./.
TS. Nguyễn Thị Dung
Viện Nghiên cứu lập pháp
Chú thích:
(1) Human Rights – Based Approach – viết tắt là HRBA;
(2) Xem thêm: TS. Nguyễn Duy Sơn, ThS. Nguyễn Thị Hòe -Tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định và thực thi chính sách ở Việt Nam. Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013;
(3) Xem thêm: Đỗ Hồng Thơm, Vũ Công Giao, Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, NXB Lao động - Xã hội, 2010;
(4) Dẫn theo: Phan Thị Hậu, Vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền của những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam hiện nay. Luận văn Thạc sĩ, 2017, trang 7;
(5) Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Tài liệu tham khảo Luật Quốc tế về quyền con người, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr.376;
(6) Điều 26 Hiến pháp năm 2013;
(7) Điều 36 Hiến pháp năm 2013;
(8) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 163;
(9) Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn khiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016
2. Hiến pháp năm 2013;
3. Luật Trẻ em năm 2016;
4. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2012;
5. Luật bình đẳng giới năm 2012;
6. Luật Người khuyết tật năm 2010;
7. TS. Nguyễn Duy Sơn, ThS. Nguyễn Thị Hòe -Tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định và thực thi chính sách ở Việt Nam. Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013.
8. Đỗ Hồng Thơm, Vũ Công Giao, Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, NXB Lao động – Xã hội, 2010.
9. Phan Thị Hậu, Vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền của những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam hiện nay. Luận văn Thạc sĩ, 2017, trang 7.
10. Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Tài liệu tham khảo Luật Quốc tế về quyền con người, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr.376.
11. Trương Thị Điệp, “Bình đẳng giới ở Việt Nam, thành tựu và thách thức trong giai đoạn hiện nay”. Nguồn:http://laodongxahoi.net/binh-dang-gioi-o-viet-nam-thanh-tuu-va-thach-thuc-trong-giai-doan-hien-nay-1310941.html, truy cập ngày 10/9/2019.