Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Việt Nam

Thứ hai, 06/06/2022 13:43
(ThanhtraVietNam) - Xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là hiện tượng có thể quan sát được khá rõ trong nền công vụ Việt Nam những năm gần đây. Bên cạnh những hiện tượng xung đột lợi ích thông thường, mang tính chất phổ biến như bổ nhiệm người thân “đúng quy trình”, tặng quà theo “truyền thống văn hóa”, “lại quả”, “bồi dưỡng” thì sự tồn tại của các doanh nghiệp được gọi là "sân sau" đã không còn là mới. Đây là hình thức tinh vi giúp các quan chức trong bộ máy nhà nước trục lợi, thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu hoặc có quan hệ chi phối, tác động hỗ trợ để được chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...

Thực tiễn cho thấy, đa số người đứng đầu những doanh nghiệp này là người thân, ruột thịt của người đứng đầu địa phương, cơ quan, doanh nghiệp. Vụ việc của nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hay của nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh đã được phát hiện và xử lý thời gian qua là những ví dụ hết sức điển hình của hiện tượng này. Có thể nhận thấy rõ, xung đột lợi ích được thể hiện dưới rất nhiều dạng thức khác nhau và không ít trong số đó thực chất là các vụ việc tham nhũng có tổ chức.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về xung đột lợi ích nhưng tựu chung lại, xung đột lợi ích được hiểu là tình huống trong đó việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức có thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu bởi các lợi ích cá nhân của người đó. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam đưa ra định nghĩa pháp lý chính thức về xung đột lợi ích, theo đó: “Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”.(1)

Cần lưu ý rằng, xung đột lợi ích và tham nhũng là hai khái niệm khác nhau nhưng có mối liên hệ vô cùng gần gũi với nhau. Về chủ thể, xung đột lợi ích và tham nhũng có cùng chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn. Về trạng thái, xung đột lợi ích là tình huống, tham nhũng là hành vi. Về tính chất, xung đột lợi ích mang tính khách quan, tham nhũng là hành vi chủ quan của người có chức vụ, quyền hạn. Trong tình huống xung đột lợi ích đã được nhận thức rõ, hành vi của người có chức vụ, quyền hạn chính là hành vi tham nhũng nếu người đó lựa chọn lợi ích cá nhân. Như vậy, có thể khẳng định, bản thân xung đột lợi ích chưa phải là tham nhũng nhưng nếu không được nhận diện và kiểm soát đúng đắn thì xung đột lợi ích chính là tiền đề, là điều kiện thuận lợi làm nảy sinh tham nhũng. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Như vậy, để phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả, cần thiết phải thiết lập được cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích đầy đủ, chặt chẽ. Kiểm soát tốt xung đột lợi ích cũng chính là củng cố nền tảng đạo đức công vụ, tăng cường liêm chính trong hoạt động công vụ - một trong những yêu cầu cấp thiết đối với nền công vụ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Pháp luật Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ thể hiện trong các quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế căn bản như sau:

Thứ nhất, quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ còn nằm tản mát ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa tạo được cơ chế pháp lý một cách hệ thống, đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích. Quy định về nhận diện tình huống xung đột lợi ích trong văn bản pháp luật còn có sự mâu thuẫn. Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy địnhxung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. Tuy nhiên, Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP lại nêu ra 9 trường hợp xung đột lợi ích trong đó có đến 8 trường hợp là mô tả lại hành vi của người có chức vụ, quyền hạn chủ động vi phạm quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm (quy định tại Điều 20 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018), chỉ có 1 trường hợp mô tả đúng tình huống (trường hợp thứ 8: Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình). Điều đáng lưu ý là không ít trường hợp xung đột quy định tại Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP thực chất chính là hành vi tham nhũng như “nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”(2); “sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác”(3); “can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi”(4). Quy định này đã tạo nên sự không rõ ràng trong cách hiểu về tình huống xung đột lợi ích. Cần lưu ý rằng tính chất khách quan là dấu hiệu quan trọng giúp nhận biết và phân biệt xung đột lợi ích với tham nhũng. Nếu người có chức vụ, quyền hạn chủ động đưa mình vào tình huống xung đột lợi ích, thì về bản chất, đó chính là hành vi tham nhũng. Người đó cần bị xử lý về hành vi tham nhũng hoặc xử lý kỷ luật nghiêm khắc về hành vi vi phạm các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, không thể xử lý theo các quy định như đối với tình huống xung đột lợi ích thông thường.

Thứ hai, quy định về phòng ngừa xung đột lợi ích còn chưa đầy đủ, chưa bao quát được hết các trường hợp xung đột lợi ích phổ biến hiện nay. Xung đột lợi ích có thể đến từ 5 nhóm lợi ích cá nhân cơ bản của cán bộ, công chức bao gồm: (i) Công việc làm thêm và các lợi ích kinh doanh khác của cán bộ, công chức; (ii) Công việc làm thuê và các hoạt động kinh doanh sau khi nghỉ hưu; (iii) Công việc và lợi ích kinh doanh cá nhân của thành viên gia đình và bạn bè của cán bộ, công chức; (iv) Tư cách thành viên của cán bộ, công chức vào các tổ chức hoặc nhóm cộng đồng; (v) Các mối quan hệ cá nhân khác. Một khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về xung đột lợi ích thực hiện ở 30 quốc gia trên thế giới cho thấy các nguồn xung đột lợi ích nổi trội là quà tặng, lợi ích từ hoạt động kinh doanh, công việc làm thêm. Trong đó công việc làm thêm từ khu vực tư nhân là yếu tố trọng tâm(5). Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tình trạng cán bộ, công chức có công việc làm thêm hiện nay là khá phổ biến, không chỉ bao gồm các trường hợp đã được nêu quy định tại Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

 Thứ ba, quy định về phát hiện và xử lý xung đột lợi ích còn có điểm chưa hợp lý. Theo quy định hiện hành, khi phát hiện có xung đột lợi ích và có căn cứ cho rằng việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích không bảo đảm khách quan thì người có thẩm quyền sẽ tiến hành giám sát. Trường hợp giám sát vẫn không bảo đảm khách quan thì tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích. Chúng tôi cho rằng cần có quan điểm tiếp cận khác trong việc xử lý xung đột lợi ích. Nếu đã xác định được có xung đột lợi ích thì không cần thiết phải có căn cứ không bảo đảm khách quan mới có biện pháp xử lý mà có thể xử lý ngay bằng cách phân công công chức khác thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Trường hợp không thể phân công công chức khác vì lý do đặc biệt nào đó thì áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ.

Thứ tư, chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, vi phạm quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn còn chưa rõ ràng, chủ yếu dẫn chiếu đến các quy định chung về xử lý cán bộ, công chức. Thực tế cho thấy quy trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thường phải trải qua rất nhiều trình tự, thủ tục, mất nhiều thời gian và mang tính khép kín trong nội bộ cơ quan nhà nước. Kết quả xử lý thường không tương xứng với hành vi vi phạm. Vì vậy, có thể nói các quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, vi phạm quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn hiện nay là chưa đủ mạnh, chưa có sức răn đe.

Thứ năm, trách nhiệm thực thi các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ được giao cho nhiều cơ quan khác nhau, thiếu một cơ quan đầu mối chuyên trách. Trong khi, nội dung thực thi các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên trách với những cán bộ chuyên trách hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về xung đột lợi ích, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và loại bỏ xung đột lợi ích. Đội ngũ này vừa đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn thực thi đối với cán bộ, công chức vừa đóng vai trò theo dõi, giám sát, báo cáo về các trường hợp xung đột lợi ích để cơ quan chức năng kịp thời xử lý theo thẩm quyền.

Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích cần được thực hiện ngay trong thời gian tới:

Thứ nhất, bổ sung các quy định về nhận diện và phòng ngừa xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, bảo đảm nhận thức thống nhất về tình huống xung đột lợi ích, tính chất khách quan của xung đột lợi ích. Mở rộng phạm vi xem xét các nhóm lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích. Quy định trách nhiệm của bản thân cán bộ, công chức và người quản lý trực tiếp cán bộ công chức trong việc rà soát xung đột lợi ích tại thời điểm tuyển dụng, bổ nhiệm và trong suốt quá trình làm việc. Nhấn mạnh trách nhiệm chủ động phòng ngừa xung đột lợi ích, phân biệt tình huống xung đột lợi ích khách quan với hành vi vi phạm quy tắc ứng xử chủ động đưa mình vào tình huống xung đột lợi ích.

Thứ hai, bổ sung quy định về phát hiện và xử lý xung đột lợi ích như đã phân tích ở phần trên. Nghiên cứu điều chỉnh cách tiếp cận về xử lý tình huống xung đột lợi ích. Về lâu dài, có thể nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức công vụ trong đó có chế định riêng về quy tắc ứng xử nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích. Quy định rõ những hành vi bị cấm và chế tài nghiêm khắc đối với mọi trường hợp vi phạm.

Thứ ba, nghiên cứu thành lập Ủy ban Đạo đức công vụ có nhiệm vụ hướng dẫn cán bộ, công chức nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, tập hợp thông tin về các trường hợp xung đột lợi ích và chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, giám sát việc giải quyết các vụ việc vi phạm./.

Chú thích:

(1) Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;

(2), (3), (4) Khoản 1, Khoản 4, Khoản 9 Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng;

(5) OECD, Managing Conflict of Interest in the Public Service: OECD guidelines and Country Experience, 2003. 

Ths. Lê Thị Thúy
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra