Tinh thần Luật “Hồi tỵ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Thứ hai, 06/05/2024 16:31
(ThanhtraVietNam) - Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay không chỉ phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, mà việc cần thiết là tiếp tục tham khảo, chắt lọc, đúc rút những kinh nghiệm quý báu của thời đại và truyền thống lịch sử ông cha ta đã ban hành quy tắc có hiệu quả thiết thực, tiêu biểu như Luật “Hồi tỵ” ở các triều đại phong kiến Việt Nam đã góp phần phòng ngừa tình trạng “đặc quyền, đặc lợi”, “cục bộ”, “một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Những di sản của Luật “Hồi tỵ” liên quan phòng, chống tham nhũng

Hồi tỵ là quan niệm để chỉ chế độ làm việc (bổ dụng) của quan lại trong các vương triều phong kiến. Theo nghĩa Hán Việt, “Hồi tỵ” là tránh đi hoặc né tránh; Luật “hồi tỵ” có thể hiểu là hệ thống những quy tắc xử sự được ban hành hoặc thừa nhận của Nhà nước phong kiến Việt Nam trong việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng quan lại nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội trong quản lý bộ máy nhà nước phong kiến.

Lịch sử phong kiến Việt Nam cho thấy mối họa tham nhũng được đặt ra từ sớm, có ảnh hưởng đến sự phồn thịnh hay suy vong của các triều đại. Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm ví tham nhũng như là một loài chuột chuyên đục khoét của dân, của nước. Hay như nhà bác học Lê Quý Đôn (thời vua Lê Trung Hưng) đã coi “ngũ họa quốc vong” trong đó có “tham nhũng tràn lan”.

Ý thức được những nguyên cớ mà có tham nhũng, đặc lợi hay cục bộ nảy sinh từ quan hệ thân hữu và góp phần làm minh bạch bộ máy hành chính nhà nước phong kiến, nên các triều đại nhà Lý, nhà Lê, nhà Nguyễn,… đã ban hành những quy định nghiêm ngặt nhằm làm trong sạch bộ máy hành chính nhà nước, công việc thực hiện công tâm, khách quan và mọi hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực tế, Luật “Hồi tỵ” được áp dụng rất cụ thể trong triều đại của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) và vua Minh Mệnh (1791 - 1841), được áp dụng từ đó cho đến cuối triều Nguyễn (1802 - 1945).

Với kinh nghiệm 26 năm làm vua, Lê Thánh Tông ban ra những chiếu, dụ quy định về “hồi tỵ” áp dụng cho các vị quan đứng đầu bộ máy chính quyền dân sự và quân sự địa phương, tương ứng với ba cấp hành chính (tỉnh, huyện, xã) ở Việt Nam hiện nay. Những quy định “hồi tỵ” trong Bộ luật Hồng Đức dưới thời Lê Thánh Tông có 26 điều (trong tổng số 722 điều) nói rõ về khung hình phạt cụ thể đối với từng tội danh liên quan đến hành vi tham ô, nhũng nhiễu. Như tại Điều 138 có ghi rằng: Quan tri làm sai phép ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì phải tội biếm hay bãi; từ 10 đến 19 quan thì phải tội đồ hay lưu; từ 20 quan trở lên thì phải tội chém… Hay trong Điều 163 cũng ghi rằng, quan tướng mà sách nhiễu tiền tài của dân thì bị biếm ba bậc và bồi gấp đôi số tiền trả lại cho dân.

Vua Lê Thánh Tông còn ra chỉ dụ cấm quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản, cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc. Không được bổ nhiệm viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó. Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo. Chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông nói rõ: “Các viên quan quản quân, quản dân nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc, thì Bộ lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay”(1). Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng(2).

leftcenterrightdel
Ảnh tư liệu

Đối với triều vua Minh Mệnh trị vì thì kinh nghiệm áp dụng Luật “Hồi tỵ” được nâng lên thành phương châm dùng người khoa bảng, triều đình giao nhiều trọng trách khác nhau để họ có điều kiện luân chuyển, rèn luyện, thử thách và trưởng thành. Trong thực thi luật, tất cả mọi người, kể cả hoàng thân quốc thích của vua cho đến thứ dân hay binh lính thì đều phải bình đẳng, có chế độ thưởng phạt nghiêm minh. Đặc biệt đối với tội tham nhũng, đòi ăn hối lộ và biển thủ công quỹ thì vua Minh Mệnh cho xử thật nặng theo nguyên tắc: “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người để muôn người sợ mà tránh).  

Thực tế ở nước ta cho thấy, khi Luật “Hồi tỵ” không được thực hiện nghiêm chỉnh, dùng quan hệ họ hàng, thân quen, “cánh hẩu” vào mục đích cá nhân, dẫn đến những hậu quả tai hại về nhiều mặt: Kéo bè, kéo cánh làm lũng đoạn, tha hóa bộ máy nhà nước; tìm việc, thăng quan tiến chức nhờ vào mối quan hệ thân quen; sự liên minh “thân tín” trong các quan chức nhà nước để trục lợi, tham nhũng(3).

Nhìn chung, Luật “Hồi tỵ” có tác dụng tích cực, quy định những người thân như anh em, cha con, dòng họ, thầy trò, bạn bè cùng học, đồng hương... thì không được làm quan cùng một chỗ hoặc quan lại không được làm việc tại bản quán, quê bố, mẹ, quê vợ. Trong trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển đổi hoặc điều chuyển đi làm quan ở địa phương khác.

Nhà nước phong kiến Việt Nam qua các triều đại đã giải quyết được những mối nguy hại của tham nhũng bằng cách đề ra những biện pháp cơ bản sau: Không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tập trung quyền lực trong tay hoàng đế, hạn chế quyền lực của quan đại thần, tránh lạm quyền hoặc lộng quyền từ một người hoặc cơ quan nào để ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng; thiết lập các cơ quan thực thi giám sát công vụ của quan lại đương nhiệm; kén chọn người hiền tài, áp dụng “hồi tỵ” đối với thi Hương, thi Hội và thi Đình, kết hợp thực hiện khảo hạch quan lại xét độ thanh liêm, thưởng phạt công bằng, quy định rõ ràng về lương bổng; xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng qua một số chiếu, lệnh, đạo…; thực hiện quy định “hồi tỵ” với các quan lại để tránh nạn kéo bè, kéo cánh, gây dựng lực lượng, lạm dụng quyền lực để làm sai lệch luật hiện hành. Theo đó, những người có cùng huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè… không được cùng làm quan hay làm việc ở cùng một địa phương hay cùng lĩnh vực.

Giá trị định hướng của Luật “Hồi tỵ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Thực tiễn lịch sử cho thấy Luật “Hồi tỵ” là một chủ trương, chính sách hiệu quả đắc lực và trực tiếp tác động tích cực trong quản lý, ngăn ngừa, giám sát và khống chế những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lạm quyền, trục lợi trong đội ngũ quan lại. Tuy có những hạn chế về chủ thể, đối tượng, phương pháp và phạm vi áp dụng, nhưng những giá trị của Luật “Hồi tỵ” có ý nghĩa định hướng quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Trước hết, Luật “Hồi tỵ” thời phong kiến Việt Nam đã để lại nguyên tắc vận dụng có giá trị là: Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong quá trình không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo tính khách quan, toàn diện và yếu tố kế thừa lịch sử trong quá trình phát huy, phát triển luật pháp; chú trọng nâng cao trình độ dân trí và khả năng thực hiện luật pháp của đội ngũ cán bộ các cấp trong đời sống xã hội.

Từ bộ Lê triều hình luật có quy định về Luật “Hồi tỵ” trong Chương Vi chế (144 điều) nói rõ hình phạt cho các hành vi sai trái của đội ngũ quan lại và các tội danh theo chức vụ. Hay trong Khâm điện Đại Nam hội điển sử lệ (thời vua Minh Mệnh) nhằm ghi chép các điển pháp, quy chuẩn và các dữ kiện liên quan đến tổ chức và hoạt động của một triều đại, cho đến việc hoàn thiện Luật “Hồi tỵ” trong Minh Mệnh luật đại lược và Minh Mệnh ngũ niên khai định luật lệ. Chính các văn bản quy định trên đã thể hiện tầm quan trọng và nâng cao ý thức thể chế hóa theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Do đó, Luật “Hồi tỵ” của các triều đại phong kiến đặt ra cho hiện nay là vấn đề phải xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, sử dụng, luân chuyển, cất nhắc hay bổ nhiệm cán bộ; tất cả phải có chế định rõ ràng, chi tiết, điều khoản cụ thể để đưa vào thực thi.

Cần thiết phải mở rộng đối tượng điều chỉnh, pham vi điều chỉnh áp dụng Luật “Hồi tỵ” thời phong kiến trong xây dựng quy định, luật hiện hành ngày nay. Nhìn nhận từ Luật “Hồi tỵ” đặt ra cho việc vận dụng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải ghi rõ danh mục các vị trí cần điều chỉnh, định kỳ luân chuyển cán bộ hay các đối tượng nào cần áp dụng. Cụ thể như cấp trưởng, cấp phó và cả đối với cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị cần áp dụng không đưa người thân ruột thịt vào nhiệm sở, hoặc phạm vi áp dụng không chỉ dừng ở lĩnh vực tài chính - kế hoạch - ngân sách, mà cần thiết áp dụng ở những lĩnh vực khác, hoặc những khâu mắt xích trong các cơ quan công quyền có liên quan đến lợi ích vật chất...

Đẩy mạnh xây dựng văn hóa công vụ để không có “gia đình là cơ quan, cơ quan là gia đình”, “gia đình trị”, “cả họ làm quan”, “con ông cháu cha”, “cha truyền con nối”… để tránh hiện tượng lạm quyền, chuyên quyền, lộng quyền, độc quyền, tập quyền, tộc quyền. Nếu để tình trạng trên xảy ra thì hậu quả khôn lường đến sự tồn vong của chế độ và mất đi vai trò cầm quyền của Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Họ kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Họ quên rằng đây là việc công chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”(4). Qua đó, bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật, tôn ti trật tự xã hội, công bằng, bình đẳng giữa người với người. Cần phải có chế tài để thực hiện đúng quy định, coi “hồi tỵ” là một biện pháp hữu hiệu và cần thiết trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Định hướng quan trọng là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, pháp luật mang tính chất “hồi tỵ” và cần phải có các biện pháp cụ thể đối với các sự vụ vi phạm có liên quan. Dưới thời Lê Thánh Tông đã xét xử rất nghiêm minh theo đúng pháp luật, tạo ra ý thức nghiên cứu luật và chấp hành quy định pháp luật rất cao; chỉ tính riêng năm 1467 đã xử 30 vụ quan lại tham nhũng (trong đó có 04 thượng thư và 02 đô đốc). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhằm phát hiện những khuyết điểm để uốn nắn, kịp thời sửa chữa. Do đó, hiện nay, trong Luật Phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện về chế tài cụ thể đối với từng tội danh cụ thể. Đặc biệt, cần làm tốt khâu phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; thực hiện đúng nguyên tắc là ở đâu có quyền lực nhà nước thì ở đó phải có kiểm tra, giám sát để thúc đẩy mọi hoạt động diễn ra công minh, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân.

Đề cao vai trò thượng tôn pháp luật, không phân biệt giai cấp, địa vị, thực hiện chế độ nêu gương của người đứng đầu và vận dụng Luật “Hồi tỵ” một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với bối cảnh cụ thể hiện nay. Tránh tuyệt đối hóa Luật “Hồi tỵ” áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù như ngành y học, văn hóa nghệ thuật, học thuật, mỹ thuật… hoặc một số vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng luật có tính chất “hồi tỵ” cần được thực hiện khoa học, kỹ lưỡng, thận trọng, có tính kế thừa thì mới phát huy hết giá trị của “hồi tỵ” phong kiến Việt Nam trong phòng ngừa, chống tham nhũng, tiêu cực ở hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay./.

Chú thích:

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỳ thực lục kỷ nhà Lê, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, t. II, tr. 556.

(2) Lê Văn Hội, “Bài học từ Luật Hồi tỵ trong công tác cán bộ của Đảng hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số 2-2021, tr. 34.

(3) Xem: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/31711/kinh-nghiem-phong%2C-chong-tham-nhung-cua-cac-trieu-dai-phong-kien-viet-nam-qua-nghien-cuu-luat-%E2%80%9Choi-ty%E2%80%9D.aspx, truy cập ngày 11/3/2024.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t. 4, tr. 57.

TS.Lê Trung Kiên
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra