Trả giá đắt vì phát hành trái phiếu trái pháp luật

Thứ tư, 30/10/2024 17:00
(ThanhtraVietNam) - Những năm gần đây, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản có nhiều diễn biến phức tạp, chưa tuân thủ quy định của pháp luật, tiềm ẩn rủi ro cho thị trường khiến nhiều tổ chức, cá nhân phải trả giá đắt.

Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản có nhiều diễn biến phức tạp, chưa tuân thủ quy định, tiềm ẩn rủi ro cho thị trường; hình thức huy động vốn chủ yếu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là phát hành trái phiếu riêng lẻ. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng còn hạn chế; các doanh nghiệp bất động sản là tổ chức phát hành lớn trên thị trường trái phiếu (chỉ sau ngân hàng thương mại) với mức lãi suất phát hành cao, có những thời điểm gần gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng để thu hút các nhà đầu tư.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Theo các Báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam hằng năm của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2020, doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,6%, ngân hàng thương mại chiếm 27,9% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp; năm 2021, doanh nghiệp bất động sản chiếm 35,3%, tổ chức tín dụng chiếm 35% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp; năm 2022, tổ chức tín dụng chiếm 58%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 19,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp; năm 2023, tổ chức tín dụng chiếm 58,3%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Báo cáo số 3768/BTC-QLCS ngày 10/4/2024 của Bộ Tài chính báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” gửi Đoàn giám sát, trong giai đoạn 2015 - 2023 có 330 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước với tổng giá trị phát hành là 726.335,5 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,69 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,15%/năm.

Theo Báo cáo số 926/BC-UBKT15 ngày 26/5/2022 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, “một số doanh nghiệp bất động sản huy động khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao (12-13%/năm, gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng)”.

leftcenterrightdel
 Vụ việc Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 nhà đầu tư, thông qua chiêu lừa bán trái phiếu đã khiến hàng ngàn nhà đầu tư bức xúc. Đến nay, các bị cáo cùng gia đình và pháp nhân liên quan đã phải nộp hoàn trả hơn 8.600 tỉ đồng, đủ khắc phục toàn bộ hậu quả nhưng vẫn không thoát cảnh tù tội. Nguồn ảnh: https://vietstock.vn/

Nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành trái phiếu nhiều đợt, số lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro và các hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thị trường còn thiếu tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; công tác giám sát chưa hiệu quả.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp, phát sinh nhiều đơn thư tố cáo, kiến nghị, tụ tập đông người; nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp không bảo đảm khả năng thanh toán, phải thực hiện đảo nợ.

Một số doanh nghiệp thông qua các công ty có liên quan (hầu hết là doanh nghiệp chưa niêm yết, công ty không phải là công ty đại chúng) đóng vai trò như các công ty được thành lập để phục vụ cho mục đích huy động vốn hoặc cơ cấu lại nợ của công ty mẹ huy động vốn với giá trị lớn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; một số doanh nghiệp phát hành (cho bên mua là tổ chức tín dụng) để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.

Việc chuyển vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp “lòng vòng” qua các doanh nghiệp khác tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, có thể dẫn đến mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư, đặc biệt trong trường hợp dự án đầu tư gặp khó khăn, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển vốn có thể mất khả năng thanh toán đồng thời tạo nên hiệu ứng dây chuyền trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Pháp luật đã quy định về điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và mua bán, chuyển nhượng phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược (đối với trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền). Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng, với các lô trái phiếu có thể tách nhỏ.

Trong thời gian qua, có hiện tượng nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Việc này có cả sự tiếp tay của các tổ chức phân phối trái phiếu, tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.

Có hiện tượng công ty chứng khoán nhận phân phối lại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường sơ cấp cho các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp nhằm tiếp cận nhiều khách hàng, bản chất giống như chào bán ra công chúng nhưng lách luật dưới hình thức phát hành riêng lẻ (Theo Báo cáo số 926/BC-UBKT15 ngày 26/5/2022 của Ủy ban Kinh tế về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp).

Có tình trạng tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư làm cho nhà đầu tư nhầm lẫn về việc các tổ chức này trả nợ thay doanh nghiệp phát hành hoặc xây dựng hồ sơ chào bán trái phiếu và công bố thông tin cho nhà đầu tư dựa trên các thông tin có lợi cho doanh nghiệp phát hành.

leftcenterrightdel
Bà Trương Mỹ Lan đang phải trả giá đắt cho những hành vi vi phạm pháp luật của mình. Ảnh: Tienphong.vn

Đối với những vi phạm, sai phạm liên quan trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản thời gian qua, đã có không ít chủ đầu tư các dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải trả giá đắt và chịu trách nhiệm trước pháp luật vì thực hiện nhiều đợt huy động vốn, trái phiếu vào thị trường bất động sản với số lượng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và các hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những ví dụ điển hình có thể kể ra như vụ việc của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vạn Thịnh Phát,…

Ở góc độ quản lý nhà nước, đối với những tồn tại liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản, Đoàn Giám sát, Quốc hội Khóa XV cho rằng, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách về thuế và nghĩa vụ tài chính khác trong kinh doanh bất động sản; hướng dẫn thực hiện các ưu đãi liên quan đến chính sách tài chính, thuế, tín dụng, phương thức hình thành và tạo lập quỹ đầu tư tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp; hướng dẫn về quản lý tài sản công, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chịu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra