Vướng mắc về xử lý nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thứ sáu, 28/10/2022 16:04
Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng về cơ bản đã đạt được những kết quả nhất định, các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn có nhiều vướng mắc khó khăn, vướng mắc đầu tiên xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương.
leftcenterrightdel
 

Nhiều vướng mắc về xử lý nợ xấu

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội ngày 21/6/2017 từng bước đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được còn có những bất cập như:

 Một là, về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ xấu chưa có quy định cụ thể các phương pháp hướng dẫn, hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam được áp dụng chung để thẩm định giá các loại tài sản mà chưa có quy định cụ thể về thẩm định giá các khoản nợ. Do đó, khi thẩm định giá các khoản nợ xấu, các doanh nghiệp thẩm định giá vận dụng khác nhau, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.

Hai là, về thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, khi khách hàng không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm, chống đối khi tiến hành thu giữ nhưng sự phối hợp các cơ quan chức năng trong một số trường hợp chưa kịp thời dẫn đến việc thu giữ thường không đạt được kết quả. Các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp còn có cách hiểu khác nhau về tài sản tranh chấp, tài sản đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gây khó khăn cho  tổ chức tín dụng khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản.

Ba là, thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, các tổ chức tín dụng phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ. Tuy nhiên, khách hàng thường không hợp tác, vì vậy, các tổ chức tín dụng rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là bởi kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài dẫn đến nguy cơ nợ xấu gia tăng; Nghị quyết số 42/2017/QH14 là Nghị quyết mang tính thí điểm các chính sách mới nên trong quá trình áp dụng không tránh khỏi những lúng túng, chưa thống nhất. Bên cạnh đó, một số cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương chưa tích cực hỗ trợ việc bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng. Còn một số tổ chức tín dụng chưa chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan Công an, Tòa án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất khi áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14. Việc áp dụng một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14  và quy định của pháp luật chuyên ngành còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc áp dụng đôi khi chưa thống nhất, hiệu quả thực thi chưa cao, vướng mắc chủ yếu như việc áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết chưa đạt hiệu quả; một số nội dung tại Nghị quyết chưa được hướng dẫn đầy đủ (như phương pháp thẩm định giá với các khoản nợ, trường hợp trên hoặc trong tài sản bị thu giữ có các tài sản khác của bên bảo đảm hoặc bên thứ ba, nội hàm quy định về “tài sản tranh chấp trong vụ án” tại Điều 7 hoặc “không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” tại Điều 14 của Nghị quyết); khó triển khai như điều kiện, hồ sơ áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án; hoặc chưa thống nhất như thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; ngoài ra, có một số vấn đề cần thiết trong thực tiễn để thúc đẩy xử lý nợ xấu nhưng chưa được quy định trong Nghị quyết như chủ thể được thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng, hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính.

Giải pháp tăng cường xử lý nợ xấu trong thời gian tới

Việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14  của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển nhất định. Kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu, từ khi có hiệu lực thi hành, Nghị quyết đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các Tổ chức tín dụng; đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế . . Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, với tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng dự báo sẽ gia tăng Ngân hàng nhà nước cần có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản này.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường tiền tệ thế giới nhằm bảo đảm nguồn vốn được khơi thông; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tính minh bạch, nâng cao khả năng quản trị điều hành, quản trị rủi ro, tăng cường năng lực tài chính nhằm bảo đảm các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về an toàn vốn và quản trị vốn; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ xấu đến đối tượng khách hàng và các bên liên quan trong công tác xử lý nợ có ý thức và chủ động thực hiện. Đồng thời, cần thống nhất cách hiểu, cách áp dụng của các bộ, ngành, địa phương đối với các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả trong thời gian gia hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023 nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại./.
Phạm Hương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra