|
|
TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Ảnh: K. Dung |
Thiếu cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội.
TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, chúng ta đang thiếu cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập (KSTSTN) của toàn xã hội.
Hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung KSTSTN của người có chức vụ quyền hạn trong khu vực công mà chưa có nhiều công cụ KSTSTN của toàn xã hội. Các quy định hiện nay cũng chỉ buộc người kê khai phải kê khai TSTN của bản thân, của vợ (hoặc chồng mình) và con chưa thành niên.
Đây sẽ có một lỗ hồng rất lớn cho sự không trung thực cũng như tạo ra rào cản mà cơ quan tiến hành xác minh không thể vượt qua được: Đó là việc tài sản của người kê khai mang tên người không có nghĩa vụ kê khai, ví dụ một ngôi nhà, một miếng đất mang tên của con người kê khai đã thành niên hoặc thậm chí là một người họ hàng thân quen nào đó của người kê khai.
Những người này không thuộc đối tượng KSTSTN nên cơ quan tiến hành xác minh không có bất cứ quyền hạn gì đối với những người này. Tương tự như vậy là những tài sản (tiền, vàng, kim cương, cây cảnh...) mà người phải kê khai nhờ người khác cất giữ, cơ quan tiến hành xác minh cũng không có cách nào “động” đến được.
Những trường hợp nêu trên chỉ có thể được làm rõ khi những tài sản đó được coi là liên quan đến các vụ án hình sự và phải được tiến hành bởi cơ quan tố tụng hình sự. Đây là vấn đề rất lớn và có thể coi là khó khăn chính của công cuộc KSTSTN.
Giải quyết vấn đề này cần các giải pháp đột phá, đồng bộ, từ việc tăng cường kiểm soát thu nhập bằng công cụ thuế, việc bắt buộc thanh toán qua tài khoản đối với các giao dịch, đến việc kiểm soát chi tiêu tiền mặt, bắt buộc đăng ký tài sản, chuyển tên chính chủ..., đặc biệt là việc tăng cường các biện pháp chống rửa tiền...
|
|
TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chia sẻ quan điểm tại Hội thảo đánh giá công tác PCTN tại Việt Nam theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, ngày 06/12/2024. Ảnh: K. Dung |
Thiếu đồng bộ giữa các quy định
Công tác KSTSTN nói chung và xác minh TSTN nói riêng tại nước ta đang được thực hiện đồng thời theo hai cơ chế: Quy định của pháp luật và quy định của Đảng theo phân cấp quản lý cán bộ trong khi tuyệt đại đa số đối tượng phải kê khai TSTN là đảng viên - dẫn đến sự thiếu đồng bộ giữa các quy định.
Trên thực tế thì Quy chế 56 (theo Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập) không chỉ là quy chế “phối hợp” mà còn xác định lại đối tượng và cơ quan KSTSTN do cấp ủy quản lý với số lượng khá đông đảo.
Việc xác minh TSTN cũng không thực hiện hoàn toàn như quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 mà nó được kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Các quy định pháp luật về công khai, minh bạch trong KSTSTN có thể gây ra khó khăn cho quá trình thực hiên KSTSTN đối với đảng viên. Quy định hiện hành cũng chưa xác lập cơ chế cụ thể KSTSTN đối với đảng viên là cán bộ có chức vụ, quyền hạn ở các cấp.
Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tham mưu Bộ Chính trị xây dựng, quy định về "Cơ chế KSTSTN đối với đảng viên là cán bộ thuộc diên Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đây có thể là căn cứ để cơ quan KSTSTN thực hiện KSTSTN đối với đối tượng thuộc diên cấp ủy quản lý.
Quy chế 56 quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan kiểm soát TSTN là ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên tỏ ra chưa phù hợp với thực tế. Do vậy, phương pháp, cách thức tiến hành xác minh TSTN giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thống nhất.
TS. Nguyễn Quốc Văn nhận định, hiện nay, việc tổ chức xác minh, kết luận về TSTN của các đối tượng thuộc quyền quản lý của các cấp ủy Đảng ở Trung ương và địa phương chưa được quy định rõ, thống nhất nhằm bảo đảm tính thực tế - khả thi, khách quan, minh bạch, trách nhiệm giải trình, phòng, chống xung đột lợi ích và phục vụ được đồng thời sự giám sát, kiểm soát của Nhà nước và Nhân dân đối với việc thực hiện các quyền về tài sản của nhóm đối tượng hết sức quan trọng này.
Do đó, việc nghiên cứu nhất thể hóa và minh định về KSTSTN trong các văn bản pháp luật nhằm tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động trên thực tế là hết sức cần thiết, phù với nguyên tắc hiến định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Thiếu hạ tầng, nguồn lực thực hiện xác minh TSTN
Hiện nay, ở nước ta chưa có mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách KSTSTN. Các cơ quan KSTSTN cơ bản đang sử dụng cán bộ kiêm nhiệm (do không được bổ sung biên chế), thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ KSTSTN, đặc biệt là nghiệp vụ xác minh TSTN.
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về KSTSTN và ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu từ các cơ quan đặc thù trong việc kê khai, kiểm soát kê khai TSTN còn chậm, các dữ liệu, thông tin về bản kê khai TSTN còn rời rạc, manh mún, chưa có tính hệ thống.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và nguồn kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế...
Để giải quyết tồn tại cần đẩy nhanh thực hiện đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về KSTSTN; xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Ban Tổ chức Trung ương về KSTSTN; tăng cường ứng dụng công nghệ; bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ...).
Thiết lập, vận hành hệ thống KSTSTN toàn xã hội bằng hệ thống kết nối các công cụ thuế, quản lý tài sản, quản lý, giám sát các khoản chí lớn, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, vận hành phần mềm giám sát, cảnh báo, phát hiện./.
K. Dung (tổng hợp)