Thanh tra Chính phủ:

Xác minh tài sản, thu nhập phải bảo đảm công tâm, khách quan, đúng quy định

Thứ sáu, 05/04/2024 13:12
(ThanhtraVietNam) - Hoạt động xác minh tài sản thu nhập là công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhưng nó chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được thực hiện công tâm, khách quan, minh bạch và công khai.

Kiểm soát tài sản, thu nhập góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sáng ngày 05/4, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức bốc thăm xác định danh sách cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập năm 2024, kết quả đã xác định được 13 cán bộ, công chức của 04 đơn vị: Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I) 04 người; Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II) 03 người; Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III) 03 người và Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra 02 người.

Trước đó, 04 đơn vị nêu trên được xác định vào ngày 06/3 do TTCP tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên. Đây là kết quả của việc triển khai Nghị quyết của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ tại Thông báo số 232 - TB/BCSĐ ngày 30/1/2024, do Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV) chủ trì.

Đây cũng là năm thứ 3 cơ quan TTCP tổ chức theo hình thức bốc thăm để xác định đối tượng xác minh tài sản, thu nhập nhằm đánh giá chính xác, trung thực rõ ràng của bản kê khai và nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền kiểm soát.

leftcenterrightdel
Ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục IV, Thanh tra Chính phủ chủ trì buổi bốc thăm. 

Theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền quản lý.

Trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo, với cách làm quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” đã đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Thì việc kiểm soát tài sản, thu nhập thông qua hoạt động xác minh được xem là giải pháp quan trọng, phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Công tác xác minh, làm rõ được thực hiện công khai, minh bạch sẽ bảo vệ được những cán bộ làm đúng, trong sạch, “cây ngay không sợ chết đứng”, đồng thời phát hiện xử lý nghiêm đối với những trường hợp kê khai không trung thực hay cố tình che giấu tài sản bất minh do tham nhũng, tiêu cực mà có.

Có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, thống nhất, với quyết tâm chính trị rất cao, hành động quyết liệt và giải pháp hiệu quả. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 cho thấy, từ 8/2/2022 đến ngày 30/4/2023, có hơn 13.000 người đã được xác minh tài sản, thu nhập.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Viết Thạch, Phó Cục trưởng Cục IV, Thanh tra Chính phủ phát biểu khai mạc.  

Trong đó, 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Những người này bị kỷ luật bằng các hình thức như xóa tên khỏi danh sách ứng cử, cảnh cáo, cách chức…

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, báo cáo cho thấy năm 2023 có 39 người đứng đầu và cấp phó bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Con số này tăng 105,2% so với năm 2022.

Rõ ràng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, kể cả đối tượng là lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương.

Gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau... bị xem xét, xử lý kỷ luật vì kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Hay tại tỉnh Bạc Liêu, qua công tác xác minh tài sản, thu nhập ngẫu nhiên với 7 trường hợp, cơ quan chức năng đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 2 trường hợp, xử lý kỷ luật 2 trường hợp. 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi bốc thăm.

Trên hết vẫn là ý thức, trách nhiệm của cán bộ thuộc diện phải kê khai

Quay trở lại hoạt động bốc thăm vừa được TTCP phủ tiến hành, dư luận quan tâm vì sao lại chọn hình thức “bốc thăm” mà không phải hình thức nào khác? Lý giải cho điều này, TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, theo Nghị định 130/2020/NĐ- CP, việc phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của tỉnh, thành phố. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Về hình thức lựa chọn, người cần xác minh được lựa chọn ngẫu nhiên và công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Tuy nhiên, do việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn đang được thực hiện nên Thanh tra Chính phủ sử dụng hình thức bốc thăm.

leftcenterrightdel
TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. 

Số lượng cơ quan, số lượng người hay hình thức lựa chọn đã được quy định hóa, nhưng vấn đề đặt ra là, việc bốc thăm hay lựa chọn ngẫu nhiên một số cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập có phải là giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn hay không?

Việc này có thể dẫn đến không khách quan trong việc chọn người có nghĩa vụ kê khai để xác minh tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, nếu tại địa phương mà số người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện lựa chọn ngẫu nhiên tương đối lớn thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ khó đủ khả năng để tổ chức thực hiện.

“Thông thường, khi thấy có căn cứ về việc cán bộ kê khai không trung thực, hoặc có tố cáo, có dấu hiệu bất minh về tài sản hay do yêu cầu của công tác cán bộ, việc xác minh tài sản là đương nhiên. Tuy nhiên, quan điểm của tôi, bốc thăm là để tăng thêm tính khách quan, công bằng và nâng cao tính tự giác của người kê khai, ngay cả khi không có lý do gì vẫn có thể bị xác minh”, ông Minh nói.

Qua theo dõi công tác xác minh tài sản đã được tiến hành, thì có thể thấy rằng việc xác minh tài sản, thu nhập thông qua việc lựa chọn ngẫu nhiên chủ yếu dựa trên Bản kê khai, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Với chế tài xử lý hành vi vi phạm khá nghiêm khắc như hiện nay thì người có nghĩa vụ kê khai không dám hoặc không muốn kê khai không trung thực hoặc giấu giếm tài sản, thu nhập.

Do đó, đối với tài sản được hình thành một cách hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng và không liên quan đến tham nhũng thì người có nghĩa vụ kê khai sẵn sàng kê khai trung thực, không dám vi phạm.

Ở chiều ngược lại, đối với tài sản bất minh có được do tham nhũng, tiêu cực thì sẽ luôn tìm cách che giấu bằng cách để người thân, họ hàng, bạn bè giữ hộ hoặc đứng tên quyền sở hữu. Khi đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu chỉ xác minh dựa trên Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thì khó có thể phát hiện sự không trung thực hoặc tài sản bất minh của người đó.

leftcenterrightdel
Quá trình bốc thăm công tâm, khách quan, minh bạch và công khai.  

Như vậy, theo tác giả bài viết, để phát hiện tài sản bất minh và không trung thực trong các Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, ngoài việc lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập thì cần phải đa dạng các hình thức công khai, minh bạch đối với Bản kê khai tài sản, thu nhập.

Và để hoạt động quan trọng này tránh hình thức mà đi vào thực chất, hiệu quả là một công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần thiết có những cuộc xác minh "ngẫu nhiên", “bất ngờ” để nâng cao tính tự giác, trung thực khi kê khai tài sản. Những trên hết, từ hoạt động bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập này, mỗi cán bộ thuộc diện kê khai phải tự giác, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm, tự soi xét, đánh giá lại bản thân xem việc kê khai đã tuân thủ đúng quy định? có còn gì che giấu hay không?

Cùng với đó, người dân và dư luận cũng cho rằng, trình tự bốc thăm lựa chọn cán bộ được xác minh kê khai tài sản cần được thực hiện công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi để người dân được biết. Mấu chốt là, kết quả xác minh cũng phải được công khai song song với thực hiện biện pháp xử lý nghiêm sai phạm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng tính răn đe với cán bộ nói chung./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra