Xây dựng văn hóa phê bình trong Đảng hiện nay

Thứ tư, 13/07/2022 18:05
(ThanhtraVietNam) - Văn hóa phê bình trong Đảng là hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thông qua sinh hoạt đảng, trên tinh thần xây dựng, khách quan, trung thực góp ý phê bình tổ chức đảng, đảng viên, giúp tổ chức đảng, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm yếu kém, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trên cả 5 mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Xây dựng văn hóa phê bình trong Đảng có nhiều nội dung, nhiệm vụ, trong đó trên hết và trước hết là vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên. Bởi lẽ, tính tiên phong là tính chất nhất thiết phải có ở một Đảng Cộng sản nhất là khi đảng đó là đảng cầm quyền. Vai trò tiên phong của Đảng được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ nhận thức, giác ngộ, hiểu biết sâu sắc về lý luận, thực tiễn, tổ chức lực lượng quần chúng đông đảo, đưa họ vào con đường đấu tranh giải phóng con người, đến tiên phong trong hoạt động chính trị, lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và không thể thiếu vai trò tiên phong trong lĩnh vực văn hóa - trong đó có văn hóa phê bình trong Đảng.

leftcenterrightdel

Khi tiến hành phê bình phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, làm rõ đúng, sai, ưu, khuyết điểm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình, “phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt”(1), “nói cái xấu phải nói cả cái tốt. Nếu chỉ chuyên nói cái xấu là lệch”(2), phê bình việc chứ không phải phê bình người. Văn hóa phê bình trong Đảng thể hiện khi phê bình phải thật thà, khách quan, trung thực, không “tô hồng, bôi đen” đối tượng, phải nói cả ưu điểm và khuyết điểm. “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(3). Phê bình phải thành khẩn, không mỉa mai, nói xấu. Bác Hồ chỉ dẫn “Thấy cái xấu của người mà không phê bình là một khuyết điểm rất to. Không phê bình, tức là để cho cái xấu của người ta phát triển”(4). Động cơ, phương pháp phê bình phải trong sáng, chân thành, thấm đượm tính nhân văn, thể hiện tính chất công tác đảng. Khi phê bình phải giữ vững nguyên tắc, chú ý khía cạnh tâm lý, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành bởi nó dễ gây tổn thương đến lòng tự trọng, tự ái của cán bộ, đảng viên. Cần khắc phục phê bình qua loa, làm lướt, hình thức, chiếu lệ, nể nang cũng như lợi dụng phê bình để “đấu đá”, trù dập lẫn nhau với những động cơ không trong sáng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình hoặc vu cáo mà thiếu đi sự cởi mở, chân thành và tình thương yêu đồng chí sâu sắc.

Để xây dựng văn hóa phê bình trong Đảng hiện nay, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phải nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phê bình, văn hóa phê bình là giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng thấy và sửa chữa những khuyết điểm, làm cho tốt hơn, đúng hơn; để mọi người học ưu điểm của nhau, cùng giúp nhau tiến bộ, phải xây dựng động cơ trong sáng ở mỗi câu nói, việc làm, trong sinh hoạt cũng như cuộc sống thường ngày. Văn hóa phê bình có vai trò hết sức quan trọng là xây dựng mối đoàn kết, tăng cường sức mạnh trong Đảng.

Thứ hai, phương pháp phê bình phải trên tinh thần “xây” đi đôi với “chống”. Trong đó “xây” chính là mỗi đảng viên phải phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, xây dựng tập thể nơi mình công tác vững mạnh, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, sự đoàn kết trong tổ chức. “Chống” là chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, chống thói “quan cách mạng”, vô tổ chức, vô kỷ luật, mất đoàn kết. Thẳng thắn nêu ưu điểm, khuyết điểm của đồng chí với tình thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Cần phải có thái độ phê bình nghiêm túc, quyết liệt trước những biểu hiện tiêu cực của tổ chức đảng và đảng viên. Việc phê bình phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì, bởi nếu không làm thường xuyên thì khuyết điểm ngày càng tăng, tích tụ ngày càng nhiều, ưu điểm cũng không được phát huy. Có trách nhiệm giúp đỡ đồng chí mình sửa chữa khuyết điểm với thái độ đúng, chân thành, đồng thời kiên quyết ngăn chặn sự tái diễn một cách có ý thức, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc sinh hoạt đảng của người đảng viên.

Thứ ba, coi ý thức, thái độ trong phê bình là tiêu chí quan trọng để đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Sự giác ngộ, tính tự giác, tiền phong, gương mẫu là một thuộc tính đặc trưng, bản chất của người đảng viên. Thái độ đúng đắn, sự trung thực, tự giác, gương mẫu trong phê bình cũng là một yêu cầu, tiêu chuẩn của người đảng viên. Chính vì vậy, những phẩm chất đó cần được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại đảng viên và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Thứ tư, có biện pháp cụ thể, kịp thời để khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình. Mục đích của tự phê bình và phê bình là phát huy ưu điểm, đồng thời nhận rõ hạn chế, sai lầm, khuyết điểm và từ đó tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa. Hiệu quả của tự phê bình và phê bình thể hiện chủ yếu ở chỗ những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm nhận rõ mức độ, tính chất, ảnh hưởng của các sai lầm, khuyết điểm đó và kiên quyết sửa chữa, tự giác phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tập thể cơ quan, đơn vị tăng cường đoàn kết, thống nhất cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức sau khi thực hiện phê bình. Đối với những trường hợp mắc sai lầm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải kịp thời xử lý một cách thấu tình, đạt lý.

Thứ năm, người đứng đầu phải gương mẫu tự phê bình và khuyến khích người khác phê bình mình để tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, tạo chỗ dựa cho đảng viên tự phê bình và phê bình có hiệu quả. Khi tiến hành phê bình tuyệt đối tránh thái độ quy chụp, trù dập, độc đoán, chuyên quyền. Đối với các đảng viên khi phê bình người đứng đầu thì cần phải thẳng thắn, trung thực, không bao che. Người đứng đầu phải luôn lắng nghe ý kiến góp ý cho mình một cách chân thành, cởi mở và nếu có khuyết điểm thì phải nghiêm túc tiếp thu và sửa chữa. Người đứng đầu phải kiểm điểm nội dung về mối quan hệ với quần chúng, lắng nghe ý kiến góp ý, phê bình của nhân dân. Bởi tự phê bình và phê bình không phải là đặc quyền của riêng một cá nhân nào, mà là quyền lợi, nghĩa vụ, là đặc trưng phẩm chất cao quý của tất cả những người cách mạng chân chính./.

Chú thích:

(1); (3); (4)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.232, 224

(2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.221

 

 

 

 

 

 

Ths. Nguyễn Thị Ngọc Cảnh
Học viện Chính trị khu vực III
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra